Phụ nữ nước ta trong việc tham gia lãnh đạo và quản lý

Lê Thị Quý - Nguyễn Thị Tuyết Nga
19:09, ngày 20-10-2008

 1. Số lượng phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý

Hiện nay, phụ nữ lãnh đạo, quản lý có mặt trên rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội. Trong bài viết, chúng tôi sẽ đề cập một bức tranh chung về phụ nữ lãnh đạo, quản lý trên một số lĩnh vực cơ bản mà không có tham vọng đề cập một cách toàn diện vấn đề này.

Phụ nữ tham gia cấp uỷ

Nhìn chung, trong các khoá gần đây, tỷ lệ phụ nữ trong các cấp ủy Đảng tăng không đáng kể. So sánh giữa các cấp, số lượng phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiếm tỷ lệ thấp nhất, tiếp đến là Ban Chấp hành Tỉnh uỷ (11,75%) và Ban Chấp hành quận/huyện ủy (14,74%). Đạt tỷ lệ cao nhất là ở Ban Chấp hành Đảng bộ xã/phường (15,18%). Như vậy, có một xu hướng là, càng ở cấp cao thì tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ và giữ vị trí trọng trách càng thấp. Tỷ lệ trung bình nữ cán bộ ở vị trí chủ chốt như bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ chỉ chiếm khoảng 10% ở mọi cấp. Phần lớn các nữ uỷ viên thường vụ trong các cấp uỷ chỉ phụ trách những công việc hành chính, ít liên quan đến nhiệm vụ chiến lược. Hiện nay, không có phụ nữ trong Bộ Chính trị.

Phụ nữ trong hệ thống dân cử

Hiện nay, nước ta được đánh giá là có số đại biểu nữ cao trong Quốc hội, đứng đầu Châu Á, đứng thứ hai khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Niu Di-lân) và xếp thứ 9/135 các nước trên thế giới.

Trong chặng đường hơn 60 năm (1946-2007), Quốc hội nước ta trải qua 12 nhiệm kỳ và tính đến nhiệm kỳ 2002-2007 (khoá XI) đã có 1.038 nữ đại biểu được bầu vào Quốc hội. Số lượng đại biểu nữ đã tăng nhiều so với nhiệm kỳ đầu. Nếu như khoá I có 3% (10/333) đại biểu nữ thì đến khoá XI đã tăng lên 27,6%.

Theo Văn phòng Quốc hội, số lượng phụ nữ tham gia các Uỷ ban của Quốc hội khoá XI đã tăng lên, và thường tập trung ở các lĩnh vực xã hội như: Uỷ ban Các vấn đề xã hội (40,1%), Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thiếu niên, nhi đồng (40,1%), Hội đồng Dân tộc (43,6%). Ở các Uỷ ban khác có rất ít cán bộ nữ: 12,5% ở Uỷ ban Ngân sách và Kinh tế, 17,6% trong Uỷ ban Đối ngoại, 11,8% trong Uỷ ban Pháp luật; thậm chí, có Uỷ ban không có cán bộ nữ nào như Uỷ ban Quốc phòng và An ninh. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trên một số lĩnh vực quan trọng làm cho việc hoạch định chính sách không có tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến việc thực hiện bình đẳng giới về mọi mặt chưa đạt kết quả mong muốn.

Gần đây, theo Chỉ thị số 09 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII , Bộ Chính trị đã chỉ đạo cần có tỷ lệ thích đáng là đại biểu nữ; đồng thời, Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 đã đề ra chỉ tiêu cụ thể là đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XII sẽ từ 30% trở lên.

Phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp

Theo đánh giá chung, tỷ lệ nữ trong Hội đồng nhân dân các cấp tăng không đáng kể. Số liệu thực tế cho thấy, ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, tỷ lệ này tăng không quá 3%. Về vị trí chủ chốt, ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khoá 2004-2009, toàn quốc có 1 nữ Chủ tịch và 17 Phó Chủ tịch. Ngược lại với số lượng phụ nữ tham gia ở các cấp uỷ, tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo ở Hội đồng nhân dân càng xuống cấp dưới càng thấp và cũng thấp nhất ở cấp xã, phường.

Phụ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước

Theo Báo cáo của 33 bộ ngành, đoàn thể, 2008, tỷ lệ Chủ tịch nước là: 0%; Phó Chủ tịch nước: 100%; Thủ tướng : 0%; Phó Thủ tướng: 0%; bộ trưởng: 4,55%; tương đương bộ trưởng: 11,43%; thứ trưởng: 2,75%; tương đương Thứ trưởng: 9,21%; vụ trưởng và tương đương: 20,74%.

Phụ nữ tham gia lãnh đạo trong các bộ, ngành

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước. Tỷ lệ lãnh đạo nữ ở cấp trung ương trong những năm gần đây tăng chậm và ở mức thấp, dưới 15%. Số lượng tăng lại tập trung ở vị trí cấp phó: phó giám đốc sở và cấp tương đương; phó giám đốc ban, cục. Năm 2005, cán bộ nữ đứng đầu hoặc cấp phó các sở, ban, ngành chỉ chiếm tương ứng là 6% và 14%. Tuy nhiên, số lượng ít ỏi đó lại có chiều hướng giảm ở một số lĩnh vực, ví dụ như bộ máy tư pháp. Từ năm 2001 đến năm 2003, tỷ lệ cán bộ nữ tại Toà án nhân dân tối cao giảm từ 22% xuống 16%; toà án cấp tỉnh cũng tương tự, từ 27% giảm xuống 24%. Điều đặc biệt hơn là, số lượng cán bộ nữ ở cấp huyện giảm khá mạnh, tới 13% (từ 35% xuống 22% ).

Hiện nay, tại các cơ quan Trung ương, số cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có trình độ đại học, trên đại học là 72,2%; ở cấp tỉnh/thành phố là 55,9%; còn ở cấp quận/huyện, số người có trình độ trung cấp và đại học chưa đạt đến 50%.

Phụ nữ tham gia lãnh đạo Ủy ban nhân dân

Uỷ ban nhân dân là cơ quan đại diện chính quyền các cấp, có chức năng quản lý và điều hành các công việc của địa phương, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong các cơ quan này, sự có mặt của phụ nữ tăng, giảm theo các thời kỳ khác nhau, nhưng nhìn chung là rất thấp so với năng lực của phụ nữ và so với tỷ lệ nữ trong lao động và dân số.

Số liệu thực tế cho thấy, tỷ lệ nữ là Phó Chủ tịch ở cấp cơ sở chỉ đạt 8,84%. Tỷ lệ nữ là Chủ tịch ở cấp tỉnh/thành khóa 1999-2004 chỉ có 1,64%, đến khoá 2004-2009 đã tăng lên 3,12%, nhưng ở cấp huyện, xã lại có xu hướng giảm, từ 5,27% ở cả 2 cấp giảm xuống còn 3,62% và 3,42%.

Phụ nữ lãnh đạo, quản lý khoa học

Trong hơn 50 năm qua, đội ngũ nữ trí thức trong các ngành khoa học của Việt Nam nhìn chung là tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, nếu so với tỷ lệ nữ trong dân số ( trên 51%), trong lực lượng lao động (trên 49%) và năng lực thực sự của họ thì con số nữ trí thức còn rất khiêm tốn. Tính đến năm 1999, số cán bộ nữ trong tổng số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 37% (so với nam giới), trong đó giáo sư, phó giáo sư là 132 người (chiếm 6,7 %), tiến sĩ là 1.635 (chiếm 19,9 %). Hiện nay, số lượng nữ trí thức có tăng lên nhưng chỉ mới tăng ở bậc cử nhân, còn các bậc sau đại học thì không cao lắm.

Theo thống kê, đến giữa năm 2007, cả nước có khoảng 2,7 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động, trong đó có trên 18.000 thạc sĩ, 16.000 tiến sĩ và trên 6000 giáo sư, phó giáo sư. Trí thức Việt kiều có khoảng 400.000 người, chiếm hơn 10% người Việt ở nước ngoài. Phụ nữ chiếm tỷ lệ 61% trong số những người có trình độ cao đẳng, 34% những người có trình độ đại học, 30% trình độ thạc sĩ, 21% tiến sĩ và 4% tiến sĩ khoa học.

Số lượng các nhà khoa học nữ tham gia quản lý nhà nước ở các cấp còn thấp và càng ở cấp cao, tỷ lệ này càng thấp hơn. Tại hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học, không có cán bộ nữ tham gia ban lãnh đạo bộ và rất ít phụ nữ tham gia lãnh đạo cấp viện. Tại Viện Khoa học tự nhiên Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Việt Nam, là các trung tâm khoa học lớn nhất Việt Nam, không có cán bộ nữ tham gia ban lãnh đạo và là viện trưởng; có rất ít là Phó Viện trưởng.
 
Đến năm 2001, số cán bộ nữ có học hàm, học vị là gần 18.000 người, song tỷ lệ những người chủ trì các đề tài, dự án khoa học và công nghệ các cấp, nhất là cấp nhà nước là rất thấp. Từ năm 1991 đến năm 1995, trong tổng số trên 500 đề tài thuộc 31 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, chỉ có 21 cán bộ nữ đảm đương cương vị chủ trì đề tài ( chiếm dưới 4% ). Từ năm 2000 đến nay, số phụ nữ chủ trì đề tài tuy có tăng lên tới 10% song vẫn còn rất thấp, chưa phản ánh đúng năng lực và khả năng đóng góp của phụ nữ trong những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ quan trọng tầm quốc gia.
 
Năm 2008, trong ngành khoa học xã hội có một nữ phó giáo sư, tiến sĩ vừa được quyết định là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về “ Vấn đề gia đình trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta trong thời kỳ đổi mới", mã số: KX 02 - 23/06-10. Tình trạng phổ biến hiện nay là, nữ cán bộ khoa học là lực lượng tham gia (đôi khi là lực lượng chính) các công trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước, còn người chủ trì các công trình này lại chủ yếu là cán bộ nam.

2. Đặc điểm của phụ nữ lãnh đạo, quản lý

Những phụ nữ đảm nhận công tác lãnh đạo, quản lý đều đã cố gắng giải quyết tốt mối quan hệ gia đình để tập trung phấn đấu, rèn luyện. Nhiều người trong số họ đều có gia đình êm ấm, thuận hoà, hạnh phúc. Công tác lãnh đạo, quản lý nhiều khi đòi hỏi phải có sự cứng rắn và tính quyết đoán cao. Những đòi hỏi này đôi khi không phù hợp với tính cách mềm dẻo, dịu dàng ở phụ nữ.

Tham gia lãnh đạo, quản lý vừa là dịp thử thách năng lực, phẩm chất của phụ nữ, vừa là cơ hội tốt cho sự phát triển và tiến bộ của họ. Sự thành đạt của phụ nữ nói chung và cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý nói riêng không thể thiếu sự ủng hộ từ nhiều phía: gia đình, cơ quan, cộng đồng. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cán bộ nữ trong lãnh đạo, quản lý, trong đó, có những yếu tố mang tính khách quan hoặc chủ quan; có những yếu tố thuận lợi và cũng có cả những trở ngại đối với họ. Hiện nay, qua việc tham gia lãnh đạo, quản lý, phụ nữ đã có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều ở các lĩnh vực và bị hạn chế về số lượng, thậm chí, ở nhiều cơ quan, tổ chức, phụ nữ lãnh đạo, quản lý ít có thực quyền.

3. Chất lượng của phụ nữ lãnh đạo, quản lý

Nhìn chung, cho đến nay, phụ nữ đã có đại diện ở vị trí lãnh đạo, quản lý trong nhiều ngành, nhiều cấp và tạo ra một hình ảnh về lực lượng phụ nữ lãnh đạo, quản lý. Cơ chế thị trường đã tạo ra một bộ lọc tự nhiên, khiến những phụ nữ có nghị lực, khả năng, học vấn có thể được chọn lựa vào những vị trí công tác tương ứng với trình độ của mình. Chính những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đã làm thay đổi bước đầu những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, xã hội đã thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia công việc chính quyền không thua kém nam giới.

Đánh giá chung về trình độ học vấn của nữ đại biểu Quốc hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Tuy tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XII chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra nhưng chất lượng đã cao hơn so với các khoá trước. Cụ thể, đã có 91,34% đại biểu có trình độ đại học trở lên (khoá XI có 88,98%), trong đó, trên đại học là 32,28%, đại học là 59,06% và chỉ có 8,66% đại biểu có trình độ dưới đại học. Theo đánh giá của Văn phòng Quốc hội, việc tham gia xây dựng luật pháp, chính sách và đóng góp ý kiến, toạ đàm với cử tri của các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng có chất lượng.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển (RCGAD) - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội về vấn đề phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân tại Hải Phòng đã cho thấy, trình độ học vấn của các nữ đại biểu cao ngang với nam đại biểu. Ở Hội đồng nhân dân thành phố, đa số nữ đại biểu có trình độ đại học, thậm chí, có người có hai bằng đại học; học vấn thấp nhất là 10/10 hoặc 12/12 (phổ biến hơn ở cấp xã). Bản thân các nữ đại biểu Hội đồng nhân dân luôn phấn đấu trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như các kiến thức xã hội.

Đánh giá về năng lực của cán bộ nữ, một nhận xét chung là, các cán bộ nữ là những người lãnh đạo, quản lý ngày càng có trình độ chuyên môn cao, có đủ năng lực gánh vác trọng trách của cán bộ chủ chốt. Nét nổi bật của đội ngũ cán bộ nữ là không ngừng phấn đấu vươn lên, tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, liêm khiết, có khả năng thuyết phục. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ nữ có một số mặt mạnh hơn nam giới như cần cù, ứng xử hòa nhã, ít tham nhũng. Nhiều cán bộ nữ đã khẳng định được vị trí của mình, nỗ lực phấn đấu, phát huy tài năng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Bản thân họ đã có nhận thức tốt hơn về giới, xoá bỏ mặc cảm, tự ti để tự khẳng định mình

Trong những năm đổi mới, ngày càng có nhiều nhà khoa học nữ phát huy tính chủ động, gắn kết các đề tài nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất và đời sống. Tiêu biểu là các nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a và các giải thưởng khác. Các nữ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cũng đã có nhiều cống hiến quan trọng trong việc hoạch định chính sách, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống văn hoá trong sự phát triển. Các nữ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đã cùng với các đồng nghiệp góp phần gìn giữ, bảo lưu và phát triển nền văn hoá dân tộc. Những thành tựu này đã góp phần định hình đội ngũ nữ trí thức, nữ quản lý, lãnh đạo với những nét rất riêng, mạnh mẽ và sáng tạo.

4. Khó khăn, thách thức của phụ nữ lãnh đạo, quản lý

Sự khác biệt về giới là yếu tố cơ bản khiến người phụ nữ phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý khó khăn hơn nam giới. Con đưòng bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi vào các hoạt động xã hội của phụ nữ bao giờ cũng là con đường đầy những chông gai, không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua được.

Phụ nữ hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức của tư tưởng định kiến giới. Nhận thức về bình đẳng giới, về vai trò và năng lực cán bộ nữ của một bộ phận lãnh đạo, quản lý chưa đúng đắn, nên vẫn giữ tư tưởng cũ, lạc hậu, coi thường phụ nữ. Tư tưởng này chính là căn nguyên tác động đến việc đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ nữ. Hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ nữ hết sức khó khăn, lúng túng, có tính chất tình thế, đáp ứng nhu cầu trước mắt.

Khác với nam giới, các cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cũng phải mang thai, sinh đẻ. Họ còn phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái và các thành viên khác. Nhiều kết quả nghiên cứu về giới cho thấy, đối với những cán bộ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Chính vì vậy, nhiều cán bộ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu.
 
Nhiều người chồng đã không ủng hộ vợ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, trong khi hầu hết các bà vợ đều ủng hộ chồng mình làm lãnh đạo, quản lý. Vấn đề giải quyết hài hoà giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với phụ nữ. Ngược lại, nam giới rảnh rỗi việc gia đình hơn, có điều kiện học hỏi, gặp gỡ, tạo các quan hệ xã hội và chính đây là những điều kiện tốt để có thể làm công tác lãnh đạo, quản lý. Kết quả là, có nhiều chị do quá bận rộn với công việc chuyên môn nên đã bị mất hạnh phúc gia đình, thậm chí, không dám lấy chồng; ngược lại, có những chị đã phải hy sinh sự nghiệp để chăm lo hạnh phúc gia đình, chấp nhận phấn đấu ở mức độ trung bình.

Phụ nữ lãnh đạo, quản lý còn gặp cản trở từ phía nam đồng nghiệp và từ chính nữ đồng nghiệp. Chính ảnh hưởng của tư tưởng coi thường phụ nữ trong xã hội đã khiến cho nhiều cử tri thiếu sự tin tưởng ở phụ nữ và thường chỉ chọn bầu các ứng cử viên nam giới. Một số không nhỏ cán bộ lãnh đạo là nam giới còn e ngại khi đề bạt cán bộ nữ vào cương vị lãnh đạo. Một bất lợi nữa là tuổi về hưu của phụ nữ sớm hơn nam giới 5 năm, vì vậy đã ảnh hưởng đến việc đào tạo, đề bạt cũng như phát triển tài năng của phụ nữ./.