Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

NGUYỄN THỊ NGỌ
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
09:15, ngày 18-07-2022

TCCS - Dân chủ ở cơ sở và thực hành dân chủ ở cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, thực hành dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhận thức chung về dân chủ và thực hành dân chủ

Trong nghiên cứu của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, lý luận về dân chủ chiếm một phần quan trọng, là cơ sở, tiền đề cho các nghiên cứu lý luận về dân chủ sau này. Nghiên cứu, phân tích những quy luật vận động và phát triển chung của xã hội, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ ra rằng, một nền dân chủ thực sự chỉ có thể được thực hiện trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, đó là nền dân chủ của đại đa số nhân dân lao động; chế độ dân chủ là một tất yếu đối với sự phát triển của xã hội. C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Chế độ dân chủ là chân lý của chế độ quân chủ; còn chế độ quân chủ thì không phải là chân lý của chế độ dân chủ… Trong chế độ dân chủ, không có một yếu tố nào của nó lại có một ý nghĩa khác với ý nghĩa thuộc về yếu tố đó. Mỗi yếu tố đều là yếu tố hiện thực của toàn thể dân chúng”(1). Tiếp theo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về dân chủ, V.I. Lê-nin chỉ ra bản chất của dân chủ bao giờ cũng mang tính giai cấp, phục vụ lợi ích của đa số. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân”(2).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa là “dân là chủ”, “dân làm chủ”. Người khẳng định vai trò làm chủ xã hội của nhân dân; Nhà nước ta là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân là “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm(3). Người cũng xác định mục tiêu xây dựng một nhà nước dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và “nhà nước của đại đa số nhân dân”(4).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La_Ảnh: TTXVN

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Đảng ta xác định, dân chủ phải được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được Đảng ta đề cập trong Văn kiện Đại hội VI (năm 1986): “Nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa(5). Tại Đại hội XI, Đảng ta đã có bước phát triển mới trong nhận thức về dân chủ khi khẳng định: “Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương”(6). Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”(7). Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8). Như vậy, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về dân chủ, bảo đảm người dân được phát huy quyền làm chủ trên thực tế, đề cao quyền làm chủ trực tiếp của người dân, vai trò của người dân tham gia vào các công việc, quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước.

Lý luận dân chủ thực sự trở thành khoa học khi gắn với thực hành dân chủ, bảo đảm người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên thực tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề thực hành dân chủ, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(9). Để thực hành dân chủ được thực hiện trong toàn xã hội, đòi hỏi dân chủ phải được thực hiện từ cấp cơ sở; bởi, cơ sở là nơi người dân trực tiếp tiếp cận và thực hiện quyền làm chủ của mình, nơi người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của mình; là địa bàn quan trọng để thực thi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng ta luôn xác định vai trò quan trọng của thực hiện dân chủ ở cơ sở; bởi lẽ, một nền dân chủ muốn có được nền tảng chắc chắn thì phải được thực hiện từ cơ sở để xác định vị thế của người lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân. Thực hành dân chủ ở cơ sở cần phải được cụ thể hóa ở mỗi cấp, cho từng chủ thể gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là hai văn bản quan trọng để người dân thực hành dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội tại cơ sở, nơi người dân sinh sống và làm việc, tạo sự chuyển biến tích cực về tâm lý, nhận thức, ý thức làm chủ từ hai phía: người dân và cán bộ, công chức. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng””(10).

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước ta; tác động mạnh mẽ đến xã hội, làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi xã hội nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, độ chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; là điều kiện quan trọng để thực hành dân chủ trong toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào người dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ của mình, trực tiếp tham gia vào các khâu kiểm tra, giám sát, cũng như thực hiện xây dựng NTM thì đem lại hiệu quả thực sự. Người dân cần hiểu rõ quyền, lợi ích và nghĩa vụ thực hiện dân chủ của mình trong quá trình tham gia xây dựng NTM; góp phần bảo đảm cho quá trình xây dựng NTM thật sự công khai, minh bạch và hiệu quả. Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM, bên cạnh phát huy quyền làm chủ của người dân, phải đi liền với thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước. 

Nội dung của thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là một nội dung kép, bao gồm thực hành dân chủ ở cơ sở và xây dựng NTM, đòi hỏi phải bảo đảm tính bao quát, tổng thể và đầy đủ nhất cho toàn bộ quá trình thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM. Nội dung của thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là thực hiện bảo đảm quyền, nghĩa vụ làm chủ của người dân gắn liền với việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời, gắn với việc thực hiện các nhóm tiêu chí trong xây dựng NTM, cụ thể là:

Thứ nhất, người dân phải được thực hiện quyền “dân biết” đối với nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở cần phải công khai cho người dân biết những nội dung cụ thể sau: 1- Thông tin về quy hoạch, chủ trương, chính sách về thực hiện quy hoạch, dự án quy hoạch, vốn sử dụng trong quy hoạch, các chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đền bù; 2- Dự án xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, dự toán nguồn vốn đầu tư và kinh phí cho xây dựng kết cấu hạ tầng, như giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm,…; công khai đầy đủ thông tin về chính sách xóa đói, giảm nghèo, quy định về đối tượng hộ nghèo, vốn đầu tư và nguồn kinh phí cho xóa đói, giảm nghèo; kinh phí cho xây dựng và phát triển giáo dục, y tế, chế độ chăm sóc sức khỏe cho người dân; 3- Tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực đối với cán bộ mà người dân tham gia bầu cử nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thông tin để người dân hiểu được cơ chế hoạt động của bộ máy cơ quan hành chính tại cơ sở thông qua hoạt động quản lý, điều hành, tiếp dân…

Phát huy dân chủ, Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bạc Liêu_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, người dân phải được thực hiện quyền “dân bàn” đối với nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.

Yêu cầu đặt ra là phải khảo sát ý kiến của người dân về dự thảo quy hoạch và sử dụng quy hoạch; đưa ra thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, lấy đó làm căn cứ tham khảo quan trọng để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và thực hiện quy hoạch một cách kỹ càng, cụ thể. Người dân cần được tham gia thảo luận, dự thảo việc xây dựng nguồn vốn, kinh phí cho hoạt động quy hoạch; tham gia đóng góp ý kiến về phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch, sử dụng vốn đầu tư và nguồn vốn đóng góp từ nhân dân đối với những dự án đầu tư hỗ trợ giáo dục, xây dựng cơ sở y tế, chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách; chính sách và kinh phí đầu tư cho xây dựng làng văn hóa, nhà văn hóa; dự án và kinh phí xây dựng và bảo vệ môi trường. Người dân cần tham gia thảo luận những chủ trương và mức đóng góp xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi, phân bổ kinh phí phù hợp; việc lập, thu, chi các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện, chính sách xóa đói, giảm nghèo và các khoản đóng góp của nhân dân. Đồng thời, người dân cần tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng nội dung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; thảo luận về bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thứ ba, người dân phải được thực hiện quyền “dân làm” đối với nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.

Người dân tham gia trực tiếp vào những công việc trong quá trình xây dựng NTM, như phát quang, dọn vệ sinh các tuyến đường giao thông, tham gia nâng cấp, tu sửa đường giao thông trong khu dân cư, dọn vệ sinh, trồng cây xanh…; tham gia ý kiến về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nguồn vốn và kinh phí đầu tư cho các dự án giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm… các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc y tế cho người dân. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần phải tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhận thức rõ được quyền lợi, trách nhiệm của mình, phát huy vai trò tích cực của nhân dân nhằm huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM với phương châm “hiến kế, hiến của, hiến công”.

Thứ tư, người dân phải được thực hiện quyền “kiểm tra, giám sát” đối với nội dung, tiêu chí xây dựng NTM.

Công tác “kiểm tra, giám sát” cần phải được thực hiện từ đầu đến cuối quá trình xây dựng NTM, bảo đảm thực hành dân chủ trong việc công khai, bàn bạc quyết định công việc, nội dung, kế hoạch và tiến trình thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM. Người dân tham gia vào kiểm tra, đánh giá hiệu quả, chất lượng những nội dung trong xây dựng NTM, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch có đúng với mục đích và kế hoạch đề ra hay không, kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn, kinh phí cho việc xây dựng các hạng mục trong xây dựng NTM để phát hiện những sai phạm, tham nhũng (nếu có); giám sát tiến độ và chất lượng thực hiện những hạng mục về hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng văn hóa - xã hội và môi trường, xây dựng hệ thống chính trị, giám sát vai trò thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban thanh tra nhân dân, ban chỉ đạo xây dựng NTM.

Thứ năm, người dân phải được thực hiện quyền “thụ hưởng” đối với nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.

Người dân có quyền hưởng những thành quả của quá trình xây dựng NTM. Thành quả của quá trình xây dựng NTM được thể hiện ở hai phương diện: 1- Người dân được thụ hưởng từ hiệu quả của việc thực thi những chính sách, chủ trương trong xây dựng NTM, khi những chủ trương, chính sách được ban hành, phổ biến, được tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân và được tổ chức thực hiện hiệu quả; 2- Người dân được thụ hưởng cơ sở vật chất hiện đại từ thành quả xây dựng NTM, như trang thiết bị, hệ thống giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế hiện đại, môi trường xanh, sạch, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cần phải có những cơ chế, chính sách hợp lý, trao quyền tự chủ cho người dân, nhấn mạnh trách nhiệm và phát huy sáng tạo của người đứng đầu để bảo đảm quyền lợi cho người dân được “thụ hưởng” thành quả của mình một cách công bằng, bình đẳng, xứng đáng với những công sức của người dân, tránh tình trạng quyền lợi chỉ tập trung vào một số ít người; bảo đảm tốt an sinh xã hội, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, giữ gìn ổn định, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, hiện đại, bao phủ toàn dân.

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua

Trong những năm qua, vấn đề thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM đã đạt được những thành tựu quan trọng sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa những chủ trương, đường lối và thực hiện có hiệu quả việc thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với nội dung xây dựng NTM. Thực hiện công khai có hiệu quả những nội dung, chương trình, kế hoạch trong xây dựng NTM; công khai việc huy động và sử dụng vốn cho các hạng mục xây dựng NTM. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM đến người dân; người dân được tiếp nhận đầy đủ thông tin và tham gia xây dựng NTM một cách hiệu quả.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong thực hành dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng NTM. Thực hiện vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chung sức tham gia xây dựng NTM; phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng NTM. Đa số khiếu nại, tố cáo của người dân được giải quyết kịp thời, thỏa đáng; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được bảo đảm. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động có hiệu quả trong việc đại diện cho người dân giám sát quá trình xây dựng NTM.

Thứ ba, người dân được phát huy quyền làm chủ trên thực tế trong xây dựng NTM. Người dân được tham gia thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện xây dựng NTM. Đồng thời, người dân được hưởng thành quả lao động của mình một cách công bằng; mọi chế độ, chính sách đối với người dân đều được công khai, minh bạch. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành những chính sách hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Người dân được thụ hưởng thành quả của xây dựng NTM từ hiệu quả việc thực thi chính sách, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; từ đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tích cực của người dân trong xây dựng NTM; kịp thời phát hiện và tố cáo những hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém:

Một là, những hạn chế trong thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM được thể hiện rõ nhất ở việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng NTM. Việc công khai những nội dung, kế hoạch, định hướng, sử dụng vốn trong xây dựng NTM ở một số nơi chưa đầy đủ, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin; từ đó, vai trò, trách nhiệm của người dân trong tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, quyết định các vấn đề liên quan đến nội dung xây dựng NTM còn hạn chế; cơ chế kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi chưa được thực hiện có hiệu quả.

Hai là, ở một số nơi, một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa thực sự đến với người dân; người dân chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM còn hạn chế. Quyền làm chủ của người dân trong thực hiện xây dựng NTM còn bị vi phạm, mang tính hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong thực hành dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, dẫn đến việc giải quyết những khó khăn, khiếu nại, tố cáo của người dân chưa được hiệu quả, chưa kịp thời và thỏa đáng. Một số nơi chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả xây dựng NTM.

Nâng cao chất lượng thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Người dân xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) chung sức, đồng lòng chuẩn bị vật liệu để phục dựng cọn nước (guồng nước) nhằm phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, xây dựng nông thôn mới_Ảnh: TTXVN

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cả hệ thống chính trị cơ sở nhằm thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở. Thực hành dân chủ ở cơ sở và xây dựng NTM có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Để nâng cao chất lượng thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở nhằm nâng cao chất lượng thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở cần tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công khai các thông tin cho người dân biết để tham gia góp ý, bàn bạc, thảo luận những vấn đề liên quan đến xây dựng và quá trình thực hiện đề án xây dựng NTM. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng NTM. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách xây dựng NTM bảo đảm quyền lợi của nhân dân và hướng tới lợi ích cho nhân dân.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với những vấn đề liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng… được nhân dân bầu ra và là kênh để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình một cách có hiệu quả. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, người dân thể hiện quyền làm chủ của mình một cách hiệu quả và thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi xây dựng NTM.

Ba là, nâng cao trình độ dân trí, phát huy vai trò chủ thể của người dân thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Trình độ dân trí của người dân là điều kiện cơ bản góp phần nâng cao chất lượng thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(11). Với vai trò là chủ thể trực tiếp tham gia quá trình xây dựng NTM, người dân cần hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình đối với những quy định, thiết chế, kỷ cương xã hội; hiểu biết, nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề thực thi dân chủ. Giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân nhằm thực hiện mối quan hệ giữa thực hành dân chủ trong xây dựng NTM và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Bốn là, nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có vai trò quan trọng đối với việc thực thi có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn phát huy được phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm, nêu gương trong việc vận động quần chúng nhân dân, tin dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, động viên, khích lệ nhân dân tham gia vào quá trình thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM.

Năm là, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin trong thực hành dân chủ ở cơ sở xây dựng nông thôn mới.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội của nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp nhận thông tin từ các cơ quan, tổ chức nhanh hơn, công khai, minh bạch; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được bày tỏ ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan công quyền một cách nhanh hơn và được xử lý kịp thời hơn. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với quá trình xây dựng NTM một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Có thể nói, thực hành dân chủ ở cơ sở và xây dựng NTM là hai nhiệm vụ cần được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Thực hành dân chủ ở cơ sở là điều kiện để xây dựng thành công NTM; đồng thời, xây dựng NTM bảo đảm cho thực hành dân chủ ở cơ sở được thực hiện trên thực tế. Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là điều kiện, tiền đề trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xây dựng đất nước phát triển toàn diện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì cuộc sống ấm no, công bằng, bình đẳng cho nhân dân./.

--------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 349
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 33, tr. 109
(3), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 293, 325
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 261
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 451
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 85
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 166
(8), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 173, 172 - 173, 173