Lạm phát thấp và điểm nhấn kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2014
TCCSĐT - Năm 2014 sắp trôi qua như một năm có nhiều ấn tượng khá sâu sắc về các chỉ số và cân đối kinh tế vĩ mô, mà toàn cảnh nền kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2014 có nhiều điểm nhấn nổi bật.
Thứ nhất, lạm phát thấp với nhiều kỳ vọng mới
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 02. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (tháng 3-2009, CPI cả nước giảm 0,17% so với tháng trước). CPI tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,08% so với tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên, mức CPI bình quân 11 tháng so cùng kỳ năm trước - tức mức lạm phát - vẫn là 4,3%. Đây là mức lạm phát chấp nhận được của những nước phát triển trung bình như Việt Nam (dù đã tăng tới 58,95% so với kỳ gốc năm 2009).
CPI thấp của tháng 11 và cả năm 2014 là tất yếu do liên tiếp diễn ra các đợt giảm giá xăng, dầu và giá gas, khiến giá nhóm giao thông giảm 2,75%, đóng góp 0,24% trong tổng mức giảm 0,27% chung của CPI tháng 11. Thậm chí, CPI có thể còn thấp hơn nữa nếu giá xăng dầu (tổng mức dù giảm gần 20%) và vận tải trong nước (hầu như không đổi tính đến giữa tháng 11-2014) được giảm nhanh hơn và sát hơn tương ứng mức giảm giá xăng dầu thế giới tới 30% chỉ từ tháng 6-2014 đến nay.
Đặc biệt, CPI bình quân 11 tháng qua thấp cho thấy thành công của mục tiêu kiềm chế lạm phát như là ưu tiên hàng đầu của điều hành kinh tế vĩ mô suốt cả năm; nhất là do tiết giảm đầu tư công (đầu tư ngân sách nhà nước chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013, tức thấp hơn rất nhiều so mức tăng trên 5% GDP cùng kỳ so sánh); do hiệu quả kiểm soát vĩ mô giá một số mặt hàng thiết yếu, đầu vào, có tính độc quyền và nhạy cảm cao; do hạn chế đầu cơ ngoại hối và do hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh (mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5% - 2% so với cuối năm 2013) và tiếp tục miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế; do phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện khuyến mãi lớn, diện rộng, chuyên nghiệp hơn, triển khai sớm từ tháng 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
CPI thấp còn nhờ thời tiết và điều kiện canh tác thuận lợi, năng suất và sản lượng nông nghiệp cả nước tăng; nhờ xu hướng giá vàng giảm ổn định trên thế giới; nhờ tỷ giá VND và Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia được cải thiện bởi sự linh hoạt, quyết đoán, chính xác trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước. FDI thực hiện 11 tháng qua ước tính đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, cũng góp phần giảm áp lực hạ VND, duy trì CPI thấp.
CPI thấp góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân (trong tháng 11-2014, so với cùng kỳ năm 2013, số hộ thiếu đói giảm 77,5%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 77,1%); củng cố sức mua đồng nội tệ, khả năng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tín dụng ngân hàng; nâng cao uy tín quốc gia; củng cố niềm tin tiêu dùng và lòng tin thị truờng; tăng hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế mới, với lãi suất thấp, tiết kiệm tới hàng ngàn tỷ đồng trả lãi vay nợ cũ.
Hơn nữa, CPI thấp, nhưng hàng hóa xuất khẩu cả nước ước tăng tới 13,7% và vẫn xuất siêu 2,06 tỷ USD trong 11 tháng qua, cho thấy việc phá giá VND để kích thích xuất khẩu không phải là lựa chọn bắt buộc để Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Ngoài ra, GDP tăng (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng qua ước tính tăng 7,5%, cao hơn mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm trước), trong khi đầu tư từ ngân sách nhà nước và CPI thấp, tăng trưởng tín dụng không cao (dư nợ 11 tháng tăng khoảng 10% so cùng kỳ), đã ít nhiều cho thấy sự nhạt bớt ám ảnh lệ thuộc tăng trưởng phải dựa vào tăng vốn đầu tư công, tạo hệ lụy lạm phát cao, như cái giá phải trả và là định mệnh khắc nghiệt của mô hình kinh tế Việt Nam bấy lâu nay.
Ở góc độ khác, CPI thấp mang lại e ngại về sức mua thị truờng thấp, do tính chung 11 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2013 (tức chỉ xấp xỉ mức tăng cả năm GDP khoảng 5,8%). Đặc biệt, sự e ngại trì trệ thị trường hàng hóa trong nước bị tô đậm hơn khi tổng mức vận tải hàng hóa 11 tháng cả nước ước đạt 970,9 triệu tấn, tăng 5,3% và 202,4 tỷ tấn, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, CPI thấp, trong bối cảnh thị trường tài chính khá lặng sóng và thị trường bất động sản ấm dần, đang mang lại cả mừng, cả lo, nhưng tổng thể mừng vẫn hơn lo và bật sáng nhiều kỳ vọng mới, tích cực hơn cho năm 2015.
Thứ hai, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, có sự cải thiện đồng đều ở hầu hết các địa phương, lĩnh vực và chỉ số kinh tế vĩ mô
Về tổng thể, nông nghiệp trên cả nước đang được hỗ trợ tốt bởi thời tiết thuận lợi và ít dịch bệnh, năng suất và sản lượng cây trồng đều tăng, dù diện tích canh tác giảm nhẹ. Có sự cải thiện khá tốt về giá và sản lượng đàn trâu, bò, lợn và gia cầm, thủy sản đánh bắt và nuôi trồng cả nước. Tính chung 11 tháng năm nay, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 5.736,9 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 3.043,8 nghìn tấn, tăng 4,5%; thủy sản khai thác đạt 2.693,1 nghìn tấn, tăng 5,1%; diện tích rừng trồng tập trung đạt 215,2 nghìn ha, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đến nay, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh... đều được khống chế.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng 5,3% so tháng trước và tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2013. Tính chung 11 tháng, ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013 (Quý I tăng 5,3%, quý II tăng 6,9%, quý III tăng 7,8%) cao hơn mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm trước; trong đó: Điện thoại di động tăng 59,3%; ô tô tăng 28,3%; sữa tươi tăng 20,4%; giày, dép da tăng 20,0%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,8%; điện sản xuất tăng 12,3%; tivi tăng 11,0%; riêng dầu gội, dầu xả giảm 0,2%; sữa bột giảm 7,2%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 7,6%; xe máy giảm 10,0%; thuốc lá điếu giảm 13,1%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01-11-2014 đã trở về bình thường, giảm 0,3% so với tháng trước và chỉ tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2013. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân tháng Mười là 67,9%; bình quân 10 tháng là 75,1%.
Khách quốc tế đến nước ta 11 tháng ước tính đạt 7.217 nghìn lượt người, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách từ Nga tăng 25,2%; Hàn Quốc tăng 12%; Nhật Bản tăng 6,9%; Trung Quốc tăng 5,1%; Hoa Kỳ tăng 2,6%; Cam-pu-chia tăng 18,2%; Vương quốc Anh tăng 10,4%; Thái Lan giảm 6,5% ; Đài Loan giảm 2,1%; Ma-lai-xi-a giảm 1,2%.
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-11-2014 ước tính đạt 759,7 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 513,2 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2%; thu từ dầu thô 91,5 nghìn tỷ đồng, bằng 107,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 151,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98,1%. Tổng chi ngân sách nhà nước ước tính đạt 894,2 nghìn tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 145,3 nghìn tỷ đồng, bằng 89,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 140,8 nghìn tỷ đồng, bằng 89,1%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 629,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5%; chi trả nợ và viện trợ 119,4 nghìn tỷ đồng, bằng 99,5%.
Thứ ba, môi trường và niềm tin đầu tư được cải thiện rõ rệt
Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa khảo sát vào tháng 9-2014 và công bố BCI - Chỉ số niềm tin kinh doanh (Business Confident Index) - quý này tăng lên 74 điểm so với mức từ 66 điểm quý trước và ngang bằng những quý đầu 2011. Điều đó cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang tiếp tục gia tăng.
Tổ chức tín nhiệm quốc tế Moody’s mới đây đã nâng Chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B2 lên B1 ở mức độ ổn định, hàng loạt ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng đã được tổ chức này nâng Hệ số tín nhiệm lên mức triển vọng và “tích cực”.
Ngân hàng ANZ ở Việt Nam trong kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng 10 đã khẳng định, về dài hạn, có tới 61% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ ở trạng thái tốt.
Đặc biệt, chiều ngày 03-11-2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã có thông cáo báo chí về việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Cụ thể, mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng lên một bậc từ mức “B+” thành “BB-”. Đồng thời, mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cũng được nâng từ mức “B+” lên mức “BB-”. Triển vọng dài hạn ở mức “ổn định”. Mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng từ mức “B+” lên mức “BB-” và chỉ số IDR bằng ngoại tệ ngắn hạn duy trì ở mức “B”. Lý do khiến Fitch nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam là do tình hình kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức khả quan trung bình khoảng 5,6% trong 3 năm so với mức trung bình 3,7% của hạng “BB”. Lạm phát tính đến tháng 10-2014 là 3,2%, giảm so với mức trung bình 6,6% năm 2013. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán được cải thiện. Ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo nên bước ngoặt đối với tình trạng cán cân thanh toán, từ mức thâm hụt 3,7% năm 2010 lên mức thặng dư được dự báo đạt khoảng 4,1% năm 2014. Mức thặng dư cán cân thanh toán vãng lai cho năm thứ tư liền kề được hỗ trợ bởi tăng trưởng xuất khẩu và kiều hối lớn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) duy trì ổn định với mức trung bình 4,5% so với GDP giai đoạn 2011 - 2013 đã đóng góp vào thặng dư cán cân thanh toán và tăng lượng tích lũy dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài ròng (net external debt) chiếm 14% GDP, thấp hơn một chút so với mức trung bình khoảng 16% của các quốc gia xếp loại “BB” khác.
Mức triển vọng xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là “ổn định”, thể hiện Fitch nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.
Nhiều nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, với quan điểm đầu tư rất thận trọng, cũng đã nhận định lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, với mức tăng 22% trong năm 2013 và tăng thêm 15% đến đầu tháng 5, với lợi nhuận khá hấp dẫn và coi Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn ngoại.
Niềm tin thị trường cũng được phản ánh và củng cố trong loạt chỉ số thống kê kinh tế 10 tháng qua khá tích cực, với sự cải thiện khá rõ rệt so cùng kỳ năm trước của các chỉ số GDP, lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giao dịch thành công trên thị trường bất động sản, lượng khách quốc tế, tổng kim ngạch xuất khẩu và xu hướng xuất siêu, số doanh nghiệp trở lại hoạt động, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện, vốn FDI thực hiện, số dự án cấp mới và số dự án tăng vốn. Đặc biệt, lòng tin vào VND và dòng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng, dù lãi tiền gửi giảm dần…
Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, niềm tin thị trường và tín nhiệm quốc gia chính là lòng tin vào tương lai, vào năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Chúng không thể xuất hiện tình cờ và càng không thể mua được bằng tiền, hoặc chỉ cậy nhờ vào quy mô thị trường 90 triệu dân, với đội ngũ lao động trẻ, rẻ và dễ đào tạo, sự ổn định chính trị, xã hội và lợi thế tự nhiên khác. Lòng tin là kết quả tổng hợp, hội tụ những nỗ lực lâu dài của Nhà nước và cả cộng đồng Việt Nam. Thực tế gần đây, Nhà nước đã và đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về giảm thuế và lãi suất tín dụng; cải thiện điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, quỹ đất, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ công, sự bình đẳng thị trường; mở rộng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng cải thiện các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, khát khao hòa bình, đề cao lòng tin chiến lược và niềm tin chính trị giữa các quốc gia, cũng như trong khu vực…
Lòng tin sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện nhiều đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền trên cơ sở trọng dụng người hiền tài “đúng người, đúng việc” và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng vào đúng chỗ, đúng lúc; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của doanh nghiệp…
Lòng tin góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Ngược lại, chính sách quốc gia tạo lập và củng cố lòng tin. Lòng tin gia tăng đồng nghĩa với động lực phát triển sẽ được cải thiện. Giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin ngày càng trở thành định hướng và nhiệm vụ thường xuyên, nhất quán, mạnh mẽ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và doanh nghiệp.
Thứ tư, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Trong tháng 11 so tháng trước, cả nước có 7.767 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 13,7% về số lượng và tăng 20,8% về số vốn đăng ký); 1205 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 6,5%); 7.033 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động (giảm 1,5%).
Trong 11 tháng qua, các ngành dịch vụ khác có nhiều cải thiện rõ rệt nhất, với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhất 8,3% và doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm mạnh, tới 18,7%. Một số ngành tái cơ cấu mạnh, có sự gia tăng vượt trội cả 2 chiều doanh nghiệp tham gia và rút khỏi thị trường, như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; giáo dục và đào tạo; kinh doanh bất động sản; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; sản xuất phân phối điện, nước, gas; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông; vận tải kho bãi, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; còn một số ngành vẫn trĩu nặng âu lo thị phần, như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống, khai khoáng, xây dựng, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, ...
Trong 11 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 67.790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 4,5% về số lượng và tăng 8,9% vốn đăng ký, tăng vốn bình quân/doanh nghiệp); 20,8 nghìn lượt doanh nghiệp có vốn đăng ký tăng thêm là 544,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm trong 11 tháng năm 2014 là 935,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 391,3 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 544,6 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn. Đồng thời, cả nước có 60.340 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước; và có 14.208 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20-11-2014 thu hút 1.427 dự án được cấp phép mới; tổng vốn đăng ký 13.410,7 triệu USD, tăng 21,4% về số dự án và giảm 2,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 515 lượt dự án có vốn bổ sung 3.920,1 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 17.330,8 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm nay ước tính đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 75,9% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản chiếm 7,3%; ngành xây dựng chiếm 5,9%;…
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới (dẫn đầu là Thái Nguyên - chiếm 23,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; Thành phố Hồ Chí Minh 20,7%; Bắc Ninh 9,8%; Hải Phòng 5,9%; Bình Dương 684,8 triệu USD, chiếm 5,1%; Đồng Nai 576,7 triệu USD, chiếm 4,3%; Quảng Ninh, chiếm 4,3%... Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, chiếm 43,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; Xin-ga-po 17,1%; Hồng Công 11,2%; Nhật Bản 7,6%; Đài Loan 3,5%.
Nhìn chung, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, dự kiến GDP cả năm 2014 sẽ đạt 5,6 - 5,8%. Lạm phát dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng. Môi trường đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được cải thiện; tiếp tục được giữ vững… Đồng thời, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tái cơ cấu kinh tế vẫn chậm so với mục tiêu đề ra. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp…
Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho mục tiêu ổn định vĩ mô, nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, tạo nền tảng phát triển cho các năm tiếp theo…/.
Đề án Kiểm soát dân số tại một số huyện vùng biển, đảo và ven biển: Kết quả và những vấn đề đặt ra  (25/12/2014)
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng - nhân tố quyết định sự vững mạnh, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam  (25/12/2014)
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng - nhân tố quyết định sự vững mạnh, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam  (25/12/2014)
Hội nghị tổng kết công tác đảng và chính trị toàn quân 2014  (25/12/2014)
Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015  (25/12/2014)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay