Quốc hội với việc thực hiện CEDAW
Nhóm thứ nhất là Pháp luật hóa nguyên tắc bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giới. Trước hết, mỗi nước phải ghi vào Hiến pháp các điều khoản về quyền bình đẳng nam - nữ. Tiếp đó, các đạo luật phải thể hiện chi tiết, cụ thể các quyền này; đặc biệt là Luật hình sự phải thể hiện rõ việc xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ. Sau đó Nhà nước phải thể hiện bằng các chính sách có tính khả thi, có hiệu quả để bảo đảm cho việc đối xử bình đẳng.
Tất cả các đạo luật, các chính sách đều phải nhằm mục tiêu bảo đảm sự phát triển và sự tiến bộ đầy đủ, toàn diện của phụ nữ.
Nhóm thứ hai là những nội dung cơ bản của việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử. Ở nhóm này có thể đề cập tới 10 nội dung cơ bản:
1. Phải xóa bỏ bất bình đẳng trong đời sống chính trị.
2. Phụ nữ phải được tạo cơ hội để có tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế, phải được tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế như nam giới.
3. Phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc nhập, thay đổi hoặc giữ nguyên quốc tịch của mình theo quy định của pháp luật.
4. Xóa bỏ mọi hình thức phân biết đối xử với phụ nữ trong giáo dục - đào tạo.
5. Xóa bỏ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực việc làm.
6. Xóa bỏ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm cho phụ nữ được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
7. Bảo đảm sự bình đẳng trên các lĩnh vực phúc lợi gia đình, vay vốn ngân hàng, cầm cố tài sản; các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí.
8. Phải đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nông thôn trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dậy nghề, tạo việc làm và bảo vệ sức khỏe.
9. Bảo đảm cho phụ nữ bình đẳng với nam giới trước pháp luật; đề cao tư cách pháp nhân của phụ nữ; phụ nữ có quyền tự do lựa chọn cư trú và chỗ ở theo pháp luật.
10. Xóa bỏ mọi bất bình đẳng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
I. Quốc hội Việt Nam với việc triển khai CEDAW
Từ khi Công ước có hiệu lực đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 5 khóa (từ khóa VII: 1981- 1987 đến khóa XI 2002 - 2007). Trong thời gian đó, Quốc hội đã thông qua 188 đạo luật. Trong đó có nhiều đạo luật hàm chứa các nội dung của CEDAW như: Bộ Luật Hình sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Bộ Luật Dân sự; Bộ Luật Tố tụng dân sự; Luật Đất đai; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất; Bộ Luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Bảo hiểm xã hội v.v...
Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xem xét quyết định các điều khoản quy định mang tính chất bình đẳng giới trong các đạo luật nói trên. Trong các đạo luật có chứa các quy phạm về nội dung CEDAW thì tập trung nhất là Bộ Luật lao động.
Được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23-6-1994 và được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 11 sửa đổi bổ sung ngày 2-4-2002, Bộ Luật lao động hiện hành có 17 chương 198 điều nhằm điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Bộ Luật được áp dụng đối với mọi người lao động, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng thuộc tất cả các thành phần kinh tế, tất cả các hình thức sở hữu. Các đối tượng khác, tùy từng đối tượng mà dược áp dụng một số quy định của Bộ Luật.
Đây là một trong những đạo luật đã quán triệt vấn đề bình đẳng giới tương đối toàn diện và sâu sắc. Trong 17 chương thì có một chương (chương 10) gồm 10 điều (từ Điều 109 đến Điều 118) là những quy định riêng đối với lao động nữ. Xem xét một cách tương đối thì còn 7 điều khác nói về lao động nữ hoặc có liên quan trực tiếp với phụ nữ gồm: điều 5 khoản 1; điều 7 khoản 1; điều 34 khoản 2; điều 37 khoản 1; điều 144; điều 145 khoản 1; điều khoản 2. Trong 17 điều luật nói trên, có thể chia làm 5 nhóm vấn đề: Một là tôn trọng vị thế của chị em phụ nữ trong lao động. Hai là đào tạo, dạy nghề và việc làm. Ba là tiền lương, tiền công và thu nhập. Bốn là điều kiện lao động và vệ sinh lao động. Năm là bảo hiểm xã hội và phúc lợi công cộng.
Chúng ta hãy xem xét từng vấn đề cụ thể.
1. Tôn trọng và đề cao vị thế của phụ nữ trong lao động
Về số lượng, phụ nữ chiếm 50,8% dân số và 50,6% nguồn lao động. Trong đó, số lao động nữ làm việc ở các ngành kinh tế quốc dân, chiếm 52%; số lao động nữ làm việc ở khu vực “phi kết cấu”, chiếm khoảng 70%; và khoảng 60% sản phẩm được làm ra chủ yếu là từ những lao động nữ ở nông thôn.
Về cơ cấu lao động, ứng với cơ cấu ngành nghề thì có nhiều việc, nhiều nghề thích hợp với lao động nữ và thường có hiệu quả hơn lao động nam như y tế, giáo dục (trong các ngành này lao động nữ chiếm 65 đến 70%).
Về chất lượng lao động, nhờ vào đức tính, và khả năng, phụ nữ có độ bền bỉ, dẻo dai và có kỹ năng làm tốt nhiều việc. Vì thế, ở các nghề dệt, may, phần lớn các công việc là do lao đông nữ đảm nhiệm.
Có thể nói, nếu được huấn luyện, đào tạo; nếu không bị lệ thuộc, ràng buộc bởi những lề thói lạc hậu và nếu điều kiện lao động được bảo đảm thì hầu như công việc nào, ngành nghề nào lao động nữ cũng có khả năng thực hiện được.
Với những ưu thế về số lượng, chất lượng và kỹ năng như thế mà điều 109 của Bộ Luật lao động đã quy định: Nhà nước phải bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới. Nhà nước có chính sách và biện pháp nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp.
2. Đào tạo, dạy nghề và việc làm
Điều 5 của Bộ Luật quy định, mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Còn Điều 110 thì quy định rộng hơn, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ ngoài nghề đang làm người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ. Ở Điều 109 quy định cụ thể tính chất biện pháp là áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, không trọn tuần, giao việc làm tại nhà... Kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình của phụ nữ.
Có thể nói, đây là những quy định rất tiến bộ, có căn cứ thực tiễn và có cơ sở khoa học. Bởi trong nền kinh tế thị trường, tính ổn định của việc làm không cao so với cơ chế kế hoạch hóa, sự thay đổi về quy mô sản xuất, ngay lập tức dẫn đến sự thay đổi về quy mô sử dụng nguồn lao động. Việc các nước EU áp dụng biểu thuế mới rất cao đối với ngành da giày Việt Nam năm 2006 là một ví dụ. Hậu quả là vừa phải rút ngắn thời gian làm việc, vừa phải giảm bớt số lượng lao động. Tiến bộ kỹ thuật, áp dụng trang thiết bị và công nghệ hiện đại hơn cũng sẽ dẫn đến thải hồi lao động, bớt chỗ làm việc. Và hậu quả này thường là phụ nữ phải gánh chịu. Chính vì vậy cần phải đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ để có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm; mất việc này có thể tìm việc khác. Sở dĩ phải áp dụng rộng rãi chế độ thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, không trọn tuần, giao việc làm tại nhà là vì:
Thứ nhất, về phía người sử dụng lao động, cũng có nhiều loại việc họ chỉ cần sử dụng một số giờ lao động nhất định trong ngày. Ví dụ, công việc dọn các phòng làm việc vào đầu buổi sáng; việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán hàng (hoặc vào cuối ngày hôm trước, hoặc đầu ngày hôm sau); việc in ấn, đánh máy tài liệu của một cơ quam, chỉ cần vài buổi trong tuần. Có những cơ sở sản xuất, không có đủ mặt bằng nhà, xưởng nên có thể chia nguyên liệu, bán thành phẩm về làm tại gia đình và định thời gian nộp sản phẩm. Có những công việc thủ công sản xuất tập trung không có hiệu quả bằng phân tán, như các sản phẩm gia công may mặc, thêu ren, đan lát. Ngay cả những việc đòi hỏi trí tuệ cao cũng có thể thực hiện chế độ làm việc thời gian biểu linh hoạt, đó là việc thỉnh giảng ở các trường cao đẳng, đại học; việc thẩm định báo cáo quyết toán tháng, quý, năm...
Thứ hai, về phía lao động nữ, do điều kiện hoàn cảnh mà nhiều người cần làm việc theo chế độ thời gian làm việc linh hoạt. Có thể đi sớm về sớm hoặc đi muộn về muộn một số giờ nhất định. Có người, con còn bé lại muốn vừa kết hợp làm việc vừa nuôi con. Có người chỉ có thể làm việc trước và sau giờ hành chính. Có người do sức khỏe nên chỉ có thể làm việc nửa ngày...
Có thể nói hoàn cảnh khách quan và điều kiện chủ quan đòi hỏi phải có chế độ thời giam làm việc hợp lý. Tuy nhiên, trong điều kiện còn thiếu việc làm, thu nhập còn thấp thì có lẽ nguyện vọng của phụ nữ vẫn là có việc làm thường xuyên và việc làm đầy đủ, ổn định .
3. Tiền lương, tiền công và thu nhập
Điều 111 khẳng định “Người sử dụng lao động phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động”. Quy định này có thể coi là một bước kế thừa và phát huy Điều 57, Sắc lệnh số 29SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12-3-1947 “Công nhân là đàn bà hay trẻ con mà làm một công việc như công nhân đàn ông, đều được lĩnh tiền công bằng số tiền công của đàn ông”. Các quy định trên là một trong những nguyên tắc quan trọng của chính sách tiền lương hiện hành (mọi lao động làm công việc giống nhau, có số lượng và chất lượng ngang nhau thì được trả lương như nhau).
Từ khi hội nhập với thế giới, chúng ta cũng thừa nhận và vận dụng Công ước số 100 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) “Trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau là nói về các mức trả công được ấn định không phân biệt đối xử về giới tính” (Công ước có hiệu lực từ ngày 23-5-1953). Nếu xét về thời gian, vấn đề bình đẳng tiền lương giữa lao động nam và lao động nữ thì ở Việt Nam, Sắc lệnh 29 đã đi trước Công ước 100 của Tổ chức lao động quốc tế hơn 6 năm. Điều đó nói lên nhận thức về bình đẳng giới trong việc trả công lao động ở nước ta là tiến bộ khá sớm.
4. Điều kiện lao động và vệ sinh lao động
Đây là loại vấn đề được “nhấn đậm” trong Bộ luật Lao động. Ngoài những quy định chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho mọi người lao động ở chương IX thì riêng đối với lao động nữ còn có thêm những quy định khác. Tại Điều 7 có ghi “Nhà nước quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ và các loại lao động có đặc điểm riêng”. Điều 113 nói cụ thể hơn “Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ làm những công việc nặng nhọc nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con... Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ bất kỳ độ tuổi nào làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước”.
Những quy định của các điều luật này nhằm trực tiếp bảo vệ lao động nữ và sâu xa hơn là bảo vệ nòi giống. Lao động nữ có những đặc điểm riêng về giới tính, trước hết là về cấu trúc cơ thể. Tuy trong những hoạt động lao động cụ thể, nữ có độ bền bỉ, dẻo dai, nhưng theo nhiều tài liệu nghiên cứu về y học, nhân trắc học thì nam, nữ có cùng độ tuổi song lại khác nhau về chiều cao, cân nặng và nhiều tiêu thức khác về sức khỏe; nếu nam giới có hệ số sức khỏe là 1 thì nữ giới thường chỉ bằng 0,9 đến 0,94. Ở độ tuổi sinh sản, ở thời kỳ “tiền mãn kinh” (khoảng 3 đến 5 năm) phụ nữ thường dễ mắc các chứng bệnh, dễ bị ốm đau, sức khỏe giảm sút hơn so với nam giới và cũng giảm sút so với thời kỳ trước. Thời gian sinh đẻ và nuôi con của phụ nữ cho dù là được kế hoạch hóa thì cũng mất khoảng 10 năm. Thời gian này lại trùng với thời gian đầu của “một đời làm việc”, vì vậy ít nhiều có ảnh hưởng đến hiệu suất công tác. Như vậy, nam, nữ có thể có công việc giống nhau, nhưng phụ nữ có cái khó khách quan, cái “thiệt thòi” riêng mà “tạo hóa” đã định.
Nói chung, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương, vì vậy quy định không để phụ nữ làm các công việc nguy hiểm, tiếp xúc với hóa chất độc hại, không làm việc thường xuyên dưới lòng đất, hầm tầu hoặc ngâm mình dưới nước là hoàn toàn đúng đắn và khách quan. Vấn đề là phải phấn đấu thực hiện cho được.
5. Bảo hiểm xã hội và phúc lợi công cộng
Chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành gồm 5 chế độ chính (trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nại lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất). Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27-6-2006 có thêm các chế độ nghỉ dưỡng sức, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Trong các chế độ nói trên, có những chế độ chung cho mọi người lao động có điều kiện giống nhau, như chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất; có những chế độ có sự khác nhau do điều kiện giữa lao động nam và lao động nữ, đó là chế độ trợ cấp ốm đau và hưu trí; có chế độ nói chúng chỉ dành riêng cho lao động nữ, đó là chế độ thai sản.
Nhìn chung, chính sách bảo hiểm xã hội thể hiện ở các chế độ, trong đó có những chế độ riêng hoặc là có phần xử lý riêng đối với lao động nữ, hoặc chủ yếu, cơ bản dành cho phụ nữ đã thể hiện một bước quán triệt quam điểm bình đẳng giới và có tính đến những tình huống thực tế của xã hội. Trong chế độ trợ cấp thai sản, bảo hiểm xã hội chấp nhận cả những trường hợp hoặc vợ hoặc chồng có con riêng hoặc phụ nữ không có chồng mà có con đều được hưởng chế độ. Trong chế độ này có quy định, người lao động (không phân biệt nam hay nữ) nếu nuôi con sơ sinh theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình mà nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi.
Ở chế độ trợ cấp ốm đau, giữa lao động nam và lao động nữ có khác nhau. Lao động nữ được nghỉ con ốm (nếu con dưới 7 tuổi). Lao động nam thì không. Riêng trong công tác kế hoạch hóa sinh đẻ thì cả lao động nam và lao động nữ khi thực hiện các biện pháp lâm sàng (có sự can thiệp của thầy thuốc) đều được nghỉ việc có lương theo quy định.
Về chế độ hưu trí, điều khác nhau là lao động nữ được nghỉ sớm hơn lao động nam 5 năm. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vấn đề còn phải bàn bạc, nghiên cứu tiếp trên cơ sở phân loại lao động và điều kiện lao động để có quy định hợp lý hơn. Thiết nghĩ, bình đẳng giới trong lao động về nội dung, chúng ta đã có nhận thức khá sớm thể hiện rõ nét ở Sắc lệnh 29SL (ngày 12-3-1947) và được vận dụng từng bước trong chính sách chế độ đối với lao động nữ, nhất là từ sau năm 1954 ở miền Bắc, và cả nước từ giữa năm 1975 về sau. Đến năm 1994 và năm 2002, Quốc hội khóa IX, khóa X đã luật hóa trong Bộ luật Lao động với cả hình thức, tên gọi và nội dung tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên vẫn có hai loại vấn đề phải đặt ra để tiếp tục hoàn thiện.
Trước hết, phải tổ chức thực hiện được những quy định còn có giá trị thực tiễn lâu dài. Đây là nhiệm vụ mà đại biểu Quốc hội phải có sự đóng góp tích cực, nòng cốt. Tiếp đó là tiếp tục nghiên cứu sửa đổi những quy định chưa thật hợp lý và bổ sung những vấn đề còn thiếu mà cuộc sống thực tiễn yêu cầu phải xử lý. Đây là nhiệm vụ to lớn, nặng nề của Quốc hội.
II. Những vấn đề cần được Quốc hội quan tâm sâu sắc
Đoạn hai, điểm b, Điều 7 của Công ước nêu rõ, phụ nữ được “…tham gia vào bộ máy và các chức vụ nhà nước ở mọi cấp chính quyền”. Ở đây có hai vấn đề được đặt ra, một là, mức độ tham gia phải tương xứng với tiềm năng, khả năng của phụ nữ; và hai là, muốn vậy vẫn phải tiếp tục xóa bỏ rào cản về tư tưởng (vẫn có nơi chưa mấy thông suốt) việc đưa phụ nữ có đủ tiêu chuẩn, đủ tố chất vào vị trí quản lý lãnh đạo, thực hiện đúng giữa nói và làm (có lúc, có nơi thiếu nhất quán, thiếu kiên quyết).
Về mức độ (số lượng, tỷ lệ): phải nhấn mạnh vấn đề này vì, theo quy định của Công ước, chúng ta đã thực hiện và thực hiện từ lâu. Phụ nữ Việt Nam đã có mặt ở tất cả các cấp chính quyền rồi, thành tựu khá lớn, bước tiến khá dài nhưng mức độ đạt được thì còn rất thấp. Tháng 5-2003, theo số liệu điều tra của Bộ Nội vụ, 10.311 trên tổng số 10.600 xã, phường, thị trấn thì chỉ có 13,74% số cán bộ chuyên trách (ở cơ sở) là phụ nữ, còn 86,26% là nam giới. Tỷ lệ phụ nữ trong đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hai khóa gần đây có nhích lên nhưng chưa đáng kể:
Khóa 1999 - 2004 |
Khóa 2004 - 2009 |
Tăng | |
Cấp xã |
16,56% |
20,10% |
3,54% |
Cấp huyện |
20,12% |
23,22% |
3,10% |
Cấp tỉnh |
22,33% |
23,80% |
1,47% |
Chỉ có 7 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh khóa 2004 - 2009 đạt trên 30% (đạt yêu cầu mục tiêu 4, chỉ tiêu 2 của chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010) là: Tuyên Quang (38,6%), Kon Tum (34%), Yên Bái (33,93%), Hà Tây (32,5%), Hà Nội (31,58%); Đồng Nai (31,51%) và Kiên Giang (31,15%).
Còn tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ (kể từ khi Công ước có hiệu lực) có tăng lên nhưng chưa thật bền vững: ở khóa VII (1981 - 1987), số đại biểu nữ chiếm tỉ lệ 21,77%; khóa VIII (1987 - 1992 ) là 18%; khóa IX (1992 - 1997) là 18,84%; khóa X (1997 - 2002) là 26,20%; khóa XI (2002 - 2007) là 27,31% (trong khi mục tiêu 4, chỉ tiêu 2 của chiến lược là 30% trở lên); đến khoá XII (2007 - 2011) con số này là 25,76%. Như vậy, trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%. Tỷ lệ nữ là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa VII (1991 - 1996) đến nay khóa X (2006 -2011) vẫn chỉ ở mức trên 8% (8,12% lên 8,22%) trong khi mục tiêu 4, chỉ tiêu 1 của chiến lược là 15% trở lên…
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân có nơi, có lúc chưa thật thông suốt tư tưởng về bình đẳng giới. Điều này cũng tương đồng với kiến nghị của Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ của Liên hợp quốc “Ủy ban ghi nhận sự tồn tại dai dẳng của nền văn hóa mang đậm tính gia trưởng với việc đề cao các vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới chính là những cản trở đối với việc thực hiện đầy đủ công ước… Ủy ban bày tỏ sự quan ngại về các hành vi và thái độ mang tính gia trưởng sâu đậm được phản ảnh trong vai trò thấp kém của phụ nữ trong gia đình, không thừa nhận công việc của phụ nữ, ưa thích con trai hơn…”
Từ việc chưa thật thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới việc không chú ý bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực phụ nữ; mà không bồi dưỡng thì không có nguồn; không có nguồn thì bất cứ việc gì cũng khó. Cũng vì vậy có thể nói rằng “bệnh tư tưởng” là căn bệnh của nhiều căn bệnh khác, vì vậy phải được “ưu tiên” chữa trị, khắc phục sớm…
Để thực hiện ngày càng có hiệu quả những quy định của Công ước, từ nay đến năm 2010, phải triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trong giai đoạn này, vì Chiến lược đã cụ thể hóa rất sâu sắc và đầy đủ nội dung của Công ước vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam đầu thế kỷ XXI với 5 mục tiêu là: thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm; thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục; thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để tăng số phụ nữ tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành; và tăng cường năng lực hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Trong việc xây dựng các đạo luật, Quốc hội cần nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu và đưa một số chỉ tiêu định hướng vào các đạo luật để thúc đẩy việc thực hiện Công ước và Chiến lược. Thí dụ, tỷ lệ nữ trong đại biểu dân cử các cấp; tỷ lệ nữ (hoặc số lượng cụ thể) trong chính quyền các cấp v.v.. nhằm tránh tình trạng đạt cũng tốt, mà không đạt cũng không sao./.
Việt Nam đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc vì mục tiêu hòa bình và phát triển  (22/10/2008)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với đội ngũ nữ doanh nhân thời hội nhập  (22/10/2008)
Thông cáo số 4 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (22/10/2008)
Sử dụng đất bền vững và hiệu quả  (22/10/2008)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay