Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là yếu tố tiên quyết tạo ra thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam
TCCS - Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi (1960 - 2020), ngày 19-12-2019, tại tỉnh Bến Tre, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, cách đây 60 năm, với khí thế “triều dâng, thác đổ”, quần chúng cách mạng đã vùng lên đấu tranh, tạo nên phong trào Đồng khởi trên khắp miền Nam, phá vỡ một mảng lớn chính quyền địch ở nông thôn, đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế khủng hoảng, bị động về chiến lược, đồng thời góp phần làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn lại sự kiện lịch sử trọng đại này, tự hào về những chiến công của các thế hệ cha anh đã lập nên trong phong trào Đồng khởi nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung; đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng, phát huy tạo nên khí thế “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại hội thảo, Báo cáo đề dẫn khẳng định, phong trào Đồng khởi là một hiện tượng lịch sử độc đáo, sáng tạo của cách mạng miền Nam nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung. Đến nay, phong trào Đồng khởi vẫn là nguồn cổ vũ, động viên đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cuối năm 1959, đầu năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân miền Nam đã nhất loạt đứng lên Đồng khởi và giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi là bước kiểm nghiệm đường lối cách mạng của Trung ương Đảng, sự nhạy bén, sáng tạo trong vận dụng và chỉ đạo thực tiễn của Xứ ủy Nam Bộ; về tinh thần chủ động, quyết đoán, nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của các cấp bộ đảng, quân và dân các địa phương miền Nam; bước trưởng thành về trình độ giác ngộ của quần chúng nhân dân miền Nam, sức mạnh của quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn về sự kế thừa và phát huy lên tầm cao mới truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hơn 80 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, quân khu, quân đoàn, binh chủng, các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài quân đội tại hội thảo đã tập trung làm sáng rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn sau:
Một là, thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 là thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ (21-7-1954), đế quốc Mỹ từng bước thay chân thực dân Pháp, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn làn sóng cộng sản từ Đông Bắc Á lan xuống Đông Nam Á. Thực hiện mưu đồ ấy, đế quốc Mỹ dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, chỉ đạo chính quyền độc tài - phát xít phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, dìm phong trào đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước trong bể máu, gây vô vàn tội ác đối với nhân dân miền Nam… Dõi theo sát tình hình và thể theo nguyện vọng chính đáng của Xứ ủy Nam Bộ, các cấp bộ đảng và đồng bào, chiến sĩ miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam triệu tập hội nghị lần thứ 15 tại Hà Nội. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị đã đi tới quyết định chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang bằng phương pháp khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa đánh đổ chính quyền địch.
Việc chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam đã được nhiều tham luận phân tích, làm rõ và đều thống nhất khẳng định, đây là một quyết định lịch sử, thể hiện tư duy sáng tạo chiến lược của Trung ương Đảng, nhãn quan chính trị sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng tha thiết, cháy bỏng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam muốn đứng lên thực hiện “một phen sống mái với kẻ thù” giành lại độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Hai là, thắng lợi của phong trào Đồng khởi - thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ và các cấp bộ đảng miền Nam.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, sau khi có Nghị quyết 15, Xứ ủy Nam Bộ và các cấp bộ đảng miền Nam đã quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả, quá trình chuẩn bị khẩn trương, chu đáo về mọi mặt, tạo thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ phát động quần chúng nổi dậy với tinh thần quật khởi, lật nhào một mảng chính quyền cơ sở của địch, giành chính quyền về ta, giành quyền làm chủ nhiều địa bàn rộng lớn.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương của trên, các khu ủy, liên tỉnh ủy, tỉnh ủy đã căn cứ vào thực lực, tình hình và so sánh lực lượng giữa ta và địch để quyết định phương án hành động. Chính vì vậy, trong một số tham luận, vấn đề phương thức nổi dậy trong Đồng khởi được đặt ra và lý giải một cách tương đối thỏa đáng. Nếu như ở Mỏ Cày - Bến Tre, Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ, các cuộc nổi dậy được thực hiện bằng phương thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, thì ở địa bàn nông thôn và miền núi Đông Nam Bộ, Khu V, các cuộc nổi dậy được phát động bằng đòn tiến công quân sự, tiêu biểu như: Trà Bồng (Quảng Ngãi), Tua Hai (Tây Ninh), Hoài Đức - Bắc Ruộng (Ninh Thuận)… Cho dù với phương thức nào, các cuộc nổi dậy đều nhằm mục đích lật đổ chính quyền địch, xây dựng chính quyền cách mạng, giành quyền làm chủ về tay nhân dân.
Ba là, thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu sự hình thành phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, sự ra đời của “Đội quân tóc dài”.
Các cuộc tiến công ở Trà Bồng, Mỏ Cày, Tua Hai và phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã phản ánh một mẫu hình về tinh thần chủ động phát động nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị, tiến công quân sự và binh vận, phát triển thành phương châm hai chân (quân sự - chính trị) và ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Nội dung của ba mũi giáp công chính là kết hợp mọi lực lượng, mọi biện pháp, mọi hình thức đấu tranh, kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng, kết hợp đòn tiến công quân sự với hoạt động binh vận và nổi dậy của quần chúng.
Lực lượng quân sự được xây dựng trên cơ sở lực lượng chính trị đi đôi với quá trình tự vũ trang của quần chúng; từ đó hình thành ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực của Khu, Miền, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích của xã, ấp. Lực lượng chính trị đại đa số là nông dân, đặc biệt trong đó là sự ra đời của “Đội quân tóc dài” từ trong phong trào Đồng khởi tại Mỏ Cày, Bến Tre. “Đội quân tóc dài” là một đội ngũ được tổ chức chặt chẽ, sử dụng phương pháp đấu tranh trực diện bằng lý lẽ và tình cảm, đã ngăn chặn hành động khủng bố, càn quét của địch, thực hiện công tác binh địch vận làm tan rã hàng ngũ của chúng.
Trong phong trào Đồng khởi, tính hiệu quả của công tác binh địch vận đã được khẳng định. Công tác binh địch vận góp phần làm cho địch bị tan rã về chính trị, tư tưởng, tinh thần và tổ chức; khiến cho một bộ phận binh lính địch quay trở lại ủng hộ chính nghĩa, đứng về phía nhân dân để chống lại chiến tranh xâm lược. Hình thức binh địch vận trong Đồng khởi hết sức phong phú, chủ yếu là tận dụng sơ hở của địch, cài cắm cơ sở vào hàng ngũ địch thu thập tin tức, khi thời cơ đến thì tranh thủ vận động lôi kéo, cảm hóa người chỉ huy và binh lính địch…
Thực tiễn ở Bến Tre chứng minh rằng, tùy từng cuộc đấu tranh chính trị, từng trận đánh mà vai trò, vị trí của mỗi mũi chính trị, quân sự và binh vận khác nhau. Khi chưa có lực lượng vũ trang mạnh thì mũi đấu tranh chính trị và binh địch vận giữ vai trò chủ yếu, mũi quân sự hỗ trợ; khi có lực lượng vũ trang mạnh và mục tiêu là tác chiến tiêu diệt địch, hạ đồn bốt, thì mũi quân sự là chủ yếu, đấu tranh chính trị và binh địch vận làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Như vậy, từ trong phong trào Đồng khởi và bằng Đồng khởi, phương thức tiến công kết hợp “hai chân, ba mũi” được thực hiện một cách sáng tạo và có hiệu quả, để lại một hình mẫu, một bài học có giá trị lý luận và thực tiễn, được vận dụng và phát huy trong suốt những năm về sau cho đến khi quân và dân ta giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bốn là, thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh cách mạng.
Mở đầu chiến tranh cách mạng miền Nam bằng phong trào Đồng khởi là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc và kinh nghiệm của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là vấn đề được nhiều tham luận đề cập, phân tích, làm rõ, từ đó khẳng định, bằng nhãn quan sâu rộng, Đảng ta đã xác định chính xác đường lối lãnh đạo cách mạng miền Nam, phương thức chỉ đạo tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng trong bước mở đầu. Bởi vậy, thắng lợi của phong trào Đồng khởi chính là bước kiểm nghiệm tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời thể hiện ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả hai miền Nam - Bắc dốc lòng, dốc sức phấn đấu vì nền hòa bình, thống nhất nước nhà.
Nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh cách mạng còn thể hiện trong việc xác định đúng thời cơ, địa bàn và phương thức hành động. Trong lãnh đạo cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam, Đảng ta chủ trương lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Bằng phương pháp đấu tranh khéo léo, sử dụng hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, không hợp pháp, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phong trào Đồng khởi nổ ra và giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi đó thể hiện tư duy sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ, sách lược mềm dẻo, khôn khéo của Đảng trong hoạch định đường lối và chỉ đạo mở đầu cách mạng.
Cùng với đó, Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vũ khí cho các lực lượng vũ trang, như: Vận động nhân dân đóng góp, tổ chức mua sắm và tận dụng nguồn thu được của địch; khôi phục hoạt động và thành lập thêm các “công binh xưởng” để sửa chữa, sản xuất các loại vũ khí thô sơ, góp phần vào thắng lợi của phong trào Đồng khởi.
Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nghị quyết Trung ương 15, khóa II, cách mạng Việt Nam đã có bước chuyển biến chiến lược từ đấu tranh chính trị chủ yếu sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang. Đây là yếu tố tiên quyết tạo ra thắng lợi của phong trào Đồng khởi. Bên cạnh đó, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ của các liên khu ủy, tỉnh ủy trong chỉ đạo cũng như sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trực tiếp góp phần làm nên thắng lợi Phong trào Đồng khởi năm 1960. Từ sự kiện này, nhiều bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm về nghệ thuật mở đầu chiến tranh cách mạng Việt Nam được đúc rút cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để tạo nên các cuộc “Đồng khởi mới”, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thành công, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp  (13/12/2019)
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện hiện nay  (10/12/2019)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh Bắc Ninh  (02/11/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển