TCCSĐT - Đã lâu rồi, kể từ sau R. Ních-xơn (năm 1968) mới lại có một Tổng thống thu hút được nhiều sự quan tâm của trong và ngoài nước Mỹ đến vậy. Sự quan tâm này bắt đầu ngay từ những bước vận động tranh cử trên con đường tiến vào Nhà Trắng của B. Ô-ba-ma. Sự bầu chọn lại diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, nó tương đối giống với một nước Mỹ rệu rã sau những thất bại thảm hại ở chiến trường Việt Nam. Trên hết, là những quan điểm, lập luận của vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ.

Phần đông công chúng trên khắp hành tinh này đã quá mệt mỏi với chính sách cứng rắn, đượm màu hiếu chiến của vị tổng thống tiền nhiệm. Khẩu hiệu “Chúng ta cần thay đổi” của ông B.Ô-ba-ma đã phần nào tạo ra được niềm hứng khởi, lạc quan, trước hết đối với cử tri Mỹ. Ngày 20-1-2009, B. Ô-ba-ma chính thức trở thành Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ba tháng - thời gian quá ngắn để có thể đưa ra bất cứ một kết luận nào về chính quyền của B. Ô-ba-ma hay về chính ông. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới một góc độ tích cực, Ô-ba-ma đã có những bước đi, việc làm tạo ra những dấu ấn riêng.

1- Việc làm đầu tiên cho thấy vị Tổng thống da màu đã qua được kỳ sát hạch đầy khó khăn tại Quốc hội, nơi mà Đảng Dân chủ của ông không phải đã nắm được hoàn toàn quyền kiểm soát là quyết định của Quốc hội thông qua gói cứu trợ hơn 700 tỉ USD (đã được đề xuất từ trước bầu cử). Chính sách thắt chặt chi tiêu cũng như gia tăng dần quyền kiểm soát của Chính phủ đối với các tập đoàn, doanh nghiệp đang bắt đầu được thực thi. Chính quyền Ô-ba-ma đang cho thấy sẽ tái áp dụng học thuyết Kennes (tăng cường vai trò của nhà nước) trong hoàn cảnh mới, bởi các tập đoàn tài chính đang lâm nạn. Tất nhiên, người dân Mỹ trông đợi nhiều vào những bước đi tiếp theo của Chính phủ nhằm kéo nước Mỹ mau chóng thoát khỏi khủng hoảng. Đây là việc làm vô cùng khó đối với chính quyền Ô-ba-ma (các dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng, nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng ít nhất phải vào cuối năm 2010).

Nhiều chuyên gia kinh tế đã bắt đầu nói tới việc cần thiết phải cải tổ lại cơ cấu nền kinh tế, trước hết là trong lĩnh vực tài chính, thị trường chứng khoán(1). Tuy nhiên, thay đổi như thế nào thì chính quyền Ô-ba-ma vẫn chưa cho thấy dấu hiệu là đã tìm ra câu trả lời. Hơn thế, việc Chính phủ can thiệp sâu vào công việc của các tập đoàn, doanh nghiệp, đặc biệt là sau khi qua được khủng hoảng, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng ngày càng quyết liệt của họ; và, ông B.Ô-ba-ma cũng quá hiểu sức mạnh của các tập đoàn này, trước hết là các tổ hợp công nghiệp quân sự. Sự thay đổi trong cơ cấu quản lý, vì thế, sẽ khó có biến động lớn. Nhìn chung, với chính sách vừa mềm dẻo vừa khá quyết liệt, chính quyền Ô-ba-ma sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng trong nhiệm kỳ đầu này nhưng dự báo sẽ ít có sự xáo trộn trong cơ cấu nền kinh tế Mỹ.

2- Nếu Tổng thống B.Ô-ba-ma đạt được những thành công bước đầu đối với các công việc trong nước thì có lẽ cũng dễ hiểu, bởi đây là địa bàn quen thuộc của bất cứ vị Tổng thống nào. Những dấu ấn trong các công việc quốc tế mà chính quyền Ô-ba-ma đạt được sau gần 3 tháng cầm quyền mới là điều đáng bàn. Trước bầu cử, khả năng xử lý các vấn đề quốc tế được coi là điểm yếu của ông B.Ô-ba-ma so với đối thủ Đảng Cộng hoà, ông J. Mắc Kên. Trong quá trình tiếp cận và xử lý những vấn đề đối ngoại gai góc nhất như: Quan hệ Mỹ-Tây Âu, quan hệ Mỹ-Nga, Mỹ- Trung Quốc, Mỹ và thế giới Hồi giáo, đặc biệt là vấn đề vùng Vịnh Péc-xích v.v..., chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma đang dần rõ nét, đó là sự mềm dẻo, đối thoại, đa phương nhiều hơn.

Trước hết, với thế giới Hồi giáo. Chủ trương đối thoại của B. Ô-ba-ma là rất rõ qua thông điệp “nước Mỹ không chiến tranh với thế giới Hồi giáo” (đưa ra trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-4 vừa qua) hay như lời đề nghị đối thoại trực tiếp với Tổng thống I-ran trước đó. Sự chuyển hướng trong cách xử lý các vấn đề tại thế giới Hồi giáo có lẽ là điều khó tránh khỏi. Di sản của người tiền nhiệm để lại cho B.Ô-ba-ma tại vùng Vịnh Péc-xích là 4.900 lính Mỹ đã tử vong tại I-rắc, đặc biệt là nỗi thất vọng và cả sự sợ hãi của người dân Mỹ tại vùng Vịnh.

Quyền kiểm soát các mỏ dầu tại đây đã không thể bù đắp được những mất mát của nước Mỹ cả về tài chính lẫn con người sau hơn 6 năm can dự vào tình hình của I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống Ô-ba-ma không thể tiếp tục chính sách cứng rắn, một chính sách khiến ngay cả những đồng minh thân cận của Mỹ như A-rập Xê-út cũng phản đối. Vì thế, điều cần nhấn mạnh là chính sự phá sản của chính sách cứng rắn khiến B.Ô-ba-ma phải điều chỉnh(2). Tuy nhiên, sự bổ nhiệm ê kíp trợ giúp của Tổng thống B.Ô-ba-ma cho thấy, ông vẫn khó có thể tạo ra một sự thay đổi có tính triệt để trong chính sách đối với địa bàn hết sức phức tạp và nóng bỏng này. Sác-lơ Phri-man, đại sứ Mỹ tại Ả-rập, người có khuynh hướng thân Ả-rập được bổ nhiệm là người đứng đầu Hội đồng tình báo quốc gia. Cùng lúc, Đen-nít Rốt-xơ, người nổi tiếng thân I-xra-en được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt về vùng Vịnh và Tây Nam Á. Một mặt, ông Ô-ba-ma luôn đề nghị đối thoại với các nước “có vấn đề” như I-ran, Xy-ri, công bố một lịch trình rút quân khỏi I-rắc; mặt khác, lại quyết định tăng thêm quân ở Áp-ga-ni-xtan và kêu gọi Quốc hội tăng thêm ngân sách (83,4 tỉ USD) cho vùng Vịnh Péc-xích.
 
Tính hai mặt trong chính sách đối với Trung Đông là khó tránh khỏi và chắc sẽ được Tổng thống thực hiện trong thời gian tới. Ông có nghĩa vụ phải dung hoà lợi ích giữa công chúng Mỹ và các tập đoàn dầu lửa, công nghiệp quân sự cũng như, trước hết, các nhà tài phiệt I-xra-en. Hơn thế, chắc chắn chính quyền Ô-ba-ma không thể chỉ bằng những lời kêu gọi đã có thể xoá đi ngay được sự nghi kỵ của thế giới Hồi giáo đối với Mỹ. Tính “hai mặt” trong quan hệ với Trung Đông đã làm cho giới bình luận đặt câu hỏi, đây liệu có phải là chính sách “chia để trị”?
 
Trong cuộc gặp thượng đỉnh của NATO (từ ngày 3 đến 4-4-2009), ông Ô-ba-ma đã hé mở một hướng lựa chọn mới trong chính sách Trung Đông, đó là sự gia tăng vai trò của NATO tại địa bàn này. Hợp tác đa phương (chủ yếu trong phạm vi NATO) nhằm tháo gỡ các vấn đề của Mỹ tại địa bàn có lẽ sẽ là lựa chọn của chính quyền Ô-ba-ma.
 
Thứ hai, chỉ trong mấy cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao các nước lớn tại hội nghị G20 (9-4-2009), Ô-ba-ma đã cho thấy sự khác biệt cơ bản trong quan điểm và cách thức xử lý quan hệ với các đối tác là nước lớn so với người tiền nhiệm. Chính sách “ngoại giao mềm dẻo” hay “ngoại giao thông thái” mà bà Hi-la-ry Clin-tơn công bố trong chuyến viễn du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng giờ đây được Tổng thống Ô-ba-ma thực hiện ngay trong những cuộc gặp cấp cao song phương. Cuộc khủng hoảng tài chính cùng với gánh nặng tại I-rắc, Áp-ga-ni-xtan đã giúp Ô-ba-ma nhận thức rõ ràng hơn không chỉ đơn thuần là tính “tuỳ thuộc lẫn nhau” giữa các quốc gia mà là cùng nhau thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
 
Hình ảnh nước Mỹ được chính quyền Ô-ba-ma "chỉnh sửa" lại theo hướng thân thiện, dễ gần hơn qua việc ông tán thành cùng với các nước công nghiệp phát triển khác tăng quỹ ủng hộ các nước nghèo, các nước “ngoại biên” trong bối cảnh nước Mỹ cũng đang lâm vào khủng hoảng. Hay việc Tổng thống quyết định bãi bỏ một số biện pháp trong chính sách cấm vận chống Cu-ba mà Mỹ áp đặt trong suốt 47 năm qua cũng cho thấy sự thay đổi trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế theo hướng đối thoại. Chính sách đa phương và có trách nhiệm quốc tế có lẽ sẽ là lựa chọn cuối cùng của chính quyền Ô-ba-ma.

Có thể thấy những dấu hiệu thay đổi căn bản về đối nội và đối ngoại trong chính sách của chính quyền B. Ô-ba-ma. Sự thay đổi này khiến người ta liên tưởng tới thuyết “Chia sẻ trách nhiệm” của chính quyền R. Ních-xơn. Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, sự “chia sẻ trách nhiệm” được chính quyền Ô-ba-ma mở rộng ra trên phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với thuyết “Chia sẻ trách nhiệm” của Ních-xơn, vốn chỉ bó hẹp trong phạm vi các đồng minh trong cùng khối các nước tư bản. Tuy nhiên, không thể loại bỏ những biến đổi trong chính sách của Tổng thống Ô-ba-ma. Bởi đối với nước Mỹ, rất hiếm khi người ta thấy một sự đồng thuận cao và trong một thời gian dài cho bất cứ một chính sách nào. Trên lãnh thổ của một Hợp chủng quốc, lẽ đương nhiên sẽ luôn tồn tại nhiều nhóm lợi ích không thể tương đồng. Mặt khác, giữa các nước, các tập đoàn kinh tế cũng luôn có những cách nhìn nhận, những cách thức nhằm bảo vệ lợi ích riêng và khác biệt của họ. Đó chính là những thách thức không nhỏ đối với tính ổn định trong chính sách đa phương hiện nay của Tổng thống B. Ô-ba-ma.

Liệu vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ có khắc phục được những bất cập đó hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước./.
 

(1) Xem Paull Krugman: New York Time, 20-6-2003
(2) Xem International Heral Tribune, 4-3-2009