Kết quả và những vấn đề đặt ra trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Ngãi
TCCS - Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ở miền Trung - Tây Nguyên làm tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), tạo nên chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để TCCSĐ trên địa bàn thật sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Kết quả bước đầu
Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, với việc xác định xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, thực hiện đầy đủ chức năng lãnh đạo là tiền đề vững chắc để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của TCCSĐ và chất lượng đảng viên. Đến nay, toàn Đảng bộ có 53.820 đảng viên sinh hoạt trong 900 tổ chức cơ sở đảng (311 đảng bộ và 589 chi bộ) ở 19 đảng bộ trực thuộc tỉnh (14 đảng bộ huyện, thành phố; 2 đảng bộ khối; 3 đảng bộ lực lượng vũ trang). Trong đó, có 184 đảng bộ xã, phường thị trấn; 716 TCCSĐ ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp, quân đội, công an, doanh nghiệp và hợp tác xã...
Sau khi được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, hoạt động của các TCCSĐ trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp ủy cơ sở tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; xây dựng chương trình công tác cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng lãnh đạo của các chi bộ, tổ đảng, tổ dân phố (thôn, xóm); tập trung lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, các cấp ủy cơ sở còn xây dựng, thực hiện tốt quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt đảng định kỳ, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên. Trong sinh hoạt Đảng, ngày càng mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu; nâng cao nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên; tăng cường đoàn kết nội bộ. Nhiều chi bộ duy trì và thực hiện có hiệu quả việc sinh hoạt chuyên đề; lựa chọn những chuyên đề gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên…
Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,28%. Quy mô tổng sản phẩm năm 2018 tăng hơn 7.432 tỷ đồng so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2018 khoảng 57,8 triệu đồng; văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng; an ninh, chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng tăng...
Những cách làm hiệu quả
Để có được những kết quả trên, những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn, nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) Quảng Ngãi đã nỗ lực, triển khai thực hiện quyết liệt công tác xây dựng Đảng với nhiều giải pháp hữu hiệu. Có thể kể đến một số cách làm hiệu quả sau:
Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng quyết liệt củng cố, kiện toàn TCCSĐ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, BTVTU ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt các văn bản về kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên, như: Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 10-11-2016, của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Công văn số 2314-CV/TU, ngày 10-11-2017, của BTVTU, về triển khai thực hiện Kết luận số 18- KL/TW, ngày 22-9-2017, của Ban Bí thư, về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 06-HD/BTCTU, ngày 08-10-2018, về nội dung, khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ cho các loại hình chi bộ. Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, chủ trương của tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, thực hiện việc kiểm điểm tổ chức đảng, đảng viên hằng năm gắn với thực hiện NQTW4 khóa XI, khóa XII.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm chất lượng và hoạt động hiệu quả. Các cấp ủy tích cực chỉ đạo việc xây dựng, thành lập mới, sáp nhập, chuyển giao các tổ chức đảng theo đúng quy định. BTVTU chỉ đạo hợp nhất Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; sắp xếp các tổ chức đảng kho bạc nhà nước trực thuộc cấp huyện về trực thuộc Đảng bộ Kho bạc nhà nước tỉnh; sắp xếp các tổ chức đảng chi cục thuế cấp huyện về trực thuộc Đảng bộ Cục thuế tỉnh; thành lập đảng bộ cơ sở Cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức đảng Chi cục Quản lý thị trường và các tổ chức đảng đội quản lý thị trường cấp huyện… Hiện tại, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi có các mô hình TCCSĐ khá phong phú, gồm: 184 TCCSĐ xã phường, thị trấn; 124 TCCSĐ cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; 264 TCCSĐ cơ quan nhà nước; 139 TCCSĐ đơn vị sự nghiệp; 78 TCCSĐ quân đội, công an; 111 TCCSĐ doanh nghiệp, hợp tác xã và 2 TCCSĐ khác.
Điểm đáng ghi nhận hơn, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện có hiệu quả, bền vững mô hình 100% thôn, tổ dân phố có chi bộ. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cả tỉnh hiện có 1.024/1.157 chi bộ thôn, tổ dân phố có cấp ủy (chiếm tỷ lệ 88,25%); có 849 thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, trong đó có 92 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, 453 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; 81 chi ủy viên kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Thứ hai, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05- CT/TW với xây dựng TCCSĐ. Trên cơ sở nhận thức chung sau học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn định hướng cho cán bộ, đảng viên liên hệ trách nhiệm của mình trong thực hiện phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên chú trọng hơn nữa việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ mọi mặt; thường xuyên tự phê bình, tự soi lại mình và thực hiện tốt nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ, cơ quan theo nội dung cam kết, đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh gắn việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ, đảng viên hằng năm với việc liên hệ kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Riêng năm 2018, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương, trong đó chú trọng đánh giá và nhận diện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc thẩm định kết quả đánh giá của TCCSĐ trực thuộc được các cấp ủy cấp trên dựa trên kết quả kiểm điểm tập thể và cá nhân, chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW, coi trọng ý kiến tham gia đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, ý kiến nhận xét đảng viên của cấp ủy nơi cư trú… Qua đó, đã góp phần từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đảng viên. Năm 2018, tỉnh có 171 TCCSĐ được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 18,92%; 666 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 73,67%; chỉ có 8 TCCSĐ không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 0,22%. Việc đánh giá, xếp loại đảng viên phản ánh đúng, thực chất gắn với việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi người. Năm 2018, toàn tỉnh có 5.763 đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 12,56%; 37.756 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 79,06%; chỉ có 349 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 0,73%
Thứ ba, làm tốt công tác phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng.
Vấn đề này vốn đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là BTVTU Quảng Ngãi tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện và xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hằng năm. Thực tế những năm qua cho thấy, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, số lượng đảng viên kết nạp tăng dần. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 6.904 đảng viên mới. Đặc biêt, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-01-2019, của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, BTVTU Quảng Ngãi nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 200-KH/TU, ngày 5-6-2019, đồng thời thành lập đoàn giám sát các tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư và kế hoạch của BTVTU. Đến nay, tỉnh đã tổ chức rà soát đợt 1 việc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng TCCSĐ ở Quảng Ngãi còn có một số vấn đề cần khắc phục. Thứ nhất, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở một số TCCSĐ vẫn chưa cao; khả năng vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn yếu; chưa kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp, phát sinh ở địa phương.
Thứ hai, việc duy trì chế độ sinh hoạt Đảng ở một số tổ chức đảng thực hiện chưa nghiêm túc theo quy định của Điều lệ Đảng. Công tác đánh giá cán bộ, phân loại tổ chức cơ sở đảng và kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm ở một số tổ chức đảng chưa thật sự bảo đảm chất lượng, có biểu hiện nặng về thành tích.
Thứ ba, công tác phát triển đảng viên ở các đơn vị kinh tế tư nhân, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo chưa nhiều; công tác quản lý đảng viên, nhất là đảng viên đi làm ăn xa chưa chặt chẽ.
Thứ tư, việc kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đạt so với chương trình, kế hoạch đề ra. Một số cấp uỷ còn xem nhẹ công tác kiểm tra, giám sát; chất lượng chưa cao, chưa phát huy hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng qua công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ năm, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa tốt, còn xảy ra tình trạng vi phạm bị xử lý kỷ luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thi hành kỷ luật 22 đảng viên, trong đó Tỉnh ủy, BTVTU thi hành kỷ luật 5 đảng viên (khiển trách 3, khai trừ 2); Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 18 đảng viên (khiển trách 10, cảnh cáo 8).
Thứ sáu, chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở một số TCCSĐ chưa cao, chưa sát với chức năng, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị.
Thứ bảy, việc liên hệ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4, Chỉ thị số 05-CT/TW ở một số TCCSĐ còn lúng túng, chưa chỉ rõ các biểu hiện về suy thoái, vẫn còn tình trạng “dĩ hòa vi quý” trong tự phê bình và phê bình.
Phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tỉnh ủy Quảng Ngãi tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực, giúp đảng viên nâng cao nhận thức, nắm bắt kịp thời, tự giác chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên, để chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
- Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức đảng ở cơ sở phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng đối với đội ngũ cấp ủy viên ở cơ sở, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy. Tích cực thực hiện chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị; bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.
- Nâng cao hơn nữa chất lượng việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm bảo đảm đúng thực chất. Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý đảng viên; tiến hành rà soát đội ngũ đảng viên, kiên quyết kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng./.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp  (13/12/2019)
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện hiện nay  (10/12/2019)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh Bắc Ninh  (02/11/2019)
Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững  (01/11/2019)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay