Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí vào thực tiễn hoạt động báo chí cách mạng Việt Nam

Phạm Ngọc Sơn - Nguyễn Tất Trường
Tạp chí Cộng sản
00:39, ngày 03-09-2021

TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một cây bút xuất sắc, nhà báo lỗi lạc. Tư tưởng của Người về báo chí nói chung, tự do báo chí nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962)_Ảnh: hoinhabaovietnam.vn

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đấu tranh cho quyền tự do báo chí. Năm 1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp tại Tua, Người chỉ rõ thực trạng ở Việt Nam dưới sự thống trị của thực dân Pháp: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”(1). Người kiên quyết đấu tranh để có quyền tự do báo chí trong nước. Theo Người, tính chính nghĩa của báo chí nằm ở việc vạch trần, ngăn chặn và quét sạch những tiêu cực, điều xấu, điều có hại cho Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; báo chí phải trở thành “thứ vũ khí của ta mà địch căm ghét nhất”(2). Người căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”(3). Quan điểm tự do báo chí của Hồ Chí Minh còn được thể hiện từ chính quá trình thực hành báo chí và sự nghiệp báo chí của Người - một nhà báo lấy mục tiêu chân chính, cao cả, duy nhất là phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Tự do báo chí gắn liền với tự do tư tưởng, mà đích cuối cùng của tự do tư tưởng chính là sự phục tùng chân lý. Để tự do đi ngược lại với chân lý tức là bản thân đã bị cái xấu, cái ác, cái phản chân lý lôi kéo, ràng buộc. Trong “Bài nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường đại học Nhân dân Việt Nam” (ngày 21-7-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý(4). Người chỉ rõ: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”(5). Rõ ràng, chân lý mà báo chí phải hướng đến để có được sự tự do chân chính là mang lại lợi ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và đấu tranh chống lại những điều có hại cho lợi ích của Đảng, Nhà nước, của dân tộc. Quan điểm trên của Người là sự kế thừa từ quan điểm của V.I.Lê-nin, báo chí thực sự là vũ khí chiến đấu của giai cấp, là cơ quan tuyên truyền, tham gia vào việc tổ chức, thúc đẩy sự phát triển xã hội bằng các hoạt động tranh luận, thuyết minh, trình bày, phản biện của mình(6). Từ đó có thể thấy, tự do báo chí không thể tách khỏi lợi ích giai cấp, Tổ quốc và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Khi bàn về tự do báo chí ở phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những phân tích sắc sảo, phản bác đanh thép luận điệu cho rằng chỉ những nước phương Tây mới là nơi mang lại sự tự do tuyệt đối cho báo chí. Trong “Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam” (ngày 16-4-1959), Bác nói: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Phigarô, báo Nước Pháp buổi chiều, v.v. một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi những chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền, v.v.. Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật sự tự do không? Không! Ví dụ: báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu, v.v..”(7). Như vậy, rõ ràng, báo chí phương Tây không có tự do thực sự và nhiều nhà báo, hay giới trí thức ở các nước tư bản đã và đang bị lợi dụng. Chỉ có dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa thì báo chí mới tìm được tự do thực thụ và lý tưởng đúng đắn nhất, vì lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để thực hành tự do báo chí, người cầm bút phải có dũng khí, kiên định, đặc biệt là phải có lập trường chính trị vững chắc để làm tròn nhiệm vụ là người tuyên truyền, người cổ động và tổ chức, hướng dẫn nhân dân tạo nên các phong trào thi đua cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí cần làm cho người dân “thấy được nguyên nhân những đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu”(8). Để bảo vệ và thực hành sự tự do báo chí thực sự, báo chí cách mạng phải là “vũ khí sắc bén”, giàu tính chiến đấu, sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, những thế lực phản cách mạng. Muốn hoàn thành sứ mệnh đó, báo chí phải có đường lối chính trị đúng đắn dẫn đường, phải thấm nhuần sâu sắc tính chính trị, tính nhân dân.

Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện ý thức, quan điểm chính trị cho đội ngũ nhà báo. Người giải thích, vì báo chí của ta cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội và hòa bình thế giới nên phải có một đường lối chính trị đúng đắn. Tính khuynh hướng chính trị của báo chí là nguyên tắc phổ biến và tồn tại khách quan, không thể và không bao giờ có thứ báo chí tự do tuyệt đối, báo chí phi chính trị. Quan điểm này cũng từng được V.I. Lê-nin khẳng định: Một tờ tạp chí mà không có xu hướng là một điều lố lăng phi lý, chướng tai gai mắt(9). “Xu hướng” mà V.I.Lê-nin muốn đề cập đến chính là tính khuynh hướng chính trị, là linh hồn của một tờ báo. Phủ nhận tính khuynh hướng cũng tức là phủ nhận một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí, cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận tự do báo chí; chỉ khi có đường lối chính trị đúng đắn dẫn đường thì báo chí mới thực sự tự do, để phục vụ chân lý cũng là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí trong xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam

Đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp phỏng vấn tại Đại hội XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận, coi đó là một trong những quyền tự do cơ bản của nhân dân, điều này được thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời làm báo của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng là “đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”(10), trong đó có quyền tự do báo chí. Thực hiện lời căn dặn của Người, nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại có những bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo và các sản phẩm báo chí. Đó là điều kiện quan trọng để quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân được thực hành ngày càng rộng rãi và thực chất.

Thời đại bùng nổ thông tin, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hàng loạt phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội ra đời, nhiều nguồn thông tin được tạo ra và lan truyền với tốc độ vô cùng nhanh chóng đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, báo chí càng cần nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu, tâm lý, thói quen của công chúng báo chí hiện đại; định hướng kịp thời dư luận bằng những thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác và đập tan những thông tin độc hại, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Báo chí cần thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, gần gũi, sâu sát với đời sống của đông đảo người dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân, phát hiện những bất cập trong các chủ trương, chính sách để các cơ quan chức năng điều chỉnh, đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…, từ đó tạo được sự đồng thuận và thống nhất về tư tưởng, hành động, niềm tin trong nhân dân, tập hợp và huy động nguồn lực trí tuệ, năng lực sáng tạo và sức mạnh của nhân dân phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững đất nước.

Báo chí cần phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc, sai trái về tự do báo chí nói riêng và những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa nói chung, để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, bản chất và những giá trị tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đội ngũ những người làm báo cần không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Hoàn thiện môi trường pháp lý và bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật trong hoạt động báo chí, để quyền tự do báo chí chính đáng được pháp luật bảo vệ; xứ lý nghiêm minh theo quy định pháp luật những hành vi lợi dụng tự do báo chí để tuyên truyền chống phá chế độ, kích động bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn chính trị…

Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yếu tố tiên quyết để bảo đảm tự do báo chí, để nền báo chí cách mạng nước ta luôn thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích của mình là “phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của mỗi người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí. Thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức Đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, quản lý báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Nâng cao văn hoá chính trị, văn hoá đảng và văn hoá giao tiếp trên báo chí. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025…/.

-----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 34 - 35
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 484
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 157
(4),(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378, 378
(6) Xem: Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 21
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 166
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 510
(9) Xem: Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, Sđd, tr. 27
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 22.