Hơn 100 năm sức sống của học thuyết Mác - Lê-nin về quản lý xã hội

GS, TS. Lê Ngọc Hùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:07, ngày 01-11-2017

TCCSĐT - Học thuyết Mác - Lê-nin về quản lý xã hội là hệ thống các quan điểm về mục tiêu, con đường, biện pháp, cơ chế, điều kiện và các lực lượng thực hiện hoạt động sáng tạo có ý nghĩa lịch sử to lớn là xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.

Học thuyết Mác - Lê-nin về quản lý xã hội được C. Mác và Ăng-ghen xây dựng sau đó V.I. Lê-nin kế thừa và phát triển ở nước Nga ngay trước và sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Học thuyết này phát triển qua hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho thành công của cuộc Cách mạng Tháng Mười và giai đoạn hai đi vào cuộc sống đầy cam go, phức tạp của thời gian đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô-viết.

Học thuyết Mác - Lê-nin về quản lý xã hội giai đoạn ngay trước Cách mạng Tháng Mười


Khái niệm quyền lực: Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng do Lê-nin viết vào tháng Tám - tháng Chín năm 1917, V.I. Lê-nin đã trích dẫn Ph. Ăng-ghen cho biết quyền lực, quyền uy với sự phục tùng là yếu tố phổ biến, tất yếu và cần thiết để bảo đảm thực hiện thành công những công việc của tập thể, cộng đồng. V.I. Lê-nin trích ví dụ của Ph. Ăng-ghen như sau: “…hãy lấy một nhà máy, một đường sắt, một chiếc tàu trên biển cả làm thí dụ, nếu không có một sự phục tùng nào đó và, do đó, không có một quyền uy nào đó hay một quyền lực nào đó, thì không một tổ chức kỹ thuật phức tạp nào, dựa trên việc dùng máy móc và sự hợp tác có kế hoạch giữa nhiều người, lại có thể chạy được...”(1).

Khái niệm nhà nước: Trong số nhiều định nghĩa về nhà nước, cần nhấn mạnh một định nghĩa gắn với quyền lực cưỡng chế, mà các nhà chính trị học và xã hội học gọi là bộ mặt thứ nhất của quyền lực. Đó là định nghĩa nêu trong học thuyết Mác - Lê-nin rằng: “Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, nó là tổ chức bạo lực dùng để trấn áp một giai cấp nào đó”(2). Quyền lực đặc biệt của nhà nước có đặc trưng gì? Đó là quyền lực của giai cấp được tổ chức thành giai cấp thống trị.

Học thuyết này cho biết, việc thiết lập quyền lực xã hội là đặc trưng thứ hai của nhà nước, sau đặc trưng thứ nhất là sự phân chia dân cư theo lãnh thổ. Trong tay nhà nước, quyền lực xã hội được tổ chức thành hệ thống bao gồm các loại cơ quan có quyền lực và chức năng cưỡng chế trong đó nổi bật là những lực lượng được vũ trang đặc biệt như quân đội, cảnh sát. Nhờ quyền lực này, tức là nhờ các lực lượng được vũ trang đặc biệt để cưỡng chế, áp bức mà “một tên cảnh sát xoàng nhất” cũng có “uy quyền” tức là sức mạnh cưỡng chế hơn những đại biểu của bộ tộc, nhưng ngay cả một quan chức đứng đầu chính quyền quân sự của một nước văn minh cũng vẫn có thể phải ghen tị với một vị tù trưởng của bộ tộc, người có được “một sự tôn kính không phải vì roi vọt của xã hội”.

Học thuyết cho biết quyền lực xã hội được tăng cường khi mâu thuẫn giai cấp trong nước tăng lên, khi các nước giáp giới nhau trở nên to lớn, đông đúc và khi xuất hiện các tổ chức kinh tế đồ sộ.

Học thuyết chỉ ra sự củng cố và sự chuyển hóa lẫn nhau của các loại quyền lực. Ví dụ, sự giàu có dùng quyền lực của nó một cách gián tiếp và chắc chắn bằng hai cách: thứ nhất, trực tiếp mua chuộc các quan chức và thứ hai, bằng sự liên minh giữa chính phủ và sở giao dịch mà hiện nay gọi chung là chủ nghĩa tư bản thân hữu. Từ đây xuất hiện cái gọi là liên minh của bộ ba quyền lực gồm quyền lực chính trị - kinh tế - quân sự có thể làm khuynh đảo, thay đổi, chuyển hóa các loại quyền lực khác trong xã hội. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết của việc kiểm soát quyền lực, trước hết là kiểm soát quyền lực nhà nước.

Khi xã hội phân chia thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị và chưa phát triển thành xã hội cộng sản chủ nghĩa thì quyền lực làm tha hóa con người bởi vì quyền lực luôn được một số người này nắm giữ và sử dụng để áp bức, bóc lột và cai trị những người còn lại. Học thuyết Mác - Lê-nin chỉ ra tương lai của quyền lực nhà nước: đó là nhà nước sẽ bị tiêu vong và quyền lực nhà nước cũng bị tiêu vong, điều này xảy ra khi việc cai trị người nhường chỗ cho việc quản lý và cho việc chỉ đạo các quá trình sản xuất.

Học thuyết chỉ ra rằng để xây dựng một chế độ kinh tế - xã hội mới cần có chính quyền nhà nước kiểu mới có đủ quyền lực để trấn áp sự phản kháng của bọn phản động và đồng thời đủ quyền lực quản lý toàn xã hội nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Quản lý xã hội có nghĩa là nắm giữ và thực thi quyền lực để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quảng đại quần chúng nhân dân bao gồm nông dân, công nhân, tiểu tư sản và giai tầng xã hội trong công cuộc tổ chức, quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội của đất nước nhằm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Chính quyền đó cần đủ mạnh về lý luận và thực tiễn để kiểm soát quyền lực của chính nó, kiểm soát quyền lực của nhà nước.

Biện pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực. Từ việc đúc kết lý luận và thực tiễn Công xã Pa-ri, học thuyết Mác - Lê-nin phát hiện được một số biện pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là những biện pháp, cơ chế đặc biệt quan trọng và hiệu quả để kiểm soát quyền lực xã hội và nhất là quyền lực của nhà nước, một thứ quyền lực luôn có nguy cơ biến các công bộc của xã hội, các công chức và viên chức nhà nước thành những ông chủ đứng trên đầu xã hội, cai trị xã hội. Biện pháp thứ nhất là tuyển cử theo kỳ hạn và bãi miễn bất cứ lúc nào: “tất cả mọi viên chức, không trừ một ai, đều do tuyển cử bầu ra và có thể bị bãi miễn” bất cứ lúc nào(3). Biện pháp thứ hai là tiền lương ngang công nhân: “Các ủy viên Công xã, từ trên đến dưới đều phải bảo đảm công vụ với mức lương ngang mức tiền lương của công nhân”(4). Biện pháp này cần thực hiện gắn liền với biện pháp “Thủ tiêu hết những phụ cấp về sự đại diện, những đặc quyền của viên chức hưởng bằng tiền, rút tiền lương của tất cả mọi viên chức nhà nước xuống ngang mức “tiền lương của công nhân”. Sau khi trích dẫn, phân tích và giải thích rõ nội dung, ý nghĩa của hai cơ chế, biện pháp này V.I. Lê-nin còn chỉ ra chức năng cải tạo nhà nước, cải tạo xã hội, liên minh công nông và cầu dẫn lên chủ nghĩa xã hội của các cơ chế. V.I. Lê-nin viết nguyên văn như sau: “Thực hành chế độ tuyển cử toàn diện, chế độ bãi miễn bất cứ lúc nào, đối với hết thảy mọi viên chức không trừ một ai, rút số lương của họ xuống ngang mức “tiền lương của công nhân” thông thường, những biện pháp dân chủ đơn giản và “tất nhiên” ấy khiến cho lợi ích của những công nhân và của đa số nông dân hoàn toàn kết hợp được với nhau, đồng thời cũng dùng làm cái cầu dẫn từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”(5). Khi đó một số chức năng này của quản lý nhà nước bị cải tạo và biến đổi thành chức năng quản lý xã hội, trong đó “những chức năng giám sát và kế toán ngày càng đơn giản và sẽ do tất cả mọi người lần lượt đảm nhiệm, để về sau trở thành một thói quen, rồi cuối cùng mất hẳn tính chất là những chức năng đặc biệt của một lớp người đặc biệt”. Một số chức năng khác hợp lý của nhà nước cần phải được giao cho “các công bộc có trách nhiệm của xã hội” mà nếu không có trách nhiệm hoặc không hoàn thành trách nhiệm thì bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Ngày nay có thể gọi đây là biện pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhà nước và đơn giản hóa các công việc hành chính quản lý nhà nước để ai cũng có thể thực hiện được. Ví dụ việc xét xử một vụ án có thể được tòa án ủy quyền cho bồi thẩm đoàn gồm các bồi thẩm viên là các thường dân được lựa chọn bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên.

V.I. Lê-nin nhấn mạnh cần phải đơn giản hóa các công việc quản lý của nhà nước và bằng cách đó thu hút toàn dân tham gia quản lý xã hội. Đó là: cần phải biến các chức năng quản lý của nhà nước thành những công việc kiểm tra và ghi chép giản đơn để đại đa số nhân dân, rồi toàn thể nhân dân đều có thể làm được. V.I. Lê-nin chỉ rõ: để thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thăng quan phát tài, cần phải làm cho những chức vụ “danh dự” trong nhà nước, mặc dù không đem lại lợi lộc gì, cũng không thể dùng làm bàn đạp để nhảy lên những chức vụ hết sức béo bở trong các ngân hàng và các công ty cổ phần. Các biện pháp, cơ chế này được V.I. Lê-nin nêu ra vào năm 1917 mà 100 năm sau vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam.

Tương lai của quyền lực trong quản lý xã hội: Kế thừa C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin chỉ ra rằng trong tương lai ở xã hội cộng sản chủ nghĩa quyền lực nhà nước tiêu vong, quyền lực cưỡng chế cũng biến mất bởi vì sẽ không còn cần thiết phải dùng bạo lực đối với con người, không cần thiết phải buộc người này phục tùng người khác, bộ phận dân cư này phục tùng bộ phận dân cư khác, vì người ta sẽ quen tuân theo những điều kiện thông thường của đời sống tập thể, mà không cần có bạo lực và không cần có phục tùng, không cần bộ máy cưỡng bức đặc biệt gọi là nhà nước.

Từ nay cho đến khi đạt đến trình độ phát triển cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa, V.I. Lê-nin chỉ ra biện pháp quan trọng của quản lý xã hội là tăng cường thống kê và kiểm soát, cụ thể: xã hội, nghĩa là đa số và tiến tới toàn thể nhân dân và nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt mức độ lao động và mức độ tiêu dùng, sản xuất và phân phối.

Có thể cần lưu ý quan niệm của V.I. Lê-nin về quản lý xã hội như quản lý một nhà máy khổng lồ theo đó: “Toàn thể xã hội sẽ chỉ còn một phòng làm việc, một xưởng máy, với chế độ lao động ngang nhau và lĩnh lương ngang nhau”(6). Quan niệm này có lẽ chủ yếu để giúp dễ hình dung ra quy mô và tính chất hệ thống to lớn và nghiêm ngặt của quản lý xã hội trong một nấc thang cần thiết để vượt qua chế độ cũ trên đường tiến xa tới chế độ xã hội mới. Giống như quản lý nhà máy, quản lý xã hội cũng phải quan tâm tới cấu trúc trật tự, kỷ cương của sự phân công lao động và sự công bằng xã hội trong lao động và trả công lao động. Nhưng khác quản lý nhà máy, quản lý xã hội do những người được tuyển cử thực hiện với sự tham gia của đa số nhân dân tiến tới toàn thể nhân dân nhằm nâng cao năng suất của toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân gồm cả người lao động và người không lao động. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mọi người không những tham gia bầu cử, tuyển cử, không những sẽ học cách quản lý và tham gia quản lý hàng ngày, mà sẽ tự quản lý và sẽ quen dần với việc không cần có ai quản lý nữa. Khi đó việc tuân thủ các quy tắc đơn giản và cơ bản của mỗi xã hội loài người sẽ trở thành một tập quán, thói quen; khi đó nhà nước tiêu vong, quản lý nhà nước cũng tiêu vong, nhưng quản lý xã hội vẫn còn, ít nhất là dưới hình thức tự quản lý, dưới hình thức các tập quán, thói quen của tất cả mọi người.

Học thuyết Lê-nin về quản lý xã hội trong bước đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Nhiệm vụ quản lý xã hội:
Sau cuộc cách mạng ngày 25-10-1917, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết trong đó nổi bật lên nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm là nhiệm vụ quản lý xã hội. V.I. Lê-nin phân tích và chỉ rõ, mỗi thời kỳ cách mạng đòi hỏi phải xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm. Khi đảng cộng sản chưa giành được quyền lực nhà nước thì nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm thứ nhất là nhiệm vụ thuyết phục đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của đảng. Nhiệm vụ thứ hai là giành lấy chính quyền và đập tan mọi sự phản kháng của bọn bóc lột. Sau khi thiết lập được chính quyền Xô-viết thì hai nhiệm vụ này vẫn tiếp tục được thực hiện, nhưng nhiệm vụ thứ ba phải trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm, đó là nhiệm vụ quản lý xã hội, quản lý nước Nga, quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội nhằm mục tiêu xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin chỉ rõ nhiệm vụ mới đòi hỏi phẩm chất mới, năng lực mới, cụ thể là: muốn quản lý tốt thì không chỉ cần cái tài biết thuyết phục, biết chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn phải biết tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn, biết quản lý những cơ sở, những đơn vị to lớn của xã hội.

Khẩu hiệu cũ cách làm mới:
V.I. Lê-nin nêu ra những khẩu hiệu của xã hội cũ mà giai cấp bóc lột vẫn sử dụng để thống trị, nhưng chính quyền Xô-viết cần phải áp dụng theo một cách mới đó là năm khẩu hiệu mà đến nay sau 100 năm vẫn còn giá trị áp dụng thực tiễn, vẫn là điều kiện cần và đủ để bảo đảm quản lý xã hội một cách chất lượng và hiệu quả. Đó là các khẩu hiệu: (i) hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực: khẩu hiệu này trong quản lý xã hội thế kỷ XXI được mở rộng bao gồm việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, (ii) hãy chi tiêu tiết kiệm, (iii) đừng lười biếng mà hãy chăm chỉ, chịu khó, (iv) đừng tham ô, đừng ăn cắp của công, (v) hãy triệt để tuân theo kỷ luật trong lao động, ngày nay mở rộng thành khẩu hiệu sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. V.I. Lê-nin chỉ rõ cách thực hiện, cách làm mới ở đây là: một mặt tuyên truyền, vận động để quần chúng lao động áp dụng các khẩu hiệu này trong thực tiễn; cụ thể là phải tổ chức cho toàn dân kiểm kê và kiểm soát một cách hết sức chặt chẽ sự sản xuất và phân phối sản phẩm; mặt khác chính quyền cần thể chế hóa các khẩu hiệu này thành những quy định pháp luật, thành chính sách để áp dụng trong thực tiễn quản lý xã hội. Liên quan đến điều này, Việt Nam đã ban hành một loạt các luật như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều luật khác để quản lý xã hội.

Vai trò của khoa học, công nghệ và đội ngũ chuyên gia: Theo V.I. Lê-nin, để nâng cao năng suất lao động, cần thu hút quần chúng lao động tham gia kiểm kê, kiểm soát sản xuất và phân phối sản phẩm, cần các khẩu hiệu phù hợp và pháp luật, chính sách, kỷ luật đảng và cần nhiều yếu tố khác nữa. Cụ thể, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ, trong điều kiện đã đập tan giai cấp thống trị và đã thiết lập được chính quyền Xô-viết thì có thể “tạm ngừng” tấn công vào bọn tư bản, mặc dù chuyên chính vô sản vẫn còn quan trọng và cần thiết. Đồng thời cần chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang thu phục và sử dụng các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm gồm cả những chuyên gia tư sản, những người có tài tổ chức và quản lý của giai cấp tư sản. V.I. Lê-nin chỉ ra hai phương thức thu phục và sử dụng chuyên gia: một là phương thức tư sản, nghĩa là trả lương cao, đãi ngộ tốt và hai là phương thức vô sản, nghĩa là thiết lập chế độ kiểm kê, kiểm soát do toàn dân thực hiện từ dưới lên.

Trong điều kiện ngày nay khi khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất, việc thu hút và sử dụng chuyên gia khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống đã trở nên tất yếu, nhưng vẫn không phải không có những vấn đề mà V.I. Lê-nin đã phải giải quyết cách đây 100 năm. Do vậy, việc tìm hiểu cách thức V.I. Lê-nin thuyết phục các đồng chí của mình trong việc thu phục các chuyên gia tư sản tham gia quản lý xã hội là cần thiết về mặt lý luận và thực tiễn. Trước hết, V.I. Lê-nin thuyết phục rằng trong điều kiện cách mạng đã thiết lập được chính quyền Xô-viết có nghĩa là đã đập tan giai cấp thống trị, giai cấp tư sản rồi thì có thể “tạm ngừng” cuộc tấn công vào bọn tư bản để rảnh tay tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm là quản lý xã hội. Thứ hai, để tổ chức sản xuất và quản lý toàn xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động cần phải có sự chỉ đạo, tham gia của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức, quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ hàng triệu, hàng chục triệu người dân. Trong khi đó, V.I. Lê-nin chỉ rõ, những người cộng sản ở nước Nga Xô-viết lúc bấy giờ dù có tài thuyết phục nhân dân, có tài tổ chức chiến đấu lật đổ giai cấp thống trị và có tài thiết lập chế độ mới nhưng lại chưa có đủ tài, đủ các kiến thức, kinh nghiệm tổ chức, quản lý xã hội vì chưa được học, chưa được đào tạo và chưa được trải qua thực tiễn đó. Thứ ba, V.I. Lê-nin chỉ rõ hai phương thức thu phục chuyên gia tham gia quản lý xã hội, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của phương pháp tư sản, nghĩa là trả lương cao cho chuyên gia tư sản. V.I. Lê-nin thuyết phục rằng việc áp dụng phương thức tư sản này rõ ràng là một bước lùi so với nguyên tắc quản lý xã hội mà Công xã Pa-ri đòi hỏi phải thực hiện, đó là nguyên tắc rút tiền lương xuống ngang mức tiền công của người công nhân trung bình để chống tư tưởng làm quan phát tài trong cơ quan nhà nước. Nhưng theo V.I. Lê-nin đây là một bước lùi quan trọng và cần thiết để bảo đảm thành công trong thực tiễn chính trị đòi hỏi phải củng cố chế độ xô viết vừa mới được thiết lập và phải đẩy mạnh nền kinh tế - xã hội còn yếu kém lúc bấy giờ.

Để thuyết phục việc phải sử dụng chuyên gia và phải học tập khoa học quản lý và kiến thức khoa học kỹ thuật của nước ngoài, V.I. Lê-nin đã nêu một ví dụ thực tiễn có vẻ xưa cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị chính trị - thực tiễn ở Việt Nam như sau: giả sử nước Nga Xô-viết cần có 1.000 nhà bác học và chuyên gia hạng nhất trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn để chỉ đạo lao động của nhân dân nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội. Giả sử phải trả cho mỗi chuyên gia “ngôi sao bậc nhất” ấy, nghĩa là mỗi một chuyên gia giỏi nhất một số tiền lương một năm tổng cộng là 25 triệu rúp. Giả sử phải tăng tổng số tiền lương đó lên gấp đôi vì phải tính cả tiền thưởng cho việc hoàn thành những nhiệm vụ kỹ thuật và tổ chức quan trọng nhất, thậm chí phải tăng gấp bốn lần vì tính cả tiền lương cao hơn cho mấy trăm chuyên gia nước ngoài khó tính được tuyển dụng. Khi đó, V.I. Lê-nin đặt câu hỏi: việc bỏ ra 50 triệu hoặc 100 triệu rúp để cải tổ lao động của nhân dân theo thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật như vậy liệu có quá đáng không, có quá sức với nước cộng hòa Xô-viết không? V.I. Lê-nin trả lời dứt khoát: không. V.I. Lê-nin tin tưởng rằng tất cả công nhân, nông dân giác ngộ đều tán thành khoản chi như vậy. Bởi vì họ đều biết rằng tình trạng lạc hậu của nền sản xuất làm tổn thất hàng tỷ rúp, rằng việc chưa có được một trình độ tổ chức, kiểm kê, kiểm soát khiến cho toàn thể những chuyên gia “ngôi sao” trí thức tư sản chưa tự nguyện tham gia quản lý xã hội. Việc tuyển dụng chuyên gia còn có một vấn đề nữa mà V.I. Lê-nin đã chỉ rõ và thuyết phục cách giải quyết. Đó là việc trả lương cao cho chuyên gia tư sản có thể gây ảnh hưởng đến cả chính quyền Xô-viết, làm cho một số người chạy theo chủ nghĩa làm quan phát tài, khiến một số người bất tài hay một số kẻ bịp bợp nào đấy cố tìm cách mua quan bán chức, luồn sâu, leo cao để hưởng lợi trong chính quyền. V.I. Lê-nin chỉ rõ đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra và do vậy càng cần phải tổ chức cho toàn dân tham gia quản lý xã hội, thực hiện kiểm kê, kiểm soát từ dưới lên, càng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và kỷ luật để quét sạch tất cả những bọn có tư tưởng làm quan phát tài ra khỏi bộ máy chính quyền; đồng thời công nhân, nông dân và chúng ta gồm cả những người cộng sản cần phải bằng cách sử dụng các chuyên gia tư sản nhanh chóng học tập nâng cao trình độ hiểu biết khoa học về tổ chức, về quản lý xã hội và nâng cao kỷ luật lao động. Càng học tập nhanh chóng bao nhiêu các môn khoa học đó thì càng nhanh chóng thoát khỏi việc phải trả “khoản tiền cống”, “tiền học phí” cho việc tuyển dụng các chuyên gia tư sản. Về vai trò của việc học tập nghiên cứu khoa học, công nghệ và sử dụng chuyên gia để quản lý xã hội, V.I. Lê-nin đã đưa ra một công thức nổi tiếng: Chính quyền Xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + Kỹ thuật và các tổ chức các tơ - rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = tổng số = chủ nghĩa xã hội. Đầu thế kỷ XXI các nhà khoa học mới tính toán được tỷ trọng đóng góp của vốn khoa học, công nghệ và các loại vốn vô hình, vốn phi vật thể khác chiếm gần 80% tổng của cải bình quân đầu người trên thế giới.

Tổ chức thi đua và vai trò của báo chí và tòa án: Theo V.I. Lê-nin, việc tổ chức thi đua một cách rộng rãi trong các lĩnh vực nhất là trong lĩnh vực kinh tế là một yếu tố quan trọng và cần thiết để quần chúng lao động thực sự tham gia quản lý xã hội. Trong thi đua, những cá nhân, tập thể hoạt động tốt trở thành tấm gương để giáo dục, hướng dẫn và thúc đẩy các cá nhân và tập thể khác. Trong quá trình này, báo chí mà ngày nay gọi chung là truyền thông đại chúng thực hiện chức năng của công cụ quản lý xã hội thông qua việc giới thiệu tỉ mỉ những thành tựu, thành công và những nguyên nhân, những cách làm việc và cách quản lý đã tạo nên sự thành công, thành tựu đó; đồng thời truyền thông đại chúng sẽ đưa lên “bảng đen” nghĩa là cảnh báo và phê phán những thói hư, tật xấu, sự lười biếng, vô tổ chức kỷ luật, coi thường kỷ cương pháp luật. Bằng cách đó, truyền thông đại chúng góp phần làm cho người dân được tham gia quản lý xã hội. Theo V.I. Lê-nin, tòa án là một cơ quan chính quyền của công nhân và nông dân, do vậy tòa án là công cụ để giáo dục kỷ luật và là một cơ quan có trách niệm làm cho tất cả mọi người dân đều có thể tham gia vào việc quản lý xã hội.

Học thuyết Mác - Lê-nin về quản lý xã hội được C. Mác và Ph. Ăng-ghen xây dựng về mặt lý luận và kiểm chứng thực tiễn qua Công xã Pa-ri và được V.I. Lê-nin phát triển ngay trước và sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, cách đây một thế kỷ. Học thuyết này cho thấy ngay sau thành công của cuộc cách mạng vô sản, ngay sau khi thiết lập được chính quyền của quần chúng nhân dân lao động thì nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm của chính quyền cách mạng là nhiệm vụ quản lý xã hội. Đây là nhiệm vụ mới, do vậy một mặt cần tổ chức cho toàn dân tham gia quản lý xã hội thông qua việc nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, thực hiện kiểm kê, kiểm soát, nâng cao kỷ luật lao động và thực hiện các khẩu hiệu cũ theo tinh thần mới để nâng cao năng suất lao động xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mặt khác, cần thu hút sự tham gia của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, công nghệ, cần học tập kiến thức, kỹ thuật mới nhất, tiên tiến nhất về tổ chức sản xuất, kinh doanh, về quản lý xã hội của nước ngoài. Đồng thời, cần đổi mới các chức năng và các công cụ quản lý nhà nước như tổ chức thi đua, truyền thông đại chúng, tòa án và các cơ quan quyền lực khác của nhà nước để bảo đảm toàn dân tham gia quản lý xã hội. Các lý thuyết hiện đại về quản lý xã hội tuy không trích dẫn C. Mác và V.I. Lê-nin nhưng đều phát hiện và làm rõ những yếu tố cơ bản cấu thành của quản lý xã hội mà học thuyết Mác - Lê-nin đã chỉ ra trước đây. Trong đó nổi bật ba nhóm yếu tố là yếu tố thiết chế chính sách cởi mở vì phát triển bền vững; yếu tố dân chủ “biết, bàn, làm, kiểm tra, đánh giá, hưởng thụ” của người dân trong tất cả các quá trình xã hội và yếu tố khoa học, công nghệ bao gồm tin học, khoa học mạng và cả năng lực học hỏi suốt đời “học, học nữa, học mãi”. Đối với nước Nga Xô-viết cách đây 100 năm và Việt Nam hiện nay, quản lý xã hội là hoạt động sáng tạo có ý nghĩa lịch sử. Rõ ràng là còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu hết và nhiều việc chúng ta chưa biết làm. Do vậy, đúng như V.I. Lê-nin nói: chúng ta cần phải học và sẽ học được cách quản lý xã hội. Đó là biểu hiện của sức sống hơn một thế kỷ qua của học thuyết Mác - Lê-nin về quản lý xã hội mà hiện nay chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập thế giới./.
-----------------------------------------------------------------

(1) V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nhà nước và cách mạng, Tập 33, Nxb. Tiến bộ - Mat-xcơ-va, 1976, Tr.75
(2) V.I. Lê-nin, Toàn tập, sđd, Tập 33, Tr.30
(3) V.I. Lê-nin. Toàn tập, sđd , Tập 33, Tr.52, 95
(4) V.I. Lê-nin. Toàn tập, sđd, Tập 33, Tr.53
(5) V.I. Lê-nin. Toàn tập, sđd, Tập 33, Tr.54
(6) V.I. Lê-nin. Toàn tập, sđd , Tập 33, Tr.125