Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép công bố Dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu
TCCSĐT - Ngày 29-11-2009, Văn phòng báo chí của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã cho công bố chính thức bản dự thảo nội dung Hiệp ước An ninh châu Âu. Ý tưởng về Hiệp ước này đã được Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đề xuất ngày 5-8-2009 nhằm tăng cường, củng cố nền an ninh thống nhất dựa trên luật pháp quốc tế, ràng buộc các quốc gia, các tổ chức trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương không vì tăng cường an ninh của mình mà làm phương hại đến an ninh của các quốc gia hoặc các tổ chức khác.
Ý tưởng cơ bản trong Dự thảo Hiệp ước
Ý tưởng cơ bản trong bản dự thảo Hiệp ước là tất cả các thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu hoàn toàn có quyền coi hành động tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên khác như là hành động tấn công nhằm vào chính mình và sẽ có hình thức giúp đỡ cần thiết, kể cả sự giúp đỡ về quân sự, cho bên bị tấn công nhưng phù hợp với Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc và phải được bên bị tấn công đồng ý trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa có các biện pháp cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh.
Dựa trên kết quả thảo luận trong thời gian qua ở các cấp khác nhau, phía Nga đề xuất Dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu và gửi lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, như NATO, EU, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, các nước SNG, Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng, Dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu có nội dung mở để tất cả các đối tác cùng thảo luận công khai. Mục đích là tạo dựng môi trường an ninh thống nhất trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương trong lĩnh vực an ninh chính trị - quân sự và đoạn tuyệt hoàn toàn với di sản từ quá khứ - “chiến tranh lạnh”.
Cơ sở của việc xây dựng Hiệp ước
Hiệp ước An ninh châu Âu do Nga đề xuất được xây dựng trên những cơ sở:
- Phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
- Hiến chương của Liên hợp quốc, Tuyên ngôn về các nguyên tắc luật pháp quốc tế năm 1970, Tuyên bố của Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu năm 1975, Tuyên bố Ma-nhin năm 1962 về giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp và xung đột năm 1982, Hiến chương An ninh châu Âu năm 1999.
- Các quốc gia không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau cũng như trong các quan hệ quốc tế; không sử dụng sức mạnh quân sự hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự vi phạm an toàn và chủ quyền lãnh thổ hoặc sự độc lập về chính trị của bất kỳ quốc gia nào đi ngược lại các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
- Tiếp tục khẳng định và duy trì vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
- Công nhận sự cần thiết phải phối hợp nỗ lực của các quốc gia để đối phó có hiệu quả với những thách thức và nguy cơ an ninh trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau.
Các nội dung chủ yếu của Hiệp ước
Hiệp ước An ninh châu Âu gồm 14 Điều, trong đó có một số điều đáng chú ý sau.
Điều 1 có nội dung: Mọi biện pháp an ninh của bất kỳ thành viên nào tham gia Hiệp ước, dù là đơn phương hoặc phối hợp với các thành viên khác, kể cả trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, liên minh quân sự hoặc liên minh khác, đều phải tính đến lợi ích an ninh của tất cả các thành viên khác trong Hiệp ước An ninh châu Âu.
Điều 2 có các nội dung cơ bản sau:
- Các thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu không có các hành động hoặc các biện pháp làm phương hại đáng kể tới an ninh của một hoặc một số thành viên khác cùng tham gia Hiệp ước, không tham gia Hiệp ước hoặc không ủng hộ Hiệp ước.
- Thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu đồng thời là thành viên của các liên minh quân sự, các liên minh và các tổ chức khác đều phải hành động sao cho các liên minh quân sự, liên minh hoặc các tổ chức đó tuân thủ các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương của Liên hợp quốc, Tuyên ngôn về các nguyên tắc luật pháp quốc tế, Tuyên bố Hen-xinh-ki, Hiến chương An ninh châu Âu và các văn kiện về an ninh và hợp tác châu Âu đã được Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu thông qua.
- Thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu không sử dụng lãnh thổ của mình hoặc lãnh thổ của các nước thành viên khác để chuẩn bị các hành động tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc một số thành viên khác của Hiệp ước này, hoặc để thực hiện các hành động làm phương hại tới an ninh của các thành viên khác hoặc một số thành viên tham gia Hiệp ước.
Điều 3: Thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu có quyền thông qua các kênh ngoại giao yêu cầu các thành viên khác của Hiệp ước thông báo về các biện pháp có tính chất lập pháp hoặc hành chính liên quan tới lợi ích an ninh của thành viên yêu cầu được thông báo. Thành viên yêu cầu được thông báo, một khi nhận được trả lời, phải thông báo nội dung đã nhận được cho các thành viên khác tham gia Hiệp ước.
Điều 4: Cơ chế xem xét các vấn đề liên quan tới nội dung của Hiệp ước An ninh châu Âu cũng như các mâu thuẫn và tranh chấp có thể phát sinh giữa các thành viên tham gia Hiệp ước là thông qua tham khảo tư vấn, hội nghị hoặc hội nghị bất thường giữa các thành viên.
Điều 5 có hai nội dung cơ bản:
- Thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu một khi nhận thấy các thành viên khác vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm Hiệp ước này có thể gửi đề nghị tiến hành tham khảo ý kiến tới các thành viên khác để xem xét vấn đề và thông báo cho tất cả các thành viên khác của Hiệp ước được biết.
- Bất kỳ một thành viên nào không được mời tham dự các cuộc tham khảo ý kiến vẫn có quyền tham dự một khi họ chủ động đề xuất yêu cầu được tham dự.
Điều 6 có hai nội dung chủ yếu:
- Bất kỳ một thành viên nào tham gia các cuộc tham khảo ý kiến đều có quyền đề nghị tổ chức hội nghị giữa các thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu để xem xét vấn đề đã được nêu lên trong cuộc tham khảo đó.
- Hội nghị giữa các thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu được tổ chức một khi đề nghị tổ chức hội nghị có ít nhất 2 thành viên tham gia Hiệp ước ủng hộ trong một khoảng thời gian do Hiệp ước quy định. Hội nghị mang tính chất khung, nếu trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia. Các quyết định đưa ra trong hội nghị theo nguyên tắc đồng thuận và có tính bắt buộc thực hiện đối với tất cả các thành viên khác.
Điều 7 quy định:
- Nếu xảy ra hành động tiến công quân sự nhằm vào một thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu hoặc xuất hiện nguy cơ tấn công quân sự, ngay lập tức thành viên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công quân sự thông báo cho Ủy ban Thường trực để triệu tập hội nghị bất thường giữa các thành viên tham gia Hiệp ước và thực hiện các biện pháp tập thể cần thiết.
- Bất kỳ thành viên nào tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu có thể coi hành động tiến công quân sự nhằm vào một thành viên nào đó cũng như nhằm vào chính mình và có có các hành động hỗ trợ cần thiết, kể cả quân sự, phù hợp với Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kịp có các biện pháp cần thiết để duy trì hoà bình và bảo đảm an ninh. Ngoài ra, các biện pháp tự vệ của thành viên bị tấn công quân sự phải được thông báo ngay lập tức cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Điều 9 quy định mối quan hệ giữa Hiệp ước An ninh châu Âu với chức năng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ: “Hiệp ước An ninh châu Âu không làm ảnh hưởng tới trách nhiệm chủ yếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, cũng như không làm phương hại tới quyền và trách nhiệm của các thành viên do Hiến chương Liên hợp quốc quy định.
Các thành viên tham gia Hiệp ước An ninh châu Âu không chấp nhận các cam kết quốc tế trái với Hiệp ước. Hiệp ước cũng không bác bỏ quyền của bất kỳ thành viên nào giữ vị thế trung lập với các liên minh.
Về thành phần tham gia, Hiệp ước An ninh châu Âu quy định tất cả các quốc gia trong không gian châu Âu và Đại Tây Dương có thể tham gia ký kết, trong đó có các quốc gia thuộc EU, Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, NATO và SNG. Các thành viên tham gia có quyền ra khỏi Hiệp ước một khi nhận thấy các nội dung của Hiệp ước này trái với lợi ích tối cao của họ và phải thông báo trước ý định rút khỏi Hiệp ước. Thời hạn thông báo trước được quy định rõ trong Hiệp ước.
Dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu sẽ được các quốc gia và các tổ chức trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương bàn thảo và ký kết, nhưng theo nhận xét ban đầu của dư luận, hiệp ước này sẽ mở ra triển vọng xây dựng một nền hòa bình bền vững và lâu dài, cho sự phát triển thịnh vượng trên một vùng rộng lớn, chạy dài từ Van-cô-vơ của Ca-na-đa tới vùng Vla-đi-vô-xtốc của Nga, tạo điều kiện phát triển cho một khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và quyết định vận mệnh của thế giới trong thế kỷ XXI./.
Bắc Ninh tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (03/12/2009)
Cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu  (03/12/2009)
Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Tập Ðoàn, Tổng công ty nhà nước  (03/12/2009)
Bắc Giang làm theo lời Bác  (03/12/2009)
Sự phục hưng của nước Nga: Dự báo trong 15-20 năm tới  (03/12/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên