Tình đoàn kết của Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
TCCSĐT - Sự giúp đỡ, tương trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới là những tài sản quý báu đối với nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, khi nói đến sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là với “mốc vàng thời đại” - Điện Biên Phủ (07-5-1954), nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp đã dành cho Việt Nam.
Nhạy bén trước âm mưu kéo dài chiến tranh của các nước đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời kêu gọi tới Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nêu rõ nguồn gốc và tình hình cuộc chiến tranh ở Đông Dương, qua đó, đề nghị quốc tế ủng hộ việc vãn hồi hòa bình ở Đông Dương; tỏ rõ thiện chí của Việt Nam muốn mở rộng tiếp xúc và quan hệ quốc tế, phát triển ngoại giao nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới.
Đối với nước Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 12-1946 đến đầu tháng 3-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần chính thức gửi thư và kêu gọi Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp (1). Người yêu cầu phía Pháp đình chỉ chiến tranh, thực hiện thương lượng, nêu rõ mục tiêu kháng chiến của nhân dân ta, nhấn mạnh thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, hợp tác với nhân dân Pháp; đồng thời, biểu thị thái độ đúng đắn, dứt khoát và rõ ràng trong việc phân biệt bạn, thù. Trong bức thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp năm mới 1947, Người viết: “Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”(2).
Chủ nghĩa thực dân dùng đủ mọi cách thức để tuyên truyền và ngụy biện cho hành động xâm lược phi nghĩa của mình. Trước những luận điệu do thực dân Pháp tuyên truyền, như “nhân quyền, tự do”, “chống nguy cơ cộng sản”, “tái lập nền thống trị của nước đại Pháp”(!)…, không ít người Pháp lúc đầu do thiếu thông tin, không hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp tiến hành, nên bị cuốn vào cuộc chiến tranh phi nghĩa đó. Thế nhưng, thực tiễn tàn khốc và bản chất đen tối của cuộc chiến tranh do thực dân Pháp gây ra đã giúp họ dần nhận ra rằng, dân tộc Việt Nam cũng giống như nhân dân Pháp trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Đức trước đó, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chính nghĩa và để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc mình.
Chính sách phân biệt bạn, thù rõ ràng, đúng đắn của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khiến nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân Pháp hiểu rõ, có cảm tình, rồi đi đến ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Nhờ vậy, phong trào ủng hộ Việt Nam kháng chiến, lên án hành động xâm lược của thực dân Pháp, nổ ra ngày càng mạnh mẽ, với nhiều hình thức phong phú, như mít-tinh phản đối chiến tranh, cử người sang Việt Nam “chia lửa với nhân dân Việt Nam”, xuất bản sách, viết báo ca ngợi tinh thần chiến đấu của dân tộc Việt Nam,… Đảng Cộng sản Pháp và đông đảo nhân dân tiến bộ Pháp yêu cầu Chính phủ chấm dứt cuộc chiến tranh và dàn xếp với Chính phủ Việt Nam.
Tháng 3-1947, tại cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam do Quốc hội Pháp tổ chức, các đại biểu Đảng Cộng sản và một số nhân sĩ tiến bộ như Pi-e Cốt, chủ trương đình chỉ ngay chiến tranh để dàn xếp với Chính phủ Việt Nam. Tại diễn đàn Quốc hội Pháp, các đồng chí Lô-dơ-ray, Đuy-clô - Phó Chủ tịch Quốc hội - lên án cuộc chiến tranh xâm lược làm hao tiền, tốn của, dẫn nước Pháp đến suy sụp; đồng thời, khẳng định, chỉ có thương lượng với lực lượng kháng chiến mới cứu vãn được khối Liên hiệp Pháp. Trong phiên họp Quốc hội Pháp ngày 21-01-1950, nữ đồng chí Véc-mê phẫn nộ lên án các đảng phái chủ chiến: “Các ngài quên rằng, nhân dân Việt Nam đang ở trên đất nước họ. Không phải họ là kẻ xâm lược, mà chính các ngài… Không phải nhân dân Việt Nam đã ném bom Mác-xây, mà chính là các ngài đã ném bom Hải Phòng…”(3). Các tổ chức chính trị - xã hội của nước Pháp, như Tổng Công đoàn, Liên đoàn Phụ nữ, Liên đoàn Thanh niên cũng có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau rất sáng tạo, như lấy chữ ký đòi hòa bình ở Việt Nam để trao cho các ủy viên hội đồng thành phố, các nghị sĩ, bộ trưởng, tổng thống…; tiến hành mít-tinh, biểu tình trên khắp nước Pháp, nhất là các thành phố lớn; tổ chức những buổi họp mặt mang tên “Vì Việt Nam”... Các hành động đó cho thấy, “độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ” là những giá trị cao đẹp và thiêng liêng mà toàn nhân loại tiến bộ luôn hướng đến. Đó là điểm chung của tình đoàn kết chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, dân chủ và tiến bộ giữa Đảng Cộng sản và nhân dân hai nước Việt Nam - Pháp.
Bước sang năm 1950, tình thế trên chiến trường Đông Dương ngày càng bất lợi cho thực dân Pháp. Đối với nước ta, việc khai thông quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện thuận lợi để ta mở rộng địa bàn hoạt động quốc tế, đặc biệt với Đảng Cộng sản Pháp và các lực lượng dân chủ tiến bộ ở Pháp. Lúc đó, yêu cầu đặt ra đối với phong trào phản chiến ở Pháp không chỉ dừng lại ở giai đoạn hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản mà phải có những cuộc đấu tranh có tính chất tích cực. Tổng Liên đoàn Pháp phát động những cuộc bãi công ở các cảng có tàu chuyên chở vũ khí và trang thiết bị đi Đông Dương. Từ Mác-xây, Tu-lông, Lơ Ha-vrơ, Đông-kec, An-giê-ri,… khắp nơi đều có những cuộc đấu tranh rầm rộ của công nhân bốc dỡ hàng không chịu chuyển hàng lên tàu, bất chấp sự đàn áp, cúp phạt, thậm chí bắt bớ, giam cầm của chính quyền Pháp. Các cuộc đấu tranh của công nhân cảng cũng như các cuộc đấu tranh trong toàn nước Pháp luôn gắn liền với yêu cầu đòi rút quân đội viễn chinh về nước, đòi hòa bình ở Việt Nam, yêu cầu phải điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Điển hình cho phong trào đấu tranh sục sôi và quyết liệt đó là sự kiện nữ công nhân Ray-mông Điêng nằm trên đường sắt ngăn đoàn xe lửa chở vũ khí sang Việt Nam (24-02-1949), thực sự gây nên một cú sốc trong dư luận nước Pháp. Tiếp đến là sự kiện Hen-ri Mác-tanh, một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từng có mặt trên chiến trường Đông Dương, khi trở về Pháp trở thành người tố cáo tội ác của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Ông bị tòa án quân sự Brét kết án 5 năm tù vì tội phản chiến, viết báo chí “kích động” làm “tổn hại tinh thần quân đội”(!) Nhưng, cũng chính tòa án đó không lường trước được hệ quả tai hại của lời buộc tội ngang ngược dành cho H. Mác-tanh. Một chiến dịch đấu tranh đòi trả tự do cho chiến sĩ cách mạng H. Mác-tanh nổ ra khắp nước Pháp và tiếng vang của sự kiện này vượt ra cả bên ngoài nước Pháp. Ngày càng có thêm nhiều người tham gia chiến dịch đòi trả tự do cho H. Mác-tanh, như B. Brếch-chơ (Đức), N. Hi-cơ-mê (Thổ Nhĩ Kỳ),… Ở Việt Nam, tên của H. Mác-tanh và Ray-mông Điêng trở thành biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu Pháp - Việt vì tự do và hòa bình.
Phong trào ủng hộ Việt Nam của dư luận Pháp tại các nước thuộc địa
Trong suốt ba năm (1950 - 1953), với nhiều hoạt động phong phú, phong trào đấu tranh ở Pháp biến vụ đòi giải phóng H. Mác-tanh trở thành một “ngòi nổ”, khiến vấn đề Việt Nam có sức ảnh hưởng và lôi cuốn mạnh mẽ trong dư luận Pháp, từ thành thị tới nông thôn. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trở thành vấn đề “nóng bỏng” trong đời sống chính trị - xã hội nước Pháp lúc bấy giờ. Trên các diễn đàn quốc tế, các đại hội học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ,… các bạn Pháp thường chủ động gặp gỡ đại biểu Việt Nam, nhờ họ mang về Việt Nam nhiều tặng phẩm, quà, báo chí, thư từ, kinh phí (4).
Tại Việt Nam, ngay khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Kỳ, xuất hiện một tổ chức của những người Pháp cách mạng, yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta với tên gọi Nhóm Văn hóa Mác-xít (Groupe Culturel Marxiste, GCM) (5), được thành lập vào tháng 10-1945. Thành viên GCM không chỉ là những người thuộc Đảng Cộng sản Pháp mà còn của nhiều đảng phái khác. Có những đảng viên xã hội phản đối chiến tranh thực dân, như Đại úy Mác Pơ-ti, Giáo sư Lơ-me; có những nhân vật yêu hòa bình, không đảng phái, như bác sĩ, Đại tá quân y Guy Ha-xơ-lê, Thạc sĩ G. Sê-nơ, Giáo sư Đại học Luật khoa, Tiến sĩ L. Ca-en, Kỹ sư trưởng Nhà máy B. Pi-e La-nu-ê,…(6). Họ sớm nhận ra cuộc chiến tranh xâm lược đang đè nặng lên vai nhân dân Pháp về sinh mạng, tiền của và danh dự. Họ nhận ra cuộc chiến đấu yêu nước, chính nghĩa và anh hùng của nhân dân Việt Nam, từ đó tích cực tham gia các hoạt động vì lợi ích tiến bộ của nhân dân Pháp và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Cuối năm 1946, để có cơ quan ngôn luận riêng đấu tranh chống âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nhằm chia cắt Việt Nam, GCM ra tờ Lendemains. Số đầu tiên ra ngày 22-10-1946, vạch trần âm mưu lập Nam Kỳ tự trị tách khỏi Việt Nam, với bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng bù nhìn. Bài báo có tựa đề: “Bác sĩ Thinh, cút đi!” (Docteur Thinh, Allez - vous en!).
Sự xuất hiện của tờ Lendemains - cơ quan ngôn luận của GCM, có ý nghĩa rất lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào báo chí tuyên truyền đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai âm mưu xâm lược, chia rẽ nước ta.
Nhóm Văn hóa Mác-xít với lập trường ủng hộ Việt Nam giành độc lập khiến chính quyền thực dân tức tối. Chúng khiêu khích, khủng bố, cho tay chân lục soát trụ sở báo Lendemains, trục xuất, bắt giam những người hoạt động tích cực nhất. Thực tế, từ cuối năm 1947, tờ Lendemains bị đình bản. Đến năm 1951, trước sự tấn công, truy lùng gắt gao của chính quyền thực dân, GCM bị giải thể. Tuy nhiên, chỉ với hơn 5 năm hoạt động, GCM thực sự để lại dấu ấn sâu sắc trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, trực tiếp góp phần làm cho thế giới, nhất là nhân dân tiến bộ Pháp hiểu đúng và rõ hơn về cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà Pháp đang tiến hành ở Đông Dương. Sự ra đời và mục đích hoạt động của GCM là bằng chứng tiêu biểu cho tình đoàn kết chiến đấu giữa hai đảng cộng sản, hai dân tộc Việt - Pháp.
Sự lớn mạnh của phong trào phản đối chiến tranh ở Pháp đã khơi dậy phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam ở các nước thuộc địa khác, mà nổi lên hàng đầu là phong trào đấu tranh của công nhân bến cảng các nước Bắc Phi. Dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và các tổ chức công đoàn, công nhân bến cảng đấu tranh liên tục trong vòng 5 năm liền tẩy chay không chịu vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho tàu Pháp sang Việt Nam.
Chỉ riêng ở An-giê-ri, trong 5 năm đấu tranh ủng hộ Việt Nam, công nhân các bến cảng phải chịu thiệt hại lên đến 4.600 triệu phrăng tiền lương (7). Sau khi Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh, một loạt cuộc biểu tình của nhân dân Bắc Phi nổ ra, nhằm chống lại việc đưa lính sang Việt Nam làm bia đỡ đạn. Chính các cuộc biểu tình này đã khiến đề nghị của Tướng H. Na-va về việc bổ sung 2.699 lính Bắc Phi không được chấp nhận. Ngày 19-12-1953, dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, nhân dân Bắc Phi tổ chức ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, đầu năm 1950, ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô, Trung Quốc, hai nước này cùng một số nước dân chủ khác ở châu Âu và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đây thực sự là một thắng lợi chính trị hết sức to lớn, tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương. Từ đây, Việt Nam có một “hậu phương” to lớn về tinh thần, đồng thời bắt đầu tiếp nhận viện trợ về vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước dân chủ và nhân dân tiến bộ thế giới.
Nhìn chung, trong suốt chín năm kháng chiến, đặc biệt là trong chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954), đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trước hết là nhân dân Pháp, nhân dân châu Á, các nước thuộc địa, phụ thuộc và các nước xã hội chủ nghĩa. Đây là chiến thắng mang tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, là thành công của đường lối đối ngoại đúng đắn và sáng tạo của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - một trong những nhân tố cơ bản góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sự ủng hộ, giúp đỡ đó lớn dần cùng với bước phát triển của cuộc kháng chiến, trở thành một lực lượng to lớn kết hợp với sức mạnh của dân tộc Việt Nam đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Chúng ta giành được thắng lợi to lớn cũng là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta” (8).
Theo dòng chảy của thời gian, những sự kiện diễn ra trong quá khứ được chúng ta nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan hơn, gần hơn với chân lý của lịch sử. Đúng 39 năm sau (tháng 02-1993), Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, Ph. Mít-tơ-răng sang thăm chính thức Việt Nam và lên thăm Điện Biên Phủ lịch sử. Đến Điện Biên Phủ, nơi chứa đựng biết bao dấu ấn và xúc cảm không chỉ của riêng người Việt Nam, mà đối với cả người Pháp, Tổng thống Ph. Mít-tơ-răng khi đó tự nhìn nhận: “Cuộc chiến tranh để giành lại quyền kiểm soát các thuộc địa Đông Dương cũ, đối với tôi luôn luôn là một sai lầm. Nhân tố quốc gia là yếu tố quyết định hơn bất kỳ một yếu tố tư tưởng nào” (9).
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất diệt về sức mạnh của dân tộc Việt Nam anh hùng, cũng là di sản tinh thần vô giá về tình cảm đoàn kết quốc tế trong sáng, mẫu mực của Đảng Cộng sản và nhân dân tiến bộ Pháp dành cho Việt Nam, mà nhân dân Việt Nam mãi khắc ghi./.
------------------------------------
(1) Lê Nguyên: “Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1946)”, Tạp chí Cộng sản, số 10, 2004, tr. 22
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 3
(3) Dẫn theo: A. Ru-xi-ô, Những người cộng sản Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương (1944 - 1954), Nxb. Lơ Ha-mác-tanh, Pa-ri, 1985, tr. 220; Xem thêm: Lê Nguyên: đã dẫn, tr. 24
(4) Xem: Lê Nguyên: “Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1946)”, đã dẫn, tr. 24
(5) Xem thêm: Hồi ký Trần Văn Giàu (1940 - 1954),
tại http://www.viet-studies.info/TranVanGiau/HoiKy_IV_2.htm
(6) Nguyễn Văn Khoan: Cảm ơn các bạn, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 49
(7) Nguyễn Thúc: An-giê-ri kháng chiến, Hà Nội, 1960, tr. 57
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 1
(9) GS. Văn Tạo: “Chiến thắng Điện Biên Phủ và tình hữu nghị Việt - Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2-1994, tr. 24
Phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (07/05/2014)
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam biểu hiện trong chiến thắng Điện Biên Phủ  (07/05/2014)
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ - qua lời kể của những người lính Nga  (07/05/2014)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ  (07/05/2014)
Tòa bác kháng cáo, y án tử hình đối với Dương Chí Dũng  (07/05/2014)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm