TCCSĐT - Ngày 7-11-2009, tại thành phố Xanh An-đru của Xcốt-len, Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã tiến hành Hội nghị để bàn về chương trình nghị sự mới, nhằm giải quyết những vấn đề còn nổi cộm của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát từ Mỹ năm 2008.

Bước tiến có tính căn bản

Nhận xét về kết quả Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Cu-đtin, cho rằng, diễn đàn Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của các nước thuộc nhóm G20 lần này là “bước tiến có tính căn”, theo đó, căn cứ vào kết quả phân tích và đánh giá nền kinh tế của nhau giữa các nước sẽ thông qua các giải pháp mang tính tập thể và vì thế, không loại trừ khả năng hiệp định khung của G20 có thể áp dụng được cho các nước ngoài nhóm này.

Theo thoả thuận của các nước G20, các nước đã phê chuẩn kế hoạch đánh giá nền kinh tế của mình và thông báo tình hình cho nhau để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm. Các nền kinh tế then chốt, trước hết là Mỹ và Trung Quốc, sẽ tiến hành phân tích và đánh giá lẫn nhau. Kết quả phân tích sẽ đưa ra thảo luận tại hội nghị G20 được tổ chức vào giữa năm 2010. Trên cơ sở đó, G20 sẽ thông qua các giải pháp tập thể có tính ràng buộc thực hiện đối với tất cả các nền kinh tế trong nhóm, giống như cơ chế thông qua quyết định đang áp dụng trong EU hiện nay.

Mặc dù còn có bất đồng giữa các nước về chi tiết cơ cấu này và nhiều nước còn chưa thật tin tưởng rằng khủng hoảng đã lùi bước, nhưng các nước G20 đã phác họa được những đường nét cơ bản về khung thiết kế cho một cơ cấu kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Đến tháng 1-2010, các nước G20 cần phải xây dựng các chương trình quốc gia và khu vực cũng như dự báo trong lĩnh vực ổn định phát triển nền kinh tế sau khủng hoảng. Chính nhờ có hành động phối hợp của các nước G20 khắc phục khủng hoảng mà tình hình kinh tế và tài chính thế giới đang từng bước được cải thiện.

Cảnh báo không nên vội vàng ngừng các gói kích thích kinh tế

Tại Hội nghị G20 lần này, các Bộ trưởng Tài chính tổng kết một năm đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới, tiếp tục thảo luận chi tiết các thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pit-xbuốc (Mỹ) trong tháng 9-2009 vừa qua và cho rằng, các nước thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi nên tiếp tục áp dụng các chương trình kích thích kinh tế và tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp nhất có thể được. Họ đạt được sự thống nhất về quan điểm cho rằng, mặc dù một số nước đã cải thiện nền kinh tế vĩ mô nhưng vẫn còn quá sớm để nói tới việc từ bỏ các biện pháp hỗ trợ của nhà nước. Trong báo cáo công bố tại hội nghị G20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng, việc ngừng các biện pháp kích thích kinh tế quá sớm có thể sẽ phải trả giá, đặc biệt là khi hệ thống tài chính vẫn còn dễ bị tổn thương. Phát biểu trước thềm hội nghị G20 lần này, Bộ trưởng Tài chính Anh, ông A-li-xtơ Đa-ling (Alistair Darling), cũng kêu gọi các nước G20 không nên ngừng các gói kích thích kinh tế quá sớm trước khi có thể bảo đảm tính bền vững cho sự phục hồi kinh tế.

Nỗ lực hoá giải các bất đồng Đến Xanh En-đru vài giờ trước khi khai mạc G20, Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao đề nghị đưa ra các cơ chế trách nhiệm toàn cầu trước xã hội đối với các ngân hàng. Ông đề nghị áp dụng chế độ mà theo đó, các ngân hàng phải nộp chi phí bảo hiểm để khắc phục các rủi ro mang tính toàn cầu và quy định khoản thuế toàn cầu đối với các hoạt động tài chính. Tuy nhiên, không phải tất cả các Bộ trưởng Tài chính đều đồng ý với “sáng kiến” đó của Thủ tướng Anh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Chi-mô-phi Ghết-nơ (Timothy Geithner), tuyên bố không ủng hộ “sáng kiến” đánh thuế đối với các hoạt động tài chính xuyên quốc gia. Giám đốc điều hành Quỹ Ttiền tệ quốc tế, ông Đô-mi-níc Strốt-can, thì tuyên bố, người ta có thể dễ dàng tránh được khoản thuế này nên rất khó thực hiện. Còn Bộ trưởng Tài chính Nga Cu-đrin nói rằng, “sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất của Thủ tướng Anh” và cho biết, “ông không mấy mặn mà với các biện pháp tương tự”. Cuối cùng, các bên thống nhất sẽ thảo luận tiếp “sáng kiến” của Thủ tướng Anh và báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế về chủ đề này tại các diễn đàn G20 trong năm 2010.

Trong khi một số quốc gia G20, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Đức, muốn thảo luận về việc chấm dứt các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy lòng tin, thì phía Anh lại tỏ ra thận trọng hơn. Theo Giám đốc điều hành Quỹ Chống nghèo, ông Giôn Hi-la-ry (John Hilary), G20 chưa hành động đủ để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn khủng hoảng lặp lại.Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế lại lên tiếng bày tỏ quan ngại về chi tiêu của các chính phủ vì nợ chính phủ ở 20 quốc gia phát triển có nguy cơ đạt mức 11% thu nhập quốc dân hằng năm (GDP) vào năm 2014. Do đó, chính phủ các nước sẽ phải mất nhiều năm cắt giảm chi tiêu và đánh thuế cao để giảm nợ xuống mức mà IMF cho là an toàn.

Chỉ mới tuyên bố về nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, một số nước trong nhóm G20 lo ngại rằng, chưa có tín hiệu nào thật tin cậy để chứng tỏ Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu ở Cô-pen-ha-gen vào tháng 12-2009 sẽ đạt được kết quả như mong muốn là thông qua văn bản của một hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Ki-ô-tô. Trong phiên khai mạc Hội nghị G20 lần này, Bộ trưởng Tài chính Anh kêu gọi các nước trong nhóm cần đạt được thoả thuận về các biện pháp nhằm chống biến đổi khí hậu, trước hết là cần đạt được sự thỏa thuận về mức đóng góp vào Quỹ Chống biến đổi khí hậu. Trong tháng 11-2009, tin từ Chính phủ Anh cho biết, khó có thể đạt được một hiệp ước mới về khí hậu có tính ràng buộc pháp lý trong năm 2009 và có lẽ phải mất một năm nữa mới thông quan được một hiệp ước đầy đủ. Trong khi đó, một số nước đang chờ đợi quan điểm rõ ràng từ phía Mỹ. Với chương trình cải tổ y tế do Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đề xuất đang được ưu tiên trong nước nên các dự luật về thay đổi khí hậu đang bị “ngâm” tại Quốc hội Mỹ. Vậy nên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Chi-mô-phi Ghết-nơ, chưa thể đưa ra cam kết cụ thể về những biện pháp mà chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma có thể đưa ra để chống biến đổi khí hậu.

Chính phủ Anh với tư cách là Chủ tịch G20 chủ trì phiên họp lần cuối cùng trong năm 2009, đã đề nghị đưa vào chương trình nghị sự lần này vấn đề cung cấp tài chính cho cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu trước ngưỡng cửa Hội nghị toàn cầu về biến đối khí hậu sắp họp ở Đan Mạch. Kết quả là, các bên chỉ đưa ra được tuyên bố chung khẳng định, sẽ tăng đáng kể quy mô đầu tư cho một hiệp ước quốc tế đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2020, thế giới phải chi từ 100 đến 200 tỉ USD hằng năm cho mục đích này, theo đó, dự kiến các nước phát triển sẽ đầu tư để hiện đại hoá công nghiệp của các nền kinh tế đang phát triển. Trong đó, một số nước như Nga sẽ không thể đóng góp tài chính mà là chỉ chuyển giao công nghệ./.