TCCS - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm”(1). Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, việc tăng cường kết hợp vai trò của tổ chức đảng và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên có vai trò, ý nghĩa quan trọng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài động viên cán bộ và người dân chung tay làm sạch môi trường Thủ đô, khắc phục hậu quả của bão số 3_Nguồn: thanhnien.vn

Sự cần thiết của việc tăng cường kết hợp vai trò của tổ chức đảng và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên

Một trong những phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là bằng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhấn mạnh tới việc đổi mới, tăng cường công tác giám sát đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Theo đó, việc quán triệt tư tưởng, quan điểm của Đảng về công tác đảng viên là một nội dung cần được thực sự coi trọng và thực hiện tốt, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao... 

Công tác đảng viên của Đảng bao gồm nhiều khâu, công việc cụ thể, mỗi khâu có nội dung, yêu cầu riêng, nhưng nằm trong một thể thống nhất và quan hệ biện chứng với nhau; trong đó, nội dung giám sát đảng viên chính là khâu quan trọng trong công tác đảng viên. Bởi lẽ, có quản lý, giám sát tốt cả đội ngũ và từng người đảng viên thì chủ thể quản lý mới có cơ sở cho việc tiến hành các khâu tiếp theo trong công tác đảng viên được chính xác, có luận chứng, luận cứ trực tiếp để đánh giá đúng, bố trí, sử dụng phù hợp và phát huy tốt khả năng của từng người đảng viên trong thực tiễn. 

Giám sát tốt còn nâng cao tính chủ động trong quản lý, phát hiện, cảnh báo của chủ thể giám sát nhằm giúp khách thể kịp thời khắc phục khuyết điểm không để xảy ra vi phạm. Đồng thời, giám sát tốt cũng tạo ra môi trường tốt để từng đảng viên nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành kỷ luật; mối quan hệ về thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân trong thực hiện nội dung “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” sẽ được xác định rõ ràng hơn, hạn chế và tránh được tình trạng vừa dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dễ tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Như vậy, có thể hiểu, giám sát đảng viên là các phương thức, biện pháp mà chủ thể giám sát (tổ chức, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền được phân công, phân cấp giám sát đảng viên) áp dụng thường xuyên, chủ động, có mục đích, có định hướng thông qua việc theo dõi, xem xét, đánh giá để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, phù hợp với mục đích, lợi ích chung của tổ chức và đạt hiệu quả cao(2)

Về nguyên tắc, giám sát đảng viên phải tuân thủ, vận dụng đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, việc thực hiện nội dung giám sát đảng viên cần được gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên và nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng; vì đây là một yêu cầu tất yếu khách quan, xuất phát từ quy luật công tác tổ chức phải phục tùng nhiệm vụ chính trị và bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Giám sát đảng viên nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ đảng viên ngày càng phát triển, trưởng thành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ phát triển của mỗi tổ chức. Như vậy, giám sát đảng viên không tách rời với thực hiện nhiệm vụ đảng viên và nhiệm vụ chính trị của tổ chức; đồng thời, còn đòi hỏi chủ thể giám sát phải công tâm, khách quan, nghiêm túc trong thực hiện, bảo đảm tính chính xác, khoa học về những nội dung quản lý, giám sát.  

Giám sát đảng viên không chỉ đơn giản là vấn đề nghiệp vụ đơn thuần của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Kết quả của công việc giám sát được chủ thể giám sát dùng làm căn cứ để đánh giá, sử dụng đảng viên, là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến con người. Thông thường thì chủ thể giám sát theo dõi quá trình hoạt động của đối tượng được giám sát, căn cứ vào những cơ sở, điều kiện cụ thể, theo phạm vi, quyền hạn được phân công, phân cấp để thực hiện chức năng giám sát một cách công tâm, khách quan. 

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Một số cấp ủy chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, giám sát phòng ngừa tiêu cực; còn có hiện tượng đặt lợi ích của cá nhân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể, tác động tiêu cực đến các khâu trong công tác đảng viên; do đó, việc đánh giá, sử dụng cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa đúng quan điểm, nguyên tắc của Đảng.

Những biểu hiện suy thoái của đảng viên, nhất là về nhận thức, tư tưởng hoặc những động cơ không lành mạnh khó nhận biết, dẫn đến việc xem xét, xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật, thoái hóa, biến chất thiếu nghiêm minh; từ đó, có thể gây nên những yếu tố bất ổn trong tổ chức, như sự nghi kỵ, thiếu thống nhất, thiếu hợp tác, hữu khuynh, né tránh đấu tranh trong nội bộ hoặc trong quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị. Nguy hại hơn là chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị bị giảm sút. Đây chính là “khoảng trống” cả về tư tưởng và tổ chức cho chủ nghĩa cá nhân thâm nhập, len lỏi, làm giảm sút sức mạnh đoàn kết của mỗi tổ chức. 

Theo quy định của Đảng, chủ thể giám sát có thể là chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở trở lên, cho đến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Một mặt, nếu giám sát cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng là khâu quan trọng trong công tác đảng viên, thì vai trò giám sát của nhân dân là cơ sở cần thiết giúp tổ chức đảng đánh giá, quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên của mình chặt chẽ, đầy đủ hơn. Mặt khác, hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú cũng giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định, phát huy tinh thần gương mẫu, đồng thời vận động gia đình, người thân và nhân dân cùng thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khu dân cư đoàn kết, văn minh.

Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên của người dân tập trung vào một số nội dung chính sau: 1- Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo đó, người dân giám sát đảng viên về tính gương mẫu, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; chống phô trương hình thức; về thái độ khiêm tốn, trung thực, dũng cảm, kỷ luật, tự giác, đoàn kết, thống nhất. Người dân giám sát thông qua theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện, hành vi có dấu hiệu “suy thoái”, tham nhũng, lãng phí; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; biểu hiện sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cá nhân, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc, lợi ích chính đáng của nhân dân... 2- Giám sát về trách nhiệm nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Nội dung về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được nêu trong một số quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư(3). Theo đó, nhân dân giám sát trách nhiệm nêu gương của đảng viên tập trung vào các nội dung, như có ý thức phục vụ nhân dân, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết ở khu dân cư, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân. Nội dung giám sát cán bộ, đảng viên là người đứng đầu cần tập trung vào giám sát việc thực hiện trách nhiệm tiếp dân, đối thoại trực tiếp, lắng nghe, nắm bắt ý kiến và phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên, quá trình tìm hiểu, giao tiếp, thông qua các hội nghị, diễn đàn, tiếp xúc, trao đổi của cán bộ, đảng viên với nhân dân. 3- Giám sát việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân ở nơi cư trú được quy định tại Điều 2, Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân ở nơi cư trú”. Cán bộ, đảng viên đang công tác cần tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ ở nơi cư trú và các cuộc họp khác do cấp ủy nơi cư trú triệu tập; tích cực tham gia góp ý kiến với chi ủy, chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương, nhất là những vấn đề bức xúc ở thôn, bản, tổ dân phố. Cán bộ, đảng viên cần thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, ban công tác mặt trận nơi cư trú, thực hiện nắm bắt tình hình nhân dân, phản ánh những ý kiến của nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền. Đảng viên phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức xây dựng để giúp chính quyền địa phương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, phối hợp giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh từ cơ sở, xây dựng khu dân cư đoàn kết, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý, xây dựng chính quyền ở cơ sở.

Cán bộ, đảng viên ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị khi trở về với cuộc sống đời thường, họ cũng là người dân, một cá thể trong cộng đồng xã hội. Do đó, đảng viên không chỉ phải nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân nơi cư trú, mà còn phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, trong tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú. Việc kết hợp chặt chẽ vai trò giám sát của tổ chức đảng và nhân dân chính là việc “nội công” phối hợp với “ngoại kích”, “nhốt quyền lực” vào trong “lồng cơ chế” để kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn.

Một số giải pháp nhằm tăng cường kết hợp vai trò của tổ chức đảng và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giám sát của nhân dân không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời ngăn ngừa những khuyết điểm, sai lầm và giúp đỡ họ sửa chữa, mà còn khơi dậy được tính tích cực, sức mạnh to lớn của nhân dân, củng cố uy tín của Đảng trước quần chúng nhân dân. Thực hiện công tác giám sát trong Đảng một cách nghiêm ngặt, kết hợp chặt chẽ với giám sát bên ngoài của dân nhân sẽ góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Người từng nhấn mạnh: “Một mặt trong có Đảng kiểm tra đôn đốc./ Một mặt có anh em ngoài kiểm tra đôn đốc”(4).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giám sát có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cứu nước, mà còn trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay. Thấm nhuần tư tưởng của Người, qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của nhân dân và ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế,... nhằm hướng dẫn cụ thể, chi tiết để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên(5). Đây là những định hướng chỉ đạo quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát cán bộ, đảng viên, như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tiếp công dân; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;... Thời gian tới, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ vai trò của tổ chức đảng và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, tập trung vào một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng trong đổi mới công tác đảng viên nói chung và tăng cường giám sát đảng viên nói riêng. 

Trước hết, cần thống nhất nhận thức, giám sát đảng viên là một quá trình nhận thức của chủ thể giám sát thông qua việc thu thập và xử lý thông tin được phản ánh để đánh giá chính xác đảng viên được giám sát. Để hiểu và biết rõ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”(6). Do vậy, giám sát đảng viên không phải và không thể làm một lần là xong, đó còn là yếu tố thường xuyên trong quy trình công tác đảng viên được thực hiện ở các cấp, từ Trung ương đến cơ sở. Vì vậy, nội dung giám sát đảng viên cần được nghiên cứu, phân tích sâu sắc để có được những giải pháp tích cực và đồng bộ từ chủ trương, chính sách mang tính vĩ mô đến những biện pháp cụ thể, sáng tạo ở từng chi bộ, đơn vị cơ sở.  

Để công tác giám sát đảng viên có chất lượng, hiệu quả, phải tuân thủ quy trình chặt chẽ trong tất cả các nội dung giám sát, nhất là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các quan hệ xã hội và năng lực công tác của đảng viên. Trên cơ sở nắm vững nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị, chủ thể giám sát xác định rõ mục tiêu và yêu cầu cần đạt được với từng đối tượng đảng viên cụ thể. Thực hiện tốt quan điểm lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo chủ yếu về phẩm chất và năng lực của đảng viên, tránh đánh giá hình thức, chủ quan. Chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ, quy định về giám sát đảng viên; kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức giám với đảng viên “tự răn, tự soi, tự sửa”; giữa giám sát trong nội bộ đảng với giám sát đảng viên, cán bộ của nhân dân.

Một buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ tại thôn Lũng Pâu, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, không ngừng hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò giám sát của nhân dân, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trên cơ sở những quy định hiện hành của Trung ương, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định mới về phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là trong bối cảnh mới khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Về cơ bản, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có sự bổ sung, phát triển, đổi mới qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, đồng bộ giữa phát huy vai trò giám sát cán bộ, đảng viên của nhân dân với tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn chặt tính pháp lý, bảo đảm kỷ luật của Đảng trong xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái, vi phạm các quy định của Đảng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống... Đặc biệt, các cấp, ngành cần xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022) đi vào cuộc sống với nhiều nội dung mới, thiết thực, hiệu quả.

Thứ ba, cần quy định rõ nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát cụ thể, chi tiết, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Yêu cầu quan trọng là cần quy định rõ nội dung giám sát của người dân đối với cán bộ, đảng viên, như giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương; giám sát việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân; giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thực hiện hoạt động công vụ;...

Để bảo đảm người dân thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên thì cần tăng cường các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân về những cán bộ có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; đặc biệt là các quy định về quyền làm chủ trực tiếp của người dân, như quyền được phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tiếp nhận các thông tin. Cần tiếp nhận và xử lý các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kể cả các đơn, thư nặc danh có địa chỉ, bằng chứng gửi kèm theo quy định. Có cơ chế bảo vệ người dân đấu tranh với tham nhũng hiệu quả, ngăn chặn hiện tượng trù dập người tố cáo dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết các công việc có liên quan đến người dân để góp phần giúp cho hoạt động giám sát diễn ra thường xuyên, chặt chẽ, đúng nội dung, kịp thời và có hiệu quả. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, người dân tố cáo nhưng không có phản hồi trở lại đến người dân từ các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm; mới chỉ chú ý đến giải trình bị động (khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc dưới áp lực của dư luận) nên dễ phát sinh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, khiếu nại vượt cấp hoặc tố cáo nặc danh do người tố cáo e ngại, sợ bị trả thù, trù dập. Thông qua giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, của đại biểu do mình bầu ra, nhân dân có thể phản ánh, kiến nghị cơ chế thực hiện sự bất tín nhiệm đối với đại biểu do mình bầu ra, nếu thấy họ không còn xứng đáng.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của người dân, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, sự phát triển nhanh chóng của internet và số lượng người dùng điện thoại có kết nối mạng không ngừng tăng lên, không phân biệt thành thị và nông thôn, vấn đề tạo lập các kênh thông tin để người dân được tiếp cận và qua đó, thực hiện các hành vi giám sát của họ đối với cán bộ, đảng viên thuận lợi hơn nhiều; do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần lựa chọn nội dung và phương thức truyền tải phù hợp với từng đối tượng người dân ở từng địa bàn dân cư để họ có cơ sở thực hiện quyền giám sát.

Bên cạnh đó, cần làm cho người dân hiểu rằng, cán bộ được trả lương là để phục vụ người dân, phụng sự đất nước, đó là quyền được hưởng, đồng thời cũng là nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, khi phát hiện thấy cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống cần báo ngay cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; không nên tìm cách “bồi dưỡng”, “lót tay”, “bôi trơn” cho cán bộ bằng phong bao, phong bì để được giải quyết công việc. Nếu mỗi người dân không nhận thức được điều này thì chẳng những họ không thực hiện được quyền giám sát của mình, mà còn góp phần làm hư hỏng cán bộ, dung túng cho những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất.

Nhận thức của người dân về quyền giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có tốt hay không, ngoài sự chủ động của chính người dân trong việc tìm hiểu và tiếp cận các thông tin có liên quan thì còn phụ thuộc vào hoạt động phổ biến, thực hiện các nội dung về quyền giám sát của nhân dân trong các văn bản của Đảng và Nhà nước từ phía các cơ quan công quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ này về trách nhiệm của họ trong việc công khai và thực hiện nghiêm các quy định để nhân dân thực hiện quyền giám sát, đặc biệt là các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị, về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”; các quy định về công khai tài sản ở nơi cư trú, công khai chuẩn mực đạo đức công vụ gắn với vị trí công việc; tổ chức có hiệu quả hội nghị tiếp dân định kỳ; đề cao trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý các thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân có liên quan đến vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị, địa phương; khắc phục tình trạng làm đối phó, làm cho xong chuyện, không quan tâm tới hiệu quả như ở một số nơi thời gian qua.

Thứ năm, tăng cường kết hợp giữa các hình thức khen thưởng, động viên với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Giám sát cán bộ, đảng viên là một việc làm cần thiết nhưng không dễ dàng thực hiện; do đó, cần phải có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời để khuyến khích người dân giám sát những hành vi sai trái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và đồng thời, cũng là để nhân lên những hành động đẹp, những tấm gương tiêu biểu. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, có nhiều cá nhân được khen thưởng, được tôn vinh vì đã dũng cảm tố cáo tham nhũng cùng những hành vi trái pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhưng cũng có không ít người phải đổ mồ hôi, công sức thậm chí cả tiền bạc để tố cáo những sai phạm. Vì vậy, cần có những biện pháp linh hoạt hơn từ người đứng đầu địa phương, đơn vị nơi có người dân dám đứng lên chống tiêu cực, để người dân thấy họ được quan tâm, được cộng đồng ghi nhận, được bảo vệ bởi những người có trách nhiệm.

Người dân vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng của các hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhưng đồng thời, họ cũng vừa là người chủ thực sự, có quyền kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, bên cạnh việc khen thưởng, động viên kịp thời, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu, ví dụ như bảo đảm bí mật về họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác, để bảo đảm rằng khi người dân tố cáo các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên thì sẽ không bị tiết lộ danh tính và tránh bị trả thù hoặc đe dọa. Cần trừng trị nghiêm khắc, nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi ngăn chặn, đe dọa, trả thù người dân tố cáo./.

--------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 189
(2) Xem: Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-22-QD-TW-2021-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-va-ky-luat-cua-Dang-484311.aspx
(3) Như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”;...
(4) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 59
(5) Như: Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư, về việc “Ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26-10-2022, của Ban Bí thư, “Về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9-5-2023, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”...
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 317