Phát triển văn hóa nghệ thuật trong cơ chế thị trường

Dương Trọng Dật
08:29, ngày 08-01-2009

Đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng từ Đại hội VI, đã đưa đất nước ta chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển đổi quan trọng đó đã làm biến đổi toàn bộ đời sống xã hội nước ta, tạo ra cơ sở kinh tế - xã hội mới cho các hoạt động tinh thần, tác động sâu sắc đến mọi mặt hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Có thể nói rằng, cơ chế thị trường - một thành tựu của nền văn minh nhân loại - nhiều năm qua đã để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong sáng tác và tiếp nhận tác phẩm, trong phổ biến và nghiên cứu nghệ thuật, cũng như trong nhận thức thẩm mỹ của đội ngũ sáng tác và thị hiếu của công chúng nước ta, khơi nguồn cho sự phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng trong xã hội. Đề tài sáng tác, do vậy, được rộng mở hơn. Nhu cầu thẩm mỹ, mối quan tâm của công chúng nhiều chiều hơn, sôi nổi hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Sự chuyển động mạnh mẽ, thuận chiều theo cơ chế thị trường và tự do sáng tạo cũng mang lại những tiếng nói nhiều màu sắc trong sáng tạo văn hóa, trong nghệ thuật tạo hình, ca múa và âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Hình thức, thể loại, ngôn ngữ nghệ thuật trở nên đa dạng, đa thanh; phương pháp sáng tạo nghệ thuật nhiều hình nhiều vẻ hơn; cơ cấu các sản phẩm văn hóa ngày càng khắc phục được sự xơ cứng về nội dung, áp đặt về nhu cầu, đơn điệu về hình thức và thể loại.

Nhưng, cơ chế thị trường, một mặt, phát huy những tiềm năng tích cực trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật; mặt khác, với mục đích lợi nhuận tối đa đã tác động tiêu cực đến những chủ thể thẩm mỹ không thực sự có tài năng nghệ thuật, lại rất nhạy cảm trong kinh doanh, sử dụng văn hóa nghệ thuật như một phương tiện để kiếm sống và làm giàu. Mục đích lợi nhuận tối đa và khuynh hướng thương mại hóa đơn thuần đã đẩy nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật vào cuộc cạnh tranh, chạy đua tìm kiếm thị trường hay thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng văn hóa, không dựa trên cơ sở giá trị định chuẩn và tài năng sáng tạo.

Tình hình trên khiến nhiều hoạt động nghệ thuật sa vào tình trạng chụp giựt, tạo ra tình trạng hỗn loạn trong đời sống văn hóa - xã hội, hạ thấp vai trò của văn hóa. Nhiều tác phẩm chạy theo khuynh hướng thương mại hóa và thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, mâu thuẫn với tinh thần nhân văn, với những tiêu chuẩn đạo đức và lợi ích của con người, và cũng đã thương nhân hóa nghệ sĩ,  và ở một mức độ nào đó, hủy hoại nhân cách của chính một số tác giả. Đó là chưa kể, kinh tế thị trường, với yếu tố lợi nhuận và sự phát triển tự do của văn hóa có chiều hướng làm tăng khoảng cách không đồng đều trong hưởng thụ phúc lợi văn hóa giữa người giàu và người nghèo, giữa miền xuôi và miền ngược, giữa thành thị và nông thôn, mâu thuẫn với yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thị trường khuyến khích tìm tòi định hướng thương mại, nhưng không có khả năng định hướng phát triển văn hóa lâu dài, đặc biệt là đối với các hoạt động văn hóa không có khả năng sinh lợi trực tiếp như thư viện, bảo tàng, nghiên cứu nghệ thuật...

Hoạt động văn hóa, xét trên bình diện sản xuất, cũng là một hoạt động kinh tế và do đó, cũng chịu tác động của các quy luật kinh tế. Các sản phẩm của văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt, có tính đặc thù: tính năng động và dẫn dắt tích cực! Thiên chức của sản phẩm văn hóa là hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Lao động văn hóa là loại lao động sáng tạo, cá thể, không lặp lại, không thể quy đổi đơn giản như các hàng hóa thông thường. Hiệu quả sử dụng của nó là lâu dài, vô giá, không thể đo đếm cụ thể! Song, nếu tuyệt đối hóa tính đặc thù của văn hóa, vô hình trung, chúng ta sẽ nuôi dưỡng một nền văn hóa lồng kính. Thực tế đã chỉ ra rằng, bảo trợ toàn bộ nền văn hóa với nhiều thiết chế, khuôn mẫu, chuẩn mực văn hóa mà không xuất phát từ những tiền đề kinh tế, xã hội, truyền thống và nhu cầu của đất nước thì sẽ làm cho văn hóa xơ cứng, đơn điệu về nội dung và thể loại, nặng tính giáo huấn và giáo điều. Xu hướng này mâu thuẫn với chính bản chất của văn hóa là giải phóng tính năng động, sáng tạo của con người! Văn hóa trước hết là sự nghiệp của toàn thể nhân dân.

Nhưng, tuyệt đối hóa khía cạnh "hàng hóa" của sản phẩm văn hóa - tức là được sản xuất để bán kiếm lời, cũng dễ dẫn đến quan điểm thả nổi văn hóa cho thị trường điều chỉnh. Trên thực tế, tình trạng này đã xảy ra và đang gây những tác hại không nhỏ cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Sẽ thật sai lầm khi quy mọi thể loại văn hóa vào quá trình thương mại. Nhiều hình thức hoạt động văn hóa không thể tìm kiếm sự tồn tại bằng con đường bán kết quả lao động của bản thân nó trên thị trường. Thả nổi hoạt động văn hóa, đương nhiên là sẽ dẫn đến tình trạng một số ngành tiếp cận được quan hệ thị trường thì sẽ phát triển, còn một số hoạt động, trong đó có hoạt động văn hóa đỉnh cao, không thích hợp với thương mại sẽ bị giảm giá, đình đốn, xuống cấp! Đó là chưa kể, thả nổi văn hóa cho thị trường sẽ làm hỗn loạn thị trường văn hóa nghệ thuật, làm lẫn lộn giả, chân, thậm chí tạo điều kiện phát triển cho những sản phẩm văn hóa phi đạo đức, phi nhân văn, phản giá trị nhân loại.

Xem xét các hoạt động văn hóa từ phương diện kinh tế là một đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn văn hóa hiện nay. Soi sáng quan hệ thị trường và văn hóa là để xác định và phát triển mặt tích cực và ngăn ngừa mặt tiêu cực của thị trường đối với văn hóa, văn nghệ. Trên cơ sở ấy, có phương pháp quản lý mới vượt qua phương pháp hành chính mệnh lệnh, trong đó, định hướng đầu tư của Nhà nước là một công cụ quản lý vĩ mô. Hiểu biết một cách sâu sắc biểu hiện và hệ quả của cơ chế thị trường đối với hoạt động nhận thức, cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật là để xử lý thỏa đáng cả hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế của mỗi sản phẩm nghệ thuật, có đối sách riêng với từng hoạt động văn hóa phù hợp với khả năng thích ứng của nó trong cơ chế thị trường.

Giá trị đặc biệt của các sản phẩm văn hóa được quy định bởi tính phi hiệu năng của nghệ thuật. Từ hàng nghìn năm nay, không một dân tộc - quốc gia nào không chú ý đến giá trị đặc biệt này. Đó là vì văn hóa thể hiện sức mạnh của một dân tộc, một chế độ xã hội. Nó bảo đảm cho sự tiến bộ của mọi xã hội. Lợi ích mà văn hóa tạo ra không chỉ tác động trực tiếp tới người hưởng thụ mà còn lan tỏa sang những người xung quanh. Lợi ích văn hóa mà người sản xuất tạo ra không thu được phí sử dụng như một cây cầu, một con đường..., nhưng nó có tác dụng cực kỳ to lớn trong việc phát triển nguồn lực con người, nhân tố quan trọng của lực lượng sản xuất và có thể thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của sức sản xuất. Bởi, mỗi con người đều sinh thành trong một nền văn hóa nhất định. Năng lực sáng tạo của họ tùy thuộc không chỉ ở sự giáo dục, trình độ phát triển kinh tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào giá trị đạo đức, lối sống, khả năng cảm thụ nghệ thuật. Đặc tính này của văn hóa là lý do kinh tế giải thích sự cần thiết phải có định hướng đầu tư đúng cho văn hóa, đặc biệt là trong điều kiện chúng ta đang từng bước hội nhập vào cộng đồng thế giới ngày nay.

Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội, cùng với việc xây dựng và phát triển kinh tế phải xây dựng và phát triển văn hóa. Để đạt được mục tiêu lâu dài nêu trên, đòi hỏi phải có cái nhìn biện chứng, sâu sắc, toàn diện, cụ thể về kinh tế thị trường, về đặc trưng của hoạt động văn hóa trong cơ chế thị trường và đặc trưng của cơ chế thị trường trong hoạt động văn hóa. Chỉ có nhận thức đúng điều đó, chúng ta mới có thể có những chiến lược và chính sách phát triển văn hóa đúng đắn để giải phóng những tiềm năng sáng tạo của nhân dân, lập lại trật tự trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bảo vệ sứ mệnh cao quý của văn hóa mà Đảng ta đã vạch ra - xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.