1. Tuần lễ các sự kiện của nước Nga. Tuần qua, đã diễn ra 3 sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội và quân sự quan trọng không chỉ đối với nước Nga, mà có thể nói, ở mức độ nhất định, đối với cả thế giới: tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên thệ nhậm chức và chính thức nhận sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống V.Pu-tin; Quốc hội Nga phê chuẩn chức Thủ tướng Nga cho ông V.Pu-tin và cuộc Duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng (09-05-1945 - 09-05-2008) tại Quảng trường Đỏ. Cả 3 sự kiện này gắn kết với nhau, tạo thành ấn tượng mạnh mẽ và đậm nét về một nước Nga đang vững tin, đầy nghị lực sáng tạo và chan chứa hy vọng hướng tới vị thế một cường quốc chính trị, kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn tới quá trình hình thành trật tự thế giới mới đa cực. Trong Lời tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống D.Medvedev nói: “...Nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp tục phát triển quyền tự do kinh tế và công dân, tạo ra những khả năng mới, những khả năng rộng rãi nhất để các công dân có thể tự thể hiện mình là những công dân tự do và có trách nhiệm về sự thành công của bản thân mình cũng như về sự phồn vinh của cả đất nước.
Chính những con người như vậy đang tạo nên phẩm giá cao cả của dân tộc và là nguồn lực của quốc gia - một quốc gia ngày nay có cả những tài nguyên cần thiết cũng như nhận thức rõ ràng về lợi ích dân tộc của mình...”; “...phải làm để cho nhà nước chúng ta trở thành một nhà nước thật sự công bằng và chăm lo cho dân, đảm bảo có được những tiêu chuẩn sống cao nhất, sao cho ngày càng nhiều người có thể coi mình thuộc tầng lớp trung lưu, có thể nhận được nền giáo dục tốt và những dịch vụ chất lượng trong lĩnh vực y tế”; “...sự trưởng thành và tính hữu hiệu của hệ thống pháp luật - đó là điều kiện quan trọng để phát triển nền kinh tế và lĩnh vực xã hội, hỗ trợ giới doanh nghiệp và đấu tranh chống tham nhũng...”; “tăng cường vai trò của nước Nga trong cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy đất nước cởi mở với thế giới và đối thoại bình đẳng với các dân tộc khác”; “nghĩa vụ của tôi là từng ngày, từng giờ phụng sự nhân dân, làm tất cả để người dân có cuộc sống tốt nhất, thành công trong cuộc sống và tin tưởng vào tương lai, để nước Nga yêu quý của chúng ta, nước Nga vĩ đại của chúng ta tiếp tục vươn cao và ngày càng phồn thịnh”. Cuộc Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ là dịp để nhớ lại truyền thống anh hùng của nhân dân Nga, tôn vinh và tăng cường niềm tự hào của dân tộc Nga, thể hiện sức mạnh quân sự của nước Nga sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
 
2. Cơn sốt gạo vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngày 06-05-2008, sau cuộc họp với đại sứ của 6 nước xuất khẩu gạo ở châu Á, Ngoại trưởng Thái Lan Nop-pa-đon Pat-ta-ma, tuyên bố, họ sẽ rút lại ý tưởng thành lập Hiệp hội các nước xuất khẩu gạo (viết tắt là OREC) vì một hiệp hội như vậy sẽ khống chế giá, gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Đồng thời, phía Thái Lan đề nghị tổ chức Hội nghị về cải thiện sản lượng gạo với các nước xuất khẩu gạo lớn nhất châu Á là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, My-an-ma, Cam-pu-chia và Pa-ki-xtan trong 1-2 tháng tới. Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp thượng nghị viện Phi-lip-pin Et-ga-đo An-ga-ra chỉ trích đề nghị của Thái Lan thành lập Hiệp hội gạo “sẽ tạo ra cơ chế độc quyền chống lại nhân loại”. Ngân hàng Phát triển Á châu cũng phản đối kế hoạch thành lập OREC. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, bên lề cuộc họp kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, tuyên bố: "Việt Nam có đủ gạo để cung cấp cho dân theo nhu cầu và có dư để xuất khẩu. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam trước hết là bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước, cung cấp đủ gạo với giá cả hợp lý, sau đó mới xuất khẩu, không kìm giữ, nhưng theo dõi sát sao, cân đối giữa sản xuất - tiêu dùng. Ngành Nông nghiệp Việt Nam dự báo lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu năm nay có thể lên tới trên 4 triệu tấn”.

3. Bước phát triển mới trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Ngày 06-05-2008, lần đầu tiên sau 10 năm, một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới thăm Nhật Bản. Chuyến thăm 4 ngày của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhằm cải thiện mối quan hệ mang tính tổng thể giữa hai quốc gia, hướng tới tầm xa hơn là giải quyết các vấn đề bất đồng lâu nay trong quan hệ hai bên và vấn đề Tây Tạng. Cả hai nước đều xuất phát từ lợi ích song phương: Trung Quốc muốn có được công nghệ và đầu tư của Nhật Bản nhằm phát triển kinh tế, còn Nhật Bản muốn bán nhiều hơn các sản phẩm, hàng hoá của mình tới Trung Quốc, đặc biệt là khi nhu cầu ở các thị trường quan trọng khác như Mỹ có hướng suy giảm. Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành bạn hàng quan trọng nhất của Nhật Bản với kim ngạch thương mại song phương tăng ở mức 12% vào năm ngoái, đạt 236,6 tỉ USD. Tô-ky-ô còn muốn Trung Quốc ủng hộ Nhật Bản vào ghế thường trực Hội đồng bảo an của Liên hợp quốc. Hai nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố chung về việc Trái Đất đang nóng lên và Trung Quốc cam kết xem xét các biện pháp nhằm đáp ứng các mục tiêu do Nhật Bản đề xuất nhằm giảm một nửa hiệu ứng khí thải nhà kính tới năm 2050.

4. Động thái mới trong quan hệ Nga - Mỹ. Ngày 05-05-2005, tại Mat-xcơ-va, Tổng Giám đốc Tập đoàn nhà nước về năng lượng nguyên tử Nga “Rosatom” và Đại sứ Mỹ tại Nga, ông Uy-li-am Giô-dep Bơn (William Joseph Burns), đã ký Hiệp định liên chính phủ từng được chờ đợi hơn 20 năm nay về việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình. Đây là Hiệp định khung chứa đựng các nguyên tắc cơ bản cho sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, tạo sơ sở pháp lý cho sự hợp tác của các công ty Nga và Mỹ trong việc hợp tác cùng có lợi, tạo điều kiện phát triển bình thường năng lượng nguyên tử và nhiên liệu hạt nhân, giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.

5. Quan hệ Nga - NATO và vấn đề phòng thủ chống tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD). Ngày 05-05-2008, lãnh đạo các nước thành viên NATO sắp đạt được thỏa thuận xây dựng riêng một hệ thống phòng thủ chống tên lửa, nhằm tiêu diệt các loại tên lửa tầm trung. Hệ thống của NATO sẽ hỗ trợ cho hệ thống NMD của Mỹ sắp được triển khai tại Đông Âu. Phía Mỹ khẳng định, hệ thống NMD của họ sẽ bao phủ được 80% châu Âu, ngoại trừ các nước Nam Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, một phần Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Để bảo vệ các nước này, NATO cần phải xây dựng thêm hệ thống NMD riêng cho mình. Khác với hệ thống NMD của Mỹ, hệ thống NMD của NATO sẽ chỉ tiêu diệt các loại tên lửa chiến thuật tầm trung và tầm ngắn, bởi hiện nay lãnh thổ châu Âu không còn nguy cơ đe dọa của các loại tên lửa xuyên lục địa nữa. Tổng thư ký NATO hy vọng, sớm hay muộn, Nga sẽ tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và NATO xây dựng. NATO sẽ thông qua Hội đồng Nga - NATO và các cuộc đối thoại song phương giữa Mỹ và Nga để giải thích về hệ thống này nhằm giải tỏa lo ngại từ phía Nga. Trong khi đó, Nga đã từng đề nghị Mỹ và NATO cùng phối hợp xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu đề bảo vệ tất cả các quốc gia tham gia.

6. Tổng thống G.Bu-sơ tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách cấm vận Cu-ba. Ngày 07-05-2008, Tổng thống G.Bu-sơ tuyên bố, Mỹ sẽ chưa bãi bỏ cấm vận ở đối với Cu-ba sau khi ông Ra-un Cat-xtơ-rô (Raul Castro) chính thức trở thành người đứng đầu chính phủ nước này. Theo ông G.Bu-sơ, “Cu-ba sẽ chưa thể trở thành một vùng đất phát triển thịnh vượng về kinh tế chỉ với việc bãi bỏ những giới hạn về bán các sản phẩm mà một người Cu-ba bình thường không thể đủ sức mua được”. Ông ám chỉ đến việc chính phủ Cu-ba cho phép người dân nước này được sử dụng điện thoại di động, máy tính và mạng In-tơ-net. Chủ tịch Ra-un Cat-xtơ-rô được Quốc hội Cu-ba lựa chọn vào vị trí lãnh đạo cao nhất từ tháng 2-2008, sau 49 năm ông Phi-đen Cat-xtơ-rô (Fidel Castro) ở cương vị này. Hiện nay, Chủ tịch Ra-un Cat-xtơ-rô đang tiến hành một số cải cách đáng chú ý ở Cu-ba.

7. Cơn bão Na-git đổ bộ vào Mi-an-ma hôm 03-05-2008 tàn phá Mi-an-ma. Đến nay, đã có tới 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người bị ảnh hưởng vì thảm họa này. Con số trên cao gấp 5 lần số liệu do chính phủ Mi-an-ma thống kê. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cảnh báo, Mi-an-ma có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc nếu họ không cho phép nhân viên cứu trợ quốc tế vào nước này. Ông kêu gọi quốc tế viện trợ 187 triệu USD để giúp các nạn nhân trong cơn bão Na-git. Chương trình Lương thực Quốc tế (WFP) đã đàm phán với chính phủ các quốc gia Đông Nam Á về việc hàng tấn hàng cứu trợ bị ách lại. Quân đội Mi-an-ma muốn tự mình phân phát hàng tới những vùng bị ảnh hưởng. Đại sứ của Mi-an-ma ở Liên hợp quốc Ku-ao Tin Soe (Kyaw Tint Swe) thông báo những chuyến hàng đầu tiên của Mỹ sẽ tới nước này vào ngày 12-05-2008 và họ sẵn sàng nhận viện trợ từ bất cứ nước nào.

8. Giá dầu mỏ “phi mã”. Trong tuần qua, giá dầu liên tục tăng và vượt ngưỡng 124 USD/thùng. Với đà này, giá dầu có thể lên tới mức 200 USD/thùng trong năm tới, sẽ đưa các nền kinh tế “đói dầu” như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… lâm vào tình trạng “ấm đầu”, còn nền kinh tế Nga và các nước OPEC sẽ vẫn phát triển bền vững với tốc độ cao. Trong tình cảnh đó, Mỹ đe doạ trừng phạt Vê-nê-xu-ê-la, thành viên chủ chốt trong OPEC, không chịu tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.

9. Động thái mới trong vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng vừa chuyển cho Mỹ hơn 18.000 trang tài liệu về hoạt động hạt nhân của nước này. Phía Mỹ hy vọng, động tác này của Triều Tiên sẽ giúp đánh giá chính xác về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là thẩm định tính xác thực của tập tài liệu đó liên quan chủ yếu tới lò phản ứng hạt nhân ở I-ong-bi-on (Yongbyon) - nơi được cho là đã sản xuất nguyên liệu cho các vụ thử hạt nhân năm 2006 của Triều Tiên
 
10. Li-băng đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến mới. Tuần qua, tình hình Li-băng trở nên căng thẳng do xung đột giữa các phe nhóm. Ngày 07-05-2008, một cuộc biểu tình thuộc phái đối lập với Chính phủ do lực lượng Héc-bô-la (Hezbollah) cầm đầu đã đụng độ với những người ủng hộ Chính phủ Li-băng. Cùng lúc, một cuộc đình công đòi Chính phủ tăng lương đã làm tê liệt nhiều khu vực ở thủ đô Bây-rút. Lực lượng an ninh của Chính phủ đã phong toả nhiều khu vực ở thủ đô để tránh nguy cơ leo thang xung đột và bạo lực. Những người ủng hộ Héc-bô-la đã chặn tuyến đường chính dẫn ra sân bay quốc tế của thủ đô, làm 32 chuyến bay bị chậm giờ bay hoặc bị huỷ. Đất nước Li-băng lại một lần nữa lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ do tranh giành quyền lực. Đây là vụ bạo loạn nội bộ tồi tệ nhất tại Li-băng kể từ sau cuộc nội chiến kéo dài 15 năm trước đây. Sau 4 ngày giao tranh trên đường phố thủ đô làm 24 người thiệt mạng, Thủ tướng Li-băng, ông Phâu-át Si-ni-oa (Fouad Siniora) tuyên bố, đất nước ông sẽ không rơi vào tay lực lượng Héc-bô-la. Lúc này, trên thực tế, lực lượng Héc-bô-la đã chiếm quyền kiểm soát hầu hết khu Tây Bây-rút. Đến ngày 10-05-2008, ngòi nổ leo thang xung đột có hy vọng đươc tháo dỡ khi lãnh tụ các phe phái chính trị đối lập tại Li-băng bước đầu đạt được thoả thuận sẽ tổ chức các cuộc gặp tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng trong những ngày tới./.