Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017

Tin, ảnh: Đoàn Hiền
22:40, ngày 29-09-2017

TCCSĐT - Sáng 29-9-2017, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo.

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017. Theo đó, kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ nét qua từng quý. Các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và vốn đầu tư nước ngoài đạt khá. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 và có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ: Công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chững lại. Tiến độ thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống một bộ phân dân cư.

Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01-01-2017, của Chính phủ, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 02-6-2017, của Thủ tướng Chính phủ, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cùng các giải pháp được đề ra nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được trong 9 tháng đầu năm như sau:

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,50%; khu vực dịch vụ chiếm 42,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,17%.

Xét về góc độ sử dụng GDP trong 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,30% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 9,80%, đóng góp 4,78 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,13 điểm phần trăm.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4%. Nếu tính cả 1.241,3 nghìn tỷ đồng của hơn 27,5 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng là 2.144 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 886,5 nghìn người, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2017 tăng 0,59% so với tháng trước; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 9-2017 tăng 1,83% so với tháng 12-2016 và tăng 3,40% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 9-2017 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Chỉ số giá sản xuất

Tính chung 9 tháng năm 2017, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2016; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 0,44%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 0,61%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 2,12%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 3,76%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2017 tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2016; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm nay tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2016.

Thiệt hại do thiên tai

Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, thiên tai làm 169 người chết và mất tích, 232 người bị thương; tổng giá trị thiệt hại vật chất do thiên tai gây ra trong 9 tháng ước tính gần 21,5 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương bị thiệt hại nhiều là Quảng Bình; Hà Tĩnh; Nghệ An; Quảng Trị; Yên Bái, Sơn La. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai từ đầu năm đến nay đạt trên 551 tỷ đồng.

Đặc biệt vào giữa tháng 9 vừa qua, cơn bão số 10 (được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Theo báo cáo sơ bộ, cơn bão số 10 đã làm 11 người chết và 81 người bị thương; giá trị thiệt hại về vật chất ước tính hơn 16 nghìn tỷ đồng./.