Xí nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế Ấn Độ
Theo đánh giá của ngân hàng thế giới, các xí nghiệp vừa và nhỏ, gọi tắt là SME (Small and Medium Enterprises) đang chiếm khoảng 60% GDP và 70% lực lượng lao động tại những nước có tổng thu nhập quốc dân (GNP) từ 100-500 USD/năm/người; đóng góp 55% GDP và chiếm 65% lực lượng lao động tại các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD). Đối với Ấn Độ, một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lên tới 9,4% - mức cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, cũng có sự đóng góp tích cực của SME trong lĩnh vực việc làm, xuất khẩu, mở rộng và đa dạng hoá các ngành công nghiệp…
Những chính sách hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ đối với các xí nghiệp vừa và nhỏ
So với nhiều nước đang phát triển như Ma-lai-xi-a, Thái Lan..., Ấn Độ là nước thực hiện sớm nhất và mạnh nhất các chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đặt thành phần này ở vị trí quan trọng trong chính sách kinh tế của mình.
Nhận thấy tính linh hoạt, tổ chức gọn nhẹ và hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong suốt 5 thập kỷ qua, chính sách của chính phủ Ấn Độ đã chú ý đến các SME và khẳng định sự cần thiết phải giúp đỡ để loại hình doanh nghiệp này phát triển và coi đây là khu vực ưu tiên. Chính vì thế, cùng với công cuộc cải cách và mở cửa, ngày 6-8-1991, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ. Nội dung của chính sách này là tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời trợ cấp định hướng xuất khẩu cho các đơn vị đó cũng được nâng lên. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trên các khía cạnh: khai thác thị trường, thúc đẩy sản xuất, nâng cao công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng đã được đưa ra. Luật về SME có hiệu lực từ tháng 10-2006. Ấn Độ đã có chính sách ưu đãi tiêu thụ sản phẩm, chính sách mặt hàng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, với mục đích bảo đảm sự phát triển, mở rộng khả năng tạo việc làm. Gần 360 mặt hàng được Chính phủ mua với giá cao hơn 15% so với giá chào hàng thấp nhất mà doanh nghiệp đưa ra. Các hợp đồng giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ cũng là một công cụ hữu hiệu trong việc thúc đẩy sự phát triển của cả hai loại hình doanh nghiệp trên. Cho đến nay, một mạng lưới rộng khắp các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đã được thành lập.
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ các SME thông qua việc thành lập những cơ sở công nghiệp, cung cấp dịch vụ, thành lập Quỹ đảm bảo tín dụng, đào tạo doanh nhân, hỗ trợ tín dụng để nâng cấp công nghệ, nâng cấp chất lượng các SME thông qua thực hiện các chứng chỉ ISO 9000 và ISO 14001, thành lập các trung tâm đánh giá SME…Một trong những khó khăn cơ bản của các SME là thiếu vốn. Tuy nhiên, từ tháng 8-2005, nỗi lo này phần nào đã được giải quyết. Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra “chính sách cả gói” đối với các SME, với trọng tâm là tăng cường tín dụng và cơ cấu lại các khoản nợ. Thủ tướng Ấn Độ cam kết sẽ tạo nhiều cơ hội cho SME, có những đảm bảo về xã hội cho công nhân trong các SME, sẽ tăng gấp đôi lượng tín dụng cho các SME, từ 16 tỉ USD trong năm 2005 lên 32 tỉ USD trong năm 2009 -2010.
Vai trò của xí nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế Ấn Độ
Theo thống kê: năm 1971-1972, Ấn Độ có 400.000 SME, chiếm 95% số lượng cơ sở công nghiệp, sản xuất hơn 7.500 mặt hàng, tạo ra 40% khối lượng giá trị gia tăng trong nền kinh tế, đóng góp 7% GDP. Năm 2006-2007 con số này lên tới 12,5 triệu nâng mức tăng trưởng của SME 13%, trong khi toàn ngành công nghiệp mức tăng trưởng chỉ đạt 11,5%. Với những gì đang có, SME đang thực sự là động lực cho sự phát triển của Ấn Độ. |
Sản lượng của các SME chiếm tới 50% tổng sản lượng công nghiệp Ấn Độ. Tỷ phần xuất khẩu của các SME đều tăng trong hầu hết các ngành. Giá trị xuất khẩu của SME đạt 50 tỉ USD trong năm 2006-2007, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ. Đóng góp chủ yếu của SME vào xuất khẩu là các ngành may mặc (27%), cơ khí (14,5%), hoá chất, dược phẩm, điện tử, máy tính và chế biến thực phẩm (11%/ngành).
Hơn 10 năm qua, SME là khu vực thứ hai sử dụng nhiều lao động sau nông nghiệp. Lao động trong các xí nghiệp này đã tăng lên một cách nhanh chóng, từ 1,298 triệu người trong năm 1987-1988 lên 31,2 triệu người trong năm 2006-2007. Trong những năm qua, cải cách đã làm cho kinh tế tăng trưởng tích cực, SME cũng đang mở rộng hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm.
Như vậy, kể từ khi tiến hành cải cách nền kinh tế đến nay, Ấn Độ đã chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của các SME. Đó là sự phát triển nhanh chóng của nó cùng với việc tìm tòi, khám phá những sản phẩm mới, mở ra khả năng kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Các SME đã áp dụng những kỹ năng, công nghệ mới, chứng tỏ sự bền vững và hiệu quả của nó trong cạnh tranh quốc tế.
Những ưu thế của SME: - Do quy mô nhỏ nên lượng vốn cho các SME không nhiều, vì vậy việc xây dựng các SME dễ dàng và chi phí trong qua trình hoạt động cũng không lớn... nên hiệu quả trong kinh doanh cao hơn.
- Khả năng cạnh tranh cao, mặc dù chất lượng hàng hoá của SME không cao, nhưng giá rẻ hơn nhiều, đã tạo nên lợi thế cho SME.
- Nguồn lao động dồi dào, do cách thức tuyển dụng lao động đơn giản, thuận lợi, dễ thu hút được nguồn nhân lực có khả năng nên các SME tiếp cận với nền kinh tế tri thức cũng nhanh hơn.
- Các SME dễ dàng trong chuyển đổi cơ chế họat động, linh hoạt trong thực tế vốn đầy phức tạp của kinh tế thị trường. |
Điều tra từ 136 xí nghiệp được lựa chọn của Ấn Độ cho thấy: các xí nghiệp vừa và nhỏ vừa có sự đổi mới nhanh hơn các xí nghiệp lớn, vừa có khả năng phục hồi nhanh chóng sau những biến động, chẳng hạn sau những cuộc khủng hoảng.
Triển vọng phát triển của SME trong một tương lai gần
Ấn Độ có lực lượng lao động đông vào bậc nhất thế giới, với kỹ năng khá tốt, cùng với trình độ tiếng Anh khá cao. Hằng năm, hệ thống giáo dục cung cấp cho thị trường lao động rất nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên. Trong thời đại khoa học công nghệ, Ấn Độ là một trong những thị trường công nghệ thông tin phát triển nhất, điều này giúp cho việc ứng dụng vào sản xuất kinh doanh thuận tiện hơn, đem lại hiệu quả cao hơn. Đó là những yếu tố thuận lợi giúp cho SME có thể phát triển nhanh chóng và bền vững. Thực tế đang diễn ra tại Ấn Độ cho thấy nhận định trên là đúng đắn: Các SME đang chuyển đổi theo hướng tập trung vào công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực khác nhau, vào các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, xuất khẩu trực tiếp, tránh qua các khâu trung gian để tăng lợi nhuận. Với sự hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế thế giới, các SME của Ấn Độ đang tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và nhấn mạnh đến hiệu quả cũng như quy mô hoạt động.
Không chỉ giới hạn trong nước, Ấn Độ còn ký hiệp định với nhiều nước về hợp tác giữa các SME, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, thu hút vốn, công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của SME. Ấn Độ cũng đã cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các SME tới 24%. Bang Tamil Nadu của Ấn Độ đang thành lập một đặc khu kinh tế có diện tích 250 ha, để đến 2010, sẽ thu hút khoảng 4 tỉ USD đầu tư từ các SME của Đài loan. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đã có nhiều giúp đỡ đối với các SME của Ấn Độ thông qua việc cung cấp tư vấn và đào tạo. SME có vai trò quan trọng không chỉ với Ấn Độ. Các ngân hàng nước ngoài cũng đang nhận ra lợi ích của họ từ các SME và đang tập trung vào đây. Một số ngân hàng đang tìm cách tiếp cận SME thông qua các kênh tài chính, số khác lại đang cố gắng cùng với các nhà công nghiệp tham gia vào chiến lược ổn định các SME, qua đó tìm cách thâm nhập vào chúng nhằm tìm ra lĩnh vực kinh doanh mới với hiệu quả cao hơn so với việc đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống.
Cùng với công cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ đang diễn ra rất mạnh mẽ và có hiệu quả, các SME đang thay đổi theo nhiều cách khác nhau, nhưng kết quả chung là sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, có sức mạnh hơn và sẵn sàng đối phó với cạnh tranh trên thế giới. Không chỉ tự cải cách, các SME còn đang đang tăng cường hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu đến ứng dụng, từ sản xuất đến tiêu thụ, vì thế vai trò của nó ngày càng tăng lên trong thực tế. Có thể, trong tương lai gần, các SME sẽ trở thành xương sống của nền kinh tế nói chung và nền công nghiệp nói riêng.
Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên trong xu thế đổi mới, hội nhập  (16/04/2008)
Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên trong xu thế đổi mới, hội nhập  (16/04/2008)
Giá trị bền vững của đề cương văn hoá Việt Nam  (16/04/2008)
Bảy thách thức đối với Việt Nam sau một năm gia nhập WTO  (16/04/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên