Xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý
TCCS - Trong suốt chặng đường 72 năm xây dựng và phát triển, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, các thế hệ cán bộ tòa án luôn đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, thẩm phán đã quyết định hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ của tòa án nhân dân các cấp. Chính vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án luôn được Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao qua các thời kỳ quan tâm, chú trọng.
Ngay sau khi Cánh mạng Tháng Tám thành công, tòa án là một trong những cơ quan nhà nước được hình thành sớm nhất - xuất phát từ nhu cầu chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố và xây dựng chính quyền nhân dân. Trước khi Hiến pháp năm 1946 được thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C-SL, ngày 13-9-1945, thành lập hệ thống tòa án ở nước ta. Với chức năng nhân danh Nhà nước tiến hành các hoạt động xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quá trình phát triển của hệ thống tòa án đã gắn liền với quá trình hoàn thiện và củng cố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động xét xử của tòa án - trung tâm của hoạt động tư pháp, nơi thể hiện nền công lý, sự đối xử công bằng trong tất cả các mối quan hệ - là một trong những hoạt động biểu hiện tập trung, cụ thể nhất của thực thi quyền lực tư pháp đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.
Với tư tưởng xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, thẩm phán theo hướng toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất, năng lực thực tiễn trên nguyên tắc coi trọng cả “đức” và “tài”, “đức” là gốc, yêu cầu đặt ra là chất lượng cán bộ, thẩm phán phải trên cơ sở thống nhất tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, vững vàng về bản lĩnh chính trị và giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý, quyền con người. Theo đó, công tác cán bộ trong hệ thống tòa án luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành; thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác này trong từng giai đoạn; tuân thủ triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ; bảo đảm tính toàn diện trên tất cả các phương diện, từ chủ trương, cơ chế, chính sách đến tổ chức quản lý; đồng thời, được tiến hành đồng bộ trên tất cả các khâu, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, phân công, phân cấp quản lý. Đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án các cấp, về cơ bản, thường xuyên được đào tạo để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử. Đa số cán bộ, thẩm phán tòa án các cấp đều có lập trường tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ, năng lực; tâm huyết với ngành, với nghề và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trong thời kỳ đổi mới, cùng với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tăng cường nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò, vị trí của tòa án trong hệ thống bộ máy nhà nước ngày càng được khẳng định qua việc thực hiện tốt nhiệm vụ khi thẩm quyền được thay đổi, mở rộng để đáp ứng điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (thành lập Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động tại Tòa án Nhân dân tối cao và tại các tòa án nhân dân cấp tỉnh; tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện). Chế độ bầu thẩm phán trước đây đã được thay thế bằng chế độ bổ nhiệm nhằm tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán... Chất lượng hoạt động của tòa án các cấp đã được nâng lên một bước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó xác định “Tòa án là trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm”, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tòa án trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-01-2002, của Bộ Chính trị, “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” là vô cùng cấp thiết. Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các tòa án nhân dân, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao đã chỉ đạo rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức tòa án các cấp, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán về các tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, kinh nghiệm xã hội và thực tiễn công tác, nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.
Các tòa án đã đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, thẩm phán các cấp để bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý; xác định lại nhu cầu biên chế của từng đơn vị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh tế, xã hội... để xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán vừa “hồng”, vừa “chuyên”, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ. Việc tuyển dụng cán bộ, công chức tòa án được thực hiện thông qua thi tuyển; cán bộ được tuyển dụng làm thư ký tòa án - nguồn cán bộ để bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án các cấp - phải có bằng cử nhân luật hệ chính quy. Thủ tục xem xét và bổ nhiệm thẩm phán và cán bộ có chức danh tư pháp của tòa án nhân dân được đổi mới, tiến hành kịp thời, bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo tòa án các cấp được kiện toàn, bổ sung, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan tòa án. Công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa tòa án cấp trên và tòa án cấp dưới nhằm tăng cường cán bộ lãnh đạo cho các tòa án được quan tâm thực hiện. Việc điều động cán bộ, biệt phái thẩm phán được đẩy mạnh để tăng cường cho các đơn vị có số lượng án lớn phải giải quyết. Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và hội đồng nhân dân địa phương trong việc chuẩn bị nhân sự để bổ nhiệm, tái bổ nhiệm và kiện toàn lãnh đạo tòa án nhân dân cấp tỉnh. Công tác quy hoạch cán bộ có chức danh tư pháp được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nhằm sử dụng đúng đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự kế cận giữa các thế hệ cán bộ có chức danh tư pháp của các tòa án. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh các yếu kém trong công tác và kiên quyết xử lý nghiêm hoặc thanh lọc những cán bộ, thẩm phán có vi phạm, thoái hóa, biến chất. Hằng năm, các tòa án đều có nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ cán bộ, thẩm phán, xem xét về mức độ, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và ý thức nâng cao bản lĩnh chính trị; có những hình thức khen thưởng, vinh danh xứng đáng đối với những người có thành tích cao trong công tác và xem xét trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm quy chế công tác để có biện pháp xử lý, bảo đảm nâng cao kỷ luật, kỷ cương của ngành.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán được đổi mới và tăng cường, với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phong phú, toàn diện, như kết hợp đào tạo trong nước với đào tạo ở nước ngoài, giữa đào tạo tập trung với tự đào tạo tại đơn vị để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tòa án các cấp. Bảo đảm cán bộ khi được quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc ngạch thẩm phán, công chức cao hơn phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức bổ sung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ở cương vị mới. Cùng với việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, việc bồi dưỡng các kiến thức xã hội, khả năng sử dụng các kỹ thuật tiên tiến và kỹ năng thực hiện công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử luôn được chú trọng. Đặc biệt, việc thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án là bước đột phá trong sự nghiệp đào tạo của hệ thống tòa án nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu theo từng lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; mở ra triển vọng đào tạo nguồn cán bộ, thẩm phán có chất lượng cao cho tòa án các cấp trong tương lai. Bên cạnh đó, nhận thức của bản thân từng cán bộ, thẩm phán trong việc học tập để nâng cao kiến thức phục vụ công việc có sự chuyển biến tích cực, nên trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án các cấp không ngừng được nâng cao. Tính đến ngày 31-7-2017, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở các tòa án nhân dân các cấp có 2 giáo sư, phó giáo sư (chiếm tỷ lệ 0,01%), 30 tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 0,2%), 1.478 thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 10%), 12.612 người có trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 85,25%), 687 người có trình độ dưới đại học (chiếm tỷ lệ 4,64%). Về trình độ lý luận chính trị, trong các tòa án nhân dân có 2.458 người có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 16,6%), 4.167 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 28,16 %). So với thời điểm tháng 6-2005 (trước khi thực hiện cải cách tư pháp), tăng 28 tiến sĩ (93,3%), 1.445 thạc sĩ (97,8 %), 10.485 người có trình độ đại học (83,1%) và 1.942 cán bộ được đào tạo hệ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.
Thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biên chế của tòa án nhân dân, trong những năm qua số lượng thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án đã được thực hiện tương đối đầy đủ, bảo đảm đúng cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn và thủ tục tuyển dụng theo quy định. Tính đến ngày 31-7-2017, hệ thống tòa án có 14.794 người, trong đó có 5.657 thẩm phán, 8.269 thẩm tra viên và thư ký tòa án, 868 chức danh khác. So với năm 2005, số lượng thẩm phán của tòa án các cấp tăng 2.203 người, chiếm tỷ lệ 39%. Đội ngũ thẩm phán cơ bản được đào tạo chính quy về kiến thức pháp luật, đã qua đào tạo nghiệp vụ xét xử và tâm huyết với ngành, tận tuỵ với nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua quá trình đổi mới và thực hiện cải cách tư pháp, tổ chức bộ máy của tòa án các cấp đang được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, công chức tòa án bước đầu được củng cố, kiện toàn; chất lượng xét xử của các tòa án từng bước được nâng lên. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm qua từng năm: giai đoạn 2007 - 2011, tỷ lệ trung bình các bản án, quyết định bị hủy là 0,94%, giai đoạn 2012 - 2016: 0,78%, giảm 0,16%.
Những kết quả đạt được này cho thấy, chủ trương, phương hướng của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tòa án là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống.
Ngày 24-11-2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần Hiến pháp mới; thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của tòa án nhân dân, bảo đảm tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau: 1- Quy định nội dung Hiến định “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp”. Đây là sự thể chế hóa chủ trương đổi mới của Đảng trong quá trình cải cách tư pháp được xác định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-01-2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005, của Bộ Chính trị, với quan điểm tòa án là trung tâm và xét xử là trọng tâm; tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; 2- Quy định tòa án có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ khi giải quyết các vụ án hình sự. Đây là điều kiện để tòa án, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, không bị phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả điều tra trước đó do cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện. Việc giao cho tòa án thẩm quyền này nhằm bảo đảm tòa án là “trung tâm của hoạt động tư pháp”, thể chế hóa yêu cầu đã được đặt ra tại Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị: “xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”; 3- Quy định tiêu chuẩn cao hơn, chặt chẽ hơn đối với thẩm phán, những người quyết định chất lượng của nền tư pháp. Theo đó, muốn được bổ nhiệm mới thẩm phán, ngoài những điều kiện theo quy định hiện hành, phải trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán và do Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia xem xét, tuyển chọn.
Thực hiện quy định về thi tuyển thẩm phán, đến nay Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức thành công 5 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp cho 2.272 người (220 người dự thi nâng ngạch thẩm phán cao cấp, 1.259 người dự thi nâng ngạch thẩm phán trung cấp, 1.045 người dự thi thẩm phán sơ cấp); trình Chủ tịch nước bổ nhiệm 62 thẩm phán cao cấp, 511 thẩm phán trung cấp và 588 thẩm phán sơ cấp thông qua thi tuyển và được Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia xem xét, tuyển chọn.
Những quy định mới trong việc bổ nhiệm thẩm phán đã góp phần lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực sự có đủ đức, đủ tài để đảm nhận chức danh thẩm phán - chức danh có quyền năng pháp lý quan trọng, nhân danh Nhà nước đưa ra các phán quyết đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực quan trọng nhất, như tự do, danh dự, tài sản, nhân thân và cả tính mạng của con người. Đồng thời, những quy định này đã tác động rất lớn đến phong trào tự học, tự rèn luyện, tự đào tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức tòa án các cấp, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia thi tuyển, nâng ngạch thẩm phán, tạo nguồn đội ngũ thẩm phán kế cận có chất lượng cho các tòa án nhân dân.
Trước những yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp đối với công tác xét xử của tòa án các cấp, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thẩm phán, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tòa án các cấp cần tiến hành thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng chuyên sâu (theo loại án, lĩnh vực); rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, thẩm phán để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng phù hợp với năng lực, sở trường. Tòa án nhân dân các cấp tổ chức rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Đối với những người không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, tinh thần trách nhiệm hoặc phẩm chất, cần bố trí vào công việc khác hoặc đưa vào diện cần xem xét khi thực hiện tinh giản biên chế. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, cần lựa chọn, phân loại để đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm hoặc tự tổ chức đào tạo tại cơ quan, đơn vị. Trong điều kiện biên chế không được tăng thêm, các tòa án nhân dân cần rà soát, điều chuyển cán bộ hợp lý giữa các khâu công tác, giữa các đơn vị, tùy theo khối lượng công việc để khắc phục tình hình khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, đề cao kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hệ thống tòa án. Ban Thanh tra Tòa án Nhân dân tối cao, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân tối cao, chánh án các tòa án nhân dân cấp cao, chánh án các tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ; phát hiện sớm và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế nghiệp vụ trong hoạt động của tòa án nói chung và trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án nói riêng theo đúng Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân được ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19-6-2017, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Ba là, xây dựng cơ chế tạo nguồn, tuyển chọn, sử dụng cán bộ, thẩm phán trên cơ sở tiêu chuẩn của từng chức danh gắn với vị trí việc làm của từng đơn vị, tòa án. Các tòa án nhân dân phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, của ngành tòa án về công tác tuyển dụng cán bộ; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, vì đây là công việc liên quan đến sự phát triển trong tương lai của hệ thống tòa án. Làm tốt công tác tuyển dụng sẽ tạo ra một thế hệ cán bộ tốt, tạo nguồn lực phát triển đội ngũ thẩm phán trong sạch, vững mạnh. Xây dựng cơ chế thu hút cán bộ có trình độ; sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, chuyên ngành tòa án loại giỏi về công tác tại các tòa án nhân dân. Có chính sách đặc thù, ưu tiên cho các tòa án địa phương ở vùng sâu, vùng xa - nơi khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng trong công tác tuyển dụng và đào tạo (mở rộng hình thức cử tuyển, tăng cường việc đào tạo tập trung...).
Bốn là, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng theo từng giai đoạn và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm trên cơ sở rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, thẩm phán và các nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Chú trọng việc đào tạo chuyên sâu sau đại học để xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán giỏi trên từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Phối hợp, liên kết với các trường đại học, trung tâm đào tạo khác cùng chuyên ngành để đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo qua hoạt động thực tiễn, như qua các phiên tòa để đúc rút kinh nghiệm, kiến thức...
Năm là, bảo đảm hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân đối với hoạt động tố tụng của tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án. Thực hiện Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật tư pháp mới được Quốc hội thông qua, theo đó, thẩm quyền của tòa án được mở rộng, quyền của các chức danh tư pháp được nâng lên, nhưng đòi hỏi phải nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh của người thẩm phán, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo nguyên lý quyền lực nhà nước phải có sự kiểm soát. Việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử mà hệ thống tòa án vừa tiến hành là một trong những cơ chế hữu hiệu để các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình giám sát đối với hoạt động xét xử của tòa án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường trách nhiệm và kỷ luật của thẩm phán theo tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Vì vậy, lãnh đạo tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Tòa án Nhân dân tối cao để bảo đảm hoạt động công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử tòa án được thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Sáu là, tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ này có ý nghĩa rất quan trọng. Việc bồi dưỡng cần đi vào các nội dung thiết thực đối với từng chức danh công chức; phương pháp bồi dưỡng cần thường xuyên thay đổi, thường xuyên cập nhật để có thể thực hiện được mục tiêu định hướng hành động trong tình hình mới và phải mang tính thống nhất. Vì vậy, lãnh đạo các tòa án nhân dân cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn là một yêu cầu quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp mà Nhà nước ta đang thực hiện. Trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện; tích cực tham gia các cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống tòa án nhân dân với chủ đề “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án nhân dân”, đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án nhân dân các cấp đã không ngừng trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước./.
Hội thảo khoa học “Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước hiện nay - Vấn đề và giải pháp”  (04/12/2017)
Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV  (04/12/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 27-11 đến ngày 03-12-2017)  (04/12/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên