TCCS - Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu với trên 5,25 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký), đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại của người dân. Mới đây, Chính phủ đã quyết định nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô; còn xe máy - loại phương tiện chiếm hơn 80% lượng khí thải từ xe cơ giới ra môi trường lại vẫn ngoài vòng kiểm soát. Đây thực sự là bài toán không dễ giải cho vấn đề môi trường đối với chính quyền Hà Nội.
Hệ lụy từ phát thải xe máy
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 70% - 90% ô nhiễm không khí tại đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do các hoạt động giao thông vận tải. Trong đó, xe máy chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô cácbon (HC), 87% cácbon ôxít (CO), 57% ôxít nitơ (NOx). Những khí này, khi ra môi trường sẽ làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Đối với động cơ diesel gây ra bụi, khi hít vào sẽ gây độc hại cho phổi và có nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch. Mặt khác, nếu các phương tiện vận hành bình thường, lượng khí phát thải ra môi trường sẽ ổn định theo mức độ cho phép nhưng khi người điều khiển phương tiện thường xuyên tăng ga hay khởi động lại máy thì lượng khí phát thải ra môi trường sẽ tăng lên. Vì thế, khi lưu lượng ô tô, xe máy tham gia giao đông, nhất là vào thời điểm nắng nóng hay trời nồm, chất lượng không khí kém đi - chỉ số AQI (thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) ở mức rất cao, thậm chí ở mức độ “báo động đỏ”. Trong khu vực nội thành Hà Nội có nhiều ngày trong năm, chỉ số AQI đều ở mức độ báo động màu cam. Cùng với đó, nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) có ngày vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới.
Được biết, với mục tiêu tổng quát là kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2, ngày 17-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Trong đó, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Giai đoạn từ năm 2010 - 2013 phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải. Giai đoạn từ năm 2013 - 2015 thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% - 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy… Thế nhưng Đề án này đã bị “vỡ” kế hoạch. Mới đây, ngày 28-3-2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 16/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; có hiệu lực từ ngày 15-5-2019. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản, đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế phát thải từ ô tô, xe máy.
Như vậy, các quy định về kiểm soát khí thải đối với xe ô tô, xe máy đã có lộ trình thực hiện nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa kiểm soát được do thiếu giải pháp thực hiện phù hợp. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã đưa ra lộ trình kiểm soát khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông nhưng đến nay, lộ trình này vẫn chưa triển khai được. Đáng nói, chúng ta vẫn còn thiếu giải pháp hạn chế xe máy - phương tiện chính gây ra nguồn thải ô nhiễm môi trường.
Hà Nội cần quyết liệt hơn
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp để bảo đảm môi trường, cải thiện chất lượng không khí, như đầu tư nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại; số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24 giờ; hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh và lại đang tiếp tục trồng hơn 600 cây xanh; hỗ trợ người dân giảm sử dụng than tổ ong, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng than tổ ong để hạn chế nguồn gây ô nhiễm; tăng phí trông giữ xe; thay thế xăng khoáng RON92 bằng sinh học E5, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn có nguy cơ gia tăng. Đặc biệt, đến nay, Hà Nội cũng chưa có giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế lượng xe máy, xe ô tô vào trung tâm thành phố nên vấn đề kiểm soát khí thải từ các phương tiện cơ giới nhằm cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường thành phố vẫn là bài toán nan giải.
Theo tài liệu khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức, cơ quan chức năng cho thấy, xe máy được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất trong các phương tiện cơ giới hiện nay, đồng thời là nguyên nhân chính gây ách tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng đã nhiều năm nay, các chính sách “động” tới xe máy đều vấp phải sự phản ứng của đa số người dân, thất bại ngay từ đề án do đây là phương tiện liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát rất nhạy cảm, phức tạp.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Hợp, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ và thực hiện quyết liệt hơn nữa. Về hạn chế và giảm nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, Hà Nội cần áp dụng biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô, nhất là giờ cao điểm.
“Tôi được biết, hiện nay, Hà Nội đang xây dựng, hoàn thiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó có nội dung thu phí vào nội đô. Cá nhân tôi ủng hộ Đề án này và trên thực tế đã có một số nước áp dụng như Singapore chẳng hạn. Nhưng cần lưu ý, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, theo tôi, cần tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng. Nếu hệ thống giao thông công cộng thuận lợi, văn minh, hiện đại, chạy đúng giờ, xe đến được các khu dân cư, người dân sẽ tham gia và lúc đó phương tiện cá nhân chắc chắn sẽ giảm”, ông Lê Văn Hợp nhấn mạnh./.
Theo Quyết định số 16/QĐ-TTg, ngày 28-3-2019, lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô chạy trên đường, đối với ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn Euro 1 (Mức 1); ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén sản xuất từ năm 1999 - 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1-1-2021; ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1-1-2020. Đối với ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, áp dụng Mức 4 kể từ ngày 28-3-2019.
Giải bài toán ô nhiễm không khí cho Hà Nội  (16/10/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên