Eurozone - ngàn cân treo sợi tóc
Vào thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro (Eurozone) là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu (OECD), công bố ngày 28-11 vừa qua. Không còn nghi ngờ khi cho rằng, châu Âu hiện là “mắt xích” yếu nhất trong toàn bộ nền kinh tế thế giới, đang phải trải qua thời kỳ hết sức khó khăn. Để giảm thiểu nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái, các nhà lãnh đạo châu Âu cần nhanh chóng tăng vốn cho Quỹ Bình ổn tài chính lên khoảng 3.000 tỉ euro và tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế ở cấp quốc gia. Ông Pier Carlo Padoan, Kinh tế trưởng của OECD cảnh báo, nếu không cung cấp nguồn “hỏa lực đủ mạnh và đáng tin cậy” để ngăn chặn việc bán ra trong thị trường trái phiếu chính phủ ở Eurozone, thì khu vực này sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Tổ chức Xếp hạng tín dụng quốc tế Moody cũng lên tiếng cảnh báo, chỉ số tín dụng quốc gia của tất cả các nước thành viên EU đang bị đe dọa. Trong “Bình luận đặc biệt” về vấn đề trên, Moody nhấn mạnh: Nếu không có các chính sách bình ổn thị trường trong ngắn hạn, rủi ro về tín dụng sẽ ngày càng tăng cao. Moody còn cho rằng, sự bất ổn chính trị tại Hy Lạp và Italia cũng như bầu không khí u ám bao phủ nền kinh tế Eurozone đang làm gia tăng nguy cơ “về một kịch bản còn bi đát hơn” và “viễn cảnh vỡ nợ hàng loạt ở các nước khu vực này đã không còn xa vời". Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha đều đã bị hạ mức xếp hạng tín dụng. Tây Ban Nha và Italia hiện đang trong giai đoạn chờ kết quả kiểm toán của các chuyên gia kiểm toán quốc tế. Trước đó, Pháp cũng đã phải tuyên bố mạnh tay cắt giảm ngân sách, do Moody cảnh báo nước này có thể không duy trì được điểm tín nhiệm AAA. Theo Moody, nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm giờ đây đã không loại trừ bất kể quốc gia châu Âu nào, kể cả những nước được coi là vững chắc như Hà Lan, Áo, Phần Lan và thậm chí, cả Đức và Pháp.
“Con thuyền Eurozone” sẽ trôi về đâu?
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu chật vật tìm một giải pháp đáng tin cậy cho cuộc khủng hoảng nợ công, thì nguy cơ về một hoặc nhiều nước rời bỏ Eurozone ngày càng tăng. Điều đó khiến giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới quan sát hoài nghi chính giả thiết của họ: Một châu Âu ngày càng thống nhất sẽ đóng vai trò quan trọng trong thế giới đa cực mới.
Ông Thomas Barnett, nhà chiến lược hàng đầu của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Wikistrat tại Mỹ, nói: “Mỹ, một trong những trụ cột quan trọng của toàn cầu hóa, đang bước vào giai đoạn khó khăn và đang hướng nội. Trong khi, châu Âu, một trụ cột chính khác, xem ra sắp nổ tung".
Rõ ràng, vai trò của châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế đã bị giảm sút đáng kể. Thậm chí, nếu cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone biến mất nhờ một phép màu nào đó, thì các nhà chiến lược cũng không thể không xem xét lại quan điểm của mình về châu Âu. Họ không còn cho rằng, châu Âu đang vững bước trên con đường hội nhập để trở thành một khối đồng nhất. Chí ít, thế giới sẽ phải “làm quen” với một châu Âu không còn tự tin và ít muốn can dự vào các vấn đề quốc tế. Uy tín của châu Âu nói chung và của một thế hệ những nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế lừng danh của châu lục này nói riêng, đã bị sứt mẻ nghiêm trọng, hầu như không thể cứu vãn được. Bài học từ châu Âu cũng khiến các khu vực khác từng muốn thành lập khối khu vực theo kiểu EU phải nghĩ lại.
Báo giới không ít lần buộc phải khẳng định, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã vượt tầm kiểm soát và châu Âu đang đối diện với nguy cơ sụp đổ. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã hơn một lần thẳng thừng cảnh báo rằng, nếu các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp, Ailen, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha… không được hỗ trợ, đồng euro sẽ sụp đổ và nhãn tiền sẽ là một châu Âu hỗn loạn. Người ta không thể tìm ra một giải pháp hợp pháp và có thể thực thi. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng không thể cứu trợ các chính phủ bằng cách in thêm tiền.
Giải pháp nào cho Eurozone?
Đức và Pháp đã đề cập đến việc xé nhỏ Eurozone bằng cách cho các quốc gia yếu kém nhất rời khỏi khu vực này nhưng vẫn ở trong EU. Bởi trên thực tế, “bàn tay không che nổi mặt trời”, Italia và Tây Ban Nha đang theo chân Hy Lạp, và hai quốc gia này là quá lớn đối với sự cứu trợ của Eurozone.
Tuy nhiên, theo thẩm định của Moody, nhìn tổng thể, Eurozone có sức mạnh kinh tế và tài chính khổng lồ, nhưng sự yếu kém của các định chế tiếp tục ngăn cản việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng và tác động đến mức điểm tín nhiệm của các nước. Ngoài ra, sự thiếu vắng các biện pháp chính trị giúp ổn định các thị trường và mức độ rủi ro tín dụng của các nước châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng. Thách thức đối với các nước khu vực lúc này chính là phải xây dựng được một chiến lược đáng tin cậy nhằm giải quyết khủng hoảng cho các thị trường. Nhật báo "La Croix" (Chữ thập) của Pháp, số ra ngày 28-11 vừa qua, cho rằng, chiến lược đó phải đáp ứng đủ 5 điều kiện: Thứ nhất, các nước Eurozone phải có sự ổn định chính trị, là tiền đề để thực thi hàng loạt chương trình "thắt lưng buộc bụng" trong một thời gian dài. Thứ hai, chính phủ các nước này phải ưu tiên giảm nợ công, giảm chi tiêu. Thứ ba, nền kinh tế các nước này phải tăng trưởng trở lại, bởi chỉ riêng các biện pháp khắc khổ sẽ không đủ để vực dậy các nước đang trong tình trạng kinh tế bấp bênh. Thứ tư, chính phủ các nước này phải quản lý tốt đồng euro, gia tăng sức ép để ECB đóng vai trò "nhà cho vay cuối cùng" và vì vậy, ECB sẽ tìm cách mua không hạn chế trái phiếu của các nước đang rơi vào tình trạng kinh tế bấp bênh để ngăn chặn sự gia tăng lãi suất vay mượn. Nếu nền tài chính của Tây Ban Nha hoặc Italia sụp đổ, Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu sẽ không đủ khả năng giải quyết, và khi đó, ECB lại từ chối can thiệp, thì nền tài chính của các nước sẽ rơi vào rối loạn, đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của đồng euro. Thứ năm, cần phát hành trái phiếu châu Âu để thay thế một phần hoặc toàn bộ các khoản vay mượn của nhiều nước. Đây là đề xuất được Ủy ban châu Âu ủng hộ, song nó đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của Đức với ý kiến cho rằng, "châu Âu thường bị các lực ly tâm chi phối" và một số quốc gia có thể quyết định rút khỏi Eurozone sau khi phá sản.
Chưa rõ khi nào các quốc gia “cầm trịch” trong Eurozone thống nhất được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, mà chỉ thấy một điều đã quá rõ ràng: “con thuyền Eurozone” chắc chắn sẽ không thể “chèo chống” quá lâu trước những “cơn sóng cả”./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Belarus Mikhail Myasnikovich  (30/11/2011)
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội  (29/11/2011)
Đồng chí Tô Huy Rứa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của văn phòng ban tổ chức cấp ủy  (29/11/2011)
Cần có định hướng chiến lược cơ bản, lâu dài cho công tác phụ nữ  (29/11/2011)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên