Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến 20-5-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
21:09, ngày 23-05-2018

TCCSĐT - Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu chi nhánh ngân hàng nhà nước tại các tỉnh thành phối phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra và phát hiện thanh toán chui bằng ngoại tệ.


Ngân hàng Nhà nước trả lời về 3 ngân hàng 0 đồng, sổ tiết kiệm bốc hơi

Trước phản ánh của cử tri về “trách nhiệm trong việc mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng của 3 ngân hàng là Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng để Ngân hàng Nhà nước gánh nợ”, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã xác định được các ngân hàng yếu kém, trong đó có 3 ngân hàng là Xây dựng, Dầu khí toàn cầu và Đại Dương.

Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cơ cấu lại, tuy nhiên, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu không đề xuất được phương án cơ cấu lại khả thi; Ngân hàng Xây dựng và Đại Dương không thực hiện được phương án đã được phê duyệt, thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong khi đó, các phương án xử lý pháp nhân đối với các ngân hàng yếu kém này đều không khả thi (không bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn của cả 3 ngân hàng; không thực hiện được phương án phá sản do thời điểm đó chưa có chủ trương cho phá sản ngân hàng, nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội lớn, nguy cơ tác động rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng thương mại khác rất lớn, khó kiểm soát).

Trước tình hình trên, phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn, nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền; bảo đảm quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Liên quan đến sổ tiết kiệm bỗng dưng bị "bốc hơi" tại OceanBank, Eximbank Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất. Chính vì vậy, công tác thanh tra, giám sát bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng, trong đó có các hoạt động huy động tiền gửi, thanh toán, thẻ... luôn được ngành ngân hàng coi là nhiệm trọng tâm thường xuyên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Hằng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đã có dấu hiệu giảm so với trước cả về số vụ, số thiệt hại và số vụ việc lớn, nghiêm trọng. Hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng điều tra gần đây đều xảy ra từ các năm trước nay mới được phát hiện, số vụ mới phát sinh xảy ra ít hơn.

Đối với các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người gửi như trường hợp Oceanbank Hải Phòng, ngay sau khi có các thông tin liên quan đến các vụ việc phát sinh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và xử lý các hành vi vi phạm, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra/kiểm tra làm rõ, xác minh thông tin các vụ việc xảy ra; phối hợp với cơ quan điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền...

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa những vụ việc sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền nói riêng và bảo đảm an ninh, an toàn, hoạt động ngân hàng nói chung.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới: trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 31-5 Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Thanh tra trên cả nước hành vi thanh toán chui bằng ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu chi nhánh ngân hàng nhà nước tại các tỉnh thành phối phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra và phát hiện thanh toán chui bằng ngoại tệ.

Nguyên nhân của tình trạng này là là do thời gian gần đây tại Hạ Long (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 200.000 Nhân dân tệ, tương đương 700 triệu đồng đã được chuyển thẳng ra nước ngoài qua máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng (POS) mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam. Số tiền này đã được đưa trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Trung ương vừa ký công văn gửi tất cả các chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố để phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời các hành vi phạm.

"Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến lĩnh vực thanh toán mà còn mua bán hàng hóa,… nên cần có sự vào cuộc của các bộ ngành chức năng như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông,"ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, các hành vi thanh toán trái phép toán chui bằng ngoại tệ sẽ bị xử phạt từ 50-100 triệu đồng.

Trung Quốc và Mỹ đạt đồng thuận từ bỏ chiến tranh thương mại

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại và rút lại các lời đe dọa áp thuế. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hai nước kết thúc vòng đàm phán thứ hai nhằm giải quyết những bất đồng thương mại gây căng thẳng trong thời gian qua.

Tân Hoa xã ngày 20-5 dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc tới Washington trong tuần qua, cho hay: "Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau".

Trong khi đó, tại Washington dẫn tuyên bố chung của hai nước cho biết Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD. Tuy nhiên, tuyên bố trên không nêu chi tiết con số mà Trung Quốc đưa ra.

Tuyên bố chung nêu rõ “Hai bên đã đạt được sự đồng thuận đối với các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc cũng như nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ".

Theo tuyên bố chung, hai nước sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động".

Trước đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết Trung Quốc đã đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm giảm mạnh thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc mua từ Mỹ vào năm ngoái là 130 tỷ USD, Trung Quốc khó có thể đạt được con số trên nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Trump đề ra trước vòng đàm phán đầu tiên diễn hai tuần trước ở Bắc kinh.

Trong thời gian qua, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng khi hai nước liên tục đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau liên quan đến mức thuế quan áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của hai nước.

Những diễn biến căng thẳng trong quan hệ thương mại này làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại không chỉ gây nên những tổn thất nặng nề cho cả hai bên mà còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.

Kinh tế Nga tăng 1,3%, vượt mức dự báo của chính phủ đưa ra


Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) ngày 16-5 cho hay trong quý I vừa qua, nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 1,1% được Chính phủ Nga đưa ra trước đó.

Kinh tế Nga đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2017 sau hai năm rơi vào suy thoái. Song mức tăng 1,5% năm ngoái được cho là mờ nhạt so với mức tăng trưởng trên 7% nhờ giá dầu tăng trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào các năm 2000 - 2008.

Tổng thống Putin đặt mục tiêu nền kinh tế Nga tăng cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế toàn cầu, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán là 3,9% trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5-2% hằng năm từ nay đến năm 2020, trừ phi các cải cách mang tính cấu trúc được tiến hành.

Hiện nền kinh tế Nga đang dựa chủ yếu vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bán vũ khí. Moskva đang nỗ lực tìm kiếm phương thức cải thiện cấu trúc của nền kinh tế./.