TCCS - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện; theo đó, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.

Chủ trương của Đảng về công tác đào tạo - bồi dưỡng cán bộ

Thực hiện chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công việc huấn luyện cán bộ là “công việc gốc của Đảng”, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học và chất lượng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(1); Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, yêu cầu: “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân; xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý” (2).

Công tác  đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở tỉnh Quảng Ninh

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã chú trọng, quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ công chức trình độ chuyên môn sâu, đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, như mục tiêu đã đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2020 - 2025, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, với mục tiêu trang bị và nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ có đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, có tinh thần tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước

Về đào tạo lý luận chính trị: Công tác này của tỉnh đã nhận được sự quan tâm của Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I trong việc phối hợp, tổ chức đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tại tỉnh và tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ, công chức đi học các lớp cử nhân, cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại các học viện; đồng thời, tỉnh quan tâm cho phép các địa phương chủ động phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cấp phòng của các sở, ban, ngành, huyện, xã của tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã cử đi đào tạo và đào tạo được được hơn 8.000 lượt cán bộ có trình độ lý luận chính trị (trong đó, cử nhân 80 lượt; cao cấp 1.500 lượt; trung cấp 6.000 lượt; sơ cấp 500 lượt)(3).

Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ: Thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tính chuyên nghiệp cao, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, bên cạnh việc đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Quảng Ninh còn quan tâm đến đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) cho đội ngũ cán bộ, công chức. Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã cử đi đào tạo được tổng số 450 lượt cán bộ có trình độ từ đại học trở lên (trong đó, tiến sĩ 35 lượt, thạc sĩ 300 lượt, đại học 115 lượt).

Đồng thời, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, các địa phương, đơn vị đã tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự học tập ngoài giờ hành chính. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ sở đào tạo ở trong nước, như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân mở các lớp đào tạo thạc sĩ tại tỉnh để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa ngạch, bậc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, hằng năm, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn kinh phí nhất định để tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã mở 21 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (trong đó, 1 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp; 10 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính; 10 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên), với tổng số 2.985 lượt cán bộ, công chức (trong đó, chuyên viên cao cấp 111 lượt; chuyên viên chính 1.001 lượt; chuyên viên 1.873 lượt)(4).

Tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 6 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và bồi dưỡng cán bộ nguồn cho 200 cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiệm kỳ 2021 - 2025. Cử 460 lượt cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Xây dựng Đảng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I (trong đó, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức 140 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng 85 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra 120 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo 40 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận 75 lượt). Với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư kinh phí để tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tin học, như bồi dưỡng tiếng Anh cấp độ II, cấp độ III cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; tin học văn phòng, tin học nâng cao cho đội ngũ công chức và viên chức, với tổng số 2.000 lượt (trong đó, ngoại ngữ 500 lượt; tin học 1.500 lượt). Bên cạnh việc bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng quản lý nhà nước, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn từng ngạch công chức và tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng với nhiều nội dung khác nhau cho tổng số 15.000 lượt cán bộ(5).

Tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 tại Học viện Quốc phòng và phối hợp với Hội đồng Giáo dục Quốc phòng - An ninh Quân khu 3, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng 2, 3 và 4.

Trong 5 năm từ năm 2016 đến năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng ở nước ngoài; đồng thời, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của các cơ quan trung ương, tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ, công chức tham gia các chương trình bồi dưỡng và đi đào tạo sau đại học.

Một số hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, cần khắc phục một số khó khăn, hạn chế sau:

Một là, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước

Định mức chi cho công tác đào tạo còn chậm sửa đổi, chưa phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng. Trong các cơ quan hành chính, việc thực hiện cơ chế khoán chi hành chính đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc cử đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng,… Giảng viên kiêm chức phần lớn chưa được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm hay bị động vì công việc chuyên môn; chế độ giảng dạy cho đội ngũ giảng viên kiêm chức đôi lúc chưa có sức lôi cuốn, thuyết phục để họ toàn tâm, toàn ý với công tác giảng dạy.

Một số chương trình bồi dưỡng chưa đáp ứng được thực tiễn đặt ra, còn nặng về lý luận, thiếu thực tế, có sự trùng lặp về nội dung giữa một số chương trình học, gây lãng phí về thời gian và kinh phí đào tạo. Một số giáo trình, nội dung chưa được cập nhật thường xuyên, chưa sát với chính sách mới và nhu cầu thực tiễn ở cơ sở; nội dung bài giảng ở một bộ phận giảng viên chưa sát với từng đối tượng cụ thể, chưa đi sâu vào việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ,....; do vậy, sau đào tạo có tình trạng cán bộ, công chức còn lúng túng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành, giải quyết công vụ.

Hai là, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Hạn chế về nguồn cán bộ, công chức, viên chức cử đi đào tạo trình độ sau đại học, đào tạo biên, phiên dịch do không đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Một số trường đại học của nước ngoài dành học bổng đào tạo sau đại học cho tỉnh Quảng Ninh, nhưng yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ đủ để theo học chương trình, tỉnh không có ứng viên đáp ứng được yêu cầu để theo học (kể cả các chương trình đào tạo sau đại học và bồi dưỡng trung hạn ở nước ngoài do Trung ương tổ chức). Một số ứng viên đủ tiêu chuẩn song không có khả năng trang trải phần kinh phí về ăn ở, đi lại, sinh hoạt phí (tỉnh chỉ cho kinh phí đào tạo)…

Một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.

 Không ngừng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Đảng. Quán triệt và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, “học để làm việc”, “làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”.  Đề cao tinh thần học và tự học, tăng cường nhận thức về trách nhiệm học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với công việc, vị trí việc làm đang đảm nhận.

Thứ hai, xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, khoa học.

Xây dựng Quy định về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức và hội nhập quốc tế. Tỉnh ủy Quảng Ninh xây dựng cơ chế đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc xác định nhu cầu và cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm hiệu quả gắn với yêu cầu công việc; cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học và tự học để đáp ứng yêu cầu trình độ theo quy định, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực làm việc.

Thứ ba, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Nghiên cứu sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô, hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quản lý và có năng lực sư phạm. Có kế hoạch thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cho giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng quy chế quy định trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng, phương pháp và trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ phù hợp với ban, ngành, địa phương. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm các điều kiện dạy và học có chất lượng. Xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh.

Thứ tư, biên soạn mới, nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng.

Quy định các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức về lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng - an ninh, bảo đảm tính hệ thống, tính thứ bậc và sự phù hợp với vị trí công tác. Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước hiện đang sử dụng; tiến hành cập nhật, biên soạn lại (nếu cần thiết) bảo đảm tính khoa học, tính ứng dụng của các chương trình; hạn chế tối thiểu sự trùng lặp. Tổ chức biên soạn các chương trình bồi dưỡng về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường, khuyến khích biên soạn những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu, kỹ năng theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Thứ năm, về hợp tác quốc tế.

Có cơ chế huy động các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín nước ngoài tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với các khóa cập nhật kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nâng cao năng lực hội nhập. Hằng năm, lựa chọn và cử cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tham gia các khóa học ở nước ngoài phù hợp với chức danh và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, như đi du học, du học tại chỗ, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, thực hiện lâu dài, cần có sự phối kết hợp của các cơ sở đào tạo, các địa phương, đơn vị trong tỉnh; do vậy, để đạt được kết quả các cơ quan tham mưu cần phải tổ chức tốt công tác phối hợp và phát huy ý thức trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, khắc phục sự thiếu hụt các kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; cán bộ, công chức tự tin hơn trong công việc, bảo đảm cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới./.

----------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 235 - 236
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII,  Nxb.  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 92 - 93
(3),(4),(5) Báo cáo tổng kết 5 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2016 - 2021 của tỉnh Quảng Ninh