Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2009
Trong ba ngày từ 30 tháng 3 đến 1 tháng 4 năm 2009, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2009. Ngoài các thành phần dự họp thường kỳ, Chính phủ mời Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự phần về các nội dung điều hành kinh tế - xã hội thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã thảo luận các báo cáo: Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP; Báo cáo phương án cân đối ngân sách nhà nước năm 2009 và một số giải pháp tài chính - ngân sách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình.
a) Về đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2008
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 có nhiều khó khăn. Lạm phát tăng cao, cuộc khủng hoảng tài chính - tín dụng và suy thoái kinh tế toàn cầu trực tiếp tác động làm suy giảm kinh tế trong nước. Nhưng với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, kinh tế nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 6,2%, tuy có giảm so với các năm trước, nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá; lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng và triển khai có hiệu quả. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường được quan tâm nhiều hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định.
So với kế hoạch đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, có 16/25 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, 9/25 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá tốt như: vốn đầu tư toàn xã hội, mức tăng giá tiêu dùng, số địa phương đạt chuẩn chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tuyển mới cao đẳng và trung cấp nghề, thu ngân sách Nhà nước.
b) Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2009 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới
Bước sang năm 2009, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm, khó có khả năng phục hồi sớm, tiếp tục tác động tiêu cực lớn đến kinh tế nước ta. Quý I năm 2009, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước chỉ đạt 3,1%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua; xuất khẩu chỉ tăng 2,4%; công nghiệp tăng 2,1%; khách du lịch nước ngoài giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2008; đầu tư nước ngoài chậm lại,... Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách chống suy giảm kinh tế đề ra tại Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, tình hình kinh tế đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực: duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,1% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với tín hiệu thị trường, lạm phát tiếp tục được kiềm chế; các cân đối được giữ vững, nhập siêu được kiềm chế; sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi trên tất cả các mặt; sản xuất công nghiệp và xây dựng đã tăng dần trong tháng 2 và tháng 3; dịch vụ tăng trưởng cao hơn khu vực nông nghiệp và công nghiệp. An sinh xã hội được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến tốt…
Những kết quả tích cực trên sẽ là cơ sở cho các quý sau trong năm 2009 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn. Chính phủ thống nhất xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là: tập trung sức ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì và khôi phục lại đà tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2009, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét cho điều chỉnh chỉ tiêu định hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%; bội chi Ngân sách Nhà nước dưới 8% GDP.
Để thực hiện được các nhiệm vụ và chỉ tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 9-1-2009 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối 61 huyện nghèo và các nghị quyết, quyết định chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm đã đề ra, đồng thời triển khai thực hiện một số biện pháp bổ sung dưới đây:
- Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu: Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp đang phát triển thuận lợi, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất; không để xảy ra dịch bệnh tràn lan; đặc biệt chú ý giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, không để diễn ra tình trạng được mùa lại mất giá. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong cuối tháng 4 năm 2009 chính sách, cơ chế thu mua đối với các sản phẩm: lúa gạo, cà phê, chè, cao su, điều hạt, cá nuôi, tôm nuôi, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm hàng hoá, người sản xuất có lãi hợp lý; xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng.
- Đối với nhóm giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng: Tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đấu thầu, thuế, giải phóng mặt bằng… để thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng. Tập trung giải ngân nhanh các công trình, dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn dân doanh, đặc biệt chú trọng giải ngân đối với các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở tổng mức đầu tư được giao hàng năm, cho phép Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí, điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ giữa các dự án thuộc các lĩnh vực có trong danh mục đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ giữa các dự án có trong danh mục thuộc các lĩnh vực của các bộ và địa phương (giữa bộ với bộ, giữa bộ với địa phương và giữa các địa phương) để thực hiện mục tiêu sớm hoàn thành dứt điểm dự án, công trình, đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả ngay trong năm 2009 và 2010; rà soát, thực hiện đơn giản hoá các thủ tục; Bộ Công Thương xử lý phù hợp vấn đề giá điện giờ cao điểm, chỉ đạo quyết liệt chống tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.
Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt chú trọng thị trường trong nước với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2009 phương án điều chỉnh chính sách thuế để kích cầu tiêu dùng trong nước.
- Đối với nhóm giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trong nước và thế giới để kịp thời điều chỉnh linh hoạt các loại lãi suất và tỷ giá phù hợp tín hiệu thị trường; thực hiện khẩn trương, có hiệu quả việc mở rộng diện được hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoản vay vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh với thời hạn là 2 năm; đối tượng vay tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP được hưởng bù lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan điều chỉnh chính sách về bảo lãnh vay nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; trình phương án giảm lãi suất tín dụng ưu đãi đối với các khoản vay vốn trung và dài hạn để thực hiện dự án đầu tư phát triển; thực hiện tạm ứng vốn cho các địa phương đối với số vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ địa phương xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp.
Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét cho phát hành bổ sung 20.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 để tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nhà ở cho sinh viên. Giao Bộ Tài chính vay 20.000 tỉ đồng từ nguồn vốn nhàn rỗi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo nguồn tạm ứng vốn kế hoạch năm 2010 cho các dự án quan trọng, cấp bách; các công trình cần đầu tư, đang làm dở dang thiếu vốn; bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA; khai thông các công trình đầu tư FDI; các công trình quan trọng phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2009 phương án điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Đối với các lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội: Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để bùng phát dịch bệnh; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho người nghèo; đẩy nhanh chương trình xây dựng, nâng cấp các bệnh viện. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đảm bảo vốn chương trình cho sinh viên nghèo vay đi học. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Chính phủ thống nhất thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp xã hội để thực hiện từ ngày 1 tháng 5 năm 2009.
- Về công tác chỉ đạo điều hành: Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được giao. Những văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ban hành trước ngày 10 tháng 4 năm 2009 để sớm tổ chức, triển khai thực hiện. Chính phủ thành lập các đoàn kiểm tra do các thành viên Chính phủ trực tiếp dẫn đầu để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới, kinh tế trong nước và các giải pháp cần đề ra sau khủng hoảng để phát triển kinh tế bền vững cho cả thời gian tới, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về công tác thông tin, tuyên truyền: Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, các giải pháp, cơ chế cho báo chí để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ cũng thảo luận và thông qua các báo cáo: Về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính quý I/2009; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 3 và quý I/2009; tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 2 và chương trình công tác của Chính phủ tháng 3-2009; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chủ động phòng, chống thiên tai; tập trung làm tốt công tác tổng điều tra dân số và nhà ở; thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường…
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007; nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo về kết quả kiểm toán quyết toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2007.
Nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước năm 2007 đã thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ nhất trí thông qua báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2007; giao Bộ Tài chính phối hợp với Kiểm toán Nhà nước xác định chính xác số tổng thu, tổng chi và số bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2007, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007; Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên và người có thu nhập thấp ở đô thị.
Chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Trong những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình nghèo khu vực nông thôn, miền núi, các vùng thường xuyên bị thiên tai…đã được ban hành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn rất nhiều hộ gia đình, cá nhân thuộc diện có thu nhập thấp, người nghèo ở đô thị, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp đang gặp khó khăn về nhà ở, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở xã hội cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ xem xét, ban hành; trên cơ sở Nghị quyết này, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách cụ thể về xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, cho sinh viên các cơ sở đào tạo và người có thu nhập thấp ở đô thị để sớm triển khai thực hiện.
4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình báo cáo về việc ký Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
Công ước Lahay là công cụ pháp lý quốc tế rất quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước trong việc cho và nhận con nuôi, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đến nay đã có 75 quốc gia là thành viên của Công ước. Từ khi Nghị định số 68/2002/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, việc giải quyết cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được thực hiện chủ yếu trên cơ sở các Hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ. Việc này, một mặt, đã bảo đảm trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi chặt chẽ hơn, mặt khác tạo ra cơ chế tiệm cận dần với các yêu cầu của Công ước Lahay, qua đó chuẩn bị tốt hơn các điều kiện và năng lực thực thi Công ước Lahay khi Việt Nam trở thành thành viên. Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần nuôi dưỡng, chăm sóc còn nhiều, nhưng chưa thể nhận hết làm con nuôi ở trong nước, thì việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là biện pháp thay thế cuối cùng, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Chính phủ nhất trí việc Việt Nam tham gia Công ước Lahay vào thời điểm này là phù hợp và cần thiết.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh tờ trình về việc ký Công ước Lahay ngày 29 tháng 5 năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc ký Công ước Lahay.
5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo và đồng ý về việc điều chỉnh thời điểm trình dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
6. Chính phủ đã thảo luận về các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.
a) Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa
Luật Di sản văn hóa là văn bản pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về di sản văn hoá, đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích và tạo điều kiện thu hút sự tham gia của toàn xã hội đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong sử dụng, phát huy giá trị di tích diễn ra phức tạp, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và không phù hợp với thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở trong nước và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng phát huy năng lực sáng tạo, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phục vụ có hiệu quả quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật này.
b) Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, trong đó có lĩnh vực khám, chữa bệnh, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Các quy định pháp luật hiện hành về khám bệnh, chữa bệnh được ban hành từ thời cơ chế cũ nên hiệu lực pháp luật không cao; không theo kịp với tình hình thực tiễn bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã có nhiều thay đổi trong điều kiện nước ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh để cùng các luật, pháp lệnh khác về y tế đã và sẽ ban hành tạo ra một hệ thống pháp luật về y tế thống nhất, đồng bộ là cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật.
c) Về dự án Luật Viễn thông
Viễn thông Việt Nam là một trong những ngành có bước phát triển rất nhanh và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với những cơ chế, chính sách tích cực về lĩnh vực viễn thông, nhất là sau khi ban hành Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông năm 2002 đã tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và chất lượng dịch vụ ngày càng được hoàn thiện và nâng cao. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai các quy định về viễn thông, đặc biệt là từ khi nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông năm 2002 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng Luật Viễn thông là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho ngành viễn thông phát triển trong điều kiện mới, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Viễn thông; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật.
d) Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản
Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ở nước ta hiện nay được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau, chưa tạo thành một hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản thống nhất, đồng bộ. Một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời; nhiều nội dung hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tiễn hoặc không thống nhất nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Những vấn đề đó đang là trở ngại cho việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua và là mối quan tâm, bức xúc của nhiều bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư. Theo kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung sửa đổi, bổ sung kịp thời một số điều của các luật nhằm xử lý những vấn đề vướng mắc, bức xúc nhất trong thực tế đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, trong đó đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục, trình tự đầu tư.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật này./.
Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2009 và các nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2009  (07/04/2009)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2009  (07/04/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 30-3-2009 đến 5-4-2009)  (06/04/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay