Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, hướng đến mục tiêu phục hồi tăng trưởng bền vững
TCCS - Năm 2010, tuy thách thức đang đặt ra rất lớn, nhưng với kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, cùng với sự tin tưởng vào các quyết sách đúng đắn của Trung ương, Đảng bộ và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; tiếp tục đóng góp có ý nghĩa vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả nước.
Hiệu quả tích cực của giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế
Năm 2009, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước những khó khăn và thách thức gay gắt. Mặc dù đã phấn đấu với nỗ lực và quyết tâm cao nhưng trước sức ép của lạm phát tăng cao và sau đó là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đều rơi vào tâm điểm của khủng hoảng. Đầu năm 2008 Chính phủ đã rất chủ động, kịp thời ban hành tám nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ quý IV-2008 đến đầu năm 2009 vẫn suy giảm mạnh. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn quý I-2009 chỉ tăng 4%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Trong bối cảnh đó, tháng 1-2009 Chính phủ đã tiếp tục ban hành thêm “gói giải pháp kích thích kinh tế” bao gồm năm nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Nổi bật trong đó có chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ cho sản xuất và xuất khẩu, mở rộng và tạo sức mua cho thị trường trong nước,... từ đó đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Từ thực tiễn của Thành phố, đồng thời nhận thức được sự phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, những hệ quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến kinh tế nước ta và Thành phố, đầu năm 2009, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp chính quyền của Thành phố bám sát tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm hạn chế đà suy giảm tăng trưởng; đồng thời, nắm bắt kịp thời các chủ trương, giải pháp của Trung ương để đề ra nhiều biện pháp cụ thể.
Ngay từ đầu năm 2009, thực hiện Nghị quyết số 30 của Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội và kịp thời quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình kích cầu của Thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ các biện pháp kịp thời và triển khai đồng bộ, quyết liệt cùng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự năng động vốn có của gần 400.000 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh, quý II-2009 kinh tế Thành phố bắt đầu phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, các ngành kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực. GDP trên địa bàn quý II-2009 tăng 5,2%; quý III tăng 8,5% và quý IV tăng 10,4%, nâng mức tăng cả năm 2009 là 8% và bằng 1,53 lần mức tăng bình quân của cả nước. Năm 2009, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của thế giới và trong nước, kinh tế của Thành phố đạt được những kết quả rất có ý nghĩa và mở ra triển vọng khả quan cho năm 2010.
Bên cạnh sự phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt khá: tổng vốn đầu tư xã hội tăng 23,1%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 19,2%; thu ngân sách tăng 9,5% so với năm 2008 trong điều kiện thực hiện chính sách giảm, giãn và miễn thuế cho nhiều đối tượng; số việc làm mới tiếp tục tăng (tạo được 124.900 chỗ làm mới).
Do ảnh hưởng khá mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, nên trong những tháng cuối năm 2008, đầu năm 2009, có 177 doanh nghiệp trên địa bàn phải giảm lao động, dẫn đến 15.759 người mất việc làm và 6.540 người thiếu việc làm. Tuy nhiên, từ giữa năm 2009 đã có 98 trong số các doanh nghiệp trên thu hút lại lao động và khoảng 80% số người mất việc đã có việc làm mới; số còn lại đã tìm việc làm khác nên không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội, tình hình an ninh - chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tiếp tục triển khai có kết quả chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm đã giảm xuống còn 7,8%. Nhìn chung, năm 2009 Thành phố đã đạt được 18/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Đây là sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố.
Những kết quả mà Thành phố đạt được đã đóng góp tích cực vào mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của cả nước. Có thể nói, trong tình hình khó khăn chung vừa qua, Thành phố đã thể hiện và tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân và của cả hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, tạo sự chuyển biến theo hướng tích cực; tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 (đầu tháng 12-2009) đã tập trung phân tích những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, những mặt tích cực và nhất là những tồn tại, hạn chế và thách thức đang đặt ra. Thành phố nhận thức rằng, tuy nền kinh tế nước ta đã bắt đầu hồi phục, nhưng trong năm 2010 vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về vĩ mô, đặc biệt là nguy cơ tái lạm phát do cả nguyên nhân bên ngoài và bên trong của nền kinh tế nước ta.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tuy kinh tế đang khởi sắc trở lại nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải tập trung mọi nỗ lực để giải quyết. Trong đó, ngoài những yếu tố mới xuất hiện do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại có tính chất dài hạn. Đó là vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả, tăng trưởng bền vững và vấn đề bất cập của kết cấu hạ tầng đô thị. Do tính chất đô thị nên nhiệm vụ kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh không thể tách rời với quản lý và phát triển đô thị. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, chính sự bất cập của kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, ngập nước, vệ sinh môi trường đang là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước tình hình đó, để thực hiện có kết quả mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2010, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), trong năm 2010, Thành phố tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình và công trình trọng điểm về kinh tế và kết cấu hạ tầng đô thị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đã đề ra.
Mục tiêu, nhiệm vụ năm 2010: thúc đẩy phục hồi kinh tế theo hướng bền vững, cải thiện chất lượng sống của nhân dân
Năm 2010 có tầm quan trọng đặc biệt, là năm kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Đảng, 65 năm thành lập nước, 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, là năm cuối của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010, là mốc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 20 của Bộ chính trị về Thành phố để đề ra chiến lược phát triển Thành phố giai đoạn 2011 - 2020,... Do vậy, Thành phố phải có quyết tâm rất cao để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dần sang thời kỳ “hậu khủng hoảng”, cần nắm bắt thời cơ để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, thực hiện một chương trình tổng thể tổ chức lại nền sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, có những biện pháp cụ thể, khả thi để khắc phục những tồn tại yếu kém của cơ cấu kinh tế ngay trong năm 2010, tạo bước khởi đầu vững chắc cho giai đoạn tiếp theo. Từ cách nhìn nhận vấn đề như vậy, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên để bảo đảm sự phát triển hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng, Thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế vững chắc. Tập trung cải thiện về chất lượng tăng trưởng hơn là tăng nhanh số lượng theo hướng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng trong giai đoạn sau suy giảm. Tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả đầu tư và phân bố nguồn lực của nền kinh tế. Gắn nhiệm vụ này với việc thực hiện “Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế” và “Công trình xây dựng khu công nghệ cao thành phố” đã triển khai thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VIII. Cụ thể phấn đấu GDP năm 2010 tăng cao hơn khoảng 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước. Tích cực và chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên quan trong việc quản lý thị trường tài chính và thị trường hàng hóa, nhất là phối hợp trong việc chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần cùng cả nước giữ vững ổn định kinh tế; phòng ngừa nguy cơ tái lạm phát.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và bổ sung điều chỉnh chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố. Ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ, di dời doanh nghiệp ô nhiễm. Đầu tư cho địa bàn nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp thực hiện chương trình nhà ở xã hội. Tập trung xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phương án mở rộng diện tích, hình thành một khu sản xuất kiểu mẫu công nghệ cao, hướng tới hình thành Trung tâm sản xuất giống cho toàn vùng.
Nắm bắt kịp thời chủ trương và chính sách mới của Chính phủ về tài chính và tiền tệ, các biện pháp hỗ trợ tái cấu trúc kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”. Thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hấp thụ nhanh nguồn vốn, tạo chuyển biến có ý nghĩa về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Gắn tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng với đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng lao động. Tổ chức lại hệ thống đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo, nhất là các ngành nghề đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khai thác có hiệu quả lợi thế hệ thống giáo dục, đào tạo của Thành phố trong việc cung ứng nguồn lao động chất lượng cao; có cơ chế phối hợp để gắn các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
- Trong phát triển đô thị, trước hết ban hành đầy đủ các quy hoạch chi tiết, làm cơ sở triển khai thực hiện Luật Quy hoạch đô thị, bảo đảm nghiêm kỷ cương trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Rà soát lại các dự án đầu tư bị chậm để có biện pháp thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị, nhất là công trình giao thông, chống ngập nước, vệ sinh môi trường, nhà tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp; khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên; kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống cảng biển và hệ thống giao thông ra vào các cảng; các dự án tàu điện ngầm. Áp dụng nhiều biện pháp để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng ngập nước mưa và triều cường, triển khai xây dựng hệ thống cống ngăn triều theo dự án đã được Chính phủ phê duyệt để giải quyết căn bản vấn đề triều cường; hoàn thành các dự án về môi trường nước, tạo điều kiện để xử lý tình trạng ô nhiễm do nước thải,... Đồng thời, tiếp tục nhiệm vụ chỉnh trang đô thị cũ, xây dựng đô thị mới và công tác quản lý đô thị,... nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
- Rà soát lại các dự án đầu tư từ vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và việc sử dụng vốn của các tổng công ty nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả của đầu tư. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức kêu gọi đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng đô thị. Nhân rộng các hình thức xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Phát huy thế mạnh của quỹ đất đô thị, hoàn thiện cơ chế huy động có hiệu quả nguồn lực này để tạo vốn đầu tư cho hạ tầng và phục vụ cho công tác chỉnh trang đô thị.
- Cùng với các giải pháp về kinh tế, Thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp an sinh xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong năm 2010, phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội và môi trường đã đề ra cho kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo theo tiêu chí mới, rà soát lại danh sách các hộ nghèo để bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, áp dụng các biện pháp đa dạng tùy theo địa bàn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp, phấn đấu hạn chế tối đa hiện tượng tái nghèo. Xây dựng cơ chế bảo đảm an sinh xã hội theo nguyên tắc Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng đóng góp, cùng chia sẻ.
Tiếp tục nghiên cứu các chính sách, cơ chế về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với các hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường. Tăng cường trách nhiệm quản lý môi trường của địa phương; xây dựng năng lực kiểm tra, giám sát và giải quyết ô nhiễm ứng phó sự cố môi trường. Tập trung đầu tư hạ tầng kết nối, phát triển kết cấu hạ tầng trong mối quan hệ liên kết và liên thông với các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nam Tây Nguyên; đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng để thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Thị Vải.
Năm 2010, tuy thách thức đang đặt ra rất lớn, nhưng với kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, cùng với sự tin tưởng vào các quyết sách đúng đắn của Trung ương, Đảng bộ và Chính quyền Thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; tiếp tục đóng góp có ý nghĩa vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả nước: “Tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn ngừa lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010”./.
Vĩnh Phúc với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở  (18/02/2010)
Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở " - động lực phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh  (18/02/2010)
Xã hội hóa lễ hội - hiệu quả và mặt trái  (18/02/2010)
Cương lĩnh chính trị - Ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta  (16/02/2010)
Vê-nê-xu-ê-la: Những thách thức của cách mạng vẫn còn ở phía trước  (16/02/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên