Lời Bộ Biên tập: Thực hiện Chỉ thị số 881/CT-TTg ngày 13-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 23-27- 6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống vinh quang của Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2009) và 20 năm ngày Biên phòng toàn dân (1989 - 2009), ngày 25-12-2008, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Đổi mới công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế". Trên 80 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội đã gửi đến tham gia Hội thảo.

Tạp chí Cộng sản xin giới thiệu bài tổng thuật cuộc Hội thảo này.

TỔNG THUẬT HỘI THẢO

Công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong thời gian qua

Các bài tham luận gửi đến Hội thảo đã tập trung nêu bật được bốn vấn đề chính. Đó là:

1 - Làm rõ và vận dụng sáng tạo những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam về biên giới quốc gia; về công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

2 - Vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và những yêu cầu mới đối với Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

3 - Những kết quả, hạn chế của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong nửa thế kỷ qua.

4 - Các giải pháp và kiến nghị để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Những ý kiến đều đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống biên giới nước ta với chiều dài biên giới đất liền là 4. 510 km, chiều dài bờ biển là 3.260 km, vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều nước như: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a.

Biên giới nước ta là ranh giới pháp lý quốc tế, là “phên dậu” xác định không gian sinh tồn của đời đời con cháu dân tộc Việt Nam; đồng thời, là không gian hợp tác, mở rộng giao lưu giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...

Đa số các ý kiến đều khẳng định: trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ... Tất cả đã được cụ thể hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, biển đảo và với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được coi trọng, nhận thức của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia đã được nâng lên một bước, nhất là sau khi Chính phủ có Quyết định lấy ngày 3 tháng 3 hằng năm là "Ngày Biên phòng toàn dân".

Khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo đầu tư bằng nhiều chương trình cụ thể, đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho đời sống kinh tế - xã hội khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Các tỉnh, thành trong cả nước đã tích cực hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo.

Cấp ủy, chính quyền nơi có biên giới đã tích cực, chủ động phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, biển đảo.

Tình hình kinh tế - xã hội ở các vùng biên giới, hải đảo đã có bước phát triển đáng kể, quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững; đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có bước cải thiện. Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội chúng ta đã coi trọng xây dựng nền biên phòng toàn dân và nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Trong xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, chúng ta đã coi trọng xây dựng về tổ chức, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; xây dựng các phương án phòng thủ tác chiến, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng lực lượng làm nhiệm vụ, coi trọng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và ổn định; đã có nhiều văn bản, hiệp ước, hiệp định, quy chế biên giới ký kết với các nước láng giềng, tích cực phối hợp cùng các nước láng giềng giải quyết những vấn đề nảy sinh để giữ ổn định biên giới.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế. Đó là: trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới còn rất thấp, tình trạng du canh, du cư ở một số tỉnh, khu vực biên giới chưa được khắc phục. Đời sống đại bộ phận dân cư biên giới tuy đã được cải thiện sau hơn 20 năm đổi mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống văn hóa nghèo nàn, lạc hậu, số người mù chữ còn nhiều, y tế kém phát triển... Cơ sở chính trị ở một số địa phương còn yếu, chưa tương xứng với vị trí tuyến đầu Tổ quốc. Kết cấu hạ tầng kém phát triển. Hệ thống đường giao thông chưa liên hoàn, khi xảy ra thiên tai thường bị chia cắt, nhiều khu dân cư và đồn biên phòng chưa có điện lưới quốc gia, nguồn nước sinh hoạt thiếu, nhất là nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. An ninh trật tự trên biên giới, biển đảo còn diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia, tội buôn lậu, buôn bán phụ nữ, trẻ em gia tăng. Tình trạng xâm canh, xâm cư, vi phạm lãnh thổ, hoạt động truyền đạo trái phép còn diễn ra phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, địa bàn biên giới phức tạp, còn nhiều khó khăn hòng chống phá cách mạng nước ta...

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, những tồn tại yếu kém trên có nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế nước ta còn ở trình độ phát triển thấp kém, từ những tác động của mặt trái của cơ chế thị trường. Song, nguyên nhân chính là do nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ về vị trí chiến lược của biên giới, chưa đặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngang tầm với nó; chưa thật coi trọng việc đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo - một bộ phận hữu cơ trong chiến lược quốc phòng, an ninh; việc xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương chưa thật rõ ràng, cụ thể, trong tổ chức thực hiện còn dàn đều, phân tán, thiếu tập trung dứt điểm; chưa phát huy được sâu rộng phong trào quần chúng rộng rãi trong quản lý, bảo vệ biên giới trong điều kiện mới; chưa có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để ngăn chặn tệ nạn buôn lậu qua biên giới, nhất là buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới còn chậm, nhiều văn bản pháp quy không còn phù hợp chưa kịp thời sửa đổi; thiếu một số văn bản cần thiết; không ít văn bản chưa tạo hành lang pháp lý, thống nhất để xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, biển đảo.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sôi động và có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, trong đó có tác động mạnh đến nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Đây là một nội dung quan trọng cần đặc biệt lưu ý trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã khẳng định, trong khi tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không được lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh, trong đó có thực hiện tốt việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia.

Xuất phát từ tình hình thế giới ngày nay đang diễn biến hết sức phức tạp, nhân loại đang đứng trước những vấn đề mang tính chất toàn cầu, có ý nghĩa sống còn như bảo vệ môi trường, chống bệnh tật hiểm nghèo, chống nghèo nàn lạc hậu... mà không một nước nào có thể độc lập giải quyết được. Tất cả các nước, không phân biệt giàu nghèo, mạnh yếu, lớn nhỏ, chế độ chính trị xã hội... phải hợp tác chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Cho nên, trong quan niệm về biên giới, về cách xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, theo các ý kiến tại Hội thảo, cũng phải có sự đổi mới để làm sao biên giới quốc gia vừa là phên dậu, là pháp lý bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên, độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc; đồng thời, vừa là nơi hợp tác, giao lưu trên nhiều lĩnh vực của nước ta với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, mở rộng hội nhập tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, với phương châm: Việt Nam là bạn với tất cả các nước. Đặc biệt, từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng tạo ra nhiều điều kiện để đất nước phát triển nhanh. Cùng với nó là xóa bỏ nhiều rào cản ở biên giới để sự giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa nước ta và các nước thuận tiện hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân các quốc gia qua lại biên giới nhiều hơn, các khách du lịch đến khu vực biên giới nhiều hơn; cộng đồng dân cư ở khu vực biên giới được mở rộng giao lưu, có thêm điều kiện thuận lợi nâng cao dân trí...

Xuất phát từ những thành tựu và những hạn chế của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong 50 năm qua và trước những tác động tích cực, cũng như tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các đại biểu đều nhấn mạnh tính tất yếu đòi hỏi công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới cần được đổi mới để bảo đảm vừa có sự mở cửa thông thoáng, vừa giữ vững được an ninh biên giới, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Đổi mới công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Đổi mới công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho phù hợp với yêu cầu mới của thời kỳ hội nhập phải theo nguyên tắc:

1 - Bảo đảm sự thiêng liêng bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia.

2 - Phát huy được cả hai chức năng cơ bản của biên giới là hàng rào pháp lý và không gian hợp tác.

3 - Đổi mới toàn diện, đồng bộ tất cả các khâu, bảo đảm mối quan hệ biện chứng giữa các khâu xây dựng - quản lý - bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

4 - Tiến hành đổi mới cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và làm chủ của nhân dân, lấy lực lượng bộ đội biên phòng làm nòng cốt.

Các ý kiến tham luận trong hội thảo thống nhất cho rằng, để đổi mới, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cần làm tốt các nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở miền núi, biên giới, biển đảo; đề cao cảnh giác trước các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo với phương châm: Nhà nước cần có chính sách đặc biệt, có cơ chế chính sách "ưu tiên". Rà soát, bổ sung kế hoạch về xây dựng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển đảo; phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở khu vực biên giới, xóa đói, giảm nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa khu vực biên giới với các khu vực khác về phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Coi trọng sự chỉ đạo xây dựng cơ sở, địa bàn dân cư ở khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để quản lý, bảo vệ biên giới. Triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng các trung tâm cụm xã, miền núi, vùng cao và các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra. Hình thành các cụm làng, xã biên giới trên cơ sở kế hoạch kinh tế và mục tiêu lâu dài về quốc phòng, an ninh, tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ biên cương Tổ quốc. Có kế hoạch và chính sách khuyến khích đưa dân ra làm ăn sinh sống ở sát biên giới, đồng thời tập trung xây dựng các trung tâm kinh tế, thị trấn, thị xã, khu kinh tế mở, các dự án phát triển kinh tế quốc phòng, tạo thế đứng chân vững chắc ở biên giới.

Nghiên cứu, nâng cấp và mở thêm một số tuyến đường giao thông tạo thế liên hoàn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Cần có khoản ngân sách riêng đầu tư xây dựng, khai thác thế mạnh của rừng, biển đảo. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến phòng thủ biển đảo. Bố trí dân sinh sống ở các đảo có vị trí quan trọng. Đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn tàu đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời có chính sách khuyến khích, bao tiêu sản phẩm, tổ chức dịch vụ và công tác bảo vệ bảo đảm cho ngư dân yên tâm làm ăn trên biển.

Ba là, đối với các địa phương có biên giới, biển đảo cần chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo; phát huy cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, lực lượng vũ trang làm tham mưu, Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt, chuyên trách trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo.

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới, biển đảo để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những văn bản mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

Bốn là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, vững mạnh chính quy, từng bước hiện đại làm nòng cốt cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo. Nghiên cứu đầu tư xây dựng, trang bị vũ khí phương tiện, kỹ thuật đủ điều kiện thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, sớm có cơ chế phối hợp, hiệp đồng các lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý bảo vệ biên giới, biển đảo.

Năm là, Bộ đội Biên phòng và các ngành hữu quan cần tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký kết các hiệp ước, hiệp định, quy chế về biên giới giữa nước ta và các nước láng giềng để ổn định biên giới lâu dài, tạo điều kiện mở mang, giao lưu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; mở rộng hợp tác với lực lượng vũ trang các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, biển đảo của nước ta.

Một số kiến nghị cụ thể

Kết thúc Hội thảo, Thiếu tướng, Thạc sĩ Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tóm tắt một số nội dung quan trọng đã được trình bày tại Hội thảo, đồng thời tổng hợp lại những kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo:

Thứ nhất, Chính phủ có kế hoạch trình Quốc hội ban hành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về biên giới, biển đảo; ban hành quy định về sự phối hợp các lực lượng hoạt động trên biên giới, biển đảo; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nghị định về quy chế khu vực biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng cho phù hợp, tạo cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai có hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về biên giới, quan tâm xây dựng để sớm có Chiến lược biên giới; bảo đảm sự ổn định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, để Bộ đội Biên phòng có điều kiện thuận lợi nâng cao về tổ chức, chuyên sâu về nghiệp vụ, tiến lên chính quy, hiện đại. Chính phủ sớm có chiến lược và quy hoạch tổng thể xây dựng và củng cố khu vực biên giới vững mạnh, dành khoản ngân sách tập trung của Nhà nước để đầu tư trực tiếp cho các dự án xây dựng biên giới như: kết cấu hạ tầng, lâm nghiệp, thủy lợi, các khu kinh tế, các cụm xã. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh trên cơ sở nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở địa bàn vùng biên giới. Đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, sĩ quan và chiến sĩ lực lượng vũ trang người dân tộc thiểu số. Đầu tư nâng cấp các trường nội trú để giải quyết nguồn cán bộ là con em người dân tộc thiểu số ở miền núi và biên giới, hải đảo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược này.

Thứ tư, Chính phủ quan tâm đầu tư cho ngư dân hoạt động, làm ăn sinh sống trên các vùng biển Việt Nam để ngư dân có điều kiện thuận lợi bám biển và là lực lượng tại chỗ tiềm năng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật đủ mạnh cho các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công an và các lực lượng khác làm nhiệm vụ trên biên giới, hải đảo.

Thứ năm, Nhà nước khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc biệt có sức thu hút mạnh đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia, trước mắt, mau chóng sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp, nhất là chính sách đối với lực lượng hoạt động chuyên trách trên biên giới, biển đảo; chính sách đưa dân ra làm ăn sinh sống trên biên giới, biển đảo./.