Sau 4 năm thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đang vững bước trên con đường phát triển, đặc biệt là từ khi có NQ 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Kinh tế phát triển, tăng trưởng bình quân 3 năm (2005 - 2007) đạt 16,08%, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,16 triệu đồng, riêng năm 2007 đã đạt tới 18,19 triệu đồng (tương đương 1.124USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ thương mại ngày càng tăng cao, văn hóa, giáo dục đi vào nền nếp, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Sau khi tỉnh Cần Thơ được chia tách ra thành phố Cần Thơ trực thuộc

Trung ương và tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động ngày 1-1-2004. Một năm sau, ngày 17-2-2005, Bộ Chính trị, khóa IX ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW "về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết nêu rõ:

"Phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước".

"Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; là cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển của toàn vùng".

Kinh tế, văn hóa phát triển, thu hút đầu tư ngày càng tăng

Cùng với Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đúng vào thời điểm đặc biệt quan trọng của thành phố Cần Thơ, như một luồng gió mới đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đảng bộ và nhân dân thành phố. Nghị quyết đã chỉ rõ những định hướng chiến lược và những giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đúng vào Xuân Mậu Tý này, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ đã trải qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, sự hợp tác, hỗ trợ của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ tiếp tục phát huy thành quả qua các thời kỳ, giữ vững đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn để thành phố chuyển mình vươn lên với những đổi thay quan trọng trên nhiều mặt. Kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 3 năm (2005 - 2007) đạt 16,08%, riêng năm 2007 đạt 16,27%- là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 15,16 triệu đồng, riêng năm 2007 đạt 18,19 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng khu vực I năm 2007 chiếm 16,52%, khu vực II 38,33%, khu vực III 45,15%, so với năm 2005 tỷ lệ này là 17,76%, 38,16% và 44,08%.

Công nghiệp thành phố chủ yếu là công nghiệp chế biến, bình quân hàng năm đóng góp trên 16% giá trị sản xuất toàn vùng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 22,14%, năm 2007 tăng 23,36% so với năm 2006.

Dịch vụ phát triển nhanh theo hướng đa dạng hóa loại hình, tạo nên điểm nhấn khá ấn tượng làm sôi động kinh tế thành phố. Tổng mức hàng hóa bán lẻ trong 3 năm có mức tăng trưởng 20,68%, năm 2007 đạt mức tăng trưởng 21,97%. Về du lịch, năm 2007 lượng khách đến tham quan tăng cao hơn năm trước, trong đó khách quốc tế tăng 33%. Các ngành dịch vụ cao cấp đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân. Tín dụng, ngân hàng tiếp tục phát triển với nhiều loại hình dịch vụ mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng chuyên canh chất lượng cao, cung cấp phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, giảm tỷ trọng trồng trọt. Việc ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác tiến bộ, sử dụng giống mới tạo ra sản phẩm sạch, an toàn được chú trọng, tăng dần hiệu quả sản xuất. Diện tích nuôi thủy sản phát triển lên 15.200 ha, sản lượng thu hoạch 180.000 tấn, chủ yếu là cá tra phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Với vị trí trung tâm kinh tế năng động của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thành phố có nhiều chính sách thu hút đầu tư như công khai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa và một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tăng cường phân cấp quản lý cho các ngành, địa phương; các ngành dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật khá tốt, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút nhiều dự án, với tổng vốn đăng ký gần 884 triệu USD. Đã có 100 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động.

Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ đạt mức cao nhất - 16,27%”

Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều vượt chỉ tiêu, việc điều hành chi ngân sách địa phương đạt nhiều tiến bộ. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2007 hơn 2.745 tỉ đồng, tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng. Nét nổi bật trong 3 năm qua thành phố khá thành công trong chủ trương khơi dòng nội lực cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố trong 3 năm (2005 - 2007) đạt 29.007,9 tỉ đồng, riêng năm 2007 đạt 11.927,9 tỉ đồng (tăng 22,6% so với năm 2006). Nhiều công trình trọng điểm mang tầm khu vực và quốc gia như: cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, Cảng biển Cái Cui, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, tuyến đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, quốc lộ 91 B - Nam sông Hậu... được khởi công xây dựng. Đồng thời, nhiều công trình quan trọng khác hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy tác dụng, làm thay đổi diện mạo và tăng thêm tiềm lực của thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Hiện thành phố đạt 20,62 giường bệnh/100 dân và 59,15% trạm y tế có bác sĩ. Thành phố quan tâm cải thiện nâng cao mức sống của người dân, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất cũng là động lực nội sinh để phát triển. Trong 3 năm, đã giải quyết việc làm cho hơn 111.849 lao động, trong đó xuất khẩu 1.450 lao động; đào tạo nghề cho 91.700 lao động. Tỷ lệ lao động được đào tạo từ 22% nay tăng lên 30,84%. Bằng nỗ lực huy động kinh phí từ nhiều nguồn, thành phố làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đến nay 100% hộ chính sách có nhà ở và hàng ngàn hộ nghèo bức xúc về nhà ở đã cơ bản giải quyết xong. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới hiện nay giảm còn 8,46% số hộ... Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thể dục - thể thao, khoa học và công nghệ, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... có những tiến bộ mới. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn và phát huy hiệu quả tốt hơn.

Nhìn thẳng vào thực tế khó khăn và hạn chế để tiếp tục vươn lên

Bên cạnh những thành quả đạt được rất đáng trân trọng và phấn khởi trong thời gian qua. Đầu xuân mới, Đảng bộ thành phố có dịp tự nhìn lại chính mình vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải giải quyết để tiếp tục phấn đấu vươn lên. Đó là, tăng trưởng kinh tế tuy ở mức cao nhưng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thu hút đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn; xây dựng cơ bản tiến triển chậm, nhất là những công trình trọng điểm; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự đô thị còn nhiều yếu kém; xuất khẩu lao động đạt thấp, hiệu quả của công tác dạy nghề chưa cao; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chất lượng chưa đều, việc xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - xã hội chậm được triển khai. Tình hình khiếu kiện vẫn còn diễn biến phức tạp; tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông chưa được đẩy lùi; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và khắc phục khuyết điểm, tiêu cực của cán bộ, đảng viên còn chậm, thiếu kiên quyết; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn hạn chế.

Nguyên nhân những tồn tại nêu trên do thiếu vốn trầm trọng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ trình độ, năng lực còn hạn chế; việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương còn một số mặt chưa nhạy bén, kịp thời. Vì vậy, ngoài việc tự nỗ lực vươn lên, đảng bộ và nhân dân Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của trung ương về nhân tài và vật lực để thành phố khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà nghị quyết đã đề ra.

Định hướng cho sự phát triển bền vững những năm tiếp theo

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị khóa IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ đang nỗ lực triển khai thực hiện 9 mục tiêu, 4 khâu đột phá và 10 chương trình, 4 đề án trong những năm tiếp theo một cách bài bản và kiên quyết, 9 mục tiêu phải thực hiện đó là:

1 - Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, từng bước hiện đại hóa cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng hải và đường hàng không, đóng vai trò đầu mối giao thông nội vùng và liên vận quốc tế, là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công; đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2009.

2 - Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ thương mại - nông nghiệp công nghệ cao, làm nền tảng để thành phố Cần Thơ trở thành đô thị loại I vào năm 2009 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

3 - Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục và đào tạo thành phố đạt tiêu chuẩn quốc gia, mở rộng liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài, sớm trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tỷ trọng cơ cấukinh tế năm 2007:
- Khu vực I là 16,52%
- Khu vực II là 38,33%
- Khu vực III là 45,15%

4 - Phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ bưu chính viễn thông, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới đáp ứng yêu cầu cho cả vùng; quan tâm giải quyết tốt vấn đề môi trường đô thị.

5 - Phát triển mạnh hệ thống phát thanh - truyền hình, báo chí, xuất bản, in và phát hành, thật sự trở thành trung tâm báo chí - xuất bản của cả vùng.

6 - Phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao đóng vai trò trung tâm của vùng.

7 - Xây dựng hệ thống y tế đồng bộ và đủ mạnh, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền dân tộc và y học hiện đại phục vụ toàn vùng.

8 - Giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trở thành địa bàn chiến lược quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

9 - Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra, Đảng bộ thành phố Cần Thơ xác định tập trung 4 khâu có tính đột phá:

Một là, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Hai là, đào tạo nguồn nhân lực một cách đồng bộ chất lượng cao, trong đó đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị các cấp và cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Bốn là, có cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo vốn và thu hút đầu tư.

Đồng thời các chương trình được xác lập cụ thể là 10 Chương trình xây dựng và phát triển bao gồm: công nghiệp, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, cở sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, y tế và thể dục thể thao. Các đề án cũng được triển khai, tập trung trước hết cho: Đề án bảo đảm chiến lược quốc phòng trên địa bàn; đề án bảo đảm chiến lược an ninh chính trị và trật tự an toàn - xã hội trên địa bàn; đề án tạo vốn thực hiện các chương trình đề án và đề án nâng cấp thành phố Cần Thơ thành đô thị loại I.

Cùng với cả nước bước vào năm mới 2008, thành phố Cần Thơ đang vững bước tiến lên trong thời kỳ phát triển mới, với nhiều vận hội mới, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2009, một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Với tinh thần vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Cần Thơ quyết tâm phấn đấu, tự tin, vững bước trên tiến trình hội nhập kinh tế, không ngừng xây dựng và phát triển, xứng đáng với vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.