TCCS - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ  phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Phúc Yên đã đạt được những kết quả tích cực.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 20 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Phúc Yên đã thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ, hội đồng sáng kiến và ban hành quy chế hoạt động; xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết với mục tiêu, giải pháp cụ thể; phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các xã, phường tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thường xuyên củng cố, bố trí cán bộ, công chức phụ trách kiêm nhiệm lĩnh vực khoa học và công nghệ để tham mưu, tổ chức triển khai, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Tăng cường đề xuất, đặt hàng và triển khai nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người dân ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào quản lý, sản xuất và đời sống; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác và sản xuất.

Đến nay, thành phố đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình trồng bí đỏ, khoai tây với tổng diện tích 30ha ở xã Ngọc Thanh, xã Cao Minh; trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính ở phường Nam Viêm, phường Tiền Châu; mô hình dưa lê siêu ngọt, sử dụng giống lúa Hương Thơm mới ở các xã, phường: Cao Minh, Ngọc Thanh, Tiền Châu, Phúc Thắng và Đồng Xuân; mô hình sâm bố chính, trà hoa vàng ở xã Ngọc Thanh; theo dõi và chuyển giao công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính dòng Đương Nghiệp ở xã Cao Minh...

Ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc_Nguồn: baovinhphuc.com.vn

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thành phố đã thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn đều tích cực đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, SA 8000, ISO 14000 nhằm nâng cao năng lực quản lý, năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và tiết kiệm năng lượng. Các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đã tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, ứng dụng thư điện tử công vụ... giúp giảm giấy tờ hành chính, cung cấp thông tin nhanh chóng, đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Để khoa học và công nghệ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 20; đổi mới cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường triển khai các ứng dụng, đề tài khoa học và công nghệ các cấp trong công tác, sản xuất, đời sống; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; bố trí kinh phí chi cho hoạt động khoa học và công nghệ hằng năm; khuyến khích phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai, thực hiện các mô hình, đề tài khoa học và công nghệ mới./.

Linh Đăng (tổng hợp)