Cuộc khủng hoảng tài chính và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia
Cuộc khủng hoảng tài chính khởi phát từ Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang lan rộng trên quy mô toàn cầu. Để bạn đọc có thêm thông tin tham khảo, Tạp chí Cộng sản Điện tử lược dịch và giới thiệu bài viết của ông Vi-a-che-xlap Nhi-cô-nôp, Giám đốc Trung tâm Quỹ “Chính trị” (Nga), đăng trên Báo "Tin tức" (I-dơ-vet-xti-a, Nga).
Những sự kiện chính trị và kinh tế gây chấn động thế giới trong những tháng gần đây chứng tỏ sự tùy thuộc tới mức đáng kinh ngạc giữa các quốc gia, và mức độ tùy thuộc đó vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu. Sự tùy thuộc này đã từng thể hiện vào năm 1998 khi cuộc khủng hoảng ở Thái Lan gây nên phản ứng dây chuyền làm suy thoái nền kinh tế nhiều nước ở châu Á, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở Nga.Lúc này, cơn bão khủng hoảng không xuất phát từ Thái Lan mà là từ Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên hậu quả tai hại của nó không một quốc gia nào có thể né tránh được. Tính chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng này chứng tỏ, thế giới hiện nay tùy thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết, trong đó, sự khủng hoảng của một nước nào đó có thể kéo các nước khác khủng hoảng theo. Tuy nhiên, sự tùy thuộc lẫn nhau này lại có thể được coi như một yếu tố có tác dụng ổn định quan trọng, bởi lẽ, khi mọi người cảm thấy mình đang đi cùng trên một chiếc thuyền để lướt qua cơn sóng to gió cả thì khó ai có thể có hành động gì khác để làm lật thuyền.
Với tất cả sự mâu thuẫn hiện nay giữa các nước trên thế giới, chưa thấy có nước nào muốn hành động để làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ. Mà ngược lại, những nước đã từng bị Oa-sinh-tơn coi là các đối thủ cạnh tranh địa - chính trị chủ yếu của nước Mỹ, lại đang giang tay đóng góp phần đáng kể để hỗ trợ quốc gia đang ở “tâm chấn” này. Trung Quốc vấn giữ nguyên 500 triệu USD ngân phiếu quốc gia của Mỹ để giúp bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ vốn là nước nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc vào hạng lớn nhất thế giới.
Nga và Mỹ hiện nay đang ở điểm thấp nhất trong mối quan hệ tương tác từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, kể từ khi Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân đưa ra lời nhận xét nổi tiếng rằng “Liên Xô là đế chế của tội ác” với hàng loạt kịch bản về “cuộc chiến tranh giữa các vì sao”, nhưng lúc này, nếu Nga và Mỹ có ý định gây phương hại cho nhau, thì khả năng đó thấp hơn nhiều so với đầu những năm 1980.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mỹ đang làm suy giảm nhu cầu, nghĩa là giảm giá dầu mỏ và khí đốt vốn đang là thế mạnh xuất khẩu của Nga. Sự sụt giảm đó làm giảm giá trị dự trữ ngoại tệ của Nga. Những tin tức đáng buồn từ Mỹ làm thất thoát nghiêm trọng thị trường vốn của Nga, và làm giảm vốn đầu tư của các công ty Nga mạnh hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến giữa Nga và Gru-di-a. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã gây khó khăn trong toàn bộ hệ thống ngân hàng thế giới và làm gia tăng chi phí dịch vụ các khoản nợ công ty của Nga. Đầu tư dài hạn vào nền kinh tế Nga cũng bị hạn chế. Hậu quả là thị trường chứng khóan, các ngân hàng và cả hệ thống bán buôn và xây dựng của Nga đều gặp khó khăn. Do đó, nước Nga, trong khi đang bị Mỹ phản ứng tồi tệ nhất sau cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a, đã phải bỏ ra hàng chục tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ giúp nó không bị sụp đổ.
Ngay cả ở Mỹ người ta cũng hiểu được sự phụ thuộc lẫn nhau này. Trong bối cảnh đó, sẽ không thể nói đến chuyện đưa ra các biện pháp cấm vận chống lại Nga do cuộc chiến tranh ở Gru-di-a. Ban lãnh đạo ở Nga hiểu rõ hậu quả của việc rút tiền Nga ra khỏi các cam kết quốc gia của Mỹ. Họ cũng hiểu rằng bất kỳ biện pháp cấm vận nào cũng sẽ có tác động tới cả hai bên. Theo nhiều dự báo, dù phải trải qua khó khăn, nhưng kinh tế của Nga vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, khoảng 7,5%. Nga cũng là một trong những thị trường hấp dẫn nhất và đem lại nhiều lợi nhuận nhất đối với các hãng của Mỹ, và vì thế, các công ty của Mỹ không muốn “bị xem xét” trong trường hợp Mỹ cấm vận đối với Nga. Thí dụ: 70% kim loại ti-tan để làm thân máy bay “Boeing” của Mỹ là nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, có hàng loạt sản phẩm phần mềm xuất khẩu từ Nga cũng được dùng cho máy bay “Boeing” của Mỹ. Vậy thì cấm vận Nga để làm gì?
Ngoài ra, bất kỳ một ai cũng hiểu được rằng các biện pháp cấm vận chống Nga sẽ mất đi sự hợp tác của Nga trên nhiều hướng khác mà các nước phương Tây rất quan tâm như vấn đề I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, CHDCND Triều Tiên, Pa-ki-xtan, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, năng lượng v.v.. Lãnh đạo các nước EU cũng hiểu được sự tùy thuộc lẫn nhau này. Với Mỹ, Nga không có các mối quan hệ đối ngoại gắn bó như với EU, bởi Nga là đối tác thương mại của EU được xếp thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Các nước châu Âu khó có thể tìm được một thị trường tiêu thụ hàng hoá để thay thế thị trường Nga. Còn đối với Nga, thị trường châu Âu là rất cần thiết xét từ nguồn đầu tư.
Rõ ràng là, Nga và các nước khác đang ở trên cùng một chiếc thuyền, nhưng tình hình của Nga hiện nay lành mạnh hơn nhiều không chỉ so với năm 1998 mà còn so với bất kỳ các nước châu Âu nào khác. Nga không có nợ ngân sách và nợ nước ngoài. Ngân sách nhà nước của Nga đang không bị thâm hụt. Nga lại có nguồn dự trữ ngoại tệ mạnh, giá dầu mỏ và khí đốt vẫn còn ở mức cao. Mặc dù nhịp độ tăng GDP có thể giảm từ 0,5-1% và giá dầu mỏ có thể còn bị xuống thấp hơn, nhưng rõ ràng là, Nga có thể thoát khỏi những sự kiện gây chấn động thế giới với tổn thất ít hơn nhiều so với các đối tác phương Tây mà mới gần đây thôi, đang muốn “dạy” cho nước Nga cách hoạch định chính sách kinh tế sao cho đúng đắn!/.
Sóc Trăng: 200 tỉ đồng đầu tư vùng đồng bào Khmer  (17/10/2008)
2 triệu USD phát triển giáo dục tại Điện Biên  (17/10/2008)
Iran - Thị trường đầu tư, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam  (17/10/2008)
Báo Đức: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp  (17/10/2008)
ADB hỗ trợ phát triển du lịch tại Việt Nam và Lào  (17/10/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên