Cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh
TCCS - Việc xây dựng, thẩm định và ban hành chính sách tài chính cho kinh tế số là nhiệm vụ quan trọng, góp phần quyết định đến sự thành công trong phát triển kinh tế số ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ở Việt Nam nói chung.
Thực trạng cơ chế, chính sách và nguồn tài chính phát triển kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh
Về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo,... Chương trình chuyển đổi số theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố đã đề xuất mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% tổng sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, 10 ngành được Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên chuyển đổi số, gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực. Mục tiêu phát triển kinh tế số của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 gồm các trụ cột: nhân lực số; công nghệ số, hạ tầng số; thể chế số; kinh tế số trong lĩnh vực tài chính (công nghệ tài chính - Fintech). Dù Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã bước đầu xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số thông qua các chương trình, đề án, nhưng chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực vẫn hạn chế. Trụ cột quan trọng của kinh tế số là nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số của Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển công nghệ số, hạ tầng số còn hạn chế về thể chế và nguồn lực tài chính. Lĩnh vực tài chính cũng gặp nhiều rào cản về vốn và thể chế. Muốn phát triển hạ tầng số cần có nguồn lực tài chính nhưng trong bối cảnh Thành phố chịu nhiều tổn thất do tác động của đại dịch COVID-19 sẽ là một thách thức lớn.
Hiện nay, chính sách tài chính dành cho xây dựng và phát triển kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được ban hành đầy đủ. Địa phương vận dụng quy định chung của Nhà nước, như: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Luật Kế toán năm 2015; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, ngày 30-12-2016, của Chính phủ, “Quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán”; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, ngày 23-8-2016, của Chính phủ, “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí”; Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, Thành phố ban hành các văn bản như Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND, ngày 16-3-2018, của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, “Về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022”; Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2018 (800 tỷ đồng) và những chính sách liên quan khác đang được tiến hành xây dựng.
Về nguồn vốn cho xây dựng kinh tế số
Nhìn chung, nguồn vốn cho xây dựng kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thống nhất, tập trung theo chính sách chung quốc gia, do Chính phủ đang hoàn thiện chính sách này. Điều đó dẫn đến nguồn vốn huy động hạn chế, khó triển khai thành công, trong khi việc xây dựng kinh tế số và các chính sách phát triển kinh tế số cần đến nguồn vốn lớn, minh bạch, rõ ràng. Thành phố hiện nay chủ yếu huy động vốn từ các nguồn: Thứ nhất, từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và vay nợ - thành phố thực hiện thu chi theo cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 và nguồn để lại từ ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển của Thành phố. Nguồn vay nợ bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân Thành phố vay; thứ hai, nguồn ngoài ngân sách nhà nước - vốn xã hội hóa, vốn hợp tác công tư, như: nhượng quyền khai thác (Franchise), thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành (DBFO), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT); xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO), xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO); xây dựng - vận hành - quản lý (BOM); xây dựng - sở hữu - vận hành - chuyển giao (BOOT)... Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh cần đến 1.000.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2030, trong khi nguồn vốn đầu tư phát triển phụ thuộc chủ yếu vào tái chiết khấu từ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, khi tái chiết khấu giảm từ 33% xuống còn 18% vào năm 2017, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển Thành phố. Giai đoạn 2013 - 2019, Thành phố Hồ Chí Minh huy động được khoảng 56.332 tỷ đồng, trong đó 28.700 tỷ đồng từ nguồn thu phát hành trái phiếu, 4.000 tỷ đồng từ nguồn tồn ngân của Kho bạc Nhà nước, vay ODA là 23.431 tỷ đồng. Nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm qua không ngừng tăng, năm 2015 ước đạt 241.632 tỷ đồng, đến năm 2016 tăng 7,94%, năm 2017 tăng 19,04%, năm 2018 tăng 17,09%, đến năm 2019 tăng 10,28%, tổng giá trị đầu tư của năm 2019 ước đạt 400.905 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước chiếm tỷ trọng thấp dần qua các năm, năm 2015 chiếm 23,4%, đến năm 2019 đạt 13,4%. Vốn khu vực ngoài nhà nước có tỷ trọng tăng dần từ 76,6% năm 2015 lên 86,6% năm 2019. Nguồn vốn cần đến cho các dự án kinh tế số rất lớn, vì vậy, Nhà nước cần đầu tư kích cầu ở giai đoạn đầu, cùng với đó là việc hoàn thiện chính sách tài chính phù hợp để huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau cho xây dựng và phát triển kinh tế số trong dài hạn là hết sức cần thiết.
Một số hạn chế về cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ nhất, thiếu chính sách, hướng dẫn về mô hình chung để triển khai phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nói chung sử dụng vốn ngân sách nhà nước áp dụng theo khoản 3 Điều 6 và khoản 3 Điều 52, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, ngày 5-9-2019, của Chính phủ, “Quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước” chỉ dừng lại ở cấp độ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, trong khi các dự án cho kinh tế số cần đến nguồn vốn rất lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh và nhiều bên tham gia, cần vận hành cả thị trường tài chính, huy động vốn đầu tư từ cả khu vực tư nhân.
Thứ hai, hình thức hợp tác công - tư được quy định theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, ngày 4-5-2018, của Chính phủ, “Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, bộc lộ không ít những hạn chế, như khung pháp lý về đối tác công - tư chưa rõ ràng, giữa các văn bản pháp luật hiện hành còn chồng chéo, như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số… Quản lý đối với các dự án hợp tác công - tư còn thiếu chặt chẽ từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát. Hoạt động giám sát có nơi chưa thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ, dễ xảy ra sai sót ở các khâu triển khai, gây thất thoát trong quá trình thi công dự án. Phân chia lợi ích giữa Nhà nước và khu vực tư nhân cần có cơ chế rõ ràng, cụ thể đối với từng loại hình dự án, xác định chi tiết chi phí và rủi ro. Triển khai kinh tế số cần văn bản hướng dẫn cụ thể về danh mục kêu gọi đầu tư chi tiết ưu tiên, cho từng hạng mục, bảo đảm hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia. Phát triển kinh tế khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, phát triển công nghiệp số cũng còn nhiều hạn chế, cần ban hành chính sách thúc đẩy phát triển, thảo gỡ điểm nghẽn và chính sách đủ mạnh thu hút khu vực tư nhân, trong đó ban hành lộ trình chung, đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số.
Thứ ba, khung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, chính sách tài chính, tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân về phát triển công nghệ thông tin, nội dung số, phát triển nhân lực công nghệ thông tin, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh số hóa, chính sách chuyển đổi các thành phần kinh tế hộ gia đình sang doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hóa, doanh nghiệp khai thác thông tin số phục vụ kinh doanh trực tuyến, chính sách thúc đẩy các hoạt động mua bán thông tin số hóa không ảnh hưởng an ninh quốc gia, chính sách bảo mật thông tin an ninh quốc gia… cần được nhanh chóng xây dựng, ban hành. Cùng với đó là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách thúc đẩy hình thành thị trường tài chính cho kinh tế số để vận hành ổn định; có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tài chính, quỹ đầu tư, liên kết quỹ đầu tư trong, ngoài nước, hình thành trung tâm tài chính toàn cầu mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số khuyến nghị bổ sung, điều chỉnh chính sách tài chính cho phát triển kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển kinh tế số của Thành phố Hồ Chí Minh. Chú trọng tiếp cận toàn diện xây dựng, hình thành và thúc đẩy phát triển thị trường tài chính, bao gồm hình thành và triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ cho kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích cho hoạt động đầu tư, hoạt động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang kinh tế số; rà soát toàn diện để xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, như thương mại điện tử, logistis, thẩm định giá, bán đấu giá trực tuyến, cầm cố, thế chấp trực tuyến, mua bán thông tin số hóa trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thu thuế trực tuyến… Các chính sách tài chính cho hoạt động đầu tư công bảo đảm theo chủ trương hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế đầu tư tài chính, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức đầu tư vào tất cả các lĩnh vực kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh, như: hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin thông minh, chính sách khai thác kinh doanh nội dung thông tin số và thí điểm hình thành tập đoàn nội dung số…
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế số theo hướng phân cấp hợp lý, chịu trách nhiệm trong thẩm quyền quyết định về tài chính cho các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư kinh tế số ở các địa phương, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển toàn diện hệ sinh thái tài chính quốc gia, bao gồm: phát triển các định chế tài chính, mô hình tài chính, công cụ tài chính, thúc đẩy liên kết và kiểm soát chặt chẽ các chủ thể khác trong hệ sinh thái tài chính kinh tế số. Ban hành các chính sách thúc đẩy kết nối, hợp tác, thiết lập mạng lưới tài chính toàn cầu nhằm tạo ra liên kết thúc đẩy tìm kiếm cơ hội cho các chủ thể tham gia đầu tư vào kinh tế số ở Việt Nam. Ban hành cơ chế, chính sách hình thành trung tâm kết nối tài chính toàn cầu tại Việt Nam, hình thành ủy ban thúc đẩy phát triển tài chính kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phân loại quy mô, tiêu chuẩn, đánh giá chất lượng, rủi ro, hoạt động đầu tư, quy mô đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng thông minh, các dịch vụ thông minh liên quan đến kinh tế số. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển hệ sinh thái kinh tế số Việt Nam, thu hút tài chính dài hạn từ các tổ chức đặc biệt, chẳng hạn như “Quỹ hưu trí”, các loại quỹ giữ lại không chia của doanh nghiệp, tạo ra khuôn khổ chính sách tài chính thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Rà soát, ban hành chính sách về tài chính, tín dụng đối với các loại hình kinh tế số, như việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng bằng các loại tiền và các ngoại tệ tự do chuyển đổi… ứng dụng công nghệ thanh toán thông minh, tiền số hóa, chính sách đối với di sản văn hóa tích hợp dự án kinh tế số gắn với thu hút khách tham quan du lịch…
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, ngày 4-5-2018, của Chính phủ. Rà soát, bổ sung về đầu tư theo đối tác công - tư, nhằm giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế số. Kiến nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá để điều chỉnh Nghị định này nhằm đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư cho phát triển kinh tế số, bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý rõ ràng, chi tiết đối với đầu tư theo hình thức đối tác công - tư nói chung và cụ thể trong từng lĩnh vực của phát triển kinh tế số nói riêng. Điều chỉnh các quan hệ, điều kiện của quan hệ đối tác, cam kết trách nhiệm xã hội, cơ chế giải quyết rủi ro, thiếu hụt nguồn vốn, cơ chế ưu đãi thu hút tham gia lĩnh vực sáng tạo, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, giải quyết xung đột, xác định cơ chế trọng tài, cơ chế lựa chọn dự án, can thiệp hiệu quả về mặt pháp lý nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xác định các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ trong các lĩnh vực của kinh tế số. Đổi mới cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, theo dõi trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư.
Hai là, hoàn thiện chính sách để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư tài chính cho kinh tế số nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân. Hoàn thiện chính sách, công cụ tài chính cho phát triển các lĩnh vực, ngành kinh tế số, giảm thiểu rủi ro nghiên cứu công nghệ sáng tạo kinh tế số Việt Nam, giảm tổn thất trong hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế số. Hoàn thiện cơ chế bảo lãnh cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án chuyển đổi số. Hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro vận hành, phát triển thị trường đối với các dự án đầu tư quan trọng vào kinh tế số, như thúc chuyển đổi mô hình kinh doanh, hạ tầng công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số, công nghiệp phần mềm và quy hoạch mạng lưới sản xuất hàng hóa và dịch vụ ứng dụng chuỗi cung ứng số hóa...
Ba là, giảm gánh nặng tài chính và tạo động lực cho quá trình hiện đại hóa. Hoàn thiện chính sách tài chính cho phát triển quỹ, trung tâm nghiên cứu phát triển đủ mạnh cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo phát triển kinh tế số. Khuyến khích xã hội hóa, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng phát triển kinh tế số trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua công cụ trái phiếu kho bạc; khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp để gây quỹ cho kinh tế số phát triển; triển khai linh hoạt các công cụ tài chính vận dụng qua bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số ở các nước có nền kinh tế, khoa học - công nghệ thông tin phát triển.
Bốn là, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính và các mô hình tài chính cho kinh tế số. Dựa theo kinh nghiệm của các nước, Việt Nam cần xây dựng và phát triển các mô hình tài chính cho kinh tế số để thu hút vốn từ xã hội, như: 1- Mô hình nguồn vốn và các loại tài chính cơ bản (tài chính trực tiếp, tài chính trung gian, các định chế tài chính tham gia khác); 2- Các công cụ nợ cao cấp (tài trợ bằng nợ đề cập đến việc mua lại vốn bằng cách đi vay, các khoản cho vay, cấu trúc bảo lãnh phổ biến); 3- Nợ thứ cấp và tài trợ bấp bênh; 4- Vốn chủ sở hữu; 5- Cơ chế tài chính công; 6- Chuyển mô hình từ cấp vốn công sang mô hình hợp đồng theo hình thức đối tác công - tư; 7- Mô hình nhu cầu đầu tư cho các dự án kinh tế số; 8- Mô hình đầu tư mới nhấn mạnh vai trò quan trọng của các bên liên quan; 9- Cơ quan chứng nhận; 10- Các cơ quan bảo lãnh; 11- Mô hình các cơ chế tài trợ mới; 12- Mô hình tài chính và triển khai các sáng kiến kinh tế số; 13- Tài trợ dự án kinh tế số; 14- Trái phiếu kinh tế số; 15- Sở hữu cổ phần chênh lệch; 16- Hợp đồng hiệu suất năng lượng để tiết kiệm năng lượng; 17- Tài trợ cộng đồng; 18- Trợ cấp công dựa trên thu lợi tích cực lan tỏa; 19- Nuôi dưỡng và bổ sung nguồn thu từ thuế tài sản từ 2 căn nhà trở lên; 20- Quản lý nợ và sử dụng nợ công hiệu quả.
Năm là, bổ sung thêm các công cụ tài chính để thu hút vốn từ khu vực tư nhân và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng, mục tiêu của tài chính toàn diện. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thực hiện các dự án có nhiều rủi ro, như, thiếu tài chính cho các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều khiển, robot, công nghệ thông minh chuyển đổi số và kiểm soát, điều khiển tự động, chuyển đổi mô hình kinh doanh số, chuyển đổi loại hình kinh doanh từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn số hóa, các mô hình kinh doanh do thiếu hiểu biết về các cơ hội thị trường. Do đó, các công cụ tài chính cụ thể để thúc đẩy tài chính tư nhân đầu tư kinh tế số, như: đồng cấp vốn - để giảm nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và do đó giảm các tổn thất tiềm ẩn; hỗ trợ cổ phần - cung cấp vốn thông qua cổ phần cho các nhà đầu tư phát triển tư nhân; bảo lãnh cho các ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân - bảo lãnh các dự án thua lỗ đầu tiên cho khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, gồm: 1- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 2- Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; 3- Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chuyển đổi mô hình kinh doanh số.
Sáu là, hình thành cơ chế, chính sách khuyến khích tài chính cho hình thành các tập đoàn kinh tế số mạnh, với đa dạng hình thức sở hữu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hộ gia đình sang doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh./.
Phát triển kinh tế số: động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
Để nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sớm phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19  (25/05/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại lễ Phật đản tại Thành phố Hồ Chí Minh  (14/05/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (12/05/2022)
Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI  (28/04/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay