Tạo quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn

Lê Trọng PGS.TS, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển
12:34, ngày 07-03-2012
TCCSĐT - Bảo đảm quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ là một nội dung cực kỳ quan trọng trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, tạo cơ sở để phụ nữ có các quyền bình đẳng khác nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay.
I. Sự cần thiết của quyền bình đẳng giới về kinh tế

Quyền bình đẳng giới về kinh tế là một nội dung rộng lớn, có tính quyết định việc thực hiện quyền bình đẳng giữa nữ giới và nam giới, đồng thời, còn tác động đến việc thực hiện quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, khoa học - công nghệ, văn hoá, xã hội, dân tộc và cả giữa các vùng, miền, đặc biệt trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Vấn đề này căn bản đã được Nhà nước công bố trong Hiến pháp, luật pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây, cũng như nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Nó được coi là một nội dung cách mạng thực hiện quyền con người - quyền cơ bản, tối thượng và bất khả xâm phạm của mọi người - mà trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới. Trong quá trình thực hiện quyền bình đẳng giới giữa nữ và nam từ năm 1945 đến nay, nhìn chung, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích rất cách mạng, giảm bớt sự bất bình đẳng nam nữ do lịch sử trọng nam khinh nữ "nhất nam viết tử, thập nữ viết vô" từ hàng nghìn năm để lại. Tuy nhiên, do bề dày lịch sử của truyền thống, tập tục của các dân tộc, vùng, miền có những đặc trưng khác nhau, đã từng khắc sâu vào tâm khảm, vào tư duy của từng tộc người, từng giới, đồng thời, do trình độ học vấn, kiến thức, sự hiểu biết về luật, về giới, bình đẳng giới, hòa nhập giới từ cán bộ đến người dân, nhất là trong khoảng 70% dân số gồm các thế hệ nam, nữ nông dân sống khắp các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng núi cao, hải đảo còn hạn chế, nên còn rất nhiều vấn đề bất bình đẳng về giới đang tồn tại. Chẳng hạn, nếu tính tất cả lượng hao phí lao động ra thời gian lao động thì nữ nông dân đã làm nhiều hơn nam nông dân, nhưng tính chi dùng cho ăn uống thì họ chỉ bằng 0,7 lần so với nam nông dân. Như vậy, số lượng hao phí lao động của phụ nữ nông nghiệp là nhiều nhất, với điều kiện lao động khó khăn, nặng nhọc nhất, nhưng hưởng thụ lại ít nhất (1). Điều này lại diễn ra như có tính quy luật và chừng nào nền kinh tế của đất nước, của từng vùng, từng tộc người và từng gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thì người nữ nông dân ở đó còn phải gánh chịu đói nghèo nhiều nhất.

Nước ta vẫn còn là nước nghèo, tỷ lệ số hộ đói nghèo cao, chủ yếu tập trung ở nông thôn, điều đó có nghĩa là phụ nữ nông thôn vẫn phải chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống và điều này ảnh hưởng nhiều mặt đến những vấn đề kinh tế - xã hội khác của đất nước và gia đình. Chính vì vậy, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng ký ngày 24 -12 - 2010 theo Quyết định 2351/QĐTTg đã chú trọng đến quyền bình đẳng giới về kinh tế nhằm tạo sự bình đẳng cho phụ nữ nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở nước ta.

II. Các vấn đề cần giải quyết để tạo quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra một số mục tiêu cơ bản cần đạt được như sau:

a) Mục tiêu chung

Không ngừng nâng cao năng lực cho phụ nữ nhằm bảo đảm sự tham gia ra quyết định của họ trong các hoạt động phát triển kinh tế để góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững.

b) Những mục tiêu cụ thể về trao quyền bình đẳng kinh tế cho phụ nữ (đến năm 2020)

- Nâng cao dần năng suất lao động bình quân lên 3% - 4%/năm trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và chuyển dịch lao động theo hướng vừa thực hiện thâm canh nông nghiệp toàn diện, vừa chuyển dần 50% - 60% lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, bảo đảm sử dụng đầy đủ và hợp lý sức lao động, đưa tỷ suất sử dụng sức lao động lên 85%/năm gắn với việc không ngừng hoàn thiện điều kiện lao động theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

- Phấn đấu giảm dần cường độ lao động, đưa tổng số giờ lao động nữ (gồm các loại công việc) trong ngày, trong tuần, trong năm đến mức hợp lý và ngang với nam giới.

- Phân công và tạo những điều kiện để lao động nữ không phải làm những công việc độc hại có thể để lại di hại cho các thế hệ con cháu mai sau.

- Nâng dần mức sống của lao động nữ (nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo) lên ngang mức sống chung của gia đình, xã hội (có cùng hao phí lao động) trên cơ sở xóa đói nghèo và tăng trưởng GDP chung cho nền kinh tế quốc dân và kinh tế nông thôn từ 7% - 8%/năm (tới năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 - 3.200 đô la/năm.

- Nâng cao tri thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, quản lý kinh tế, quản lý xã hội và trình độ chính trị để trao quyền cho chị em nữ giữ các chức vụ, nhất là chức vụ lãnh đạo về kinh tế, trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện đồng bộ công tác kế hoạch hóa gia đình, trong đó có kế hoạch sinh đẻ, mỗi gia đình ở nông thôn chỉ nên có 1 đến 2 con.

Để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới về kinh tế như đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trước mắt cần tập trung giải quyết hai vấn đề cụ thể:

(1) Xác định và hoàn thiện hệ thống luật và cơ chế chính sách để nữ giới được đưa ra các quyết định tạo quyền kinh tế cho phụ nữ.

(2) Tăng cường vai trò, vị trí của phụ nữ trong việc quyết định các vấn đề kinh tế của gia đình và cộng đồng.

Hai vấn đề này được giải quyết sẽ là cơ sở pháp lý và xã hội để tạo quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ trên các mặt sau:

- Quyền bình đẳng sở hữu tài sản và quyền lực chi phối, bao gồm quyền sử dụng đất đai (có ghi tên cả vợ lẫn chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong giấy tạo lập nhà ở), quyền sở hữu các tư liệu sản xuất và những tài sản sinh hoạt có giá trị lớn.

- Quyền quyết định và tham gia quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghề nghiệp (trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ của kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã và trong các doanh nghiệp), tạo việc làm để tăng thu nhập, đồng thời, chống được tình trạng bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ.

- Quyền hoàn thiện các quy định và thực hiện nghiêm minh chế độ tiền lương, tiền công mà lâu nay phụ nữ thường bị trả thấp hơn nam (dù có cùng lượng hao phí lao động như nhau) do xác định lượng hao phí lao động của những công việc nữ làm thường thấp vì tính thiên lệch về giới.

- Quyền quyết định và kiểm soát các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp (nữ công chức được hưởng chế độ lương nghỉ đẻ, lương con ốm mẹ nghỉ...), trợ giúp xã hội cho phụ nữ nghèo, tàn tật cô đơn.

- Quyền tiếp cận và kiểm soát các nguồn vay tín dụng chính thức và không chính thức, các nguồn vốn của Chính phủ và phi Chính phủ đầu tư cho những chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nông nghiệp và nông thôn.

- Quyền có tiếng nói trong các tổ chức, đấu tranh chống những tệ nạn xã hội. 

- Quyền quyết định việc nâng cao trình độ học vấn và sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản mà lâu nay phụ nữ và trẻ em gái thường phải cam chịu sự bất bình đẳng.

- Quyền phân công gánh vác những công việc nội trợ, nuôi dạy con trong gia đình và tham gia quyết định phân công lao động hợp lý những công việc sản xuất, dịch vụ cho các thành viên nam, nữ. Trong đó, không phân công công việc có tính chất độc hại (như phun thuốc sâu) cho phụ nữ, nhất là khi đang mang thai và cho con bú.

- Quyền quyết định việc bán sản phẩm, mua vật tư thông thường và tham gia quyết định các khoản tiền giá trị lớn, cũng như trong sinh hoạt hằng ngày ở gia đình (tiền học, chữa bệnh, hiếu, hỷ...)

III. Các giải pháp thực hiện nhằm tạo quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu những mục tiêu, việc cần làm nhằm tạo quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để làm được những nhiệm vụ đặt ra cần phải có những giải pháp cụ thể, được triển khai và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương. Thiết nghĩ, có một số giải pháp chủ yếu cần thực hiện ngay như sau:

Một là, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống luật và chính sách, cũng như các thông tư hướng dẫn thực hiện của Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các lĩnh vực nhằm tạo quyền bình đẳng kinh tế cho phụ nữ như nêu trên. Để làm được điều này có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp cùng các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng một chương trình cụ thể và lập một hội đồng tổng kiểm tra toàn bộ lại hệ thống luật và chính sách, xác định những chính sách nào chưa có hay đã có nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Ví dụ :

- Việc chưa ghi tên vợ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai (sổ đỏ). Vì, tính đến năm 1999 nếu còn đến 80%, thì đến năm 2010 con số này vẫn còn khoảng 60% phụ nữ mất quyền được ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Việc giao quyền thừa kế và các quyền khác trong lĩnh vực kinh tế như nhà ở, tư liệu sản xuất, tạo lập hợp tác xã, trang trại, lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các mối quan hệ về vai trò, vị trí kinh tế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng còn chưa được đánh giá đúng mức. Điều đó đã dẫn đến các tiêu cực, phụ nữ bị đối xử không công bằng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi vốn có nhiều định kiến về giới. 

Đồng thời, cần nghiên cứu để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những điều khoản chưa có, hoặc chưa hợp lý. Cố gắng phấn đấu đến năm 2020 việc trao mọi quyền cho phụ nữ được thực hiện có nền nếp, không còn cảnh cùng một chính sách mà mỗi tỉnh, mỗi xã lại có cách làm khác nhau theo kiểu "Phép vua thua lệ làng".

Hai là, tổ chức thực hiện giáo dục về giới bao gồm nhiều nội dung, đặc biệt coi trọng nội dung tạo quyền bình đẳng giới trong kinh tế, cho hệ thống cán bộ các cấp chuyên, bán chuyên hoặc có quan hệ công tác về giới, cho tất cả nam, nữ nông dân, cho học sinh từ trung học cơ sở đến đại học, đồng thời triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhằm thực hiện tốt việc này, Nhà nước cần có chương trình quốc gia thực hiện đồng bộ các nội dung sau đây (cho giai đoạn 2011 - 2012):

- Tổ chức biên soạn bài giảng, giáo trình và sách dạy các đối tượng nói trên. 

- Tổ chức các lớp đào tạo giảng viên.

- Tổ chức những lớp học cho hệ thống cán bộ chuyên và bán chuyên, cán bộ hoạch định chính sách có liên quan đến công tác giới từ trung ương đến cơ sở.

- Tổ chức các lớp học "mẫu" cho nữ, nam nông dân từ cấp tỉnh xuống đến huyện để rút kinh nghiệm.

- Tổ chức dạy cho học sinh thuộc hệ thống trường đào tạo nông, lâm, ngư nghiệp, coi đây như là một môn học.

- Tổ chức dạy cho học sinh phổ thông từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông và cho các trường dân tộc nội trú.

- Mở ra nhiều chuyên mục trên các báo, truyền hình, truyền thanh và lồng ghép trong các cuộc hội nghị, hội thảo lớn.

Ba là, phát triển mạnh hệ thống giáo dục văn hóa phổ thông hết cấp II, tiếp tục xóa nạn mù chữ và tăng cường đào tạo, từ dạy nghề đến đại học cho nữ ở các độ tuổi, sao cho tỷ lệ nữ được học đạt xấp xỉ so với nam giới (vào năm 2020) ở các khu vực và đến năm 2025 ở khu vực miền núi. Thực tế hiện nay, mặc dù có chủ trương mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo cho cả hai giới, song kết quả đạt được vẫn còn sự chênh lệch thiên về nam rất rõ trong đào tạo giữa cấp phổ thông trung học và cấp cao đẳng, đại học. Muốn bảo đảm quyền bình đẳng, quyền con người trong nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, nhất thiết phải xóa mù chữ cho đối tượng có độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi, đặc biệt là cho phụ nữ, bởi hiện nay, trong tổng số người mù chữ ở nông thôn thì nữ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nhằm nâng trình độ học vấn của nữ lên bằng nam lại đòi hỏi phải có chính sách, có biện pháp tương ứng, cùng với sự nỗ lực rất lớn của nữ giới thì mới có thể đạt được.

Bốn là, tăng dần đầu tư hệ thống công cụ lao động phù hợp với lao động nữ và đầu tư vật tư kỹ thuật theo yêu cầu thâm canh nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn phù hợp với lao động nữ theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn từ ngoài đồng ruộng đến trong nhà, từ chuồng ao, chăn nuôi đến trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để bảo đảm sử dụng đầy đủ, hợp lý sức lao động nhằm không ngừng tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và tích lũy tái sản xuất mở rộng.

Năm là, đưa các vấn đề về giới vào những chương trình quốc gia, trong đào tạo và cung cấp dịch vụ khuyến nông... Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ, nhất là bà mẹ đơn thân, nữ chủ hộ nghèo được tiếp cận các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công nhằm giúp họ áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, bảo đảm sản xuất và kinh doanh có hiệu quả cao.

Sáu là, tổ chức thông tin thị trường thường xuyên bằng những tờ rơi, bản tin tại những địa điểm thích hợp để giúp phụ nữ tiếp cận thị trường một cách có lợi, tránh việc mua vật tư hàng hóa giá đắt, bán sản phẩm giá rẻ, nhất là ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh.

Bảy là, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đầu tư nghiên cứu và xuất bản những bộ sách cẩm nang về kinh tế, kỹ thuật, kinh doanh cho phụ nữ, nam, nữ nông dân; đồng thời hướng dẫn họ làm theo. Trong bộ sách cẩm nang về kinh tế có thể có những vấn đề chủ yếu sau: Giới trong phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp nông thôn; Hướng dẫn kế hoạch làm ăn cho các hộ nông dân để xóa đói giảm nghèo bền vững; Phát triển bền vững kinh tế hộ nông dân gắn liền kế hoạch với hạch toán kinh doanh; Phát triển và quản lý trang trại trong kinh tế thị trường; Kinh tế hợp tác của nông dân trong nền kinh tế thị trường... Đối với các loại sách này Nhà nước và các bộ, các hội nên dùng vốn xóa đói giảm nghèo để mua và phát không cho phụ nữ, những hộ nông dân nghèo, cũng như tặng thư viện cho các xã nghèo.

Tám là, tăng cường số lượng phụ nữ nắm giữ các chức vụ quan trọng như bộ trưởng, chủ tịch, giám đốc sở..., nâng cao vị thế của phụ nữ trong việc hoạch định các chính sách kinh tế, quyết định ngân sách, giám sát thực hiện ngân sách từ trung ương đến cơ sở. Đồng thời, cần phát động, khuyến khích phụ nữ tham gia triệt để cuộc đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng vì không chỉ tham nhũng là cướp đoạt tiền của, tài sản của Nhà nước, của nhân dân - trong đó hơn 1/2 là của phụ nữ, có tác hại lớn đến sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, đến quyền lợi kinh tế của phụ nữ, mà còn thông qua việc tham gia cuộc đấu tranh này sẽ góp phần rèn luyện thêm cho phụ nữ đức tính "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

Chín là, tổ chức cán bộ gắn với cải cách hành chính. Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất trong việc giao quyền về kinh tế cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc này lại rất cần có những cán bộ lãnh đạo với nhận thức đúng, quan điểm lập trường rõ ràng và tâm huyết trong việc tạo quyền bình đẳng kinh tế cho phụ nữ.

Mười là, về tài chính, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn phải có dự toán ngân sách đầu tư hằng năm và cho cả thời kỳ thực hiện Chiến lược Giới này, đồng thời yêu cầu các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, đặc biệt các ủy ban quyền phụ nữ thuộc Ủy ban Kinh tế xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC) tài trợ để triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ đã đặt ra./.

----------------------------------------

(1) PGS.TS, Lê Trọng: Nền nông nghiệp hiện đại và vấn đề lao động nữ nông thôn, báo Nhân dân, ngày 17-3-1994