Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức: Một giai đoạn hợp tác mới
TCCSĐT - Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9-1975, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức đã có những bước tiến quan trọng và được ghi nhận bằng việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai. Chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 11-2015 củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, tạo xung lực mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước.
Quan hệ chính trị - ngoại giao: Thực chất và hiệu quả
Cộng hòa liên bang Đức là một trong những quốc gia sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai quốc gia mới có những thay đổi đáng kể. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp khác nhau; ký kết nhiều hiệp định hợp tác quan trọng, như Hiệp định hợp tác văn hóa (năm 1990), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 1993), Hiệp định hợp tác hàng không (năm 1994), Hiệp định hợp tác hàng hải (năm 1995), Hiệp định nhận công dân trở lại (năm 1995), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (năm 1996), Hiệp định hợp tác khoa học - kỹ thuật (năm 1999).
Sang đầu thế kỷ XXI, quan hệ giữa Việt Nam và Đức được phát triển lên tầm cao mới, thể hiện rõ qua các chuyến thăm cấp cao giữa hai nhà nước, đó là chuyến thăm Cộng hòa liên bang Đức của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10-2001), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 3-2004), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2008), chuyến thăm Cộng hòa liên bang Đức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3-2013) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10-2014). Về phía Cộng hòa liên bang Đức, có các chuyến thăm của Thủ tướng Ghét-hác Xru-ê-đơ (năm 2003 và 2004); Tổng thống Hốt-xơ Kô-lơ (tháng 5-2007). Tháng 10-2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng An-giê-la Méc-ken, hai nước ký Tuyên bố Hà Nội về thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai”, Chủ tịch Quốc hội Đức N. Lam-mớt dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội tháng 3-2015...
Chuyến thăm Cộng hòa liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân từ ngày 24 đến 26-11-2015 vừa qua có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương Việt Nam và CHLB Đức, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch nước là một thông điệp khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo Đức bày tỏ coi trọng và đánh giá chuyến thăm là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng trong quan hệ hai nước(1). Có thể khẳng định, các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nhà nước tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất, nhất là về lĩnh vực chính trị.
Trong 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Đức là nước có quan hệ chính trị đặc biệt với Việt Nam thông qua việc duy trì và mở rộng các cuộc thăm viếng, trao đổi của lãnh đạo cấp cao, từ nguyên thủ quốc gia đến các bộ, ngành và địa phương. Đây chính là nền tảng tin cậy vững chắc để hai bên triển khai hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam và Đức có mối quan hệ gần gũi, thân thiện, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, có nhiều quan điểm tương đồng về một số vấn đề quốc tế, như toàn cầu hóa, chống khủng bố, cải cách Liên hợp quốc,... cùng hợp tác, thường xuyên ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Liên minh châu Âu (ASEAN - EU).
Xung lực mới trong hợp tác kinh tế
Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với Đức và hợp tác kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Đức ngày càng quan tâm đến hợp tác thương mại với Việt Nam, một quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng lớn, chính trị ổn định và được đánh giá là một điểm sáng về phát triển kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng. Đức ủng hộ việc EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), và xem Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á(2).
Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014 và trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 6,6 tỷ USD. Hiện nay, trong EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… Đức là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới đối với cà phê hạt và hạt tiêu đen của Việt Nam. Việt Nam nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, ô-tô, hóa chất, dược phẩm.
Ngoài ra, nhiều cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng đã được thiết lập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại Phrăng-phuốc, góp phần tạo xung lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương giữa hai nước. Hiện nay, cộng đồng khoảng 125.000 người Việt Nam và người Đức gốc Việt đang sinh sống ở Đức và khoảng 100.000 người ở Việt Nam biết tiếng Đức là một nền tảng vững chắc để hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa và xã hội(3).
Mặt khác, Việt Nam và CHLB Đức có những lợi thế so sánh và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Với quy mô kinh tế lớn và thế mạnh về khoa học - công nghệ hiện đại của Đức, cùng sự phát triển ổn định, năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, hai nước đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư.
Đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước, hiện đang trên đà tăng trưởng tích cực, là chủ trương nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo hai nước và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Về đầu tư, với nhiều lợi thế so sánh so với các nước trong khu vực, Việt Nam trong những năm gần đây trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư EU. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng, với 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, đứng thứ 22/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trên 3/4 tổng số dự án và 2/3 tổng số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở các ngành Đức có thế mạnh và khả năng cạnh tranh cao, như kết cấu hạ tầng, giao thông, dịch vụ ngân hàng, chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ phần mềm và thông tin truyền thông, tài chính, bảo hiểm.
Các dự án đầu tư của Đức tại Việt Nam bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện có 22 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp nhận các dự án đầu tư của Đức, chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Một số tập đoàn lớn của Đức đã có dự án đầu tư tại Việt Nam, như Metro Cash & Carry, Siemens, Deutsche Bank, Allianz.
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực gồm tài chính - ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại…
Về viện trợ ODA, Đức là một trong những nước viện trợ ODA hàng đầu và thường xuyên cho Việt Nam, xét về quy mô, chỉ đứng thứ hai trong EU (sau Pháp). Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Nguồn vốn ODA này được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, xây dựng năng lực thể chế và đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Trọng tâm hỗ trợ phát triển của Đức tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững (còn gọi là tăng trưởng xanh), tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hợp tác, phát triển trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ với Đức những năm qua có ý nghĩa tích cực với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Trước năm 1995, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học - công nghệ chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của các tổ chức, các quỹ của Đức. Năm 1996, Nghị định thư hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức được ký kết, tạo môi trường và nền tảng pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, chuyên gia, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học chung. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đức dành sự quan tâm lớn cho sự phát triển của các trường đại học ở Việt Nam. Năm 1998, Đức hợp tác với Việt Nam xây dựng Trung tâm trao đổi khoa học - kỹ thuật trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, Trường Đại học Việt - Đức (VGU) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được khánh thành đưa vào hoạt động và được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, mỗi năm Cộng hòa liên bang Đức dành cho Việt Nam khoảng 100 học bổng cấp Liên bang và 85 học bổng cấp bang để đào tạo nghiên cứu sinh (nhiều nhất trong EU); giúp đào tạo gần 30 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và hàng trăm cán bộ khoa học thông qua các chương trình hợp tác với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi Viện Hàn lâm Đức, Quỹ khoa học trẻ, Quỹ đào tạo chuyên gia ngành công nghiệp, Quỹ phát triển. Có khoảng 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Còn thế hệ người Việt thứ hai sinh sống, định cư tại Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Có thể nói, hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Đức phát triển mạnh mẽ cùng với sự lớn mạnh của quan hệ song phương.
Sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa cũng có những thay đổi đáng kể. Năm 1990, Việt Nam và Đức ký Hiệp định hợp tác văn hóa tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. Năm 1997, Trung tâm văn hóa Đức (Viện Goethe) tại Hà Nội đã được thành lập. Viện Goethe vừa truyền bá hình ảnh nước Đức đương đại, nghệ thuật và văn hóa Đức, vừa đẩy mạnh công tác dạy tiếng Đức. Việt Nam cũng thường xuyên cử các đoàn nghệ thuật sang Đức phục vụ bà con Việt kiều tại Đức, đồng thời qua đó giới thiệu nền nghệ thuật phong phú, đa dạng của Việt Nam tới công chúng Đức. Năm 2010 được coi là năm đặc biệt trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, với việc lấy năm 2010 là “Năm Đức tại Việt Nam” và “Năm Việt Nam tại Đức”.
Trong những năm gần đây, chuỗi sự kiện, chương trình hoạt động phong phú và đa dạng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... diễn ra ở hai nước đã kết nối giao lưu giữa nhân dân hai nước, góp phần tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương Việt Nam - Đức. Việc Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức cùng đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới, chú trọng hiệu quả, hướng vào chiều sâu và thực chất sẽ tạo điều kiện đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước nói riêng và các nước khác trong EU phát triển toàn diện, sâu rộng, ổn định lâu dài và đóng góp vào sự thịnh vượng ở cả hai châu lục Á - Âu.
Có thể nói, chuyến thăm Cộng hòa liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân vào tháng 11-2015 thành công tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức và mở ra một giai đoạn hợp tác mới trên các lĩnh vực thế mạnh của hai nước. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam có nhu cầu lớn trong phát triển những lĩnh vực mà Đức có lợi thế về công nghệ và chất lượng so với nhiều nước công nghiệp phát triển khác. Đức với vai trò đặc biệt vừa là đầu tàu kinh tế của EU, vừa là một trong những nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững nhất EU, chèo lái khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công, Đức còn là đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Hy vọng rằng, trong tương lai, mối quan hệ hai nước ngày càng gắn kết chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước./.
---------------------------------------------
(1) “Thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn đối tác chiến lược Việt-Đức”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 27-11-2015
(2) Củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức”, Nhân dân điện tử, ngày 23-11-2015
(3) “Đức và Việt Nam”, Website Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/05-Aussenpolitik_20u_20D-VNM_20Bez/05-01_20bilaterale-beziehungen/0-bilaterale-beziehungen.html
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 7-12 đến ngày 13-12-2015)  (14/12/2015)
Đảng viên-  (14/12/2015)
Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  (14/12/2015)
Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  (14/12/2015)
Thay thành viên Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng  (14/12/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên