Kon Tum đầu tư phát triển cây công nghiệp lâu năm
Kon Tum có diện tích đất tự nhiên 967.655 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 77,21% (747.168 ha), diện tích đất canh tác nông nghiệp hiện đang khai thác sử dụng khoảng 120.000 ha, chiếm 12,4%. Tuy tỷ lệ diện tích đất sử dụng sản xuất nông nghiệp nhỏ, nhưng tỉnh đã tận dụng điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi vào việc phát triển một số loại cây công nghiệp hàng hóa chủ lực như cà phê, cao su, mía,... nên hiệu quả kinh tế đem lại khá cao.
Với mục tiêu khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung với tập đoàn cây có năng suất, chất lượng, phù hợp với sinh thái của từng tiểu vùng và yêu cầu của thị trường, từ sau ngày tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã có nhiều nghị quyết, chương trình lãnh đạo phát triển nông nghiệp trên địa bàn, nhất là chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây công nghiệp hàng hóa. Tháng 12-2006, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, tiếp tục xác định “chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các vùng chuyên canh tập trung đối với những sản phẩm có lợi thế và có ưu thế về thị trường tiêu thụ: mở rộng diện tích cây cao su theo quy hoạch, ổn định diện tích và tập trung thâm canh, tăng năng suất đối với cây sắn, cà phê; tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía,...”. Đây là cơ sở để thực hiện tốt chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với tập đoàn cây trồng hàng hóa chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh phát triển khoảng 88.500 ha - 89.000 ha cao su, cà phê, mía...
Nhằm thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu đề ra đối với cây công nghiệp hàng hóa chiến lược của tỉnh, những năm qua, tỉnh Kon Tum nói chung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum nói riêng đã tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, ban hành một số chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển cây công nghiệp:
Trước hết, về đất đai, việc ban hành các chính sách, tổ chức thực hiện đề án điều chỉnh quy hoạch một số cây hàng hóa chủ yếu đến năm 2010 và 2015, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất, cho thuê đất đã thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển mở rộng diện tích cao su, cà phê, mía trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Chương trình phát triển 100.000 ha cao su ở các tỉnh Tây Nguyên của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả rà soát 3 loại rừng, UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần cao su Sa Thầy; Chi nhánh Công ty cao su Đắc Lắc; Công ty 78, 79 khảo sát, chuyển đổi 6.865ha đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cao su; hỗ trợ và tổ chức đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cao su đối với diện tích đất trồng cây kém hiệu quả từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án đa dạng hóa nông nghiệp được 8.586 ha/12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4.675 hộ có điều kiện vay vốn phát triển cao su tiểu điền. Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía và quy hoạch phát triển cao su tỉnh Kon Tum giai đoạn 2008 - 2015.
Thứ hai, về kỹ thuật, tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn như sự nghiệp khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ giống, vật tư phân bón, tập huấn kỹ thuật cho người dân để xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng và thâm canh cao su, cà phê chè, thâm canh giống mía mới. Các giống cà phê, cao su, mía mới có năng suất, chất lượng cao được bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh ngày càng đa dạng. Một số giống cao su PB 255, PB 260, RRIV 4, RRIV3; giống cà phê vối vô tính có triển vọng TR4, TR5, TR6, TR7, TR8; giống mía mới Mex 105, B85-764, Roc 27,... góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây công nghiệp. Trong năm 2008, Dự án giảm nghèo miền Trung đã thực hiện hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ nghèo trồng mới 1.500 ha cao su, 200 ha cà phê chè ở các xã phía bắc vùng Đông Trường Sơn của tỉnh; huyện Đắc Hà hỗ trợ giống cho nhân dân trồng mới gần 900 ha cao su,...
Thứ ba, về vốn đầu tư, tỉnh thực hiện các chính sách cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển cao su, cà phê; tạo điều kiện khuyến khích hộ nông dân tham gia liên kết, góp vốn đầu tư với các doanh nghiệp (bằng vườn cây, quyền sử dụng đất, công lao động) để trồng, chăm sóc, khai thác cao su.
Thứ tư, về chế biến, tiêu thụ, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp phát huy vai trò là “bà đỡ” để thu mua, chế biến sản phẩm cà phê, cao su, mía của nhân dân, trong chế biến gia công chỉ lấy chi phí chế biến, tạo điều kiện cho nông dân gửi lưu kho bảo quản sản phẩm mủ đã qua chế biến mà không tính phí trong khi chờ tiêu thụ theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24-6-2002, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các loại cây hàng hóa, tỉnh còn đưa ra danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2006- 2015 trong lĩnh vực chế biến cà phê và mủ cao su với 6 dự án có tổng kinh phí đầu tư là 83,5 tỉ đồng, 3 dự án chế biến cà phê chè với tổng kinh phí đầu tư 57,5 tỉ đồng. Trong đó, chú ý đến các dự án đầu tư phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản cho loại hình cao su, cà phê tiểu điền.
Với những nỗ lực trên, cây công nghiệp trên địa bàn Kon Tum ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2008, tổng diện tích cây công nghiệp toàn tỉnh vào khoảng 44.277 ha, so với năm 2004 tăng 11,469 ha. Trong đó, diện tích cao su chiếm 31.548 ha, cây cà phê: 10.333 ha, cây mía: 2.333 ha. Về năng suất, cao su đạt 11 tạ/ha, so với năm 2004 tăng 2 tạ/ha; cà phê đạt 18 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha, riêng mía ổn định với năng suất 450 tạ/ha.
Điều quan trọng hơn, các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, mía phát triển kéo theo công nghiệp chế biến và thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Hiện nay, cả tỉnh có 6 cơ sở chế biến mủ cao su với tổng công suất thực tế 16.315 tấn nguyên liệu/năm; 5 cơ sở chế biến cà phê của các công ty, nông trường, 2 cơ sở của các doanh nghiệp tư nhân và 1 nhà máy đường đáp ứng thu mua và chế biến cho vùng nguyên liệu ở địa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển cây công nghiệp lâu năm ở tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: điều kiện về địa hình đất đai chia cắt nên diện tích manh mún, khó khăn trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chế biến; thị trường thường xuyên biến động nên tâm lý của người dân chưa ổn định đầu tư sản xuất; do tập quán sản xuất và điều kiện đời sống còn khó khăn nên người dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh đối với cây công nghiệp lâu năm có thời gian kiến thiết cơ bản dài, chưa theo khuyến cáo nên năng suất chất lượng cây trồng tăng chậm. Mặc dù tỉnh đã ban hành những chính sách về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, hỗ trợ sản xuất nhưng khả năng ứng dụng nhân rộng còn hạn chế.
Hiện nay, Kon Tum đang tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch một số cây hàng hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp, nhằm khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng đất đai và lợi thế so sánh của tỉnh để phát triển một số cây công nghiệp. Tỉnh phấn đấu phát triển diện tích cây cao su lên 50.000 ha vào năm 2010 và 70.000 ha đến năm 2015; phát triển và ổn định 13.000 ha - 14.000 ha cà phê đến năm 2015; trồng mới 3.000 ha - 4.000 ha cà phê chè tại một số xã phía bắc vùng Đông Trường Sơn của tỉnh và xây dựng vùng nguyên liệu mía 4.000 ha - 5.000 ha bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động theo công suất thiết kế.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
1 - Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo thị trường nông sản làm cơ sở cho quy hoạch dài hạn. Đồng thời quy hoạch chi tiết phát triển cây cao su, cà phê và tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ để tránh tình trạng phát triển tự phát không theo quy hoạch. Trong quy hoạch cần lưu ý xác định cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội phù hợp yêu cầu sinh thái của cây cà phê, cao su, mía và tập quán sản xuất; đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất,...
2 - Vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển cây hàng hóa, chủ yếu là cao su tiểu điền để phù hợp với quy hoạch nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và chế biến.
3 - Tiếp tục xác định, bổ sung một số giống mới phù hợp, thích nghi với điều kiện tự nhiên từng vùng sinh thái vào cơ cấu giống cây trồng hiện tại, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, xây dựng cơ sở nhân giống tại chỗ nhằm cung ứng giống bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, hạn chế những rủi ro, thiệt hại cho người sản xuất. ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh tổng hợp trong sản xuất, nhất là chuyển giao giống mới thích hợp trong trồng mới nhằm rút ngắn giai đoạn kiến thiết cơ bản, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
4 - Tác động, tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...) để đầu tư, phát triển sản xuất. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
5 - Tích cực huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển và thực hiện các chính sách; khuyến khích mở rộng hình thức liên kết với nông dân theo phương thức nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp đầu tư chi phí đầu vào và kỹ thuật để phát triển cây công nghiệp. Ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2006 - 2015 trong lĩnh vực chế biến cà phê và mủ cao su với 6 dự án có tổng kinh phí đầu tư là 83,5 tỉ đồng, 3 dự án chế biến cà phê chè với tổng kinh phí đầu tư 57,5 tỉ đồng, trong đó chú ý các dự án đầu tư phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản cho loại hình cao su tiểu điền và cà phê. /.
Phát triển cây công nghiệp lâu năm ở nước ta  (03/02/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 26-1 - 1-2-2009)  (02/02/2009)
Hạ viện Hoa Kỳ thông qua gói kích cầu kinh tế  (02/02/2009)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 26-1 đến 1-2-2009)  (02/02/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên