Bốn mươi năm quan hệ Việt Nam - Thụy Điển
Ngày 11-1-1969, Việt Nam và Thụy Điển chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong suốt bốn mươi năm qua không ngừng được vun đắp, củng cố và phát triển.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1969). Tháng 6-1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và đến tháng 7 năm đó Việt Nam lập Đại sứ quán tại Xtốc-khôm.
Bốn mươi năm trôi qua, song hình ảnh cố Thủ tướng Thụy Điển Ô-lớp Pan-mơ dẫn đầu đoàn biểu tình của nhân dân Thụy Điển phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị, là sự cổ vũ to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước của dân tộc Việt Nam. Thụy Điển là một trong những nước ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mạnh nhất ở Tây Bắc Âu.
Quan hệ ngoại giao bền chặt
Trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt đẹp, không ngừng được củng cố và mở rộng. Đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước là chuyến thăm Thụy Điển của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1974. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến thăm Thụy Điển. Tiếp nối, hai nước đã trao đổi nhiều phái đoàn ở tất cả các cấp, các ngành.
Nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã sang thăm chính thức Thụy Điển, trong đó có: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (1976), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1989), Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (7-1993), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (10-1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6-1995), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (7-1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (9-1999), Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (11-2001), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (6-2002), Phó Thủ tướng Vũ Khoan (9-2003 và 11-2004).
Phía Thụy Điển thăm Việt Nam có các đoàn: Bộ trưởng Ngoại giao C. Uych-men (6-1973), Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển K. Xô-đơn (4-1978), Bộ trưởng Xã hội K. Xô-đơn (3-1981), Thủ tướng Can Bin (1994), Chủ tịch Quốc hội B. Đan (10-1995), Phó Thủ tướng L. HenUôn-tơn (1-1999), Bộ trưởng Văn hóa M. Un-xcốc (6-2000), Bộ trưởng Thương mại L. Pa-gốt-xki (9-2001), Thủ tướng Thụy Điển G. Pơ-xơn và Bộ trưởng Ngoại giao L. Phrây-van (9-2004).
Những hiệp định hai nước đã ký kết - Hiệp định về nguyên tắc và thủ tục chung cho hợp tác Việt Nam - Thụy Điển (gồm 4 giai đoạn: 1985 - 1990; 1990 - 1995; 1995 - 2000; 2004 - 2006);
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9-1993);
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế (3 - 1994);
- Hiệp định hợp tác vận chuyển hàng không (9-1997);
- Hiệp định hợp tác, hỗ trợ văn hóa (1993 - 1995; 1996 - 1998);
- Hiệp định về hợp tác phát triển Việt Nam - Thụy Điển (1999 - 2001; 2004 - 2006);
- Hiệp định hợp tác khoa học - kỹ thuật (2004 - 2007);
- Hiệp định tiếp tục và hoàn tất hợp tác nghiên cứu Việt Nam - Thụy Điển giai đoạn 2008 - 2010. |
Đặc biệt, chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gu-xtáp và Hoàng hậu Xin-vi-a (tháng 2-2004), đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác, nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển cũng ngày càng được chú trọng và phát triển tích cực (Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển đã cử đại biểu sang dự Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, và ta cũng đã cử đại biểu sang dự Đại hội lần thứ XXXIII của Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển). Quốc hội hai nước đã trao đổi nhiều đoàn nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về điều hành các hoạt động của Quốc hội.
Thụy Điển là nước phương Tây đi đầu trong việc ủng hộ, hỗ trợ tích cực cho công cuộc đổi mới của Việt Nam ngay từ những năm đầu trong cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp, xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực: năng lượng, y tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đào tạo cán bộ... Cùng với việc củng cố và tăng cường quan hệ đối ngoại, một số thỏa thuận hợp tác quan trọng đã được hai nước ký kết và thông qua.
Hợp tác kinh tế hiệu quả
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong thời kỳ khó khăn, bị nhiều nước phương Tây bao vây, cấm vận, chính phủ và nhân dân Thụy Điển không chỉ dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm hữu nghị tốt đẹp, mà còn giúp đỡ, ủng hộ về mặt vật chất to lớn. Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ cho Việt Nam sớm nhất, liên tục từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX và là nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất với tổng số tiền viện trợ tính đến nay là 3 tỉ USD.
Giai đoạn 1970 - 1990, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước chủ yếu là dưới hình thức Thụy Điển viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam với số tiền gần 6 tỉ SEK (tương đương 950 triệu USD). Một số công trình được phía Thụy Điển tài trợ xây dựng như: Nhà máy giấy Bãi Bằng với công suất 55.000 tấn/năm (500 triệu USD), Bệnh viện nhi Thụy Điển (38 triệu USD), Bệnh viện đa khoa Uông Bí (25 triệu USD); phục hồi một số cơ sở công nghiệp (Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy giấy Tân Mai, Nhà máy diêm Thống Nhất, cải tạo lưới điện Hà Nội...).
Giai đoạn 1990 - 1998, viện trợ của Thụy Điển cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào các chương trình, dự án hợp tác về y tế, năng lượng, lâm nghiệp, phát triển nông thôn miền núi 5 tỉnh phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), văn hóa, giáo dục, đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật, xóa đói, giảm nghèo với số tiền 1.630 triệu SEK (tương đương 230 triệu USD). Mục tiêu viện trợ giai đoạn này nhằm giúp Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn lực, phát triển kinh tế thị trường bền vững.
Từ năm 1994, đi đôi với viện trợ không hoàn lại hằng năm, Thụy Điển bắt đầu cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam trong các dự án hợp tác về năng lượng và viễn thông. Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong các giai đoạn sau đó: 510 triệu SEK (60 triệu USD) từ 1999 - 2001; 645 triệu SEK (70 triệu USD) từ 2002 - 2003; 975 triệu SEK (130 triệu USD) từ 2004 - 2006; năm 2007 là 300 triệu SEK.
Các chương trình, dự án hợp tác của Thụy Điển được thông qua Quỹ Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào việc cải thiện đời sống của nhiều người dân ở những vùng nhận viện trợ phát triển, xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Khẳng định điều này, bà M. Nô-phôn, Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển hợp tác, phát triển quốc tế Thụy Điển bày tỏ sự hài lòng về những dự án hỗ trợ phát triển của Thụy Điển ở Việt Nam. Theo bà, hợp tác phát triển nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, đồng thời đẩy mạnh bảo vệ môi trường.
Về hợp tác thương mại, kim ngạch buôn bán hai chiều tuy chưa cao, song có xu hướng phát triển tích cực, tăng dần theo từng năm: năm 2000 là 102 triệu USD; năm 2001: 128 triệu USD; năm 2002: 124 triệu USD; năm 2003: 200 triệu USD; năm 2004: 220 triệu USD; năm 2005: 273 triệu USD; năm 2006: 300 triệu USD; năm 2007: 392 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Thụy Điển các mặt hàng như: sản phẩm dệt may, giầy dép, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, đồ gốm; nhập khẩu từ Thụy Điển các mặt hàng như: nguyên liệu thô, hóa chất, bột giấy, vải sợi, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị phụ tùng. Mặc dù là thị trường khó tính, song Thụy Điển có nhiều tiềm năng đối với nhiều sản phẩm của Việt Nam như hải sản, gạo, hạt tiêu, rau quả, sản phẩm da, cao su, xe đạp...
Về hợp tác đầu tư, trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam đã chứng tỏ là một thị trường có nhiều tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư Thụy Điển đánh giá cao Việt Nam với môi trường ổn định, năng động, nhiều cơ hội làm ăn hấp dẫn. Thụy Điển đã triển khai nhiều dự án đầu tư đạt được thành công nhất định trong một số lĩnh vực: cơ khí chế tạo, tin học, viễn thông, hóa chất, giấy - bột giấy, chế biến gỗ...
Hiện nay, Thụy Điển xếp thứ 16 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trên 454 triệu USD, tập trung chủ yếu vào ngành bưu chính viễn thông, điện thoại di động, trang thiết bị điện. Tuy hợp tác đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của Thụy Điển có mặt tại Việt Nam như Ericsson, Comviq, ABB, Alfa-Laval, IKEA, Electrolux... Riêng tập đoàn Kinnevik/Comvik Thụy Điển có dự án hợp tác kinh doanh dịch vụ viễn thông di động với Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam với số vốn khoảng 340 triệu USD thông qua công ty cung cấp thiết bị Ericsson (chiếm trên 80% tổng đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam).
Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Về hợp tác y tế, Thụy Điển bắt đầu hoạt động hỗ trợ y tế cho Việt Nam từ trước thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1969). Những năm đầu tiên, hỗ trợ chủ yếu với hình thức cung cấp thuốc men, trang thiết bị y tế. Giai đoạn tiếp theo, những hỗ trợ này chuyển từ phần cứng như xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế sang những hỗ trợ có tính chất phần mềm như xây dựng chính sách, chiến lược và xây dựng năng lực y tế.
Thụy Điển chú trọng đầu tư y tế cho Việt Nam tại tuyến cơ sở (huyện, xã ở vùng sâu, vùng xa), cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nhằm giảm bớt áp lực cho tuyến trung ương. Thụy Điển đã hỗ trợ cho ngành y tế Việt Nam hơn 200 triệu USD. Bên cạnh đó, Thụy Điển hướng tới phát triển các nguồn nhân lực, hoàn thiện các chính sách, giúp xây dựng các mô hình y tế. Chỉ trong 5 năm vừa qua, Thụy Điển đã giúp đào tạo trên 40.000 lượt cán bộ y tế, 200 lượt được đi đào tạo ở nước ngoài. Một trong những lĩnh vực mới sẽ triển khai là chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư và xử lý rác thải bệnh viện.
Về hợp tác viễn thông, hai nước đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, nhất là về mặt quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các chuyên ngành bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin khu vực và quốc tế. Đến nay, Thụy Điển là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Nhiều dự án đầu tư do các công ty Thụy Điển như Comvik/Kinnevik, Ericsson thực hiện trong lĩnh vực này hoạt động tốt, mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam. Thụy Điển đã trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong việc phổ cập ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin, tự do hóa viễn thông, điện thoại di động thế hệ thứ 3, giải pháp vô tuyến điện... Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề về chính sách và quản lý, các cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và dịch vụ di động. Đây thực sự là những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, chia sẻ và hợp tác chặt chẽ trong tương lai.
Về hợp tác văn hóa, nhiều năm qua, trong khuôn khổ hợp tác phát triển, hai nước đã có nhiều chương trình giao lưu văn hóa như: thành lập Quỹ Thụy Điển - Việt Nam về phát triển văn hóa; tổ chức, tham gia nhiều lễ hội liên hoan nghệ thuật ở Việt Nam như liên hoan nhạc Jazz, liên hoan phim; trao đổi tác phẩm văn học, nghệ thuật...
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, Chương trình “Blog opera” - một chương trình đặc biệt - đã được chính thức khởi động. Đây là vở nhạc kịch lần đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam do Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Norrland Opera là đối tác chính, với sự tham gia tích cực của hầu hết các đối tác nghệ thuật của cả hai bên: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Malmo, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Mỹ thuật Umea, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Dramatiska, Viện Phim Việt Nam.
Bên cạnh đó, “Ngày Văn hóa Việt Nam” tại Thụy Điển do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Thụy Điển và Công ty Comvik đã được tổ chức nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết, giao lưu văn hóa giữa hai nước, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp vốn có. Một số tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Thụy Điển; và ngược lại, Việt Nam cũng đã dịch tác phẩm của nhà văn nổi tiếng người Thụy Điển Sa-ra Li-man.
Triển vọng hợp tác Việt Nam - Thụy Điển
Bốn mươi năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phát triển. Việt Nam luôn là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của vương quốc này.
Trong những năm sắp tới, Thụy Điển luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác cải cách hành chính; mong muốn mở rộng, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Những thành công của các doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam là sự khích lệ đối với nhiều doanh nghiệp Thụy Điển khác đang muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông R. Bơ-men, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển và Thụy Điển rất tự hào đã đóng góp vào sự phát triển đó. Trong thời gian tới, Chính phủ Thụy Điển sẽ tiếp tục xúc tiến các chương trình hợp tác với Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi, nâng cao chất lượng hợp tác song phương. Đồng thời, Thụy Điển cũng đang muốn tìm kiếm lĩnh vực hợp tác mới như thương mại, du lịch và giáo dục - đào tạo”.
Một số chương trình, dự án do Thụy Điển tài trợ thực hiện tại Việt Nam:
Việt Nam và Thụy Điển nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại mỗi nước thông qua các chương trình tham quan, khảo sát, nghiên cứu tiếp cận thị trường, tham dự hội chợ, mở trung tâm giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường nhằm nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của nhau. Với tiềm năng cùng nỗ lực của cả hai bên, quan hệ thương mại hai nước trong những năm tới sẽ có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hiệp định hợp tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2008 - 2011 được Chính phủ hai nước hướng tới. Theo đó, với tổng giá trị trên 10 triệu USD, mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam xây dựng năng lực nghiên cứu thông qua tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu chung, kết hợp đào tạo tiến sĩ và các cán bộ khoa học có trình độ tương đương trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ sinh học, phát triển nông thôn bền vững, nông - lâm - ngư nghiệp, các nghiên cứu liên ngành về chính sách kỹ thuật, khoa học - công nghệ. Việt Nam mong muốn Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực mà Thụy Điển có kinh nghiệm như y tế, giáo dục, cải cách hành chính, xây dựng năng lực thể chế...
Nhân chuyến thăm Việt Nam (12-2008) theo Chương trình kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Thụy Điển, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức SIDA Thụy Điển M. Lin-đen khẳng định: chiến lược hợp tác mới giữa Thụy Điển và Việt Nam trong thời gian tới, dựa trên cơ sở mối quan hệ hợp tác truyền thống, sẽ có thêm nhiều thành phần tham gia, bao gồm các tổ chức của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân... Trong chiến lược mới này, quan hệ giữa hai nước sẽ làm mối quan hệ hai bên cùng có lợi.
Cũng theo ông Lin-đen, Thụy Điển sẽ từng bước rút lui trên tư cách là nhà tài trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam; thay vào đó, Thụy Điển sẽ tạo cơ hội và điều kiện cho các đối tác của hai bên phát triển các cơ hội hợp tác mới. Các dự án hợp tác trong giai đoạn 2009 - 2013 sẽ tập trung vào một số vấn đề như: thay đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản trị nhà nước...
Với chiến lược hợp tác mới, Thụy Điển sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến chống đói nghèo của Việt Nam dưới một hình thức khác, đó là hỗ trợ Việt Nam phòng chống tham nhũng. Theo ông Lindell, lượng ODA mà Thụy Điển dành cho Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ giảm đi, song sự hỗ trợ của Thụy Điển sẽ thể hiện ở những hoạt động với quy mô và phạm vi lớn hơn.
Việt Nam và Thụy Điển sẽ cùng nhau đắp xây tình hữu nghị ngày càng bền chặt, đưa quan hệ hai nước trở thành mẫu mực tiêu biểu, góp phần vì sự hợp tác khu vực á - Âu; phấn đấu từ mối quan hệ giữa một nước viện trợ và một nước nhận viện trợ trước đây thành mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Chúng ta tin tưởng rằng mối quan hệ đó sẽ ngày càng phát triển, hợp tác bền chặt./.
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Bình Phước  (21/01/2009)
Xây dựng "đô thị công nghiệp" ở Cẩm Phả, Quảng Ninh  (21/01/2009)
Môi trường đầu tư nước ngoài ở châu Phi năm 2008  (20/01/2009)
Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2008  (20/01/2009)
Thực hiện Cuộc vận động trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài  (20/01/2009)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên