TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điểu chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, đồng thời làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng Sáu.

Ban hành các quyết định về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố

Ngày 30-4-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký các quyết định về việc Việt Nam chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Phó Thủ tướng ký Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.

Mục tiêu của kế hoạch là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam trong năm 2019.

Nội dung kế hoạch hành động gồm nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; Hợp tác trong nước; Các sản phẩm tài chính toàn diện; Hợp tác quốc tế.

Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 474/QĐ-TTg nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền về các hành động được giao tại Kế hoạch này...

Các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền về các hành động được giao tại Kế hoạch này; phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; định kỳ trước ngày 10 tháng 3, tháng 9 và tháng 11 hằng năm tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các hành động được giao tại Kế hoạch này. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký Quyết định 475/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Kế hoạch đặt mục tiêu tổng quát là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); đồng thời bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn trong nước; đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; đáp ứng được các yêu cầu của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia, công nhận; chuẩn bị sẵn sàng cho vòng đánh giá đa phương về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố lần thứ 2 của APG đối với Việt Nam diễn ra vào quý IV năm 2019.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền về các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tổng thể này. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ Công Thương lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện quy định giá bán điện

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập 3 Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Đoàn kiểm tra gồm đại diện các các quan như: Bộ Tài chính, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực làm Trưởng đoàn.

Theo đó, Đoàn sẽ kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện cũng như công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua; tình hình thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện, sử dụng điện cho khách hàng. Đối tượng được kiểm tra bao gồm các Tổng công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Thời gian kiểm tra từ ngày 08-5 đến ngày 10-5-2019.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điểu chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, đồng thời làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng Sáu.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác hải sản IUU).

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017, Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16-01-2018, Công điện số 1275/CĐ-TTg ngày 19-9-2018 và của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan khác.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để sớm bố trí kinh phí thực hiện Dự án thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 11333/VPCP-NN ngày 21-11-2018.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017, có biện pháp xử lý nghiêm đối với địa phương tiếp tục tái diễn các vụ việc tàu cá và ngư dân vi phạm.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực nâng cao công tác phòng, chống khai thác IUU, đạt hiệu quả, tiến tới sớm chấm dứt tình trạng khai thác IUU tại địa phương; chủ động tập trung chuẩn bị tốt, đầy đủ các công việc, nội dung liên quan để làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (dự kiến vào tháng 5-2019) đạt hiệu quả.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai công tác phòng, chống khai thác IUU tại địa phương, tình hình, kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu sang Việt Nam tại địa phương, tác động tiêu cực đến nỗ lực chung tháo gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của toàn quốc.

Lỗ hổng bảo mật của SAP là hồi chuông cảnh báo cho doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia an ninh mạng, các doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn cấp rà soát, cập nhật phần mềm vá lỗ hổng sau sự cố bảo mật của SAP để tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Như VietnamPlus đưa tin, có tới 50.000 công ty hiện đang sử dụng phần mềm kinh doanh SAP có nguy cơ bị hacker tấn công mạng. Theo dữ liệu do công ty bảo mật Onapsis tổng hợp, 90% các hệ thống SAP bị ảnh hưởng chưa được bảo vệ đúng cách, hacker khai thác những lỗ hồng có thể đánh cắp bất cứ thứ gì có trong hệ thống máy tính.

Phần mềm SAP là sản phẩm được ưa chuộng, có hơn 90% trong số 2.000 công ty hàng đầu thế giới đang sử dụng phần mềm này cho việc quản lý mọi quy trình doanh nghiệp của mình từ bảng lương nhân viên đến phân phối sản phẩm và công đoạn sản xuất công nghiệp.

Tại Việt Nam, theo thống kê không đầy đủ có hàng trăm doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm SAP, trong đó có những tên tuổi lớn được các đơn vị cung cấp giải pháp liệt kê trên website của mình như: Công ty TNHH LG Vina, Công ty TNHH Lotteria, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Acecook, Big C, Metro, Thiên Long, Biti's, LICOGI 16,...

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV cho biết, việc tồn tại các lỗ hổng trên các phần mềm như SAP không thể tránh khỏi. Khi sự cố xảy ra sẽ có một cuộc chạy đua giữa người sử dụng, nhà cung cấp với những hacker trong việc vá và khai thác lỗ hổng. Ông Tuấn Anh khuyến cáo những đơn vị có sử dụng các giải pháp của SAP cần nhanh chóng liên hệ với bên cung cấp để cập nhật các bản vá lỗi ngay lập tức.

Fed giữ nguyên lãi suất và sẽ 'án binh bất động' trong thời gian tới


Chiều 01-5 theo giờ địa phương (rạng sáng 02-5 theo giờ Việt Nam), sau khi kết thúc cuộc họp trong hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5%.

Thông điệp từ cơ quan này ngụ ý sẽ không thể tăng hay giảm lãi suất trong thời gian tới, trước những tín hiệu về sự hồi phục “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới này song tỷ lệ lạm phát trong nước lại thấp một cách bất thường.

Thông báo của Fed cho hay tỷ lệ lạm phát trong nước vẫn chỉ đang ở mức khoảng 1,5% và vẫn chưa tăng lên được mức mục tiêu 2%. Thông báo này có thể làm dấy lên những dự đoán về lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo của Fed với khả năng sẽ là cắt giảm lãi suất, cho dù động thái này diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy vậy, tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã từ chối đưa ra “manh mối” về bất kỳ động thái cắt giảm lãi suất nào có thể diễn ra trong thời gian tới.

Ông Powell cho rằng tỷ lệ lạm phát quá thấp hiện nay của Mỹ có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn hay không thể hiện đầy đủ về tình trạng giá cả gia tăng trong thực tế.

Trước đó, theo báo cáo công bố ngày 29-4 của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng ở nước này trong tháng Ba vừa qua đã tăng mạnh nhất trong chín năm rưỡi trở lại đây. Chi tiêu tiêu dùng, đóng góp trên 2/3 hoạt động của nền kinh tế Mỹ, tăng 0,9% trong tháng Ba, do nguyên nhân các gia đình mua xe có động cơ nhiều hơn, đồng thời các dịch vụ y tế cũng đã tăng chi cao hơn dự báo trước đó.

Trong tháng Hai, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,1% còn số liệu của tháng Một được điều chỉnh từ mức tăng 0,1% lên 0,3%. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,7% trong tháng Ba, trong khi không thay đổi trong tháng Hai. Số liệu này được tính đến trong báo cáo về GDP quý I-2019 vừa được công bố.

Việc chi tiêu tiêu dùng thực tế tăng mạnh trong tháng Ba cho thấy có thể có sự gia tăng trong quý II-2019. Chi tiêu tiêu dùng trong quý 1/2019 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Chính phủ Mỹ công bố số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,2% trong quý I-2019, số liệu tốt nhất của quý I trong bốn năm qua và cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1% đưa ra hồi đầu năm./.