TCCS - Nhiều năm qua, tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường tại Hà Nội diễn ra dai dẳng và phức tạp, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sự an toàn giao thông. Để chấn chỉnh tình trạng này, Hà Nội đã ra quân lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Để giải quyết vấn đề này một cách lâu dài, triệt để, thành phố cần kiên quyết hơn trong vấn đề xử lý.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, việc giữ vững trật tự đô thị cần sự kiên quyết_Ảnh: TTXVN

Cần ý thức của người dân

Sau Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2017, thành phố Hà Nội cũng chính thức ra quân giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ. Có thể thấy, đây thực sự là một “cuộc chiến” đầy khó khăn vì không phải chỉ có người dân, mà cả cơ quan chính quyền vi phạm hoặc được một số “đối tượng” bao che… Số liệu của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.733 trường hợp chiếm dụng trái phép lòng đường, vỉa hè bị các cơ quan chức năng xử phạt. Đây là những kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Nhưng, đó là chỉ kết quả bước đầu, vì vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh là vấn đề nan giải, không thể giải quyết dứt điểm trong “ngày một, ngày hai” của các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội.

Cũng theo số liệu trên, hiện diện tích đất đô thị cho giao thông tĩnh của Hà Nội là 0,8% - 1,0% (theo quy chuẩn phải ở mức 3% - 4%) và chủ yếu vẫn là trên lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó, vỉa hè ở Hà Nội từ lâu đã bị lấn chiếm phục vụ cho nhiều hoạt động, thậm chí trở thành nơi mưu sinh và mang lại thu nhập cho rất nhiều người dân. Thực tế hơn 2 năm qua, các quận, huyện đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về “14 trọng điểm” - 14 nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm; “3 yêu cầu” bài bản, kiên trì, đúng trình tự, với “3 bước cụ thể”: Bước thứ nhất là tuyên truyền, nhắc nhở tới từng hộ gia đình để tự giác chấp hành quy định; bước thứ hai là kiểm tra, nhắc nhở, phân tích; cuối cùng là cương quyết cưỡng chế, xử phạt.

Đây là một giải pháp đạt hiệu quả rõ nét và đã phát huy tác dụng khi các cấp ủy Đảng cũng vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể. Sự sát sao, tính hiệu quả thể hiện ở việc nhiều xã, phường, quận, huyện có cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm kết cấu hạ tầng, hài hòa với lợi ích của dân cư địa phương mình phụ trách.

Thậm chí, nhằm giải quyết triệt để tình trạng vi phạm trật tự đô thị, một số quận nội thành đã triển khai lắp camera để theo dõi, phát hiện các điểm nóng về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan chức năng phải cử cán bộ đến địa bàn để lập biên bản vi phạm vì chưa có cơ sở pháp lý cho việc phạt nguội. Hà Nội và một số tỉnh, thành đang góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông theo hướng bổ sung các quy định cho phép phạt nguội hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 

Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên tất cả các giải pháp trên hầu như đều mang tính cấp bách, ngắn hạn. Còn lâu dài, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải mang tính bài bản, có hệ thống. Về vĩ mô, cần tổ chức, tuân thủ nghiêm các quy hoạch về xây dựng, giao thông. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ quan, công sở ra khỏi nội đô; phát triển phương tiện vận tải công cộng, xây dựng công trình giao thông tĩnh. Tiếp đến là việc quy hoạch, xây dựng các chợ, siêu thị hoặc trung tâm thương mại tại các khu dân cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng, để tránh phát sinh chợ tạm, chợ cóc; xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và nổi; quy định đường khi làm mới hoặc mở rộng, cải tạo bắt buộc phải có vỉa hè… 

Theo các chuyên gia đô thị chia sẻ, để dẹp bỏ hoàn toàn tình trạng vi phạm về vỉa hè, lòng đường bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cũng rất cần sự thay đổi ý thức, nhận thức của người dân. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền cũng như kiên quyết, kiên trì xử lý vi phạm. Lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chức năng phải tăng trách nhiệm, sâu sát tình hình để có những biện pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng phải phối hợp, vào cuộc đồng bộ để đạt hiệu quả cao, tránh trường hợp phần lớn vi phạm chỉ do lực lượng thanh tra giao thông và công an xử lý như hiện nay. 

Chiến lược lâu dài và kiên quyết

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, việc lựa chọn một số chủ đề để ưu tiên thực hiện được Hà Nội chủ động triển khai, trong đó có việc phát động chương trình “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Có thể nói, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng và hệ thống chính trị từ phường, xã đến thành phố, những mục tiêu đặt ra đã đạt kết quả khả quan, ngày một rõ nét khi nhiều tuyến phố, địa bàn đã phong quang, trật tự. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về những chuyển biến đó chưa thật sự bền vững, bởi tại không ít nơi, chỉ cần các lực lượng chức năng rút đi, vi phạm tiếp tục tái diễn.

Theo các chuyên gia đô thị, để xảy ra tình trạng trên có phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền sở tại trong việc đưa ra các biện pháp, giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm một cách có hiệu quả. Đơn cử, tại khu vực cổng chùa Phúc Khánh (phường Ngã Tư Sở), Xã Đàn, Đội Cấn, Phủ Doãn, Hàng Ngang, Hàng Đào… hàng loạt các vụ vi phạm trật tự đô thị vẫn được người dân “lén lút” thực hiện và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước thực trạng đó nhiều người cho rằng, sở dĩ công tác quản lý trật tự đô thị luôn rơi vào cảnh “đá ném ao bèo” là do bất cập của hạ tầng và ý thức của người dân. Trong đó, một phần không nhỏ là sự thiếu hạ tầng giao thông tĩnh.

Thực tế cho thấy, trong khi tốc độ phát triển phương tiện ngày càng cao thì hạ tầng giao thông tĩnh, các điểm đỗ xe lại quá ít so với nhu cầu nên tình trạng dừng đỗ sai quy định, dưới biển cấm là điều đã được dự báo trước. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn thành phố còn tồn tại rất nhiều khu đô thị, khu tập thể cũ… dù đông dân nhưng lại không được quy hoạch chợ dân sinh hay siêu thị, trung tâm thương mại… để phục vụ nhu cầu của người dân. Từ đó, các khu chợ “tạm”, chợ “cóc”, những gánh hàng rong, sạp hàng vẫn len lỏi đến tận các ngõ ngách, gầm cầu thang tại các khu đô thị cũ, khu tập thể. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khó thực hiện đó chính là ý thức tự giác, ý thức nâng cao nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa cao.

Trước đó, ngay khi mới bắt đầu thực hiện việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã lo ngại và cho rằng, nếu chính quyền thành phố không tạo ra phong trào chấp hành pháp luật chung thì sẽ thất bại. Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng nhận định, xử lý lấn chiếm vỉa hè là việc khó, nhưng các cấp, ngành của thành phố phải kiên trì, không được buông xuôi. Thậm chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo quyết liệt và cho biết: “Nếu quận, huyện, xã, phường nào để xảy ra việc mất trật tự đô thị, lãnh đạo nơi đó sẽ bị xử lý nghiêm. Đây là giải pháp cần được thực hiện để nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở”. Quyết liệt là vậy, tuy nhiên, chính quyền thành phố cũng thừa nhận việc ra quân lập lại trật tự đô thị ở một số nơi còn cứng nhắc, nóng vội, như phá bục, chặt hạ cây xanh, vạch ranh giới không đủ để phương tiện đi lại nên cần rút kinh nghiệm…

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho biết, không phải bây giờ mới có chủ trương “đường thông, hè thoáng”, cách đây nhiều năm, Hà Nội cũng đã từng thực hiện, nhưng chưa hiệu quả. Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do việc xử lý sai phạm còn gượng nhẹ, thiếu kiên quyết từ cấp cơ sở tới cấp quản lý cao hơn. Nhận thức của cộng đồng trong tuân thủ pháp luật xây dựng còn yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Do đó, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, công tác ra quân kiểm tra, giám sát và xử phạt phải được thực hiện nghiêm minh. Về việc sử dụng vỉa hè của các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh có nhà tiếp giáp với vỉa hè là trách nhiệm của người dân và của cả cơ quan quản lý. Các địa phương phải thực hiện việc xử lý vi phạm trật tự đô thị một cách thường xuyên, kiên quyết và lâu dài hơn chứ không phải mang tính chất sự kiện. Có như vậy tình trạng vi phạm trật tự đô thị ở Hà Nội mới được khắc chế, Hà Nội mới thực sự trở thành đô thị văn minh, hiện đại./.