Tỉnh Quảng Ninh xây dựng và nâng tầm chất lượng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị
TCCS - Với việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chuyển dịch theo hướng chuỗi giá trị. Tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, cung ứng hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối trong nước, ngoài nước nhằm nâng tầm thương hiệu và chất lượng sản phẩm OCOP địa phương.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương
Chương trình OCOP kể từ khi được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 189 đơn vị, tổ chức kinh tế và có gần 500 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó, 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP. Mới đây, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2-9, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức thành công Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại lớn với quy mô trên 250 gian hàng, 1.350 mặt hàng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm. Hội chợ là hoạt động cụ thể xây dựng thương hiệu địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ của tỉnh, đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh hội nhập với các nước trong khu vực. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có chất lượng tốt được quảng bá rộng rãi, qua đó, hình thành sản phẩm OCOP thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Nhóm hàng có lượng tiêu thụ lớn là thực phẩm, thảo dược và đồ uống đặc trưng của Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như Hà Nội, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La...
Các hội chợ OCOP diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn tạo cầu nối cho các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, đẩy mạnh cung ứng, tiêu thụ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và một số sàn thương mại điện tử trong nước khác. Đồng thời, được kết nối với một số đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng thương mại điện tử như ngân hàng thương mại với hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử và dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Tháo gỡ khó khăn, nâng tầm sản phẩm
Để nâng tầm chất lượng, khẳng định thương hiệu OCOP, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, hướng tới sản phẩm 5 sao. Đây được xem là động lực đem lại ổn định sản xuất, giúp doanh nghiệp định hướng, vươn mình khắc phục những điểm yếu, củng cố thêm những thế mạnh vốn có.
Là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, thị xã Đông Triều có thế mạnh trong phát triển các sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Thị xã xây dựng được 5 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực, gồm na dai, vải thiều, cam Canh, bưởi Diễn, gạo nếp cái hoa vàng. Đặc biệt, gốm sứ mỹ nghệ trở thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Năm 2022, thị xã phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; 100% sản phẩm được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc theo quy định; 50% đơn vị kinh tế OCOP trở lên tham gia các hội chợ của tỉnh, thị xã gắn với tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Bình Liêu cũng đang tập trung nhiều nguồn lực để nâng tầm, phát triển chiều sâu cho sản phẩm OCOP của địa phương và thúc đẩy sản phẩm OCOP chủ lực, hướng tới tiêu chuẩn 5 sao. Là sản phẩm truyền thống, miến dong Bình Liêu được coi là sản phẩm thế mạnh, chủ lực, có lượng tiêu thụ lớn, mang lại doanh thu trung bình khoảng 56 tỷ đồng/năm cho địa phương. Sản phẩm này cũng đã được phê duyệt trong danh mục sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, sản phẩm miến dong của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu được công nhận là sản phẩm 4 sao, đạt tiêu chuẩn, được xác định là sản phẩm chủ lực, định hướng nâng cấp thành sản phẩm 5 sao. Hướng tới sản phẩm OCOP 5 sao, thời gian qua, miến dong Bình Liêu đã có nhiều thay đổi trong việc bảo đảm nguồn nguyên liệu, quản lý chất lượng... Trong đó, huyện Bình Liêu đã có chủ trương về liên kết vùng trồng hỗ trợ các đơn vị sản xuất, các đơn vị sản xuất đã thực hiện cam kết kết nối vùng nguyên liệu, vùng trồng dong riềng từ năm 2021.
Thành phố Cẩm Phả có nhiều thay đổi trong phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Từ năm 2017 đến nay, số doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP của thành phố đã tăng với trên 10 đơn vị; trong đó, không ít đơn vị có sự đầu tư lớn, bài bản. Nhờ vậy, số lượng sản phẩm OCOP đã khẳng định chất lượng, thương hiệu của thành phố cũng tăng. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong khai thác, phát triển sản phẩm hải sản mát dựa trên công nghệ tiên tiến, nhờ đầu tư bài bản trên cơ sở định hướng tạo ra các sản phẩm chất lượng từ nguồn nguyên liệu địa phương, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Green Aquatech (phường Quang Hanh) đã tiếp cận được nhiều thị trường lớn. Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (xã Cộng Hòa) liên tục có sự nâng cấp, đầu tư cho các sản phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng. Với trang thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại cùng việc xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ, đáp ứng yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt, các sản phẩm của công ty đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Cùng với phát triển sản phẩm, thành phố Cẩm Phả cũng quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các đơn vị tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ. Trong đó, có việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường địa phương rộng lớn. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP dần khẳng định được thương hiệu, đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi tiêu thụ lớn trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu tới các thị trường khó tính hơn.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh phát triển mới ít nhất trên 50 sản phẩm; đánh giá phân hạng thêm từ 70 - 100 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao, phấn đấu có 2 - 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; phát triển mới ít nhất 15 đơn vị kinh tế tham gia chương trình. Trong tình hình hiện nay, để bắt kịp xu hướng phát triển chung, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chuyên môn thúc đẩy thương mại điện tử. Trong đó, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh cũng như quảng bá tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, xây dựng website giới thiệu sản phẩm./.
Huyện Tiên Yên khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn  (10/09/2022)
Huyện Hải Hà: Nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ hấp dẫn du khách  (09/09/2022)
Thành phố Móng Cái tích cực nâng cao giá trị ngành thủy sản  (08/09/2022)
Thành phố Uông Bí chung tay xây dựng nông thôn mới  (07/09/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay