Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến 26-8-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:31, ngày 28-08-2018

TCCSĐT - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ngày 21-8 cho biết kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới và hỗ trợ ổn định mức nợ chính phủ.

Thủ tướng ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng

Trong hai ngày 24 và 25-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về 10 nội dung quan trọng. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng. Đây là Nghị quyết mà trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về lĩnh vực này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã yêu cầu các bộ, ngành, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa nghị định với thông tư trong các khâu: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng, bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Trước đó, dự thảo Nghị quyết đã được gửi các thành viên Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế, cho rằng việc tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cần tốt hơn nữa, trên tinh thần công khai, minh bạch, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Sau khi ban hành nghị quyết, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngay việc thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về nghị quyết, tránh tình trạng có người không đọc, không biết, “cứ lấy nghị quyết cũ để nói chuyện mới”. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết này.

Cũng tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo về việc đầu tư xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và về mô hình quản lý, khai thác cảng biển.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và đầu tư khu vực này phải bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cảng nước sâu Lạch Huyện là điều kiện thu hút thế giới đầu tư vào Hải Phòng.

Đây không chỉ là cảng của Hải Phòng mà cho cả khu vực miền Bắc. Phải quan tâm đến phát huy nguồn lực trong nước trong đầu tư vào đây cũng như cần triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng quá tải, đã có chủ trương mà mãi không triển khai. Việc xây dựng cảng cần quan tâm đến cả giao thông đối ngoại, kết nối cảng. Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, cùng thành phố Hải Phòng rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Về mô hình ban quản lý cảng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu, vận dụng tốt nhất luật pháp (Luật Hàng hải) với tinh thần là không phát sinh bộ máy mới, biên chế mới, kết hợp được các chức năng, nhiệm vụ phù hợp để làm sao phát huy hiệu quả của cảng.

Theo quy hoạch, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 thông qua lượng hàng từ 109-114 triệu tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 178,5-210 triệu tấn/năm. Riêng container dự kiến đạt khoảng 5,84-6,2 triệu TEU/năm vào năm 2020, 11,2-12,5 triệu TEU/năm vào năm 2030. Khu bến cảng Lạch Huyện phát triển thành khu cảng hiện đại, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, thảo luận về các nội dung khác như việc việc lập thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đi qua 2 tỉnh trở lên; đường nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên; các nội dung liên quan đến đầu tư của Samsung; một số nội dung trong lĩnh vực tín dụng, đầu tư, thủy điện, đấu thầu.

Tăng trưởng của Việt Nam hỗ trợ ổn định mức nợ chính phủ


Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ngày 21-8 cho biết kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới và hỗ trợ ổn định mức nợ chính phủ.

Theo Moody’s, mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam. Tuy vậy, những rủi ro trong hệ thống ngân hàng, tình trạng dễ biến động phá vỡ chu kỳ ổn định của thị trường tài chính vẫn là một rào cản đối với việc lan tỏa sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Các kết luận của Moody's bao gồm báo cáo mới công bố "Chính phủ Việt Nam: Câu hỏi thường gặp (FAQ) về triển vọng tăng trưởng, thương mại và nợ chính phủ”.

Báo cáo của Moody's cho hay đầu tư là nhân tố đóng góp chính cho mức tăng trưởng 6%/năm trong một thập niên qua của kinh tế Việt Nam, song năng suất lao động sẽ ngày càng thúc đẩy mức tăng trưởng chủ đạo khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang chuỗi giá trị cao hơn và vai trò của khu vực tư nhân gia tăng.

Những cải thiện về sức cạnh tranh nói trên, cùng với một sự kết hợp các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình của Việt Nam ở mức 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay).

Trong khi đó, những tác động của tình trạng xung đột thương mại giữa Mỹ (có mức xếp hạng Aaa với triển vọng ổn định) và Trung Quốc (A1, ổn định) có thể tác động bất lợi đối với Việt Nam nếu mức thuế quan mà hai nước này áp dụng được mở rộng sang các sản phẩm có trong chuỗi cung cấp về điện thoại di động - mà Việt Nam đang tập trung sản xuất - hay ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác mà Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ như Hàn Quốc (Aa2, ổn định).

Với mức nợ chính phủ của Việt Nam hiện tương đương 52% GDP nhìn chung khá phù hợp với mức nợ chính phủ trung bình khoảng 50% GDP đối với một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba.

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa mạnh mẽ sẽ ổn định nợ chính phủ của Việt Nam ở mức trên. Ngoài ra, cơ cấu nợ của Việt Nam đã được cải thiện, với việc kéo dài thời gian đáo hạn và giảm tỷ trọng nợ vay ngoại tệ đang giúp Việt Nam hạn chế mức độ ảnh hưởng của các "cú sốc" tài chính bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước.

Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh quyết tâm chống lại các cuộc tấn công kinh tế


Ngày 25-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng cam kết và quyết tâm của người Thổ Nhĩ Kỳ là sự bảo đảm cần thiết để chống lại các cuộc tấn công nhằm vào nền kinh tế nước này. Đây là phát biểu đầu tiên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng tiền tệ đang xảy ra ở nước này trong những ngày qua.

Trong tuyên bố nhân dịp kỷ niệm Trận chiến Manzikert năm 1071, Tổng thống Erdogan nêu rõ, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hiện phải giải quyết các cuộc tấn công vào nền kinh tế nước này, sự bảo đảm lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là cam kết và quyết tâm của mỗi người dân nhằm "gìn giữ độc lập, quốc gia và tương lai".

Ông Erdogan đồng thời khẳng định không ai có thể ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đạt được các mục tiêu cho năm 2023, 2053 và 2071 mà nước này đề ra.

Trước đó, ngày 20-8, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh và năng lực để vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ mà ông cho là nhằm khiến "Thổ Nhĩ Kỳ và người dân nước này phải đầu hàng". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc việc đồng lira giảm giá là do các tổ chức tài chính và xếp hạng tín nhiệm phương Tây.

Từ đầu năm đến nay, giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD đã giảm khoảng 40% do căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Ankara.

Quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xấu đi nghiêm trọng kể từ sau những tranh cãi liên quan vụ mục sư Andrew Brunson người Mỹ bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc khủng bố và gián điệp.

Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư Brunson, đồng thời ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu nhằm trả đũa Ankara, một động thái khiến đồng lira "rơi tự do".

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp trả thông qua các lệnh trừng phạt đối với các hàng hóa của Mỹ. Hiện căng thẳng giữa hai bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngành chăn nuôi ở châu Âu 'đau đầu' vì hạn hán hiếm thấy


Đợt hạn hán hiếm thấy trong lịch sử tại miền Bắc châu Âu đang đe dọa tới ngành chăn nuôi gia súc tại đây. Nông dân đang đứng trước nguy cơ phải từ bỏ sản xuất khi nắng nóng kéo dài khiến cỏ khô, nguồn thức ăn gia súc chính, trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Tại Thụy Điển, cháy rừng kéo dài trên diện rộng kèm theo nhiệt độ cao khiến thu hoạch ngũ cốc dự báo sẽ giảm khoảng 30%.

Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển cho biết phần lớn nông dân tại nước này đã phải sử dụng tới nguồn dự trữ thức ăn chăn nuôi gia súc cho mùa Đông để qua đợt hạn hán này.

Tương tự, theo thông tin từ giới chức Đức, có khoảng 4% nông trại của nước này đang trong diện nguy cơ cao. Tại khu vực Hạ Saxony, còn được gọi là "vựa cỏ khô" của Đức, thu hoạch cỏ khô dự kiến sẽ giảm hơn 40% so với các năm khác.

Tại Hà Lan, Hiệp hội Nông nghiệp nước này ước tính thiếu hụt nguồn lương thực cho gia súc sẽ vào khoảng 40-60%.

Ủy ban Phát triển nông nghiệp Anh (ADHB) cũng thông báo khu vực nông thôn nước Anh đang trải qua đợt hạn hán chưa từng có trong suốt 80 năm qua. Tình trạng thiếu cỏ khô đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng sữa.

Trong khi đó, nông dân nước Pháp từ tháng 7 và tháng 8 đang phải "đau đầu" với đợt nắng nóng cao điểm. Nhiều khu vực đã thông báo sẽ không có vụ thu hoạch cỏ khô thứ 2 trong năm nay.

Để ứng phó với tình trạng thiếu thức ăn gia súc, nông dân tại nhiều nơi đã phải trộn rơm với cỏ khô trong khi giới chức Pháp cảnh báo tình trạng tăng giá sản phẩm dùng làm thức ăn chăn nuôi. Các nông trại sản xuất bơ sữa bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.

Theo Hiệp hội sữa châu Âu, tổ chức quy tụ hơn 100.000 chủ nông trại sản xuất bơ sữa, hiện nông dân chỉ có thể bán tối đa 30-33 cent/lít sữa, trong khi chi phí sản xuất là 40-45 cent/lít.

Trước tình hình trên, nhiều nông dân châu Âu đã buộc phải lựa chọn đưa gia súc đi mổ thịt sớm hơn thông lệ. Tại Anh, số gia súc bị đưa tới lò mổ tăng 18% trong tháng 7, phần lớn trong đó là bò sữa.

Tại Đức, con số gia tăng này là 10% tính trong 2 tuần đầu tháng 7, buộc chính phủ phải mở gói hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân. Chính phủ Thụy Điển cũng đã cam kết một gói hỗ trợ trị giá 1,2 tỷ kronor (khoảng 135 triệu USD) cho nông dân. Ủy ban châu Âu cũng đã cam kết một số chương trình hỗ trợ nông dân như đẩy nhanh giải ngân tài chính và cho phép thu hoạch cỏ khô từ các khu đất hoang.

Dù vậy, giới nông dân châu Âu vẫn không mấy lạc quan. Nhiều ý kiến cho rằng bất chấp các nỗ lực từ chính phủ, nhiều nông dân vẫn sẽ lựa chọn từ bỏ hoạt động chăn nuôi tại nông trại do khó khăn.

Mỹ - Trung không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thương mại

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới về thương mại trong các ngày 22 và 23-8 mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Trong khi đó, căng thẳng thương mại song phương tiếp tục leo thang sau khi hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters thông báo Mỹ - Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đàm phán và trao đổi quan điểm về cách thức đạt được sự thẳng thắn, cân bằng và có đi có lại trong mối quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận việc giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc ở Trung Quốc, trong đó có các chính sách chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Bà Walters cho biết các quan chức Mỹ tham gia đàm phán sẽ báo cáo cụ thể với những người đứng đầu các bộ, ngành liên quan về cuộc đàm phán.

Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh việc áp thuế mới nhất đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD lẫn nhau không gây ảnh hưởng đến vòng đàm phán, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu.

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ đầu tháng Sáu nhằm tìm lối thoát cho căng thẳng thương mại và tăng thuế nhập khẩu.

Việc Mỹ và Trung Quốc không đạt được kết quả tích cực trong vòng đàm phán này đã được dự báo. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không kỳ vọng nhiều vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên này, đồng thời nhận định giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ để bù đắp lại số tiền thuế phải trả cho Mỹ, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có biện pháp đối phó.

Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về vòng đàm phán này. Trước đó, ngày 23-7, Washington quyết định áp thêm mức thuế nhập khẩu 25% đối với khối lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá 16 tỷ USD, chính thức hoàn tất kế hoạch áp thuế đối với khối hàng hóa tổng trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

Phản ứng trước động thái trên, Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp đáp trả tương xứng đối với khối lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 16 tỷ USD, đồng thời đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới vụ việc này.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%./.