Phát huy lợi thế tự nhiên và kinh nghiệm sản xuất trong điều kiện mới, Hà Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp gắn bó chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực tăng trưởng kinh tế nông thôn cũng như nâng cao đời sống của người nông dân.

Từ quan điểm đến thực tiễn

Hà Nam có nhiều lợi thế về tự nhiên để phát triển nông nghiệp. Nhận thức được vai trò quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ sớm, Hà Nam đã có nhiều quan điểm, chủ trương chỉ đạo nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam ban hành Chỉ thị số 15 về chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán. Năm 2001, xây dựng và ban hành Nghị quyết 03 đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2006 - 2010 xác định: Tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, nâng cao chất lượng nông sản, chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Xây dựng và ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với 4 đề án: phát triển cây trồng hàng hóa; chăn nuôi thủy sản tập trung; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; xây dựng và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Những quan điểm chỉ đạo trên đáp ứng yêu cầu bức thiết của việc đổi mới nền nông nghiệp truyền thống vốn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, cơ cấu lạc hậu, mối liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa hạn chế, phần lớn lao động có trình độ thấp và lệ thuộc vào mùa vụ, nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất tập trung, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân...

Theo hướng đó, gần 10 năm qua, Hà Nam đã gặt hái được những thành quả bước đầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (song giá trị tuyệt đối lại tăng).

Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, đưa cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, đáp ứng được yêu cầu thâm canh, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Trà lúa xuân muộn và trà lúa mùa sớm tăng nhanh, tạo điều kiện để mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, đưa vụ đông dần trở thành vụ chính. Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của Hà Nam, một số cây trồng hàng hóa được tập trung phát triển, nhất là lúa chất lượng cao, đậu tương và một số cây trồng khác.

Phát triển chăn nuôi, thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Chăn nuôi từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán chuyển dần sang quy mô công nghiệp, bán công nghiệp. Số lượng gia cầm, gia súc tập trung ngày một tăng với những giống có năng suất và giá trị cao: lợn hướng nạc, bò lai sin hóa, dê... , bước đầu hình thành một số khu chăn nuôi bò sữa tập trung ở các huyện Duy Tiên, Kim Bảng. Diện tích mặt nước được khai thác, thâm canh nuôi trồng thủy sản với các giống mới như: tôm càng xanh, ba ba, ếch... theo hình thức trang trại, cho hiệu quả cao. Năm 2007, diện tích nuôi trồng đạt 5.600 ha, gấp 1,5 lần so với năm 2001, trong đó, đã chuyển đổi được hơn 2.000 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh, giá trị thu nhập tăng gấp từ 2 đến 3 lần so với trước.

Kinh tế tập thể, trọng tâm là mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ được đổi mới và phát triển. Các hợp tác xã ngày càng thích nghi với cơ chế quản lý mới, đáp ứng được phần lớn những dịch vụ cơ bản trong sản xuất nông nghiệp như: thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, khuyến nông, cung ứng vật tư..., hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyên môn hóa, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Các hợp tác xã phát triển theo hướng đa dịch vụ, số hoạt động có lãi chiếm 65%; một số tổ chức tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân bước đầu có hiệu quả như: Hợp tác xã Mộc Bắc, Mộc Nam thuộc huyện Duy Tiên; Đồng Hóa, Lê Hồ thuộc huyện Kim Bảng...

Kinh tế trang trại ở Hà Nam hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Toàn tỉnh năm 2007 có 547 trang trại, tăng gấp 4,1 lần so với năm 2001; 488 cánh đồng với tổng diện tích là 3,8 nghìn héc - ta đạt 50 triệu/ ha/năm, gần 12 nghìn hộ nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm. Các làng nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển, chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến lâm sản và hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút 17 nghìn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, tạo ra diện mạo mới cho nông thôn với lưới điện quốc gia phủ kín thôn, xóm và hộ gia đình, mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp; nâng cấp thủy lợi đáp ứng cơ bản được việc tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp và công tác phòng, chống lụt bão. Cải tạo và xây dựng mới hệ thống trường, lớp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân; 100% số xã có trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa, máy tính phục vụ công việc. Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đạt những kết quả rõ rệt, tạo tiền đề quan trọng cho những bứt phá trong phát triển kinh tế của Hà Nam.

Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Cùng với những thành tựu, trong triển khai thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Hà Nam cũng bộc lộ những hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chậm; sản xuất còn manh mún, chưa xây dựng được vùng hàng hóa tập trung; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến kém phát triển; việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học để tạo ra nông sản phẩm hàng hóa với năng suất, chất lượng cao hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm có thương hiệu trên thị trường; trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của lao động còn thấp. Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chưa phát huy được vai trò chủ đạo hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển cây trồng hàng hóa, chăn nuôi tập trung như một nhiệm vụ mang tính cấp bách cũng như lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, phát huy tốt vai trò hoạch định, định hướng sản xuất nông nghiệp từ quy hoạch vùng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tới hộ nông dân. Chú trọng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, trong đó, thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời định hướng cho nông dân phát triển sản xuất phù hợp. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc tích tụ ruộng đất để tăng diện tích sản xuất.

Ba là, tăng cường công tác khuyến nông, đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm sạch, có năng suất, chất lượng cao. Đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những nơi bị thu hồi đất, góp phần mang lại điều kiện sống ổn định và nâng cao thu nhập của người nông dân. Thu hút cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi về cơ sở phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng kỹ thuật nông thôn.

Bốn là, chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, khuyến khích kinh tế hộ, trang trại phát triển. Thực hiện tốt liên kết "4 nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản phẩm, bảo đảm sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ một cách có tổ chức, kế hoạch.