Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng lực lượng cốt cán: Những dấu ấn và bài học kinh nghiệm từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
TCCS - Nhiều năm trở lại đây, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn được xem là địa phương đáng sống, điểm đến an toàn cho du khách và nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, bởi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi đây luôn được bảo đảm. Có được kết quả đó là do Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường lãnh đạo xây dựng lực lượng cốt cán nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng này trong công tác vận động quần chúng ở cơ sở.
Trước đây, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều diễn biến phức tạp. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác vận động quần chúng ở cơ sở còn nhiều bất cập, một phần do chưa xây dựng và phát huy được vai trò của lực lượng cốt cán (những người uy tín, tiêu biểu ở các lĩnh vực, như già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo, đảng viên, đoàn viên,…). Hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng ở cơ sở còn nhiều hạn chế, chất lượng hoạt động có mặt chưa cao; vẫn còn tình trạng một số báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động hình thức, chưa quan tâm nắm bắt, phản ánh, phối hợp xử lý những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở; tình trạng tuyên truyền một chiều từ trên xuống, chưa chủ động lắng nghe tiếp nhận thông tin, phản ứng của người dân; thiếu sự chủ động trong đối thoại, gặp gỡ trao đổi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chưa kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Đáng nói là, việc truyền bá, lôi kéo người dân tham gia hoạt động truyền đạo trái phép xảy ra ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh (riêng năm 2019 đã phát hiện 4 vụ, thu giữ 496 tài liệu liên quan). Tình hình khiếu kiện đông người, kéo dài vẫn còn xảy ra. Một số dự án quy hoạch "treo" trên địa bàn khiến người dân lo lắng, gặp khó khăn về vấn đề nhà ở, sản xuất; việc chậm trả lương, nợ bảo hiểm cho công nhân của một số doanh nghiệp dẫn đến tình trạng công nhân tập trung đông người phản đối, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư; mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh.
Hiệu quả bởi chủ trương đúng đắn, kịp thời
Nhằm chủ động xử lý những vấn đề phức tạp có thể phát sinh từ cơ sở, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Chỉ thị số 46-CT/TU, ngày 17-11-2014, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng cốt cán trên địa bàn tỉnh”. Việc ban hành và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị này nhằm khẳng định cán bộ cốt cán là những người có vai trò quan trọng đối với tổ chức chính trị, cộng đồng và xã hội; đồng thời phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của lực lượng này trong công tác vận động quần chúng ở cơ sở.
Để Chỉ thị số 46-CT/TU mang lại hiệu quả thiết thực, trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp uỷ đảng trực thuộc, ban cán sự đảng, các đảng đoàn tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc; xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện tại địa phương, đơn vị. Đồng thời, Tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt cho gần 74.000 lượt cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan. Các cấp ủy đảng chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cốt cán đã có, bổ sung đội ngũ cốt cán mới theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số; quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho lực lượng cốt cán về vật chất, tinh thần, như: tổ chức thăm hỏi, động viên trong lúc khó khăn, ưu tiên cho vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng… tạo điều kiện, động viên cốt cán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, các cấp ủy đảng cấp huyện và tương đương đã xây dựng được 816 cốt cán nòng cốt, trong đó có 777 cốt cán hoạt động hiệu quả; đối với khối dân vận đảng ủy xã, phường, thị trấn đã xây dựng được 713/1.130 cốt cán nòng cốt (đạt 63,09% chỉ tiêu năm 2020), trong đó, có 673 cốt cán hoạt động hiệu quả; khối Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp xây dựng được 12.901 cốt cán phong trào, trong đó có 5.150 cốt cán nòng cốt, qua phân loại chất lượng có 10.189 cốt cán phong trào và 4.311 cốt cán nòng cốt hoạt động hiệu quả.
Nhìn lại sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU, lực lượng cốt cán của các cấp ủy đảng cũng như Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, tích cực làm tốt việc nắm tâm tư, tình hình trong nhân dân. Lực lượng cốt cán của các cấp ủy đảng đã cung cấp 28.917 tin, trong đó có 24.299 tin có giá trị, đạt tỷ lệ 84,03%; lực lượng cốt cán thuộc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cung cấp 5.549 tin, trong đó có 4.441 tin có giá trị, tỷ lệ 80,03%. Theo trình tự, khi thu được những nguồn tin có giá trị từ lực lượng cốt cán cung cấp, thì các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá, phân loại để phối hợp liên ngành tìm giải pháp ngăn chặn, giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhất là những vấn đề tác động tiêu cực đến đời sống trong cộng đồng dân cư và xã hội. Điểm đáng ghi nhận là, lực lượng cốt cán còn chủ động tham gia giải quyết một số vụ nảy sinh phức tạp trong cộng đồng dân cư; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, cơ sở như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, xây dựng quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, “vì người nghèo”… Thông qua hoạt động của lực lượng cốt cán, vai trò và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được tăng cường, thể hiện rõ nét; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình hoạt động phù hợp, hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Do đó, các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Trong phát triển kinh tế, lực lượng cốt cán tích cực phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Một số bài học kinh nghiệm
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng lực lượng cốt cán trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cấp ủy ở cơ sở đối với việc xây dựng lực lượng cốt cán có lúc, có nơi còn hạn chế, trong đó việc xây dựng cốt cán nòng cốt của một số cấp ủy, khối dân vận cơ sở và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể còn nhiều khó khăn. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU chưa được thường xuyên, kịp thời. Một số chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt và chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, nhất là xử lý những thông tin, phản ánh của lực lượng cốt cán để kịp thời có biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể một số nơi, nhất là cơ sở còn lúng túng trong việc xây dựng lực lượng cốt cán; tại một số huyện, xã, dù số lượng lực lượng cốt cán có tăng, nhưng việc phát huy vai trò của lực lượng này trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng, kỹ năng của lực lượng này trong công tác vận động, tuyên truyền, nắm bắt tình hình, phản ánh thông tin những vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhất là ở những địa phương, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là an ninh tôn giáo. Việc xây dựng lực lượng cốt cán nòng cốt trong vùng có đông đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn khó khăn.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp chưa thật sự nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hình thành lực lượng cốt cán; chưa quan tâm đến công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Một số chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác phối hợp để sử dụng, phát huy hiệu quả của lực lượng cốt cán trong việc nắm tình hình nhân dân. Chưa quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng cốt cán trong vùng đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số, địa bàn giáp ranh. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở một số nơi chưa quan tâm thường xuyên công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương đề ra; việc xác định, lựa chọn đối tượng để xây dựng cốt cán chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao hiểu biết cho lực lượng cốt cán về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ thiếu thường xuyên.
Từ thực tiễn công tác xây dựng lực lượng cốt cán trên địa bàn tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, thực hiện tốt công tác quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng cốt cán trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Xác định công tác xây dựng lực lượng cốt cán là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng.
Hai là, công tác xây dựng lực lượng cốt cán phải bảo đảm quy trình chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu; phân công cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín và lựa chọn đối tượng phù hợp để bồi dưỡng, giao nhiệm vụ; kịp thời chọn lọc, xử lý và giải quyết có hiệu quả các nguồn tin do lực lượng cốt cán cung cấp và giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho lực lượng này trong quá trình hoạt động.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức, từ đó lựa chọn những đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu để bồi dưỡng xây dựng cốt cán làm nòng cốt cho tổ chức và trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở. Trong quá trình xây dựng và giao nhiệm vụ cho lực lượng cốt cán, cán bộ xây dựng lực lượng này phải giữ mối quan hệ chặt chẽ với họ; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, theo dõi, giúp đỡ và động viên, khen thưởng, nhằm khích lệ tinh thần cho họ hoạt động hiệu quả.
Bốn là, quá trình thực hiện phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót; khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng cốt cán, kịp thời thay thế những cốt cán thiếu tinh thần, trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ./.
Duy trì mức sinh thay thế và điều chỉnh mức sinh phù hợp - Cơ hội và những thách thức  (30/06/2020)
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh mới  (28/05/2020)
Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện nay  (28/05/2020)
Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới  (11/05/2020)
Để tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân hiện nay  (01/05/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển