Dư luận quốc tế sau vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria
Liên quân Mỹ, Anh, Pháp không kích nhiều mục tiêu ở Syria
Trong những ngày qua, Tổng thống Trump đã có cuộc họp khẩn cấp với nhóm cố vấn an ninh cấp cao bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo để đánh giá tình hình và thảo luận các phương án liên quan đến vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn tại Douma. Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria là "một hành động leo thang". Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của Mỹ rằng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là không đúng sự thật và vụ việc tại Douma là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 14-4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Trump thông báo đã ra lệnh không kích vào Syria như một biện pháp đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học mà Washington cho rằng chính quyền Damascus là chủ mưu. Cụ thể, người đứng đầu Nhà Trắng đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của Mỹ tiến hành các cuộc "không kích chính xác" vào các mục tiêu được cho là "có liên hệ với các cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Ông tuyên bố bước đi này của Mỹ là nhằm cái gọi là "ngăn cản việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết đợt không kích đầu tiên tại Syria đã kết thúc. Hiện Mỹ chưa có kế hoạch tiến hành thêm các vụ tấn công tại Syria.
Tướng Dunford cho hay Mỹ đã sử dụng các máy bay có người lái trong chiến dịch tấn công. Theo ông, Mỹ không báo trước cho phía Nga trước khi bắt đầu chiến dịch này. Tuy nhiên, Washington đã sử dụng các kênh giảm căng thẳng thông thường liên quan đến vấn đề không phận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ sử dụng gấp đôi số vũ khí trong cuộc không kích lần này so với năm 2017.
Ngay sau cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May về cuộc không kích nhằm vào Syria do 3 nước tiến hành.
Theo Nhà Trắng, ông Trump và ông Macron đã tái khẳng định trong cuộc điện đàm rằng cuộc không kích đã diễn ra thành công và có vai trò quan trọng trong việc ngăn Syria sử dụng thêm vũ khí hóa học. Hai bên cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc khôi phục các nỗ lực bình ổn của đa quốc gia tại Syria nhằm đảm bảo việc đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong dài hạn.
Tổng thống Trump đã cảm ơn Thủ tướng May vì sự hỗ trợ trong các cuộc không kích. Hai bên nhấn mạnh rằng cuộc không kích tại Syria nhằm phản ứng với vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta vào ngày 07-4 vừa qua là "thành công và cần thiết".
Bình luận trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nhận định cuộc không kích trong đêm đã được tiến hành "hoàn hảo". Ông nhấn mạnh: "Không thể có một kết quả tốt hơn. Sứ mệnh đã hoàn thành!".
Tại cuộc họp báo đang diễn ra, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cuộc không kích đã nhắm trúng các mục tiêu ở Syria. Tuy nhiên, bộ trên cũng khẳng định Washington không tìm kiếm một cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này mà đây là thông điệp gửi tới chính quyền Syria về vấn đề vũ khí hóa học. Lầu Năm Góc cũng tuyên bố vụ tấn công này sẽ khiến chương trình vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này thụt lùi nhiều năm.
Sự hoài nghi về tính hợp pháp
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công của liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã vấp phải sự hoài nghi về tính hợp pháp do thiếu bằng chứng có thể chứng minh rằng Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học (diễn ra ngay khi các thanh sát viên về vũ khí hóa học vừa đến Syria để xác minh). Nhiều nước phương Tây như Đức, Hà Lan, Italia tuyên bố không tham gia hành động tấn công Syria cùng với Mỹ. Cuộc tấn công cũng không có sự phê chuẩn của Liên hợp quốc và bị nhiều quốc gia, trong đó Syria, Nga và Iran chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ quan ngại về hành động quân sự nói trên của Mỹ, Anh, Pháp và kêu gọi tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế về vấn đề này.
Ngay trong nội bộ các nước tham gia tấn công cũng có không ít tiếng nói phẩn đối.
Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ yêu cầu chính phủ vạch ra tầm nhìn chiến lược tỉ mỉ nếu định tiến hành thêm một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn nhằm vào quốc gia Trung Đông này và cần phải được Quốc hội thông qua.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi nêu rõ theo quy định kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 về việc điều động các lực lượng quân sự Mỹ phải được Quốc hội cho phép thông qua các lệnh cho phép điều động (AUMF). Vì vậy, bà cảnh báo Tổng thống Trump cần phải vạch ra một kế hoạch cụ thể và phải trình lên trước Quốc hội nếu định tiến hành thêm bất kỳ một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn nào khác nhằm vào Syria. Bà này khẳng định "một đêm không kích không thể thay thế được một kế hoạch cụ thể", tổng thống phải ra trước Quốc hội với một kế hoạch có mục tiêu và động cơ rõ ràng để có được AUMF.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine thì cho rằng các cuộc không kích theo lệnh của Tổng thống Trump là "phạm pháp", đồng thời kêu gọi Quốc hội đặt ra những giới hạn rõ ràng trước khi một cuộc chiến nổ ra không chỉ với Syria mà còn với các quốc gia khác mà tổng thống đang không mấy "hài lòng" như Triều Tiên và Iran.
Trong khi đó, Nghị sĩ Eric Swalwel cũng nhắc lại các cuộc không kích mà Tổng thống Trump đã ra lệnh tiến hành nhằm vào một căn cứ không quân của Syria hồi năm ngoái mà không cần ý kiến từ Quốc hội. Việc các cuộc không kích này không giúp làm thay đổi tình hình tại Syria cho thấy chính phủ đang thiếu những chiến lược đúng đắn và ràng buộc các quốc gia Trung Đông cùng tham gia tháo gỡ cuộc khủng hoảng.
Tại Paris, phần lớn các phe phái chính trị từ cực tả đến cực hữu đối lập ở Pháp đều đã lên tiếng phản đối sự tham gia của nước này vào cuộc không kích Syria mà không thông qua Liên hợp quốc.
Ông Bruno Retailleau - Chủ tịch nhóm nghị sỹ đảng Cộng Hòa trong Thượng viện đã tuyên bố Pháp “không có bằng chứng" về việc chính quyền Syria gây ra vụ tấn công hóa học ở Douma, và nhấn mạnh rằng "thêm cuộc chiến vào chiến tranh không bao giờ đem lại hòa bình".
Về phần mình, ông Julien Aubert, nghị sỹ đảng Những người Cộng Hòa cho rằng cuộc biểu dương lực lượng này “có nguy cơ nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố” với ý tưởng “phương Tây là thù địch với thế giới Arập”. Theo ông, cuộc tấn công này làm suy yếu đường lối ngoại giao của Pháp. Ông khẳng định, quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron là một sai lầm, đồng thời nhấn mạnh rằng những bài học của quá khứ và những thất bại của Pháp ở Trung Đông “dường như đã bị lãng quên”. Ông cũng đánh giá, với việc bắn tên lửa vào một quốc gia có chủ quyền mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp đã "không đúng về mặt pháp luật" và "phá hủy hệ thống pháp luật" của Liên hợp quốc.
Syria kịch liệt lên án
Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja'afari ngày 14-4 đã mạnh mẽ lên án các cuộc không kích do Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp tiến hành vào sáng cùng ngày tại 3 địa điểm mà Washington cho là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Bashar Ja'afari cho rằng "Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại". Ông Bashar Ja'afari bày tỏ "sự ghê tởm" trước các vụ không kích chung của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào nước này. Thậm chí ông Bashar Ja'afari nhấn mạnh rằng nếu Mỹ biết chính xác những vị trí nào tại Syria là đang chế tạo vũ khí hóa học, Mỹ nên thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để tiến hành thanh sát các cơ sở tình nghi đó, thay vì việc ném bom. Ông nói: "Nếu họ biết rõ vị trí tình nghi là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học, tại sao họ không chia sẻ thông tin với OPCW trước khi tấn công đất nước chúng tôi". Đề cập đến quận Barzeh ở thủ đô Damascus đã trở thành mục tiêu của vụ tấn công, ông Bashar Ja'afari khẳng định rằng tòa nhà này đã được OPCW thanh sát 2 lần trong năm 2017 và không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về khí hóa học cũng như không phát hiện thấy dụng cụ nào có thể được chế tạo thành vũ khí hóa học.
Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia một mặt ủng hộ quan điểm của Syria, một mặt cho rằng Mỹ và các đồng minh đã tiếp tục chứng minh họ không tôn trọng luật pháp quốc tế khi tiến hành cuộc tấn công mà chưa có bằng chứng cụ thể.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí cùng ngày, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo việc Mỹ không kích Syria là hành động xâm lược trực tiếp và lôi kéo thế giới vào chiến tranh.
Chủ tịch Volodin nêu rõ: "Việc Mỹ không kích Syria, một quốc gia có chủ quyền là hành động nằm ngoài các khuôn khổ chuẩn mực luật pháp quốc tế. Hành động này đồng nghĩa với xâm lược. Và lôi kéo các nước châu Âu tham gia hành động xâm lược sẽ không dẫn đến bất cứ kết cục tốt đẹp nào. Mỹ đang lôi kéo thế giới vào chiến tranh. Cần phải ngăn chặn hành động này của Washington." Ông Volodin cảnh báo không phải lần đầu tiên thế giới đối mặt với việc Mỹ hành động phớt lờ Liên hợp quốc và hậu quả của nó ảnh hưởng một cách tiêu cực đến nỗ lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và rốt cục tác động mạnh mẽ tới không chỉ nhân dân Syria, mà còn một số quốc gia khác, trước hết là châu Âu.
Trước tình hình tại Syria, Tổng Cục trưởng Tổng Cục tác chiến Bộ Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Sergei Rudskoi tuyên bố Moskva có thể quay lại xem xét vấn đề cung cấp các hệ thống tên lửa cao xạ S - 300 cho Syria sau khi bị liên quân do Mỹ đứng đầu không kích. Phát biểu với báo giới, Thượng tướng Rudscoi cho biết mấy năm trước sau khi cân nhắc đề nghị khẩn thiết của một số đối tác phương Tây Nga đã từ chối cung S - 300 cho Syria. Tuy nhiên, với những gì vừa xảy ra rất có thể Nga sẽ quay lại xem xét vấn đề này. Theo Thượng tướng Rudscoi, trong năm rưỡi qua, Nga đã khôi phục hoàn toàn hệ thống phòng không của Syria, chủ yếu được sản xuất thời Liên Xô, và đang hoạt động hiệu quả.
Nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại, kêu gọi thúc đẩy giải pháp chính trị
Với tư cách là Chủ tịch
luân phiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chính phủ Peru đã
bày tỏ lo ngại về cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh nhằm vào
Syria, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh một cuộc
xung đột leo thang có thể đe dọa hòa bình thế giới.
Thông cáo của Bộ
Ngoại giao Peru nhấn mạnh bất kỳ biện pháp đáp trả nào đối với việc sử
dụng vũ khí hóa học cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ
ủng hộ việc cử một phái đoàn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học tới Syria để
điều tra vụ việc một cách minh bạch. Peru cũng cho rằng Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc cần phải thiết lập một cơ chế giúp xác định và truy cứu
trách nhiệm những bên sử dụng vũ khí hóa học. Chính phủ Peru thông báo
đang cùng với các nước tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung
đột ở Syria, cũng như bảo vệ dân thường trên cơ sở Hiến chương Liên hợp
quốc và luật pháp quốc tế.
Ngày 14-4, Malaysia bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành động tấn công quân sự vào Syria của Mỹ, Pháp và Anh, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa. Ngoài việc khẳng định sẽ không có giải pháp quân sự nào có thể chấm dứt được xung đột, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Malaysia kêu gọi tất cả các bên cùng tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đàm phán và đối thoại.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở Syria. Phát biểu với báo giới, bà cho biết Indonesia đã liên tục theo dõi tình hình tại Syria, vì hiện có hàng ngàn người Indonesia sống ở đất nước này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh tất cả các bên cần tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc về hòa bình và an ninh quốc tế.
Ngày 14-4, Ai Cập đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang quân sự mới nhất tại Syria, cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự an toàn của người dân Syria và đe dọa những nhận thức chung đạt được về các vùng giảm căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này hoàn toàn phản đối việc sử dụng bất kỳ vũ khí bị cấm nào trên lãnh thổ Syria, đồng thời yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế minh bạch. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh, cộng động quốc tế cần phải thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria và phải giúp đảm bảo tiếp cận nhân đạo tới những nạn nhân đang bị mắc kẹt và bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang.
Tại Bolivia, Tổng thống Evo Morales đã lên án mạnh mẽ hành động tấn công quân sự của Mỹ, Anh và Pháp, kêu gọi Washington chấm dứt việc sát hại những người vô tội ở Syria.
Về phần mình, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes cũng bày tỏ lo ngại việc leo thang các hành động quân sự tại Syria, đồng thời khẳng định Brazil luôn bảo vệ một giải pháp thương lượng đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Ông Nunes cũng hy vọng phái đoàn của OPCW sẽ sớm có những kết luận điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria./.
Phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến mới hiện nay ở Syria  (15/04/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm dịp 30-4  (15/04/2018)
Australia: Các nước thành viên khó xem xét đàm phán lại CPTPP  (15/04/2018)
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều Tiên: Cơ hội cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên  (15/04/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên