Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến hiện nay ở Dải Ga-da
Trước đây, hầu hết các nước đều hăng hái ủng hộ phong trào kháng chiến Pa-lét-xtin chống I-xra-en, nhưng xem ra gần đây sự ủng hộ này có khác trước, có lẽ là do họ thấy xu hướng bạo lực và chủ trương không công nhận nhà nước I-xra-en là đi ngược xu thế toàn cầu hiện nay; hơn nữa nội bộ người Pa-lét-xtin lại lục đục không có quan điểm nhất trí nên vấn đề càng khó giải quyết.
Hơn 60 năm xung đột bạo lực đã gây ra một thảm họa: hàng triệu người Pa-lét-xtin không có tổ quốc, phải sống lưu vong nước ngoài hoặc sống trên hai vùng đất hiện nay họ được hưởng quyền tự trị là Dải Ga-da và Bờ Tây sông Gioóc-đan (viết tắt Bờ Tây, rộng gấp gần 16 lần Dải Ga-da nhưng hiện vẫn còn các khu định cư Do Thái). Hai vùng đất này cách ly nhau bởi lãnh thổ của I-xra-en. Hiện nay phái Fa-ta kiểm soát Bờ Tây, phái Ha-mát kiểm soát Dải Ga-da, hai phái này xung đột với nhau.
Từ 27-12-2008, I-xra-en gây ra cuộc chiến đẫm máu nhất trong 40 năm nay tại Dải Ga-da, các lực lượng chính trị chủ yếu trên thế giới có thái độ như thế nào đối với cuộc chiến này?
Mỹ: xưa nay luôn đứng về phía I-xra-en. Điều này có các lý do như:
- cộng đồng Do Thái ở Mỹ chiếm gần 50% tổng số người Do Thái trên thế giới và có ảnh hưởng chính trị rất lớn ở Mỹ (2% số dân nhưng chiếm 7% hạ viện và 13% thượng viện; trên 90% tham gia bầu cử), lại nắm nền kinh tế Mỹ;
- Mỹ có lợi ích trong việc dùng I-xra-en để chi phối vùng Trung Đông có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu.
Thời gian qua, các Tổng thống là người thuộc đảng Dân chủ Mỹ như Cát-tơ và Clin-tơn cố tìm cách hòa giải, Tổng thống Bu-sơ cũng ủng hộ “Lộ trình hòa bình”, nhưng lần này Mỹ vẫn không lên án I-xra-en mà đòi Ha-mát phải ngừng bắn trước - một điều Ha-mát không thể chấp nhận.
Sau khi I-xra-en tiến quân vào Dải Ga-da, Mỹ chỉ nhắc I-xra-en chú ý tránh gây thương vong cho dân thường và tỏ ý lo ngại tình hình nhân đạo ở vùng này, đồng thời viện trợ cho các nạn nhân.
Tân Tổng thống Ô-ba-ma khi tranh cử từng nói nếu trúng cử thì sẽ triệu tập họp thượng đỉnh toàn cầu các nước theo đạo I-xlam; sau khi đắc cử ông lại ngỏ ý sẽ đến thủ đô một nước I-xlam đọc diễn văn ngoại giao trình bày “chúng tôi không muốn thù địch với đạo I-xlam”. Nhiều người hy vọng tân Tổng thống Ô-ba-ma sẽ có thái độ mềm dẻo hơn với thế giới I-xlam và hạn chế I-xra-en sử dụng vũ lực, nhưng từ hôm I-xra-en bắn phá Dải Ga-da đến nay ông lại chưa phát biểu gì (có thể vì chưa nhậm chức nên không tiện nói), tuy tỏ ý vẫn theo sát tình hình.
Có điều, việc ông Ô-ba-ma chọn một người Do Thái là Ram Ê-ma-nu-en (Rahm Emanuel) làm Chánh văn phòng Nhà Trắng và bà Clin-tơn có quan điểm thân I-xra-en làm Ngoại trưởng, cũng như việc I-xra-en kiên quyết phản đối Mỹ đàm phán với Iran cho thấy Ô-ba-ma sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi đường lối Trung Đông của mình.
EU : Chính phủ Pháp Chủ tịch luân phiên EU năm 2008 đã lập tức lên án I-xra-en và yêu cầu ngừng bắn ngay. Dân chúng châu Âu (Pháp, Anh, ...) rầm rộ biểu tình phản đối I-xra-en. Nhưng tân chủ tịch EU năm 2009 là Cộng hòa Czech lại tỏ ra thông cảm với I-xra-en, yêu cầu cả I-xra-en và Ha-mát cùng ngừng bắn.
Nga: Bộ trưởng Ngoại giao yêu cầu cả hai bên ngừng bắn và kêu gọi Mỹ nên dùng ảnh hưởng của mình đốc thúc hai bên tiến tới ký hiệp định thành lập nhà nước Pa-lét-xtin.
Liên hợp quốc: tích cực yêu cầu ngừng bắn giữa hai bên và viện trợ nhân đạo cho Dải Ga-da, nhưng Hội đồng Bảo An LHQ từ hôm 27-12 tới nay chưa nhất trí ra được một nghị quyết nào về vấn đề này.
Liên đoàn các nước Ả-rập: mạnh mẽ lên án I-xra-en, nhưng lại hoãn mấy ngày cuộc họp bộ trưởng ngoại giao dự định ngày 28-12, chứng tỏ thiếu nhất trí. Từ trước tới nay thế giới Ả-rập thường thiếu nhất trí trong vấn đề I-xra-en. Dân chúng nhiều nước Ả-rập biểu tình mạnh mẽ phản đối I-xra-en.
Ai Cập: từng tích cực làm trung gian hòa giải hai bên, lần này Tổng thống Mu-ba-rắc (Mubarak) lập tức tuyên bố lên án I-xra-en. Mỗi khi Dải Ga-da bị I-xra-en phong tỏa, dân Pa-lét-xtin ở đây vì thiếu lương thực phải phá tường ngăn cách với Ai Cập để tìm đường sống; chính phủ Ai Cập làm ngơ không ngăn cản việc này chứng tỏ họ ủng hộ dân Pa-lét-xtin.
Iran: là nước ủng hộ và viện trợ Ha-mát nhiều nhất về mọi mặt, kể cả vũ khí. Iran kêu gọi thế giới I-xlam đứng dậy đánh đổ I-xra-en.
Trung Quốc: người phát ngôn bộ Ngoại giao nói Trung Quốc “quan tâm nghiêm trọng việc I-xra-en có hành động quân sự ở Dải Ga-da”, lên án hành vi gây thương vong cho dân thường, phản đối dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, kêu gọi các bên kiềm chế. Nhà bình luận Kim Hồng ở báo “Tin tham khảo” (của Trung Quốc) nhận xét: Trung Quốc chỉ tỏ thái độ về vấn đề nhân đạo, coi cuộc xung đột lần này không liên quan Trung Quốc.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế chủ yếu quan tâm mặt nhân đạo của cuộc chiến này. Toàn thế giới đều tăng cường viện trợ cho nạn nhân ở Dải Ga-da. Anh và Nhật Bản mỗi nước viện trợ 10 triệu USD, Ấn Độ viện trợ 2 triệu USD, Trung Quốc viện trợ 1 triệu USD...
Dự đoán xu hướng tình hình xung đột ở Dải Ga-da
Nạn nhân cuộc xung đột Ga-da là 1,5 triệu dân Pa-lét-xtin ở đây, trong đó một nửa là thanh thiếu niên nhi đồng; theo Liên hợp quốc, dân thường chiếm 25% số thương vong.
Dải Ga-da hình chữ nhật hẹp chiều dài chỉ khoảng 50 km chạy dọc bờ biển, mật độ dân cao nhất thế giới, kinh tế không phát triển vì bị I-xra-en bao vây ba mặt cả trên bộ lẫn trên biển, biên giới với Ai Cập cũng bị rào kín. Toàn bộ năng lượng phải nhập từ đường ống đi qua I-xra-en, 80% dân sống bằng lương thực quốc tế viện trợ, cũng đi qua I-xra-en. Bởi vậy mỗi lần I-xra-en phong tỏa thì dân vùng này sống trong bóng tối, đói ăn, thiếu dược phẩm.
Từ tháng 6-2007 Ha-mát hoàn toàn kiểm soát Dải Ga-da, I-xra-en lại càng tăng cường phong tỏa. Ha-mát đã làm nhiều việc ở Ga-da, như xây dựng bệnh viện, trường đại học và làm từ thiện, cho nên ngày càng được lòng dân. Đồng thời họ cũng xây dựng quân đội trang bị nhẹ nhưng hiện đại. Trong sáu tháng ngừng bắn vừa qua, I-xra-en vẫn phong tỏa cục bộ, đời sống vùng này vẫn rất khó khăn, do đó dân Ga-da nhất là thanh thiếu niên càng dễ tiếp thu tư tưởng bạo động chống I-xra-en. Khi hiệp định ngừng bắn hết hạn, Ha-mát lập tức bắn róc-két sang I-xra-en để trả đũa.
Theo điều tra dân ý, đa số người I-xra-en và Pa-lét-xtin đồng tình giải pháp xây dựng hai quốc gia Do Thái và Pa-lét-xtin riêng biệt, coi đó là cách tốt nhất giải quyết cuộc xung đột kéo dài bao năm qua. Hầu hết người Pa-lét-xtin cũng coi Bờ Tây và Dải Ga-da hiện nay họ được hưởng quyền tự trị là một phần của quốc gia họ sẽ xây dựng. Giải pháp này được phần lớn người I-xra-en và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhưng một thiểu số người cả hai bên lại chủ trương lập một nhà nước chung của hai dân tộc trên lãnh thổ hiện nay của I-xra-en và hai vùng tự trị của Pa-lét-xtin gộp lại. Giải pháp này rõ ràng không hiện thực.
Cả hai phía I-xra-en và Pa-lét-xtin đều có những phái quá khích, chủ trương không hòa giải. Một số dân Do Thái định cư trên hai vùng đất tự trị của Pa-lét-xtin kịch liệt chống lại chủ trương của chính phủ nhằm dỡ bỏ các khu định cư đó. Năm 1995, một kẻ phái hữu I-xra-en đã bắn chết Thủ tướng Y-giắc Ra-bin (Yitzhak Rabin) theo đường lối hòa giải. Dù sao chính quyền I-xra-en vẫn có thể khống chế được phái quá khích, nhưng phía Pa-lét-xtin thì không thể. Ha-mát thậm chí ngày càng được lòng dân Ga-da và chính quyền Ha-mát là do dân bầu ra. Phái quá khích Pa-lét-xtin chủ trương đấu tranh vũ trang và dùng chiến thuật đánh bom tự sát, róc-két họ bắn đe dọa an toàn của 10% dân I-xra-en. Tổng thống Pa-lét-xtin Áp-bát vừa qua cũng lên án I-xra-en là kẻ xâm lược dã man và dọa rút khỏi đàm phán với I-xra-en.
Trước tình hình đó, hơn 50% dân I-xra-en ủng hộ biện pháp ném bom cơ sở Ha-mát ở Dải Ga-da, 19% ủng hộ đưa quân vào, chỉ có 20% chủ trương ngừng bắn. Để tranh phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 2-2009, các chính đảng ở I-xra-en kể cả đảng Ca-đi-ma vừa qua tỏ ra ôn hòa, nay đều chủ trương dùng quân sự để tiêu hao lực lượng Ha-mát, phá hủy các trang bị bắn róc-két.
Do thái độ cứng rắn của hai bên và do quốc tế chưa can thiệp đủ mạnh nên xem ra cuộc xung đột quân sự ở Dải Ga-da sẽ có xu hướng tăng nhiệt trong một thời gian không dài rồi mới chấm dứt. Đây là một cuộc chiến không cân sức. Tuy dùng hải lục không quân hiện đại tấn công một đội quân chỉ có khoảng 35 nghìn người Pa-lét-xtin trang bị kém hơn hẳn nhưng I-xra-en khó có thể tiêu diệt được Ha-mát, vì họ chiến đấu với tinh thần liều chết lại có công sự vững chắc cùng 40 km địa đạo; vả lại họ đóng quân trong khu vực dân cư nên khi bộ binh I-xra-en bắn nhau trên đường phố không thể không gây thương vong cho dân thường, do đó thế giới sẽ càng phản đối I-xra-en.
Dĩ nhiên Ha-mát lại càng không thể thắng đối phương. Bởi vậy nếu cộng đồng quốc tế không tích cực tham gia thì cuộc xung đột này sẽ khó có lối thoát, nhưng xem ra nhiệm vụ này rất khó khăn nhất là trong tình hình nước nào cũng chỉ lo chống chọi cơn bão táp khủng hoảng tài chính toàn cầu./.
Cuộc xung đột I-xra-en-Pa-lét-xtin: Tình hình gần đây  (07/01/2009)
Cuộc xung đột I-xra-en-Pa-lét-xtin: Lịch sử vấn đề  (07/01/2009)
Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng 7-1-1979: Biểu tượng của tình đoàn kết Cam-pu-chia - Việt Nam  (07/01/2009)
Ngày 7-1-1979, một ngày đẹp nhất về tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia  (06/01/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên