Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội phát huy truyền thống yêu nước và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
TCCSĐT - Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã để lại một chân lý, một quy luật, một truyền thống vẻ vang là dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22 tháng 12 hằng năm cũng là dịp biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của nhân dân ta bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngược dòng lịch sử 70 năm trước đây, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là một mốc son chói lọi đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là tiền thân của một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Đó là quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn gắn bó máu thịt, “đồng cam, cộng khổ” với nhân dân. Một quân đội kiểu mới không ngừng lớn mạnh, đã đánh thắng hai cường quốc thực dân, đế quốc xâm lược là Pháp và Mỹ, giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và luôn thủy chung với bạn bè quốc tế.
Từ trong những tháng năm khói lửa của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, một tập quán mới và tốt đẹp đã nảy nở, phát triển, trở thành sinh hoạt bình dị nhưng rất sâu nặng nghĩa tình, đó là những ngày hội đoàn kết quân dân, vun đắp tình quân dân cá - nước. Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, mỗi chiến công, mỗi bước phát triển theo phương hướng chính quy, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam đều gắn liền với sự tin yêu đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng của nhân dân. Nhân dân chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh vô tận để quân đội ta luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân và có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược hung hãn của thời đại.
Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến rất phức tạp. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng mưu toan xóa bỏ mọi thành quả cách mạng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn. Tình hình kinh tế - xã hội đất nước vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng, kém phát triển; đời sống của phần lớn nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình hình thực tiễn đó, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã họp bàn và quyết định các biện pháp nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Chấp nhận đề nghị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CV/TW, lấy ngày 22 tháng 12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, là “Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.
Ngày 22-12-1989, lần đầu tiên “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” được tổ chức trọng thể tại tất cả các địa phương trong cả nước. Kể từ đó đến nay, ngày 22 tháng 12 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam và hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; giáo dục nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cổ vũ, động viên mọi công dân và các tổ chức cùng chung sức, đồng lòng chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hai mươi lăm năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã có rất nhiều hoạt động sinh động, phong phú, sáng tạo để kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, như mít-tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; thăm các đơn vị quân đội; biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự,... Đó thực sự là ngày hội phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, một nét độc đáo của truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, đồng thời tạo cơ sở đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày hội Quốc phòng toàn dân đi vào chiều sâu, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 62-CT/TW, ngày 12-02-2001, về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 05-10-2002, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Ngày 03-5-2007, Bộ Chính trị tiếp tục có Chỉ thị số 12-CT/TW, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007, về Giáo dục quốc phòng - an ninh.
Trên cơ sở các văn bản pháp lý đó, từ đó đến nay, các địa phương, bộ, ngành, đơn vị trong cả nước đã có nhiều hình thức, nội dung, biện pháp tổ chức phong phú, sáng tạo, với việc gắn kết tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với xây dựng thế trận an ninh vững chắc; tích cực chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đã được nâng cao chất lượng. Thông qua Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tinh thần cảnh giác của các tầng lớp nhân dân trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyển chọn và động viên thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, được các địa phương, đơn vị tổ chức như một ngày hội phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc. Hệ thống thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, cơ sở luôn đổi mới công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến rộng rãi kết quả và những kinh nghiệm tốt của các địa phương, các ngành và đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, xây dựng quân đội, tạo sự đồng thuận xã hội ở từng địa phương, cơ sở.
Hiện nay, tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chiến tranh thế giới tuy ít có khả năng xảy ra, song những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều khu vực với tính chất phức tạp ngày càng gia tăng. Tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có sự phát triển năng động, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nhân tố gây mất ổn định. Đáng chú ý, trên thế giới và khu vực xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích chiến lược mới; sự tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo ngày càng trở nên gay gắt. Vấn đề an ninh sinh tồn và an ninh phát triển đang đặt ra cho chúng ta bài toán phải giải quyết một cách hài hòa, hữu hiệu. Những nguy cơ đối với đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra, đến nay vẫn là những thách thức lớn. Đặc biệt, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI chỉ rõ, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh kịp thời, hiệu quả, sẽ trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, đến việc giữ vững các thành quả cách mạng. Vì vậy, “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” càng trở nên có ý nghĩa rộng lớn, sâu sắc và có tầm quan trọng chiến lược đối với việc phát huy truyền thống yêu nước và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới cho mọi người dân Việt Nam.
Để “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” hằng năm được tổ chức ngày càng phong phú, hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả, trước hết, mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương, bộ, ngành, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng ta, truyền thống Quân đội nhân dân anh hùng và những hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục về chuẩn mực đạo đức, lối sống con người Việt Nam; những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt ở các cấp, các ngành và các đối tượng khác, làm cho mỗi người dân Việt Nam có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh trong tình hình mới.
Tăng cường giới thiệu, phổ biến những bài học kinh nghiệm của các địa phương, đơn vị về thực hiện công tác quốc phòng và an ninh toàn dân; chú trọng khẳng định những thành tựu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, chỉ rõ những thời cơ, vận hội mới và cả những khó khăn, thách thức lớn đang hiện hữu, tiềm ẩn đối với đất nước; những chủ trương, giải pháp của Chính phủ về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt hiệu quả cao. Động viên các tầng lớp nhân dân nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, chung sức đồng lòng, nêu cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa kết hợp với bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở, xây dựng mỗi tỉnh (thành phố) trở thành khu vực phòng thủ vững chắc trong thế trận chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp ủy và chính quyền địa phương, bộ, ngành, đơn vị cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh đã được Quốc hội ban hành; đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, quận, huyện; xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương, từng ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp củng cố nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về quốc phòng và an ninh đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở. Khắc phục triệt để những biểu hiện sao nhãng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; hoặc tình trạng “khoán trắng” nhiệm vụ này cho cơ quan quân sự địa phương các cấp. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Nông dân... trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, bộ, ngành, đơn vị, được kết hợp với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kỷ niệm hằng năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới, quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, để họ có nhận thức đúng và thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh, phòng, chống cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai... Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, các ngành, các cấp làm tốt công tác vận động quần chúng trên từng địa bàn tham gia tích cực xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; phối hợp cùng lực lượng Công an nhân dân để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.
Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, tự hào với những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong gần 30 năm đổi mới đất nước, mỗi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay đang công tác, làm ăn sinh sống, định cư ở nước ngoài, hãy cùng hướng về Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cũng đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân, bằng tất cả tình cảm và hành động yêu nước thiết thực, ý nghĩa. Đó thực sự là ngày hội phát huy truyền thống yêu nước và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngày hội của niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi “con Lạc, cháu Rồng” đối với cội nguồn dân tộc, đối với truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, truyền thống 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân./.
Nữ hoàng Anh quan tâm sâu sắc đến quan hệ hợp tác với Việt Nam  (18/02/2015)
Hợp tác kinh tế: Điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Singapore  (18/02/2015)
Văn hóa Tây Nguyên và sự phát triển bền vững  (18/02/2015)
Phát động cuộc thi thiết kế tem và dấu bưu điện chung của ASEAN  (18/02/2015)
Những bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Cuba  (18/02/2015)
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hưng Yên sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; tình hình kinh tế - xã hội và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm