Giải pháp nào để ổn định chỉ số giá tiêu dùng năm 2008
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao trong năm 2007 và tiếp tục leo thang trong những tháng đầu năm 2008, đang là vấn đề “nóng”, gây lo ngại trong xã hội.
1. Vì sao CPI tăng cao trong năm 2007
Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng năm 2007, CPI tăng mạnh do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là tác nhân hết sức quan trọng.
Giá cả thế giới biến động mạnh khiến cho các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu chiến lược mà Việt Nam đang nhập khẩu đều tăng ở mức kỷ lục so với từ trước đến nay; nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng rất lớn gần 20 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với dự báo. Ngoài ra, còn các nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) 5,6 tỉ USD, nguồn kiều hối hơn 5 tỉ USD và các nguồn khác từ dịch vụ, du lịch của khách quốc tế đến Việt Nam... Lượng vốn vào lớn dẫn đến cung của đồng nội tệ tăng lên, tạo cơ sở cho lạm phát tăng cao vượt qua ngưỡng 1 con số (12,5%).
Sự “lúng túng” của các cơ quan chức năng của Chính phủ khi nguồn vốn đổ vào Việt Nam quá lớn, việc kiểm soát luồng vốn vào chưa được quan tâm thoả đáng. Mặc dù Ngân hàng nhà nước đã đưa ra một lượng tiền khá lớn để mua USD vào, nhưng chưa có được các giải pháp tối ưu để hút tiền từ lưu thông về, đồng thời, việc sử dụng lượng tiền thu hút về chưa hiệu quả. Chẳng hạn như đầu tư vào các dự án, các doanh nghiệp nhà nước có thời hạn thu hồi vốn dài và hoạt động kém hiệu quả.
Tốc độ thực hiện các chương trình đầu tư chậm, đầu tư không đúng hướng, thiếu hiệu quả, tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, tốc độ giải ngân chậm, chỉ đạt 4,6 tỉ USD vốn FDI và 2 tỉ USD vốn ODA; tình trạng tham nhũng... cũng góp phần gây nên lạm phát.
Công tác tham mưu, dự báo, điều hành, quản lý giá cả, công tác dự báo, điều hành chính sách tiền tệ của các cơ quan chức năng giúp việc cho Chính phủ còn nhiều lúng túng, chậm trễ, bất cập; các quyết định điều chỉnh tăng giá các mặt hàng “đầu nguồn” điện và than dẫn đến phản ứng dây chuyền, căn bệnh tâm lý “tát nước theo mưa”; việc giảm thuế suất, thuế nhập khẩu nhằm giảm chi phí đầu vào và tăng cung hàng hóa chưa đi kèm với các giải pháp đồng bộ; các biện pháp hút tiền từ lưu thông về ngân hàng, khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc... đưa ra rất chậm, lại chưa tạo được sự đồng thuận của các ngân hàng, các nhà đầu tư, các chuyên gia; việc định hướng trong quản lý và thanh tra giá chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng, việc điều hành giá cả như kiểm tra, thanh tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết... cũng ít hiệu quả.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu kém: hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, quản lý kém, năng suất lao động chưa cao, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu để tạo ra một đồng giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp, dịch vụ của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác trong vùng làm gia tăng sự phụ thuộc vào những nhiên liệu mà giá cả biến động như xăng dầu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có chi phí sản xuất, quảng cáo ở mức rất cao, cao hơn các đối thủ cạnh tranh. So với các nước ASEAN, Trung Quốc, giá điện Việt Nam cao hơn 50%, giá nước 71%; cước vận tải biển 27%; cước phí điện thoại quốc tế 174%; quần áo, hàng điện tử, điện máy 30%-50%. Rau quả, thịt heo, cá basa... của Việt Nam cũng đắt hơn nhiều nước khác.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, cũng phải kể đến yếu tố thiên tai, dịch bệnh. Dịch SARS, cúm gia cầm và các bệnh dịch khác; thiên tai, điển hình là những đợt lũ liên tiếp xảy ra ở miền Trung, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, cũng là một áp lực đẩy CPI tăng cao.
2. Dự báo sự biến động CPI năm 2008
Dự báo sự biến động của CPI là một căn cứ để điều chỉnh các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu Chính phủ đề ra. Việc dự báo chính xác CPI năm 2008 là một vấn đề khá phức tạp. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá những yếu tố đã tác động đến giá cả năm 2007 và những biện pháp của Chính phủ nhằm kiểm soát giá cả gần đây, có thể đưa ra một vài nhận định mang tính dự báo về sự biến động của CPI năm 2008.
- Kinh tế thế giới năm 2008 vẫn nằm trong chu kỳ của cuộc khủng hoảng kinh tế được khởi nguồn từ Mỹ ngày 22 tháng 1, biên độ của cuộc khủng hoảng đang có những biến động khó lường; nhu cầu cũng như giá cả nguyên, nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là những vật tư hàng hóa mà nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn như xăng dầu, phân bón, phôi thép tiếp tục gia tăng ở mức cao. Thêm vào đó, những khó khăn, thách thức, bất ổn của thiên tai, dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường cũng sẽ góp phần tạo sức ép tăng giá.
- Yếu tố tiền tệ sẽ tiếp tục là nguyên nhân tác động dài hạn đến lạm phát ở nước ta. Trong thời gian tới, nguồn vốn ngoại tệ đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Trong trường hợp Chính phủtiếp tục cho những doanh nghiệp lớn bán cổ phiếu lần đầu (IPO) hoặc mở cơ hội (room) cho những doanh nghiệp chứng khoán có lãi (Blue-chips) thì ngay lập tức, dòng vốn này sẽ tác động lên CPI và gây lạm phát. Bởi lẽ, sau IPO, doanh nghiệp sẽ thu về một lượng thặng dư cổ phần khổng lồ và họ đem vốn vào đầu tư. Nếu lượng ngoại tệ được ngân hàng nhà nước mua vào và khi đó hàng trăm nghìn tỉ đồng chảy vào lưu thông khi Chính phủ tiến hành IPO các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco, Ngân hàng Incombank… thì dòng vốn đó tác động lên mặt bằng giá sẽ rất lớn.
- Sự cạnh tranh kinh tế sẽ ngày càng gay gắt hơn, nhiều động thái kinh tế trái chiều diễn ra cả trong kinh tế đối nội và đối ngoại... sẽ tiếp tục có sự giảm giá trên các mặt hàng trong diện cắt giảm thuế theo lộ trình WTO; sẽ có sự tăng giá ở những mặt hàng thuộc diện được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nhà nước như điện, xăng dầu và sắt thép...; giá những mặt hàng gắn với thị trường và cạnh tranh đầy đủ sẽ được điều chỉnh theo xu hướng thị trường. Trong khi đó, những mặt hàng có nguy cơ tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa” vẫn tiếp tục.
Như vậy, có thể nói, về tổng thể, một mặt bằng giá mới trong nước đã và đanghình thành sẽ ổn định hơn, lạm phát phi mã được kiềm chế; sự đột biến gây nguy hiểm, đổ vỡ, ngưng trệ nền kinh tế như kiểu Thái Lan năm 1997 sẽ khó có thể diễn ra.
3. Một số giải pháp nhằm giữ ổn định CPI năm 2008
Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế tốc độ tăng CPI trong năm 2008 chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp chủ yếu dưới đây:
Một là, thường xuyên duy trì lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế một cách hợp lý và linh hoạt bằng cách: phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông, trên cơ sở giải ngân nhanh và đầu tư hiệu quả; lựa chọn các công ty có uy tín để phát hành cổ phiếu, thu hút tiền từ lưu thông cho sản xuất kinh doanh; linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhằm thu hút tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Hai là, lành mạnh hóa hệ thống tài chính - tiền tệ. Tăng cường kỷ luật thu chi ngân sách theo hướng thực hiện Luật Ngân sách; nâng dần tỷ lệ thu ngân sách từ nội địa, giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Nâng cao hiệu quả và năng lực của các ngân hàng thương mại. Hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt một cách hợp lý, hạn chế điều hành theo mệnh lệnh, hành chính.
Ba là, có giải pháp toàn diện cho nhu cầu năng lượng với cơ cấu mới thật sự có hiệu quả. Xác định lộ trình xóa bỏ bao cấp giá các mặt hàng quan trọng trong thời gian tới; Chính phủ cần xây dựng một chiến lược dài hạn cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; tiếp tục phát động phong trào sử dụng tiết kiệm năng lượng đối với toàn dân, các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, kèm theo chế tài nghiêm ngặt cho những trường hợp vi phạm; đầu tư cao hơn cho nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng, nhiên liệu sinh học, điện hạt nhân, năng lượng gió, mặt trời và năng lượng khí…; chủ động dự trữ xăng dầu nhằm đối phó với những tình huống biến động giá cả thế giới.
Bốn là, chủ động đón nhận dòng vốn FDI và kiều hối chảy vào Việt Nam trong năm nay. Các doanh nghiệp chỉ nên thực hiện thu hút vốn khi thực sự cần vốn và có phương án sử dụng vốn có hiệu quả, tránh tình trạng tăng trưởng nóng và lợi nhuận thấp vì đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nần và khủng hoảng đối với nền kinh tế.
Năm là, theo dõi thường xuyên về biến động giá thế giới và khu vực của những mặt hàng chủ yếu có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chủ động can thiệp, quyết định kịp thời các vấn đề về giá, thuế đối với một số mặt hàng chiến lược khi có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Cần kết hợp các đơn vị làm dịch vụ với cơ quan chính thống chịu trách nhiệm trước Nhà nước và các doanh nghiệp đối với việc cung cấp thông tin về giá cả thị trường trong nước và thế giới.
Sáu là, đối với những loại hàng hoá dịch vụ độc quyền, ngoài biện pháp kiểm soát việc chấp hành mức giá do Nhà nước quy định, cần kiểm tra chi phí sản xuất một cách nghiêm ngặt, bảo đảm rằng chúng phải dựa trên chi phí quản lý sản xuất hợp lý, những định mức tiên tiến và có tham khảo tình hình thực hiện các định mức ở các nước trong khu vực và thế giới. Cần có những biện pháp hữu hiệu để chỉnh đốn và xử lý nghiêm minh sự móc ngoặc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền với các cơ quan chức năng trong việc định giá.
Bảy là, Nhà nước cần sớm xây dựng một hệ thống an sinh xã hội rộng rãi cho những người thất nghiệp, già yếu, cơ nhỡ, kém may mắn..., từng bước khắc phục sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội. Xây dựng một hệ thống giáo dục và y tế miễn phí cho người nghèo, giúp họ được chăm lo sức khỏe tốt, được tiếp thu kiến thức cơ bản miễn phí để họ có được cơ hội xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Tám là, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới, cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có hiệu quả, trong đó cần đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm./.
Cần xây dựng quy chế bảo vệ môi trường ở cấp chính quyền cơ sở  (09/03/2008)
Một số bất cập về việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động ở nước ta hiện nay  (09/03/2008)
Mười năm xây dựng các khu công nghiệp ở Long An bước đột phá trong phát triển kinh tế  (09/03/2008)
Sáu mươi năm rèn luyện tư cách người công an cách mạng  (08/03/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên