Bộ đội Biên phòng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở vùng biên giới
TCCS - Khu vực biên giới nước ta có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện từng bước đời sống của nhân dân ở khu vực này, trong đó, Bộ đội Biên phòng đóng góp một phần không nhỏ.
Do nhiều nguyên nhân cho nên khu vực biên giới vẫn là nghèo nhất so với cả nước: hiện còn 29 huyện nghèo, chiếm 47,5% tổng số huyện nghèo trong toàn quốc; có 388 xã đặc biệt khó khăn; số hộ đói nghèo còn trên 30% (có nơi 70%); 109.467 hộ chưa có điện thắp sáng, 192.141 hộ chưa có đất sản xuất. Nhiều thôn, bản xa xôi, hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, thiếu cầu đường, lớp học, trạm y tế; cơ sở khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế vừa thiếu, vừa lạc hậu; nhiều hộ còn phải ở nhà tạm, còn gần 1.700 phòng học tạm, số người mù chữ, trẻ em thất học chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng thụ các chính sách ưu đãi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình y tế cộng đồng còn thấp. Một số nơi ở biên giới (nhất là vùng sâu, vùng xa) còn "đói thông tin", và còn nhiều tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội... Triệt để lợi dụng tình trạng trên, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc, chống phá gây ra những khó khăn, thách thức đối với yêu cầu quản lý bảo vệ biên giới quốc gia nói riêng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và nhằm khắc phục tình trạng đó, Bộ đội Biên phòng, một mặt, phải đem hết sức mình dựa vào dân để bảo vệ vững chắc biên giới; mặt khác, cố gắng đóng góp sức mình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh cho đồng bào biên giới, lấy đó làm chỗ dựa vững chắc để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Việc giúp đỡ đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no là việc làm thường xuyên liên tục suốt hơn 50 năm qua. Đặc biệt là những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân phát động phong trào "mái ấm cho người nghèo biên giới" bắt đầu từ tháng 10-2008 với mục tiêu xây dựng 2.030 nhà "Đại đoàn kết", 129 công trình dân sinh... Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Bộ Chỉ huy biên phòng các tỉnh (thành phố) đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, báo cáo xin chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy (thành ủy), thành lập Ban Chỉ đạo (do đồng chí chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy biên phòng làm trưởng ban) thực hiện. Bộ đội Biên phòng các tỉnh (thành phố) đã chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh (thành phố) tổ chức các đoàn khảo sát, lựa chọn nhà ở, công trình dân sinh cần xây dựng. Trong quá trình thực hiện, các đoàn khảo sát luôn tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công bằng; trong đó tập trung vào các hộ có nhà ở tạm bợ, rách nát; hay những trường lớp, phòng khám dân y, cầu tạm... thuộc các xã biên giới; lựa chọn, thống kê, lập danh sách (có xác nhận của địa phương) báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Việc tập trung xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách đã bảo đảm được yêu cầu làm tăng cường mối đoàn kết, nhất trí trong nội bộ các thôn, bản biên giới, cộng đồng dân cư, các dòng họ, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện cách làm hay; huy động được sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa bảo đảm chất lượng công trình. Nhờ tổ chức chặt chẽ, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị có nhiều sáng tạo trong thực hiện, nên kết thúc giai đoạn 1 đợt vận động, trong cả nước đã xây dựng vượt 730 nhà so với chỉ tiêu đề ra; nhiều tỉnh (thành phố) vượt chỉ tiêu từ 10 nhà trở lên, như: Nghệ An 86/50 nhà, Long An 130/20 nhà, Đồng Tháp 463/20 nhà, Kiên Giang 78/50 nhà... Bước vào giai đoạn 2 đợt vận động, một số địa phương có tiến độ xây dựng công trình nhanh, gần hoàn thành hoặc đã vượt chỉ tiêu được giao. Đến đầu tháng 9-2009, Bộ đội Biên phòng trên cả nước đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 2.207 căn nhà "Đại đoàn kết" có giá trị hơn 80 tỉ đồng và 36 công trình dân sinh có giá trị gần 6 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành hậu cần Bộ đội Biên phòng đã tặng 1.600 bộ chăn, màn cho các hộ được xây dựng nhà "Đại đoàn kết". Giai đoạn 2 của đợt vận động, ngoài xóa nhà tạm và xây dựng các công trình dân sinh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tập trung chỉ đạo bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở Nghệ An và dân tộc La Hủ ở Lai Châu. Tại các địa bàn trên đã và đang có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đến giúp dân quy hoạch thôn bản, làm đường, dựng nhà, vệ sinh nơi ăn ở, khám chữa bệnh miễn phí cho dân, tìm đất phát triển sản xuất, làm thủy lợi nhỏ, dạy chữ cho đồng bào, tham gia giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới. Mặt khác, những năm qua Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành như Ủy ban dân tộc, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ở các cấp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, hạt nhân nòng cốt của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới về chuyển giao khoa học- kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ nâng cao hiệu quả cây trồng vật nuôi. Ở đây phải kể đến những cán bộ tăng cường của Bộ đội Biên phòng xuống các xã biên giới. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ theo Quy định tạm thời số 27/QĐ-BTL ngày 9-4-1999 của Bộ Tư lệnh, những cán bộ tăng cường còn được địa phương giao nhiệm vụ chủ trì triển khai, theo dõi việc thực hiện Chương trình 135 và chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã biên giới. Đội ngũ cán bộ này đã phát huy vai trò trách nhiệm tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao năng suất lúa, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; góp phần quan trọng vào việc loại bỏ cơ bản các giống cũ, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, từng bước tự cân đối được lương thực ở nhiều xã, thôn, bản khu vực biên giới. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc phát triển, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xóa đói, giảm nghèo phát triển được nhân rộng ở nhiều nơi. Có thể nói các cán bộ của Bộ đội Biên phòng được tăng cường về các địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm thay đổi bộ mặt của địa phương qua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội...
Đáng chú ý là trong tham gia phát triển y tế, giáo dục, văn hóa ở các xã, phường biên giới, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành đã tăng cường hàng trăm y, bác sĩ quân dân y cùng với lực lượng cắm xã, hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân ở 88 phòng khám Quân - Dân Y kết hợp và các bệnh xá xã biên giới. Năm năm qua (2004 - 2009) đã khám và điều trị cho 750.000 lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá 420 triệu đồng; ngoài ra, còn phối hợp tuyên truyền cho nhân dân phòng chống dịch bệnh, HIV/AIDS, vận động thực hiện vệ sinh môi trường, thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học; đã trực tiếp giảng dạy 150 lớp xóa mù chữ cho 5.000 học viên, 120 lớp phổ cập giáo dục tiểu học. Thực hiện chương trình phối hợp với ngành văn hóa, thông tin đến nay ở hầu hết các xã, bản khu vực biên giới đều được trang bị các thiết chế văn hóa, có hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt hệ thống thu truyền hình, xây mới, củng cố, nâng cấp nhà văn hóa... Các đơn vị thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức sưu tầm, khai thác gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các chương trình thông tin, văn hóa, văn nghệ để kết hợp phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng quân dân biên giới.
Nét nổi bật trong những năm qua là Bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ nhân dân xây dựng phong trào quần chúng tham gia "tự quản đường biên, cột mốc", qua phong trào này chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân đã nhận thức rõ hơn về yêu cầu công tác bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay, nắm vững được thực trạng đường biên giới quốc gia và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thù địch, phản động và các loại tội phạm khác. Nhân dân các xóm (bản) giáp biên, các chủ tàu, thuyền, bến bãi ở vùng biển đã tự giác đăng ký tham gia phong trào tự quản và tích cực thực hiện các nội dung đã cam kết. Qua 5 năm (2004 - 2009) thực hiện đã cho thấy: Hiệu quả công tác nắm tình hình, phát hiện vụ việc nhanh chóng hơn, các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, hay các tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo đã được quần chúng nhân dân phát hiện, thông tin sớm cho lực lượng chuyên trách xử lý, ngăn chặn kịp thời. Các tổ tàu thuyền đánh bắt xa bờ được trang bị phương tiện thông tin liên lạc trực tiếp phục vụ việc đi lại, làm ăn, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho các thành phần kinh tế hoạt động trên biển; đồng thời, qua đó cũng bảo đảm cho việc cung cấp thông tin phản ánh kịp thời tình hình về chủ quyền lãnh thổ, về an ninh trật tự trên vùng biển, đảo nước ta cho Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng.
Cùng với hoạt động tự quản về đường biên, cột mốc biên giới, các hoạt động tự quản về an ninh trật tự cũng được tổ chức rộng khắp trên tất cả các tuyến biên giới, với sự ra đời của hàng nghìn tổ, đội, thôn, xóm tự quản. Nhiều địa phương đã lồng ghép phong trào tự quản với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" thông qua việc tổ chức xây dựng các hương ước, quy ước, quy chế của từng dòng họ, buôn, làng, thôn, bản. Cùng với những quy định về việc tự giác xóa bỏ các tập tục, thói quen lạc hậu hay bài trừ các tệ nạn xã hội về ăn, ở, sinh hoạt hợp vệ sinh... còn quy định rõ các nội dung tự quản về an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia như: không vượt biên trái phép, không di dịch cư tự do; không theo kẻ xấu hoạt động tôn giáo trái phép; không sử dụng, tàng trữ, buôn bán các chất ma túy... Gần 1.700 thôn, bản, buôn trên các tuyến biên giới được công nhận là làng văn hóa trong thời gian vừa qua cũng chính là những thôn, bản, buôn, làng tự quản rất tốt về an ninh trật tự. Các mô hình "tàu thuyền, bến bãi an toàn", "Họ đạo gương mẫu", "Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận" đang tiếp tục phát huy tác dụng và được nhân rộng ở các địa phương tuyến biển. Đã xuất hiện thêm nhiều mô hình mới, cách làm mới có hiệu quả như "Gia đình người Mông văn hóa", "Thôn, bản không có người theo bọn xấu hoạt động tôn giáo trái phép" ở các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La...; hay "Gia đình cựu chiến binh gương mẫu", "Làng thanh niên văn hóa", "Buôn làng không có người vượt biên trái phép" ở Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum... Các mô hình này đã làm phong phú, đa dạng và sinh động cả về nội dung, hình thức cũng như phương pháp tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản trên các tuyến biên giới.
Từ năm 2007 đến nay, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực tiếp xây dựng các mô hình, dự án giúp nhân dân ở các xã, phường biên giới, hải đảo phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương này đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và phương thức giúp dân của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng; đòi hỏi các đơn vị phải thật sự sâu sát đời sống của đồng bào ở các thôn bản, nắm bắt đúng nhu cầu dân sinh cũng như tiềm năng, nguồn vốn, lợi thế các mặt để xây dựng và thi công các dự án, công trình vật chất, tinh thần cụ thể, thiết thực phục vụ đời sống dân sinh trên biên giới, với tinh thần "làm nhiều, nói ít" để "phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", thật sự làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã triển khai trên 20 dự án định canh, định cư, đường giao thông, đường điện, nước sinh hoạt cụm dân cư với số vốn là 280 tỉ đồng. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh lựa chọn 3 mô hình ở 3 tỉnh (Sơn La, Kon Tum và Tây Ninh) để chỉ đạo điểm. Trong năm qua Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã lựa chọn và đang triển khai 150 mô hình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, trong đó có 49 mô hình cấp tỉnh, 101 mô hình cấp đồn biên phòng. Các mô hình dự án cấp tỉnh tập trung vào phát triển toàn diện ở một xã, giai đoạn trước mắt đã tập trung làm thí điểm ở một thôn, bản. Mô hình cấp đồn biên phòng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, quy hoạch dân cư xã, bản biên giới gắn với chủ trương và kế hoạch của địa phương, phát triển kinh tế hộ gia đình, đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng thôn, bản, ấp văn hóa; làm đường, sửa đường giao thông nông thôn, giúp dân sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà tình thương, khám chữa bệnh cho dân, xóa mù chữ... Một số đơn vị triển khai tốt như Bộ đội Biên phòng Lai Châu triển khai mô hình củng cố hệ thống chính trị xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ; Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã xây dựng mô hình củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé; Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa triển khai và nhân rộng mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) của đồn 493 - Pù Nhi và tại các xã thuộc huyện Mường Lát; Bộ đội Biên phòng Nghệ An với mô hình củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh xã Tam Hợp, huyện Tương Dương...
Qua việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở vùng biên giới hải đảo, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, phải làm cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và quân đội. Qua đó, xây dựng được ý thức giác ngộ, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng tạo thực hiện các chủ trương chính sách đó ở từng cấp từ cơ quan đến cấp cơ sở sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
Thứ hai, huy động sức mạnh tập thể, cá nhân trong lực lượng và các cơ quan hữu quan để xác định rõ nhiệm vụ và xây dựng tốt mục tiêu, kế hoạch từ các cấp trong mỗi chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Thứ ba, phát huy tốt việc liên kết phối hợp giữa các cơ quan liên quan để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ khâu lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, đặc biệt là phân công rõ trách nhiệm cụ thể và kiểm tra chặt chẽ quá trình hoạt động, cũng như nhanh chóng phát huy mặt tốt và hạn chế tiêu cực trong hoạt động này.
Thứ tư, giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, năng lực tốt, có sự giác ngộ và có thái độ tốt phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đơn vị thông qua việc chấp hành tốt luật pháp của Nhà nước, quy định của đơn vị và trách nhiệm cá nhân. Có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy hết năng lực của cán bộ, chiến sĩ trong việc giúp đỡ nhân dân ở địa bàn được phân công.
Thứ năm, sâu sát thực tiễn cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, giúp đỡ nhân dân, giáo dục tuyên truyền nhân dân giác ngộ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là phát huy cao độ sự sáng tạo tích cực tự lập, tự cường cũng như tận dụng tối đa sức người, sức của của đồng bào vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc trong mọi tình huống./.
Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/02/2010)
Năm 2009: Mở đầu kỷ nguyên đa cực mới  (02/02/2010)
Tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng  (02/02/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên