Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững - từ nhận thức đến hành động
TCCS - Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, việc tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhận thức được những chuyển biến chung đó, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9-6-2016 “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” nhằm tạo nền tảng xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn và tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Nam Định có vị trí chiến lược quan trọng ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với 1.668km2 diện tích tự nhiên, dân số gần 2 triệu người, 226 xã, phường, thị trấn. Nam Định là tỉnh có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng; là tỉnh có bờ biển dài 72km, hệ thống đường giao thông đa dạng khoảng 7.000km đường bộ, trên 400km đường sông và đường biển, 42km đường sắt, rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa Nam Định với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Nam Định cũng là vùng đất nghìn năm văn hiến, quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta; nơi lưu giữ nhiều giá trị tư tưởng đạo đức, giàu tính nhân văn được bảo tồn ở 2.160 thôn, xóm, tổ dân phố(1). Với hệ thống di sản văn hóa, trong đó nổi bật là những di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, như lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy hay những vùng văn hóa dân gian cổ truyền: hát chèo, hát chầu văn, rối nước, rối cạn và nhiều làng nghề truyền thống: đúc đồng, dệt, chạm khắc, sơn mài..., đặc biệt, tỉnh Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét duyệt và ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 12-2016..., Nam Định đã góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Những năm qua, Nam Định đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, để góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” và 22 văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này. Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, cùng với việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng.
Trước hết, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội. Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, triển khai nhiều phong trào hành động sâu rộng trong xã hội nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc, tiến bộ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng huy động nguồn đóng góp của xã hội, để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 47 nhà văn hóa cấp xã, 855 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố với kinh phí trung bình từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/nhà văn hóa cấp xã, 450 triệu - 800 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Đặc biệt, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cơ chế khuyến khích xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố với mức hỗ trợ từ 50 triệu - 150 triệu đồng. Kết quả, 100% xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa, 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Nhiều nơi đã xây dựng hương ước, quy ước nhằm giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức truyền thống, tích cực xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã có hơn 1.500 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được tỉnh phê duyệt góp phần đổi mới ở nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường. Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Kết luận số 51-KL/TW, của Bộ Chính trị khóa X, đã được đưa vào quy ước, hương ước làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa, trở thành một tiêu chí trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, thành phố Nam Định tiếp tục giữ vững là đô thị sáng – xanh - sạch - đẹp; huyện Hải Hậu liên tục trên 40 năm đạt danh hiệu điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước, 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được đặc biệt quan tâm, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người tỉnh Nam Định đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện nay, tỉnh Nam Định có 1.348 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 295 di tích cấp tỉnh và 964 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 9 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia(2). Việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, thu thập các di vật, cổ vật... đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là sau bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và nhu cầu của nhân dân, giữ gìn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tỉnh đã chỉ đạo, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định, quan tâm việc định hướng tư tưởng, động viên, khuyến khích các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã có một giải thưởng riêng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật dành cho đội ngũ văn nghệ sỹ là giải thưởng Văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định với định kỳ 5 năm tổ chức một lần(3). Hằng năm đã có hàng trăm tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.
Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế nghiên cứu, quảng bá, giới thiệu văn hóa của tỉnh được chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau để giới thiệu những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, những thành tựu của địa phương trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước để nhân dân trong, ngoài nước hiểu biết hơn về mảnh đất, con người Nam Định. Tỉnh đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện 2 chương trình “Khám phá Thành Nam”, “Thiên Trường xưa và nay” thuộc chuyên mục “Hành trình Di sản”. Đặc biệt, trong tháng 5-2022, Nam Định vinh dự là tỉnh được chọn đăng cai tổ chức Bảng B môn Bóng đá Nam SEA Games 31. Nhân dịp này, tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch nhằm quảng bá với bạn bè quốc tế hình ảnh mảnh đất, con người Nam Định thân thiện, đoàn kết, nhân ái và mến khách thông qua các hoạt động hưởng ứng, cổ vũ của nhân dân Nam Định tại các trận đấu diễn ra trên Sân vận động Thiên Trường tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè khu vực Đông Nam Á và truyền thông quốc tế. Ngoài ra, thông qua hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nam Định, quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa giữa nhân dân Nam Định với nhân dân các nước, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân ở nước ngoài cũng đạt nhiều kết quả thiết thực(4).
Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27-7-2010, của Ban Bí thư, về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Thông báo Kết luận số 213-TB/TW, ngày 2-1-2009, của Ban Bí thư khóa X, về đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, các cơ sở kinh doanh sản phẩm văn hóa, các dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Thông qua kiểm tra đã góp phần hạn chế những tác động xấu đến đời sống tinh thần lành mạnh của nhân dân, nhất là những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý lễ hội như Lễ hội Khai Ấn Đền Trần.
Xây dựng con người mới phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng con người mới phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tập trung xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập; trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của quê hương, tỉnh đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, tăng cường chỉ đạo việc giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng về thể chất và tâm hồn, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, mừng Đảng - mừng Xuân, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước được tổ chức như: Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định; Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh; Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 01-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó chú trọng việc “làm theo” bằng những việc làm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên. Kết quả bước đầu đã mang lại những chuyển biến về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, toàn tỉnh đã có 611 tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh ở các cấp, các ngành(5). Những điển hình đã có tác dụng nêu gương, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần động viên cộng đồng hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Ngành giáo dục đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, gắn dạy văn hóa với giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh. Với mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh giữ vững thành tích 27 năm liên tục là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Tại các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong 7 năm có 5 năm số điểm trung bình của tỉnh Nam Định đứng đầu toàn quốc, 2 năm đứng thứ hai toàn quốc. Với những kết quả đó, giáo dục tỉnh Nam Định đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng con người mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được trong những năm qua đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang bản sắc quê hương Nam Định và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa nhân loại. Nhiều thuần phong mỹ tục, nếp sinh hoạt truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được khơi dậy và phát triển ở tầm cao hơn, trong đó các giá trị nhân văn được tôn trọng, đề cao trong sự gắn kết giữa mỗi cá nhân với gia đình và xã hội. Đã dần định hình các chuẩn mực xây dựng con người mới phát triển toàn diện phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đồng thời kế thừa các bản sắc văn hóa của quê hương.
Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững
Những thành tựu về xây dựng môi trường văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây đạt 7,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 82% trong cơ cấu kinh tế; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 18%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt những thành tựu nổi bật, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, toàn tỉnh có 93 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế đến nay có 106/204 xã (đạt 52%), thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Hải Hậu tiếp tục được Trung ương chọn là một trong bốn huyện của cả nước xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh(6). Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, xếp hạng khá của cả nước (tăng 16 bậc so với năm 2020). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 16/60 tỉnh, thành phố. Chỉ# số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 1%. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Trên cơ sở những kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU, ngày 14-12-2021, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”. Theo đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 07-NQ/TU tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là cuộc vận động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra và phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Kiên quyết, kiên trì chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, các kết luận, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ba là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị “chân - thiện - mỹ”.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm thu hút sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Năm là, phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao, nhất là thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí; tạo sự chuyển biến rõ rệt về giáo dục thể chất và thể thao trường học; góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ của người dân và nhu cầu giải trí của xã hội. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, bồi dưỡng, hợp tác và đào tạo tài năng thể thao để phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp một cách cơ bản, vững chắc; đóng góp nhân lực có chất lượng cho các hoạt động thi đấu thể thao khu vực và quốc tế.
Sáu là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; tăng cường huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí.
Bảy là, tăng cường công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Triển khai chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế. Triển khai hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”. Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa.
Tám là, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch văn hóa. Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà lưu niệm, nhà truyền thống, các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tăng cường truyền thông trên không gian mạng về các sản phẩm văn hóa, lịch sử đặc trưng, hình ảnh, văn hóa, con người tỉnh Nam Định thân thiện, văn minh, cởi mở, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch.
Từ thực tiễn Nam Định có thể nhận thấy: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Phát huy những kết quả đạt được, Nam Định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, hiệu quả theo tinh thần các quan điểm, định hướng của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về phát triển văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh mạnh mẽ đưa tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước./.
------------------
(1) Trước khi sáp nhập, năm 2021 tỉnh Nam Định có 3.674 thôn, xóm, tổ dân phố
(2) Hát ca trù, nghi lễ Chầu văn của người Việt, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện, Lễ hội đền thờ đức Thánh tổ Tống Xá, Lễ hội Chùa Đại Bi, Lễ hội đền - chùa Linh Quang, Nghề sơn mài Cát Đằng. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
(3) Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định lần thứ VIII (2016 - 2020) đã có 158 tác phẩm ở đủ 7 chuyên ngành thơ, văn xuôi, nghiên cứu - phê bình, âm nhạc và múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu của 113 tác giả, trong đó có 19 tác giả không phải là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; có 64 tác giả đạt giải, trong đó 4 tác giả không phải là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
(4) Tỉnh U Đôm Xay (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản)...
(5) Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh có 27 tập thể, 8 cá nhân tiêu biểu được đề nghị khen thưởng; trong đó 3 tập thể, 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 22 tập thể và cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen
(6) Hoàn thành Dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn I) và đã tổ chức khởi công giai đoạn II; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định... Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 99 nghìn tỷ đồng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng
Nam Định: Những kết quả đạt được sau một năm thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu  (15/08/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay