Việt Nam - một cơ hội không nên bỏ lỡ
TCCS - Một số nhà quan sát kinh tế dự báo Việt Nam sẽ gặp thảm họa tài chính, nhưng thực tế cho thấy họ đã sai. Dù bị tổn thương ít nhiều nhưng Việt Nam đã vượt qua được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không những vậy, Việt Nam còn đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, được thế giới đánh giá là một thành công lớn gây bất ngờ.
Một điển hình về đổi mới và hội nhập thành công
Trang tin điện tử của tạp chí tài chính Anh "MonneyWeek" ngày 30-11-2009 đăng bài của tác giả Crít Sôi-tô Hi-tơn (Cris Shoito Heaton) dưới đầu đề "Không bỏ lỡ cơ hội ở Việt Nam". Trong bài viết đó, tác giả cho rằng Việt Nam vẫn là một trong những địa chỉ đầu tư tốt ở châu Á.
Tác giả viết: Giống như Trung Quốc, Việt Nam là nước đang tiến tới một nền kinh tế do thị trường dẫn dắt. Tuy nhiên, việc tạo ra các cơ hội đầu tư mới chỉ ở giai đoạn đầu. Theo tác giả, Việt Nam đang tiến tới trở thành một trung tâm sản xuất có chi phí thấp: xuất khẩu các hàng hóa như giầy dép, quần áo, đồ dùng và thậm chí các bộ phận điện tử cơ bản đã tăng rất nhanh. Việt Nam sẽ sớm trở thành một dây chuyền sản xuất có giá trị, thu hút công việc sản xuất lành nghề hơn từ các khu vực có mức chi phí cao và dần dần trở nên giàu có hơn. Đây là một con đường vững chắc trong các nước châu Á.
Với dân số 86 triệu người, Việt Nam đủ điều kiện trở thành một nền kinh tế phát triển nhờ vào nguồn lực trong nước, hơn là một nền kinh tế chỉ dựa vào xuất khẩu. Cuối cùng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam sẽ tiếp tục là các mặt hàng xuất khẩu có giá trị trong một thế giới rất cần đến chúng.
Ngày 30-11-2009, Tại buổi tiếp Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng đoàn đại biểu nước ta tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO lần thứ 7 diễn ra tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WTO, P. La-mi hoan nghênh những thành tựu kinh tế và tăng trưởng thương mại mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh: "Việt Nam là điển hình đổi mới và hội nhập thành công và WTO hài lòng hợp tác với Việt Nam. WTO tiếp tục dành cho Việt Nam sự giúp đỡ cần thiết trong quá trình Việt Nam tham gia WTO".
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhờ việc nhanh chóng chuyển sang cơ chế thị trường và đẩy mạnh tư nhân hóa, nhiều tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đã trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Đây là nội dung chính trong báo cáo nhan đề "Dự báo khu vực tài chính Việt Nam đến năm 2013" của Công ty Nghiên cứu thị trường RNCOS (Mỹ) đăng trên mạng M2 PressWIREi.
Báo cáo của RNCOS cho biết, khu vực ngân hàng ở Việt Nam đã gia tăng với tốc độ chưa từng thấy trong thời gian gần đây, song vẫn chưa phát triển mạnh so với khu vực ngân hàng ở các nền kinh tế châu Á khác như Ấn Độ và Trung Quốc. Phần lớn người dân Việt Nam vẫn không gửi tiền ở ngân hàng và sử dụng các cách truyền thống để tiết kiệm tiền và chi tiêu. Điều này chứng tỏ khu vực ngân hàng của Việt Nam vẫn còn tiềm năng to lớn để phát triển với dự báo vốn ngân hàng sẽ tăng 22% trong thời gian 2009 - 2013.
Ngoài ra, trong báo cáo, RNCOS nhận định khu vực bảo hiểm của Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng trong những năm vừa qua với tổng số tiền bảo hiểm tăng trên 20%/năm từ năm 2002 đến 2008. Hãng này cho rằng dù phát triển nhanh, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa được các nhà đầu tư khai thác, như bảo hiểm nợ chuyên nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm giá năng lượng...
Ông Pi-tơ Xmít (Peter Schmid), Giám đốc phụ trách đối ngoại của Credit-Suisse - một trong hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ và nằm trong danh sách những ngân hàng uy tín hàng đầu thế giới, đã có những đánh giá khả quan về thị trường tài chính Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ông P.Xmít nhận xét chỉ số thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng ngoạn mục, khoảng 79% kể từ đầu năm nay. Mức tăng này khiến thị trường chứng khoán quốc gia Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2009. Tín dụng ngân hàng ở Việt Nam cũng đã phục hồi từ tháng 4-2009. Tuy nhiên, ông P.Xmít cho rằng Ngân hàng Trung ương Việt Nam nên siết chặt lại tín dụng nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát và phát triển bong bóng trên thị trường tài chính.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 3-11-2009, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng Việt Nam đã đối phó tương đối tốt với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.
Theo báo cáo trên, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế ở Việt Nam đã xuất hiện nhờ các nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện gói kích cầu, bao gồm nhiều biện pháp như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, chi vốn bổ sung. Kết quả là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng từ mức 3,1% trong quý I-2009 lên mức 4,5% trong quý II và 5,8% trong quý III, nâng mức tăng GDP thực tế trong 9 tháng đầu năm lên 4,6%. WB cho rằng trong khi sản xuất vẫn phải đối mặt với những khó khăn do nhu cầu sụt giảm, song lĩnh vực xây dựng đang là nhân tố dẫn đầu của sự phục hồi với giá trị gia tăng trong lĩnh vực này dự kiến tăng trưởng hai con số trong cả năm nay. Tiêu thụ nội địa cũng là một nhân tố quan trọng của tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam với bán lẻ tăng 9,3% trong 8 tháng đầu năm. WB ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2009 sẽ đạt 5,5%.
Điểm sáng Việt Nam
Việt Nam - Một trong bốn nước thành công nhất trong xóa đói, giảm nghèo là nhận định của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO). Theo Báo cáo "Con đường tới thành công" của FAO được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh lương thực, nhiều nước đã đạt được hoặc đang vững bước tiến tới mục tiêu cắt giảm một nửa số người đói nghèo vào năm 2015, một trong tám Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG). Theo đó, 31 trong 79 quốc gia mà FAO thống kê đã cắt giảm đáng kể số người nghèo đói so với đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong đó 4 nước thành công nhất là Ác-mê-ni-a, Bra-xin, Ni-giê-ri-a và Việt Nam.
Tổng Giám đốc FAO Giắc-kê Đi-úp cho biết, thông qua những điển hình, báo cáo muốn gửi đi thông điệp rằng cuộc chiến chống đói nghèo hoàn toàn có thể thành công. Tiền đề thắng lợi chỉ là cam kết mạnh mẽ của chính phủ các nước đang phát triển và sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế.
Tờ Bloomberg trực tuyến của Mỹ số ra gần đây đã trích dẫn nguồn tin của FAO cho biết chưa bao giờ Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục như hiện nay. Theo FAO, năm 2009 Việt Nam có thể đạt mức xuất khẩu 5,4 triệu tấn gạo, phá kỷ lục về xuất khẩu gạo, đứng sau Thái Lan (8,3 triệu tấn) so với 5,2 triệu tấn của năm 2005. Cũng theo FAO, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này, nhất là về giá vì gạo của Việt Nam rẻ hơn gạo Thái Lan tới trên 160 USD/tấn
Tạp chí Thế giới đương đại (Trung Quốc) số ra cuối tháng 7 đã có bài viết về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam. Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia với trên 70% dân số ở nông thôn, nhưng nhờ chính sách đổi mới, mở cửa mà Việt Nam không chỉ lo đủ cái ăn cái mặc cho người dân mà còn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhằm không ngừng hoàn thiện, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục thực hiện nhiều chương trình để tạo ra bộ mặt nông thôn, nông nghiệp mới, trong đó trọng tâm đến kế hoạch "ba bước" đổi mới chính sách đất đai, gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn một là chuyển từ chế độ tập thể hóa nông nghiệp sang chế độ khoán đến từng hộ gia đình (cuối thập niên 80). Giai đoạn 2 (từ những năm 90) là xây dựng chế độ về nền sở hữu đất đai lấy "5 quyền" làm trọng tâm và giai đoạn 3 là thúc đẩy thêm một bước thương mại hóa quyền sử dụng đất và quy mô hóa kinh doanh đất đai trên cơ sở xây dựng chế độ về quyền sở hữu đất đai làm mục tiêu chính.
Duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong điều kiện khó khăn. Đó là nhận định và cũng là nhan đề bài viết của ông J. Pin-cớt, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đăng trên bản tin ASEAN Economic Bulletin số ra tháng 4-2009. Bài viết đã điểm lại những thành tựu của Việt Nam trong 2 thập niên trở lại đây cũng như những tác động của suy thoái toàn cầu mà Việt Nam phải gánh chịu. Đặc biệt là chương trình cải cách các doanh nghiệp lớn do Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này sử dụng có hiệu quả đồng vốn, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội và công ăn việc làm, tiến tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thâm hụt tài chính thương mại.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng, nhờ kinh nghiệm thu được trong hai thập niên với mức tăng trưởng GDP bình quân trên 7% năm, Việt Nam có thêm nhiều bài học quý báu, giúp người dân có "của ăn của để" để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế. Sở dĩ Việt Nam đạt được thành tựu này là do Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp kích cầu kịp thời và phù hợp, trong đó có cả các giải pháp mang tính cứng rắn đối với các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát sự đa dạng hóa các doanh nghiệp này trong lĩnh vực tài chính.
Tập đoàn tư vấn Business Wire (BW) đánh giá, giống như các quốc gia bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc duy trì lạm phát và kích cầu kinh tế phát triển nên tương lai Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.
Một trong những nước hòa bình nhất thế giới
Tại Hội nghị toàn cầu các quốc gia hòa bình diễn ra tại thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ từ ngày 1 đến 3-11-2009, Việt Nam được vinh danh là một trong những nước hòa bình nhất trên thế giới.
Hội nghị do Trung tâm Phun-brai (Fulbright) và Liên minh vì hòa bình - hai tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ hoạt động với mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình hơn - lần đầu tiên tổ chức, nhằm ghi nhận và tôn vinh các quốc gia hòa bình nhất trên thế giới và xây dựng các gương điển hình để các nước khác noi theo. Bà Ha-ri-ét Phun-brai (Harriet Fulbright), Chủ tịch Trung tâm nêu rõ: "Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên này đóng vai trò như trụ cột hỗ trợ hơn nữa những nỗ lực xây dựng hòa bình".
Tham dự hội nghị có đại diện của 18 nước có xếp hạng cao nhất về chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) trong năm 2009 của 9 khu vực trên thế giới. Chỉ số này do Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Xít-ni (Ô-xtrây-li-a) xây dựng trên cơ sở 23 tiêu chí khác nhau từ mức độ tội phạm bạo lực và chi tiêu quân sự tới mối quan hệ với các nước láng giềng và tôn trọng nhân quyền.
Trong 144 nước nằm trong bảng xếp hạng GPI của năm nay, Việt Nam đứng thứ 39 trên toàn cầu và đứng thứ hai, sau Xin-ga-po, tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Nhận xét về việc Việt Nam được lựa chọn tham dự hội nghị này, bà H. Phun-brai nói với phóng viên TTXVN rằng: "Đây một món quà rất lớn của nhân dân Việt Nam bởi vì trước đây đất nước các bạn đã phải trải qua một thời gian dài chiến tranh nhưng chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã trở thành một trong những nước hòa bình nhất trong khu vực. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về vấn đề này."
Theo báo cáo của ban tổ chức hội nghị, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào hòa bình. Việt Nam phải trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhưng hiện nay Việt Nam là một trong những nước hòa bình nhất Đông Nam Á; Việt Nam đã đạt được ổn định trong nước thông qua công cuộc phát triển kinh tế được thế giới biết đến với tên gọi "Đổi mới"; Việt Nam luôn hướng tới hòa bình và an ninh trong khu vực và trên toàn cầu thông qua sự lãnh đạo tại các diễn đàn phát triển và ngoại giao đa phương; đồng thời Việt Nam đã nêu một tấm gương về kiềm chế quân sự trong khi hướng tới hòa bình quốc tế.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu của các nước khác đã tán thưởng kinh nghiệm của Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình thông qua việc phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân đồng thời hỗ trợ các nước khác cùng phát triển.
Quỹ News Economics Foundation (Anh) đã công bố danh sách những nước sống hạnh phúc nhất thế giới hay còn gọi là chỉ số HPI (Happy Planet Index - Chỉ số hành tinh hạnh phúc), trong đó 10 vị trí đầu lại không thuộc về các nước có nền kinh tế phát triển mà người ta quen gọi là các quốc gia giàu có mà phần lớn nằm ở các nước đang phát triển tại khu vực Mỹ La-tinh, Ca-ri-bê và châu Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất của khu vực châu Á có tên trong danh sách với vị trí thứ 5.
So với các chỉ số khác như GDP (chỉ số thu nhập bình quân đầu người), HDI (chỉ số phát triển con người) thì chỉ số HPI trọng tâm đến yếu tố như tuổi thọ, thỏa mãn cuộc sống của người dân và ít chú ý đến tiêu chí về kinh tế. Trong khi Việt Nam xếp thứ 5 thì Trung Quốc xếp thứ 20, Xin-ga-po xếp thứ 49, Hàn Quốc xếp thứ 68 và Nhật Bản xếp thứ 75; Mỹ xếp thứ 144, Anh 74, Pháp 71 và Đức 51. Đây là bảng xếp hạng được thực hiện ở 143 quốc gia, dựa trên mối quan tâm đến mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân, mức tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo, đa dạng hóa hệ sinh thái.
Đại học U-trếch (Utrecht University) - trường đại học lớn nhất ở Hà Lan và châu Âu- đã tổ chức hội thảo "Việt Nam: Phi thực dân hóa và Chiến tranh lạnh". Cuộc hội thảo nhằm phổ cập kiến thức để chuẩn bị một số chương trình giảng dạy cho hơn 100 nghìn giáo viên lịch sử và sinh viên toàn Hà Lan về chủ đề "Việt Nam xưa và nay". Hơn 200 giáo sư, nhà sử học, sinh viên chuyên ngành lịch sử, những người từng tham gia các hoạt động chống chiến tranh và giúp đỡ Việt Nam đã tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các giáo sư đang giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu ở Hà Lan đã trình bày các tham luận về Việt Nam trong thế kỷ XX; Chiến tranh lạnh; chính sách và quan hệ của các nước lớn đối với Việt Nam; vai trò truyền thông; quan hệ của Hà Lan với Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh thực dân; những bài học về chiến tranh và kinh nghiệm hiện tại với Việt Nam.
Các đại biểu tham dự đã xem nhiều tranh ảnh giới thiệu về Việt Nam xưa và nay. Một số giáo viên và học sinh dự hội thảo cho biết họ đang chuẩn bị dự án và viết sách về Việt Nam./.
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 808 (2-2010)  (07/02/2010)
Tìm hiểu khái niệm: "Bẫy thu nhập trung bình"  (06/02/2010)
ASEAN - “Từ tầm nhìn tới hành động”  (06/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên