TCCSĐT - Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các nhiệm vụ cơ bản của mình, Tạp chí có nhiệm vụ quan trọng là góp phần tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực rộng lớn của đời sống đất nước; trong đó, có các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính địa phương.

Vấn đề đang đặt ra đối với công tác tổng kết thực tiễn về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương trên Tạp chí Cộng sản

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cả nước, Tạp chí Cộng sản (sau đây gọi là Tạp chí) cũng ngày càng đổi mới và phát triển. Hiện tại, Tạp chí Cộng sản có 4 ấn phẩm in và 1 bản điện tử. Đó là, Tạp chí Cộng sản ra ngày 1 hằng tháng; Chuyên đề cơ sở ra ngày 15 hằng tháng; chuyên san Hồ sơ sự kiện 2 số/tháng; chuyên đề Đoàn kết và phát triển 2 số/tháng; Tạp chí Cộng sản điện tử được phát bằng 4 thứ tiếng: tiếng Việt, Anh, Lào và Trung. Trang tiếng Việt, tin, bài cập nhật hằng ngày và hiện lượng truy cập khoảng trên 1 triệu lượt/tháng. Tất cả các ấn phẩm của Tạp chí đều có chức năng tuyên truyền, tổng kết thực tiễn các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính địa phương.

Mặc dù công tác tổng kết thực tiễn các vấn đề nêu trên đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, nhưng khảo sát thực tiễn Tạp chí với công tác tổng kết thực tiễn các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương thời gian qua đang đặt ra một số vấn đề sau:

- Vấn đề cộng tác viên. Mặc dù đã chủ động, tích cực đa dạng hóa ấn phẩm và đa dạng hóa loại hình bài viết, đội ngũ cộng tác viên viết bài cho Tạp chí trên các lĩnh vực dân chủ, hệ thống chính trị và nền hành chính địa phương là một vấn đề nan giải. Thật vậy, đây là lĩnh vực lý luận chính trị đòi hỏi người viết phải có trình độ lý luận cao và năng lực tư duy mang tính khái quát. Hơn thế, lại phải là người có hiểu biết sâu sắc về thực tiễn, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn. Rõ ràng, với những yêu cầu này, thì tác giả của các bài viết tổng kết thực tiễn các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính phải là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về lý luận nhưng lại phải là những người thực sự hoạt động thực tiễn, làm công tác quản lý, lãnh đạo tại địa phương.

Với những đòi hỏi như trên, rõ ràng, đội ngũ cộng tác viên hiện nay của Tạp chí về các vấn đề lý luận chính trị nêu trên nhìn chung chưa đáp ứng được các yêu cầu. Có thể thấy, những tác giả có trình độ tư duy lý luận, năng lực khái quát cao thì lại thiếu thực tiễn, những tác giả giàu kinh nghiệm thực tiễn, nắm vững các vấn đề của thực tiễn thì khả năng tổng hợp, khái quát lại yếu. Không chỉ năng lực của cộng tác viên còn yếu mà bản thân đội ngũ cộng tác viên về các lĩnh vực này cũng rất mỏng. Nghĩa là, đội ngũ cộng tác viên về các lĩnh vực lý luận chính trị này yếu về chất lượng và thiếu về đội ngũ. Chính điều này đưa đến kết quả, thời gian qua, mặc dù nhiều bài viết phản ánh các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương nhằm góp phần tổng kết thực tiễn được công bố trên các ấn phẩm của Tạp chí nhưng chất lượng chưa cao, tính khái quát, lý luận còn thấp.

- Vấn đề cán bộ biên tập và phóng viên. Sự phát triển của đội ngũ biên tập viên và phóng viên của Tạp chí thời gian qua chưa phát triển đồng bộ, kịp thời cùng sự phát triển của hệ đề tài và sự đa dạng hóa ấn phẩm. Đó là đội ngũ cán bộ biên tập viên và phóng viên còn mỏng, nhất là những biên tập viên, phóng viên chuyên về các lĩnh vực như dân chủ, hệ thống chính trị và nền hành chính. Nguồn cán bộ biên tập, phóng viên thời gian qua chủ yếu được tuyển dụng từ các chuyên ngành đào tạo báo chí, vì vậy về chuyên môn, nghiệp vụ họ khá tốt nhưng trình độ tư duy lý luận, chính trị thì có hạn, khả năng khái quát, tổng kết không cao.

Để trở thành một biên tập viên, phóng viên chuyên về các lĩnh vực: phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính thì trước hết cùng với giỏi nghiệp vụ báo chí, họ phải được đào tạo một cách căn bản, công phu về một chuyên ngành lý luận chính trị hay khoa học xã hội. Đó là các chuyên ngành: triết học, chính trị học, luật học, kinh tế chính trị học, hành chính học, sử học… Trên cơ sở vốn liếng chuyên ngành, nghiệp vụ báo chí và kinh nghiệm thực tiễn họ mới có khả năng chiếm lĩnh và làm chủ được các lĩnh vực lý luận chính trị chuyên sâu này. Chỉ như thế họ mới có thể trao đổi, đặt bài cộng tác viên, biên tập được các bài viết do các công tác viên gửi tới; đồng thời, tự mình thâm nhập thực tiễn, về các địa phương qua đó mới có những bài viết có chất lượng vừa có sức khái quát, tổng kết, vừa sinh động mang hơi thở cuộc sống.

Cũng giống như tình trạng của đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ biên tập viên, phóng viên của Tạp chí về các lĩnh vực phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính địa phương vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ vừa thấp về năng lực tư duy khái quát. Đây là một vấn đề đang đặt ra đối với Tạp chí, tuy nhiên, nó không đơn thuần chỉ là vấn đề của ngày hôm nay mà có thể là thực trạng của nhiều năm tới.

- Vấn đề lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, vấn đề lý luận cơ bản về dân chủ, hệ thống chính trị và nền hành chính cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Thực vậy, lý luận sẽ soi sáng cho thực tiễn, thế nhưng những vấn đề lý luận căn bản, cốt yếu về dân chủ, hệ thống chính trị và nền hành chính ở nước ta mặc dù đã được nghiên cứu, bàn thảo nhiều nhưng có thể khẳng định chúng ta chưa thực sự xây dựng được một hệ thống lý luận của thời kỳ quá độ hiện nay về dân chủ, hệ thống chính trị và nền hành chính. Dân chủ trong thời kỳ quá độ là như thế nào? Hệ thống chính trị của thời kỳ quá độ là như thế nào? Nền hành chính trong thời kỳ quá độ là như thế nào? Đặc biệt tính đồng bộ của lý luận về các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội chưa được đề cao. Lý luận nhìn chung còn mang tính chắp vá, theo đuôi thực tiễn, chưa đóng vai trò chỉ đường, dẫn dắt thực tiễn.

Cùng với những vấn đề lý luận đang đặt ra thì thực tiễn phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính của chúng ta chưa được thực hiện theo một chủ thuyết tổng thể phát triển bền vững, có lộ trình và tiến độ phù hợp, không được tiến hành đồng bộ và nhất quán. Dân chủ đã được mở rộng và phát huy nhưng lại là những vấn đề gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội ở địa phương. Hệ thống chính trị còn chồng chéo, ôm đồm và kém hiệu quả. Cải cách hành chính có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân, tình trạng quan liêu, cửa quyền vẫn phổ biến ở cơ sở…

Chính vì sự yếu kém, nhiều hạn chế cả về lý luận và thực tiễn trong các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính ở địa phương nêu trên nên công tác góp phần tổng kết thực tiễn của Tạp chí ở các lĩnh vực lý luận chính trị này thời gian qua còn nhiều bất cập là điều khó tránh khỏi. Tổng kết thực tiễn, khái quát thực tiễn thành lý luận để thực sự thành công thì cùng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng khái quát, năng lực tư duy lý luận của đội ngũ biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên thì bản thân những cơ sở lý luận và thực tiễn của phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính phải thực sự đạt được những thành tựu quan trọng.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn các vấn đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính địa phương thời gian tới, Tạp chí cần thực hiện một số giải pháp mang tính căn bản.

Một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính địa phương của Tạp chí Cộng sản trong thời gian tới

Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản và đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở cần nắm vững và tích cực tổng kết việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính được thực hiện trong thực tế địa phương

Nghiên cứu lý luận và tổng kết thức tiễn, phát hiện những nhân tố mới, những kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến, rút ra những vấn đề lý luận để làm công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của Tạp chí. Cùng các cơ quan lý luận, Tạp chí cần đi tiên phong trong công tác hướng dẫn lý luận và hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, phong trào quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính địa phương. Tạp chí cần quán triệt thật sâu sắc quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, từ trung ương đến cơ sở, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm rõ hơn nữa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời triển khai liên tục, sâu rộng công tác tổng kết thực tiễn phát huy dân chủ, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; hệ thống chính trị và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; cải cách hành chính và chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 về cải cách thể chế...

Tạp chí Cộng sản cần tập trung nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương

Để nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn phải xây dựng được chương trình, kế hoạch biên tập sớm, cụ thể, bám sát những nội dung chính như: thực trạng phát huy dân chủ, hệ thống chính trị và cải cách hành chính; thành tựu, hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan của thành tựu, hạn chế; và những vấn đề đặt ra. Trên cơ sở đó, từ thực tiễn phong phú, cần có những bài điều tra, khảo sát, nghiên cứu tổng kết công phu làm sáng tỏ những bài học kinh nghiệm. Việc tổng kết thực tiễn không chỉ dừng lại ở giới thiệu vấn đề mà còn phải tham gia giải đáp những vấn đề dân chủ, hệ thống chính trị và cải cách hành chính đang nảy sinh, lựa chọn những vấn đề quan trọng, thiết thực để tổ chức nghiên cứu, tổng kết, giới thiệu trên Tạp chí.

Từ thực tiễn phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương tổng kết thành những kinh nghiệm, bài học sâu sắc. Đồng thời, Tạp chí phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước cũng như cuộc đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội; các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, suy thoái đạo đức. Đây là những vấn đề nóng bỏng được Đảng và nhân dân hết sức quan tâm, Tạp chí cần đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Phát huy nội lực đội ngũ cán bộ biên tập và cộng tác viên ở địa phương trong cả nước

Để góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác tổng kết thực tiễn về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân các cấp về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực này, nhất thiết phải phát huy nội lực đội ngũ cán bộ biên tập, nhất là đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở.

Thực tế, đội ngũ cán bộ biên tập và đội ngũ cộng tác viên ở địa phương của Tạp chí đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tổng kết kinh nghiệm phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương, nhất là tổng kết việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề này được triển khai trong thực tế. Bởi vì, họ vừa là người trực tiếp xây dựng bài vở (đặt và biên tập bài), vừa trực tiếp tham gia nghiên cứu, tổng kết và viết bài tuyên truyền.

Để tổng kết thực tiễn kịp thời và có hiệu quả về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính ở cơ sở trong thời kỳ mới, đội ngũ cán bộ biên tập và cộng tác viên của Tạp chí cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và khi tổng kết thực tiễn, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đó, cần có sự phân tích, lý giải sâu sắc và đề xuất những định hướng, giải pháp cụ thể, có tính khả thi để góp phần giúp cho việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

Tích cực trao đổi, tọa đàm với các nhà nghiên cứu, các cán bộ lãnh đạo, quản lý về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương

Tạp chí cần thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm mà lực lượng nòng cốt là sự phối hợp giữa đội ngũ cán bộ biên tập và các nhà nghiên cứu, các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Việc tăng cường trao đổi, tọa đàm sẽ làm phong phú thêm sự hiểu biết về mặt lý luận cho cộng tác viên ở cơ sở; mặt khác, bổ khuyết những thiếu sót, những hiểu biết chưa thấu đáo của họ về thực tiễn và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện, quản lý việc phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương trong thời kỳ mới. Ở đây, vấn đề quan trọng đặt ra là, qua sự cọ xát, trao đổi với các nhà lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ biên tập có thể nhận thấy, mình cần kịp thời tổng kết những kinh nghiệm gì trên Tạp chí, để nó có tác dụng uốn nắn những sai lầm, khiếm khuyết; khích lệ, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những giải pháp, phương thức tổ chức thực hiện có tính khả thi và đạt hiệu quả cao trong quá trình phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính ở tầm vĩ mô cũng như ở các vùng, miền và các địa phương.

Gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính ở địa phương

Tạp chí đã triển khai nhiều chương trình và đề tài nghiên cứu với nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm, góp phần giải đáp nhiều vấn đề của cuộc sống. Thông qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay thiết thực góp phần phục vụ cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và chỉ đạo thi hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Đảng và Nhà nước.

Tạp chí cần chủ động, tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cả lý luận và thực tiễn xoay quanh các chủ đề phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính nhằm từng bước tạo lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc triển khai tuyên truyền, góp phần tổng kết thực tiễn các vấn đề lý luận chính trị căn bản. Qua công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn trình độ của các biên tập viên, cộng tác viên về các vấn đề lý luận chính trị từng bước được nâng cao góp phần thiết thực nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính trên Tạp chí.

Bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới để viết bài tổng kết thực tiễn việc phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính ở địa phương

Tạp chí muốn tổng kết thực tiễn về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính ở địa phương, nhất thiết phải bám sát tiến trình đổi mới, hội nhập và giao lưu quốc tế. Khi thâm nhập thực tiễn, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí phải thấu suốt đường lối, chính sách và phương hướng phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính. Gắn liền với đời sống ở cơ sở là một nguyên tắc quan trọng đặt ra đối với biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên Tạp chí. Hoạt động phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính ở địa phương chính là “nguyên liệu” gốc để phóng viên, cộng tác viên Tạp chí khai thác, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm. Những tác phẩm báo chí hấp dẫn trên Tạp chí chính là những bài viết tổng kết được kinh nghiệm phong phú, sôi động của đảng viên, quần chúng, phản ánh được công cuộc dân chủ hóa đời sống xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chỉ có đi sâu vào công cuộc dân chủ hóa đời sống xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương hôm nay, đội ngũ các nhà báo, các cộng tác viên Tạp chí mới thực sự nhận thức sâu sắc sự vận động và phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, mới thực sự cảm nhận được những thành tựu to lớn mà công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mang lại. Qua đó, mới có được những tác phẩm báo chí vừa sâu sắc về lý luận vừa nồng nàn hơi thở thực tiễn.

Chúng ta đều biết, thực tiễn là gốc của lý luận, là tiêu chuẩn của chân lý và cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà báo góp phần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm. Vốn thực tiễn cùng với lý luận là tài sản vô giá của mỗi biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí. Đối với biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên Tạp chí, việc bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới, là tiền đề cơ bản để phát huy tài năng sáng tạo, phục vụ có hiệu quả cho công tác nghiên cứu và tổng kết thực tiễn từ hoạt động sinh động, phong phú phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính địa phương hiện nay./.