Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-10 đến ngày 1-11-2009)
1. Ai Cập và Mỹ nỗ lực thúc đẩy đàm phán hoà bình I-xra-en – Pa-le-xtin
Ngày 26-10-2009, Tổng thống Ai Cập Hót-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarak) đã tiếp cựu Tổng thống Mỹ Gim-my Ca-tơ (Jimmy Carter). Cuộc hội đàm tập trung vào tình hình khu vực Trung Đông, đặc biệt là các biện pháp thúc đẩy tiến trình hoà bình. Hai bên đều khẳng định cần nỗ lực phục hồi đàm phán hoà bình giữa I-xra-en – Pa-le-xtin. Phía Ai Cập đánh giá cao vài trò của Tổng thống Ca-tơ trong việc thực hiện hoà bình ở Trung Đông cũng như nỗ lực giải quyết xung đột A-rập I-xra-en. Chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma đang nỗ lực phục hồi các cuộc đàm phán hoà bình I-xra-en – Pa-le-xtin. Chính quyền Pa-le-xtin khẳng định, chỉ nối lại đàm phán với I-xra-en khi nước này cam kết ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái. Tuy nhiên, I-xra-en đã từ chối dù Mỹ và cộng đồng quốc tế gây sức ép. Đây là cản trở chính của tiến trình hoà bình Trung Đông. Trong khi đó, người dân khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo ngày càng mất lòng tin vào nỗ lực của Mỹ. Họ cho rằng, chính quyền Mỹ và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nói nhiều hơn là làm. Mỹ chưa có biện pháp cứng rắn với I-xra-en trong vấn đề khu định cư. Đó là lý do vì sao chính quyền Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn chưa làm được gì để cải thiện xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin kể từ khi lên nắm quyền.
2. Nhóm RIC đề xuất sáng kiến về Áp-ga-ni-xtan
Ngày 27-10-2009, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc nhóm RIC, gồm Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc gặp lần thứ 9 tại thành phố Băng-la-gô của Ấn Độ trong khuôn khổ cơ chế hợp tác giữa ba nước có nền kinh tế đang nổi và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu. Các bên cũng trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực nóng bỏng cùng quan tâm, trong đó tập trung vào thảo luận về phương hướng củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác ba bên, về phối hợp nỗ lực giữa ba nước trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh năng lượng, cải tổ Liên hợp quốc, tình hình ở Áp-ga-ni-xtan, chương trình hạt nhân của I-ran, sự hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài các buổi làm việc chung, các bên còn có các cuộc gặp song phương. Kết thúc cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao nhóm các nước RIC đã ra thông cáo chung, trong đó phản ánh các kế hoạch hợp tác trong khuôn khổ tổ chức và các cách tiếp cận thống nhất về các vấn đề quốc tế cũng như của khu vực. Cuộc gặp tiếp theo (lần thứ 10) của Bộ trưởng Ngoại giao nhóm các nước RIC sẽ được tổ chức ở Trung Quốc vào năm 2010.
3. Mỹ đánh thuế tạm thời các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngày 27-10-2009, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đánh thuế tạm thời ống thép đúc và lưới thép nhập khẩu từ Trung Quốc; mức thuế áp dụng là 7,5% - 12% đối với ống thép đúc và khoảng 7% đối với lưới thép. Hồi tháng 4-2009, xuất hiện những cáo buộc về sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và đây là tranh chấp lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc từ trước đến nay. Tháng 9 vừa qua, các công ty thép của Mỹ đã trình kiến nghị tập thể lên Bộ Thương mại Mỹ và Bộ này đang xem xét để quyết định liệu ống thép Trung Quốc có được bán phá giá hoặc được Chính phủ Trung Quốc bù giá hay không. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng đang xác định, liệu các nhà sản xuất thép trong nước có bị thiệt hại do ống thép nhập từ Trung Quốc hay không. Dự kiến tháng 1-2010, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng về việc liệu ống thép đúc của Trung Quốc nhập sang Mỹ có vi phạm luật thương mại nước này. Cộng thêm kết luận cuối cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ về ảnh hưởng đối với ngành thép trong nước, Bộ Thương mại Mỹ sẽ chính thức áp thuế bù giá vào tháng 3-2010. Quyết định này được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 20 Ủy ban thương mại chung Mỹ - Trung Quốc diễn ra hôm nay, một diễn đàn song phương đánh giá các vấn đề đầu tư và thương mại. Tháng tới, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ thăm Trung Quốc nhân chuyến công du châu Á.
4. Ngày giải phóng U-crai-na khỏi ách phát-xít
Ngày 28-10-2009, lần đầu tiên U-crai-na tổ chức kỷ niệm Ngày Giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của phát-xít Đức (28-10-1944 – 28-10-2009). Tổng thống U-crai-na Víc-to Y-u-sen-cô (Victor Yushenko) đã ký sắc lệnh ấn định, ngày 28-10 hằng năm là Ngày Giải phóng U-crai-na khỏi ách phát xít. Thủ tướng U-crai-na Y-u-li-a Ti-mô-sen-cô (Yulia Timosenko) chúc mừng các cựu chiến binh nhân ngày lễ trọng đại: "Từ tận trái tim mình, tôi xin chúc mừng cáccựu chiến binh nhân ngày lễ lớn - 65 năm Ngày Giải phóng U-crai-na khỏi ách phát-xít. Quá trình giải phóng U-crai-na đã diễn ra trong 1.255 ngày đêm. Không có ai đặt giá cho cuộc chiến đấu này, vì chiến công là việc thường ngày của các vị. Và cuối cùng, vào mùa thu năm 1944, Giải phóng đã đến với mảnh đất thân thương của chúng ta, qua bao nhiêu những chờ mong, đau khổ và những trận chiến đổ máu". Trong ngày, tại các địa phương của U-crai-na đều tổ chức đặt hoa ở các đài tưởng niệm liệt sĩ với sự tham gia của các cựu chiến binh. Tổng thống Liên bang Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép đã gửi điện chúc mừng nhân dân U-crai-na nhân sự kiện này.
5. Dư luận kêu gọi Mỹ hành động phù hợp với lương tâm, thời đại và đặc biệt là tuân thủ luật pháp Quốc tế
Ngày 28-10-2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cu-ba” với sự ủng hộ của đa số tuyệt đối (187/192) các nước thành viên Liên hợp quốc. Đây là năm thứ 18 liên tiếp Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua lá phiếu của đa số đại biểu khẳng định tình đoàn kết, ủng hộ đối với Chính phủ và nhân dân Cu-ba, lên án và yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay chính sách đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính chống quốc đảo Ca-ri-bê này. Đại diện của các nước đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương này và coi đó là “sản phẩm lỗi thời tàn nhẫn và trái với luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ to lớn đó, Mỹ và một số nước đồng minh vẫn tỏ thái độ chống đối. Lá phiếu “lạc lõng” của Mỹ và I-xra-en phủ quyết nguyện vọng chung của đa số thành viên Liên hợp quốc càng cho thấy, sự ngang ngược đến không thể chấp nhận của chính quyền hai nước này. Trong khi đó, kiên trì với thiện chí của mình, Cu-ba vẫn tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Dư luận đang kêu gọi Mỹ hành động phù hợp với lương tâm, thời đại và đặc biệt là tuân thủ luật pháp Quốc tế.
6. IMF nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á
Ngày 29-10-2009, trong báo cáo được công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tệ (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á, và cho rằng, kinh tế khu vực này đang phục hồi nhanh chóng sau những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo nhận định quá trình phục hồi kinh tế của châu Á diễn ra hết sức chậm chạp. IMF kiến nghị các nước tiếp tục thực hiện chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Dự báo, năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của châu Á đạt 2,8% và năm 2010 là 5,8%, cao hơn so với dự báo hồi tháng 5 năm nay là 1,6% và 1,5%. Tình hình kinh tế châu Á hiện nay đã có những thay đổi lớn so với những tháng đầu năm nay. Theo báo cáo, kinh tế châu Á phục hồi sớm hơn so với thế giới. Nguyên nhân là do các nước châu Á đã thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ mạnh mẽ, hệ thống tài chính và thương mại thế giới đang trên đà hồi phục.
7. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)
Trong hai ngày 29 và 30-10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) họp tại Brúc-xen (Bỉ) đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi. Đó là việc EU đã loại bỏ được những trở ngại cuối cùng với Hiệp ước Li-xbon về cải cách thể chế của khối và thống nhất mức đóng góp cho quỹ chống biến đổi khí hậu toàn cầu từng gây bất đồng sâu sắc giữa Đông và Tây châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí đưa vào văn bản Hiệp ước Li-xbon phần phụ lục theo đề nghị của Tổng thống Cộng hòa Séc V.Clau-xơ, theo đó, những người Ðức bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc cũ, mà Cộng hòa Séc là một bộ phận, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai không được quay trở lại Séc đòi tài sản. Tổng thống Séc V.Clau-xơ cho biết, ông còn phải chờ Tòa án Hiến pháp Séc ra phán quyết về Hiệp ước Li-xbon có phù hợp luật pháp của nước này hay không, dự kiến vào ngày 3-11 tới, trước khi ông có thể ký phê chuẩn văn bản đã được cả hai viện Quốc hội Séc thông qua này. Với "chiến thuật" để Cộng hòa Séc hoàn tất quá trình thông qua Hiệp ước Li-xbon, EU đã chính thức bước vào cuộc đua giành các chức vụ của EU theo Hiệp ước mới, đặc biệt là vị trí Chủ tịch EU thay thế cho cơ chế luân phiên hiện nay.
8. Tổng thống Pa-le-xtin phản đối đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ
Ngày 31-10-2009, tại A-bu Đha-bi, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) với Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn, ông Áp-bát đã phản đối đề xuất mà bà Hi-la-ry đưa ra về việc nối lại đàm phán các vấn đề quy chế cuối cùng trong khi chờ đợi việc tìm kiếm thoả thuận giữa Mỹ và I-xra-en về vấn đề khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát khẳng định, sẽ không nối lại đàm phán hoà bình trước khi I-xra-en ngừng việc xây dựng các khu định cư. Cuộc gặp giữa Tổng thống Áp-bát và Ngoại trưởng Hi-la-ry diễn ra sau cuộc gặp giữa Trưởng đoàn đàm phán Pa-le-xtin Ê-rê-cát (Erekat) và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Gioóc-giơ Mi-chen (George Mitchell). Cũng trong chuyến công du nhằm khởi động lại tiến trình hoà bình Trung Đông này, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry và Đặc phái viên Mi-chen đã tới I-xra-en để hội đàm với Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu). Trong cuộc họp báo cùng với Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu tối cùng ngày, bà Hi-la-ry bày tỏ mong muốn hai bên nối lại đàm phán càng sớm càng tốt.
9. Ba trăm triệu trẻ em châu Phi rơi vào cảnh nghèo đói
Ngày 1-11-2009, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, 300 triệu trẻ em châu Phi đang rơi vào cảnh nghèo đói. Đây là số liệu thống kê mới nhất của tổ chức này đưa ra tại hội nghị ở thủ đô Đa-ca, Băng-la-đét, nhằm tìm kiếm cách thức mới để giải quyết 7 nhu cầu cơ bản của trẻ em, trong đó có quyền được đảm bảo lương thực, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Phát biểu tại hội nghị, một quan chức cấp cao của UNICEF cho rằng, không giống bất kỳ một khu vực nào khác trên thế giới, do sự bất bình đẳng sâu sắc và lâu dài, trẻ em tại châu Phi đang bị rơi vào một vòng luẩn quẩn của sự phân biệt đối xử ở các mức độ khác nhau; bị thiếu dinh dưỡng; không được chăm sóc y tế và không được đi học. Cũng theo UNICEF, trong một thập kỷ qua, cuộc sống của trẻ em châu Phi thậm chí còn tồi tệ hơn trong một số mặt và điều đó đang dấy lên những mối lo ngại nghiêm trọng về cuộc sống của trẻ em tại đây./.
Nguy cơ thiếu hụt lương thực và giá cả tăng ở các nước phát triển  (02/11/2009)
Lễ đón chính thức Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II thăm Việt Nam  (02/11/2009)
Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính trong tình hình hiện nay  (02/11/2009)
Thế giới nói gì về việc ông B. Ô-ba-ma nhận giải thưởng Nô-ben Hòa bình  (02/11/2009)
Kỷ niệm 60 năm Ban Đối ngoại Trung ương  (02/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam