Đông Bắc Á từ lâu được coi là khu vực phát triển kinh tế năng động nhưng đầy kịch tính trong các quan hệ chính trị và luôn là một bức tranh với hai gam màu sáng tối khác nhau. Năm 2008 vừa qua vẫn chưa có ngoại lệ khác trong bức tranh đó. Bài viết điểm lại một số sự kiện nổi bật nhất trong lĩnh vực an ninh đối ngoại.

Vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên vẫn còn nan giải

Vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) trong năm 2008 vừa qua, như nhận định của nhiều nhà phân tích, rút cục, vẫn bế tắc, đầy nan giải, tuy động thái diễn ra trong 6 tháng đầu năm có vẻ như rất suôn sẻ, với việc Triều Tiên giao nộp bản báo cáo về chương trình cũng như tài liệu hạt nhân của mình vào ngày 26-6. Và ngay ngày hôm sau, 27-6, Triều Tiên đã cho phá hủy tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân chính của mình tại Dong-biên. Nhưng giống như sự sụp đổ của tháp làm lạnh, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân cũng sụp đổ khi Mỹ và Triều Tiên bất đồng về việc kiểm chứng. Vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, những tưởng sang năm 2008 sẽ được khai thông, lại bất ngờ đảo cực. Sau 4 ngày thương lượng căng thẳng với nhiều chỉ trích giữa các bên bất đồng quan điểm mà tập trung nhiều nhất là Mỹ với Triều Tiên, tiếp theo là Hàn Quốc với Triều Tiên và Nhật Bản với Triều Tiên, đến ngày ngày 11-12, vòng đàm phán mới của sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên tại Bắc Kinh đã kết thúc thất bại sau khi các bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do Triều Tiên không chấp nhận kế hoạch kiểm chứng các hoạt động giải trừ hạt nhân của nước này.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của vòng đàm phán đó là do những bất đồng liên quan đến vấn đề viện trợ mà các bên tham gia đàm phán cam kết với Bình Nhưỡng và phương thức thanh tra các hoạt động hạt nhân của nước này.

Mỹ kiên quyết cho rằng, kiểm chứng là một phần nằm trong bản công bố hạt nhân của Triều Tiên trong khi Triều Tiên luôn giữ vững quan điểm coi kiểm chứng là một vấn đề riêng rẽ, nằm ngoài bản báo cáo hạt nhân của họ. Các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên đã nhóm họp vào ngày 8-12, với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận cho vấn đề kiểm chứng, nhưng kết cục là thất bại. Kết quả, những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ nhằm để lại “tên tuổi” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã thất bại và đành phải đẩy vấn đề cho chính quyền tiếp theo của ông B.Ô-ba-ma cho dù có một động thái mới là ngày 11-12-2008 đã tuyên bố rút Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Theo thoả thuận mới đạt được, Triều Tiên sẽ nối lại hoạt động tháo dỡ các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc cùng Mỹ giám sát.

Hàn Quốc - Triều Tiên tiếp tục căng thẳng quan hệ

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã trở nên xấu đi sau khi ông Li Mi-ung-bắc lên làm Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 2 đầu năm. Ông đã làm Bình Nhưỡng “nổi giận” khi tuyên bố sẽ cắt nguồn viện trợ “miễn phí”, đặt điều kiện viện trợ với tiến triển phi hạt nhân của Bình Nhưỡng…

Những tháng cuối năm 2008, thế giới lại chứng kiến bán đảo Triều Tiên tiếp tục bước vào chu kỳ căng thẳng mới khi tuyến đường sắt xuyên biên giới của hai miền Triều Tiên ngừng hoạt động, dẫn tới việc hạn chế đi lại tới khu công nghiệp Cai-song và khu du lịch núi Kim Cương - vốn được coi là biểu tượng xích lại gần nhau của hai miền. Những biện pháp mà Triều Tiên áp dụng là để trả đũa chính sách cứng rắn của ông Lee - Tổng thống Hàn Quốc.

Đỉnh điểm căng thẳng mới đã diễn ra ngày 24-9 với việc Bình Nhưỡng chính thức tuyên bố đã gỡ bỏ một số niêm phong và ca-me-ra quan sát tại khu phức hợp Dong-biên. Động thái này được Bình Nhưỡng mô tả là một bước đi tiến tới việc tái khởi động chương trình hạt nhân đã bị đóng băng từ đầu năm 2008.

Vấn đề là, tại sao Bình Nhưỡng lại gỡ niêm phong và đòi tái khởi động chương trình hạt nhân?

Giới chức Mỹ đã “kết tội” Bình Nhưỡng là “bội ước” khi cho gỡ niêm phong. Nhưng dư luận thì không nghĩ như vậy. Ngay như tờ báo Time của Mỹ còn viết rằng, lý do để Bình Nhưỡng gỡ bỏ niêm phong và chuẩn bị tái khởi động chương trình hạt nhân chính là vì Mỹ đã không thực hiện lời cam kết của mình.

Theo các chuyên gia, hiện Triều Tiên sẽ có nhiều cơ hội giao thương với quốc tế hơn, sau khi Mỹ quyết định đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Chính phủ của Tổng thống Li cũng đã đề nghị đàm phán song phương với Triều Tiên và nối lại các dự án nhân đạo như đoàn tụ hàng nghìn gia đình bị ly tán sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, dù có loé lên những tia sáng đó nhưng vẫn rất mong manh hy vọng vì còn khá nhiều ràng buộc của Mỹ trong vấn đề kiểm chứng hạt nhân Triều Tiên mà Bình Nhưỡng khó có thể chấp nhận suôn sẻ, và đó cũng là điều khiến Mỹ, Hàn Quốc, kể cả Nhật Bản đều tỏ ra phải “cứng rắn” với Bình Nhưỡng - bởi lý do cơ bản: cả 3 đối tác phức tạp nhất trong các thành viên của vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn còn thiếu lòng tin vào nhau.

Nhật Bản – Hàn Quốc chưa kịp nồng ấm đã giá lạnh

Tuy đều là đồng minh của Mỹ, song do những bất đồng tồn đọng trong quá khứ chưa giải quyết được (cuộc chiến xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản trước đây) nên quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn chứa đầy kịch tính từ nhiều năm qua. Vì thế, trước sự kiện cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật - Hàn tại Tô-ki-ô vào tháng 4-2008, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là I-a-su-ô Phu-cu-đa đã kỳ vọng "mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước". Còn Tổng thống Hàn Quốc Li Mi-ung-bắc cho rằng: "Chúng tôi không lãng quên quá khứ, nhưng cũng không để quá khứ ngăn cản bước tiến đến tương lai trong quan hệ Hàn - Nhật".

Cuộc hội đàm đã diễn vào ngày 2-4 tại Tô-ki-ô, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Li Mi-ung-bắc tại Nhật Bản. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn đầu tiên kể từ năm 2005, sau khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Rô Mu-hi-un đơn phương ngừng đàm phán để phản đối chuyến thăm đến ngôi đền chiến tranh tại Tô-ki-ô của Thủ tướng Nhật Giu-ni-chi-rô Kôi-du-mi. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phu-cu-đa cảm ơn Tổng thống Li Mi-ung-bắc đã chọn Nhật Bản là một trong hai điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. "Điều đó chứng tỏ chính sách ưu tiên của Hàn Quốc trong quan hệ với Nhật Bản" - ông Phư-cư-đa đã nhận định như vậy. Hai nhà lãnh đạo Nhật - Hàn còn đồng ý nối lại các cuộc gặp ngoại giao con thoi song phương, khôi phục đàm phán kinh tế, thành lập các kênh tham vấn tư nhân về đầu tư và hợp tác kinh tế…

Thế nhưng, nồng ấm trở lại chưa kịp thì giá lạnh đã đến ngay. Vào đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tuyên bố tái xác nhận chủ quyền đối với quần đảo mà họ gọi là Ta-kê-si-ma, trong khi Hàn Quốc gọi nó là Đốc-đô. Bộ Giáo dục nước này thì cho biết sẽ hướng dẫn các giáo viên trung học dạy cho học sinh rằng, quần đảo này thuộc về Nhật Bản.

Động thái trên lập tức khiến Sê-un nổi giận và ra quyết định triệu hồi đại sứ từ Tô-ki-ô. "Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó và cực lực phản đối chính phủ Nhật Bản, đồng thời yêu cầu họ có biện pháp hiệu chỉnh ngay lập tức" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Mun Tai-i-ô-ung đã nhấn mạnh như vậy.

Việc tranh chấp quần đảo này là cả một nan giải lịch sử, bắt đầu nổ ra kể từ khi Nhật Bản chấm dứt cai trị bán đảo Triều Tiên năm 1945. Trong khi đó, Hàn Quốc bắt đầu đưa người đồn trú tại đây từ năm 1953. Quần đảo này nằm cách cảng Sam-chốc của Hàn Quốc 220 km và cách Mát-su-ê, phía tây Nhật Bản, một khoảng cách tương tự.

Nhật Bản - Triều Tiên xích lại gần hơn

Cho đến nay, Triều Tiên và Nhật Bản chưa từng thiết lập mối quan hệ ngoại giao song phương. Ngoài những bất đồng vốn đã tiềm ẩn từ phía Triều Tiên vì những mâu thuẫn lịch sử do cuộc xâm lược Triều Tiên trước đây của Nhật Bản, phía Tô-ki-ô luôn yêu cầu Bình Nhưỡng phải thừa nhận trách nhiệm trong vụ công dân Nhật Bản bị thành viên Đảng Cộng sản bắt cóc để huấn luyện gián điệp vào những năm 1970 và 1980. Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn gây áp lực đối với Nhật Bản, yêu cầu được bồi thường những thiệt hại mà chế độ thực dân Nhật đã gây ra ở bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Năm 1998, lần đầu tiên người Triều Tiên khiến cả nước Nhật Bản và thế giới phải “giật mình” khi bất ngờ bắn thử nghiệm một quả tên lửa bay qua hòn đảo chính của Nhật Bản… Từ đó đến nay đã còn xảy ra nhiều va chạm phức tạp khác nữa, thậm chí, có lúc rất căng thẳng, khiến cả hai bên đều phải buông ra những lời chỉ trích, răn đe rất “nóng” với nhau.

Vì thế, sự kiện Triều Tiên và Nhật Bản đạt được kết quả tích cực trong đàm phán bình thường hóa quan hệ, ngày 11 và 12-6-2008, tại Bắc Kinh, đã phát đi một tín hiệu tích cực bất ngờ và hiếm hoi về khả năng quan hệ hai nước được khai thông. Theo kết quả đàm phán, Triều Tiên cam kết sẽ tiến hành điều tra lại vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970, 1980; hợp tác với Nhật Bản trong việc dẫn độ những kẻ bắt cóc máy bay Nhật Bản năm 1970. Đổi lại, Nhật Bản hứa sẽ dỡ bỏ một phần những lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Triều Tiên kể từ sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, tháng 10-2006, trong đó có việc cho phép tàu biển Triều Tiên cập cảng Nhật Bản để vận chuyển hàng nhân đạo; dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay thuê bao và cho phép công dân hai nước tự do đi lại, thăm viếng lẫn nhau.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Triều Tiên lại có sự thay đổi quan điểm như vậy và tại sao lại có sự thay đổi này vào thời điểm hiện nay?

Nhượng bộ của Triều Tiên có thể được nhìn nhận như một mũi tên bắn trúng nhiều mục đích. Mục đích sát sườn nhất là Bình Nhưỡng muốn khai thông quan hệ với Tô-ki-ô để tiếp tục được nhận viện trợ từ Nhật Bản trong lúc Triều Tiên đang thiếu lương thực trầm trọng. Theo ước tính của Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc, năm 2008, có khả năng Triều Tiên đã thiếu 1,66 triệu tấn lương thực, mức thiếu gấp đôi so với năm 2007, do ảnh hưởng của trận lụt tháng 8 - 2007 đối với mùa màng và khó khăn kinh tế. Theo một số nguồn tin, 6,5 triệu trong tổng số 23 triệu dân Triều Tiên hiện không có đủ lương thực.

Lý do khác, “dài hơi” hơn là, Triều Tiên mong muốn giải tỏa một trở ngại nữa trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Để đạt được điều này, trước hết Triều Tiên phải được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố và bỏ cấm vận thương mại với Triều Tiên (thông qua Đạo luật buôn bán với kẻ thù). Trong thời gian qua, mặc dù quá trình đàm phán Triều - Mỹ đạt được nhiều tiến bộ nhưng Mỹ liên tục được Nhật Bản cảnh báo là chừng nào vấn đề người bắt cóc chưa được giải quyết thì Mỹ không nên đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố và có các bước đi tiến tới bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Chấp nhận giải quyết vấn đề người bắt cóc với Nhật Bản, Triều Tiên đã giúp giải tỏa một trở ngại đối với Mỹ từ phía người đồng minh thân cận của mình.

Đạt được một số kết quả tích cực trong quan hệ với Mỹ và Nhật Bản và tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Bắc Kinh, Triều Tiên sẽ có lợi thế rất lớn trong quan hệ với người anh em của mình là Hàn Quốc. Bởi lẽ, trong trường hợp quan hệ Triều - Nhật, Triều - Mỹ, Triều - Trung được cải thiện thì quan hệ hai miền xấu đi sẽ là một bất lợi chính trị rất lớn đối với Tổng thống Li Mi-ung-bắc, nhất là trong bối cảnh chính quyền của ông liên tục gặp phải nhiều khó khăn nội bộ như vấn đề nhập khẩu thịt bò từ Mỹ và đang phải đối phó với tình hình kinh tế xấu đi.

Tình hình này cũng sẽ tạo thuận lợi cho thành công của đàm phán sáu bên gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Nga trong thời gian tới. Kết quả đàm phán sáu bên thuận lợi cũng là nhân tố gây sức ép với Hàn Quốc, khiến Hàn Quốc phải có một số điều chỉnh về sách lược theo hướng hòa dịu hơn đối với Triều Tiên.

Mặc dù quan hệ Triều - Nhật và Triều - Mỹ có xu hướng hòa dịu và bản thân Triều Tiên cũng thể hiện thái độ thiện chí và có bước đi bài bản trong quan hệ với các nước liên quan, nhưng vẫn khó có thể dự đoán chắc chắn về chiều hướng diễn biến của tình hình. Dù còn rất nhiều khó khăn và phức tạp đang ở phía trước, dư luận thế giới vẫn đang hy vọng bước sang năm 2009 này sẽ sớm có một kết quả khả quan hơn trong đàm phán sáu bên, dẫn đến qúa trình bình thường hóa thực sự giữa Triều Tiên với các nước liên quan, mở ra thời kỳ 23 triệu người dân Triều Tiên được hưởng một cuộc sống bình thường, no ấm và hạnh phúc như bao người dân khác trên thế giới.

Nhật Bản - Trung Quốc tiến tới “mùa xuân ấm áp”

Nối tiếp những kết quả khai thông trong quan hệ hai nước đã được tạo lập từ các chuyến công du đến Trung Quốc vào tháng 10-2006 của Thủ tướng Nhật Bản S. A-be, vào tháng 12-2007 của Thủ tướng Nhật Bản I. Phu-cu-đa, và đến Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tháng 4-2007, trong năm 2008, chuyến công du Nhật Bản của Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp tục mở ra bước phát triển mới trong quan hệ hai nước Nhật - Trung, vốn được coi là mối quan hệ phức tạp nhất ở khu vực Đông Bắc Á và đã trải qua nhiều năm đóng băng trong các quan hệ chính trị dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Gi.Côi-du-mi do những bất đồng chủ yếu cũng từ lịch sử để lại-cuộc chiến xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản trước đây. Chuyến thăm này kéo dài 5 ngày trong tháng 5 - 2008 của vị nguyên thủ này đã được coi là “bản tổng kết” cho mối quan hệ thăng trầm giữa hai nước Trung-Nhật suốt gần thập kỷ qua với những giai đoạn phá băng - đóng băng - tan băng, và bây giờ là đang tiến tới một “mùa xuân ấm áp” như nhiều nhà phân tích đã hình tượng hoá.

Trên thực tế, Nhật Bản và Trung Quốc đã trao đổi cho nhau rất nhiều “đặc sản” trên lĩnh vực kinh tế. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, Nhật Bản đã trở thành nguồn cung cấp vốn, công nghệ dồi dào cho “công xưởng của thế giới”, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là “miền đất hứa” đối với rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, là mảnh đất màu mỡ để vận hành các nhà máy sản xuất trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già đi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ ba của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 236 tỉ USD năm 2007; Nhật Bản cũng là nước có số vốn đầu tư trực tiếp lớn thứ hai tại Trung Quốc, với 60,7 tỉ USD. Sự cạnh tranh về kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái hiện nay đang trở nên bất hợp lý và nhu cầu tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác phát triển mới là rất mạnh mẽ, khiến Trung Quốc và Nhật Bản phải càng xích lại gần nhau.

Về chính trị, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ ở vấn đề hạt nhân của Triều Tiên mà còn nằm trong sự đối trọng bảo đảm cân bằng ở khu vực Đông Á. Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự, chính trị... đã khiến giới lãnh đạo Nhật Bản phải xem xét nhiều hơn đến khả năng hợp tác chứ không chỉ khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc tích cực gia tăng ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực. Trong khi đó, tính “thực dụng” trong nắm bắt thời cơ của ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là điều kiện cơ bản để khởi động, duy trì và phát triển mối quan hệ với Nhật Bản. Không chỉ là vấn đề kinh tế, mà việc thông qua sự thân thiết với Nhật Bản, Trung Quốc có khả năng tạo thêm thế đứng ở vùng Đông Á trong sự so sánh ảnh hưởng với Mỹ, cũng như có thêm kênh đối thoại nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Đài Loan đang tiến triển rất sáng sủa kể từ khi người lãnh đạo mới của Đài Loan là Mã Anh Cửu vốn đã “thân thiện” với Bắc Kinh lên cầm quyền. Đồng thời, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có lẽ còn là sự hài lòng của Trung Quốc đối với tiến trình cải thiện quan hệ với Nhật Bản dưới thời Thủ tướng A-be và Thủ tướng Phu-cu-đa hiện nay với chính sách duy trì quan hệ hữu nghị Trung - Nhật bên cạnh liên minh Nhật - Mỹ.

Mặc dù quan hệ Nhật - Trung đang trong xu thế khả quan như thế, song cũng còn không ít nhà phân tích băn khoăn cho rằng, đó chỉ là sự tạm gác lại những vấn đề lịch sử để hướng tới tương lai. Chính trường quan hệ giữa hai nước này vốn dĩ đã có “truyền thống” phức tạp, nan giải suốt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Vì thế, “mát mặt” lúc nào hay lúc đó từ lâu đã trở thành thói quen của người dân cả hai cường quốc này.

Xích lại gần nhau cùng giải quyết những khó khăn chung đang là xu thế phát triển của Đông Bắc Á

Tuy còn nhiều bất đồng về các lợi ích liên quan đến kinh tế, chính trị, chủ quyền lãnh thổ… khiến Đông Bắc Á cho đến nay vẫn chưa thể hết những nguy cơ tiềm ẩn có thể bùng phát thành các xung đột chính trị và an ninh đối ngoại trong khu vực này, song, có thể nói, từ bức tranh chung của chính trị Đông Bắc Á như đã mô tả trên đây đã cho thấy xu hướng chung là tất cả các thành viên khu vực này đều đang cố xích lại gần nhau hơn trong hợp tác cùng giải quyết những khó khăn, bất ổn chung và hỗ trợ nhau để cùng phát triển mạnh hơn. Điển hình là kế hoạch thiết lập hệ thống hối đoái đa phương trị giá 80 tỉ USD cho khu vực châu Á của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao ba nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tại các hội nghị này, lãnh đạo của các nước thành viên đều nhất trí tiếp tục kích thích kinh tế và đề ra các biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu…

Năm 2008 cũng chứng kiến mối quan hệ xích lại gần nhau hơn nữa giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có hai cuộc tiếp xúc lịch sử lần đầu tiên trong gần 60 năm qua với lãnh đạo Đài Loan. Đó là cuộc gặp với Chủ tịch Quỹ Thị trường chung hai bờ eo biển Đài Loan Tiêu Vạn Tường và cuộc gặp với Chủ tịch Quốc dân Đảng Ngô Bá Hùng tại Bắc Kinh. Cùng với hai cuộc tiếp xúc nói trên là một loạt các hoạt động giao lưu khác góp phần tạo bước đột phá trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Hy vọng rằng, trong khó khăn của suy thoái dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang là điều khó tránh khỏi hiện nay, nhưng sự xích lại gần nhau để liên kết vượt khó, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, lãnh thổ Đông Bắc Á sẽ càng được tăng cường hơn nữa để có thể cùng nhau vượt qua những thách thức đang hiện hữu, khiến bức tranh Đông Bắc Á của năm mới 2009 này và những năm sau sẽ chuyển sang gam màu tươi sáng hơn, không chỉ về kinh tế mà cả trong các lĩnh vực chính trị, an ninh đối ngoại./.