TCCSĐT - Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Tây Ban Nha, hàng nghìn người vẫn đổ xuống các tuyến đường ở thành phố Barcelona đòi tiến hành trưng cầu ý dân về nền độc lập của Catalunya vào ngày 01-10-2017. Các nhà phân tích cho rằng động thái này có nguy cơ khích lệ trào lưu ly khai lãnh thổ để tìm lợi ích riêng ở châu Âu.

Kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp

Ngày 28-9, cảnh sát Tây Ban Nha đã thu giữ hơn 6 triệu lá phiếu và phong bì cùng một trăm hòm phiếu ở Catalunya. Hiện các trang web quảng bá trưng cầu ý dân đã bị đóng cửa. Hàng nghìn cảnh sát được triển khai tại các điểm bỏ phiếu để ngăn chặn người dân tiếp cận những khu vực này. Đây là một trong những động thái mới nhất của chính quyền trung ương Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng lãnh thổ ở Đông Bắc nước này, vốn được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 01-10 tới. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha khẳng định, cuộc trưng cầu ý dân tại Catalunya là vi hiến, do đó chính quyền trung ương phải ngăn chặn sự kiện này bằng mọi cách.

Tổng công tố Tây Ban Nha Jose Manuel Maza đang để ngỏ khả năng phát lệnh bắt giữ Thủ hiến Catalunya - ông Carles Puigdemont, với cáo buộc không tuân thủ luật dân sự, lạm dụng chức vụ và sử dụng sai công quỹ để thúc đẩy công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân về độc lập. Ông M. Maza cũng cho biết giới lãnh đạo vùng Catalunya sẽ bị truy tố vì các kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân và toàn bộ hồ sơ, giấy tờ hoặc phương tiện chuẩn bị cho hoạt động bất hợp pháp này sẽ bị thu giữ.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Tây Ban Nha M. Rajoy đã kêu gọi lãnh đạo vùng Catalunya hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập, do đây là hành động vi phạm luật pháp Tây Ban Nha. Phát biểu trên truyền hình ngày 20-9, Thủ tướng M. Rajoy khẳng định “vẫn còn thời gian” để tránh làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời cho rằng “cuộc trưng cầu dân ý này là một sự ảo tưởng”. Ông M. Rajoy cũng hối thúc các chính trị gia vùng Catalunya chấm dứt các hành động khiến tình hình leo thang căng thẳng.

Lời kêu gọi trên của Thủ tướng M. Rajoy được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người vẫn đổ xuống các tuyến đường ở thành phố Barcelona, đòi tiến hành trưng cầu ý dân về nền độc lập của Catalunya vào ngày 01-10 tới, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Madrid và phán quyết của tòa án rằng cuộc trưng cầu này là vi phạm hiến pháp.

Trước đó, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ 13 thành viên bộ máy chính quyền vùng Catalunya, trong đó có Tổng thư ký phụ trách vấn đề kinh tế Josep Maria Jove và một phụ tá của Phó thủ hiến vùng Catalunya Oriol Junqueras. Tuy chưa công bố nguyên nhân bắt giữ nhưng giới chức quốc gia cảnh báo những người tham gia vào quá trình chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân mà chính quyền trung ương cho là bất hợp pháp đều có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ dân sự của Tây Ban Nha đã lục soát một số trụ sở của chính quyền vùng Catalunya tại thành phố Barcelona, thu giữ nhiều tài liệu liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân.

Thủ hiến Catalunya Carlos Puigdemont cho rằng những biện pháp mà chính quyền trung ương đang áp dụng tại vùng lãnh thổ này là việc làm “áp đặt tình trạng khẩn cấp” một cách không chính thức. Hàng trăm người cầm theo cờ hiệu của Catalunya cũng đã tụ tập bên ngoài văn phòng của ông Josep Maria Jove tại trung tâm Barcelona để phản đối lệnh bắt giữ. Trong khi đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 28-9 cho thấy có sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của người dân Catalunya về việc tách hay không tách vùng này khỏi Tây Ban Nha. Có 44,9% số người được hỏi ủng hộ độc lập, trong khi tỷ lệ phản đối là 45,1%. Đa phần những người được hỏi đều mong muốn cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn kiên quyết phản đối, cho rằng hiến pháp quy định tính thống nhất của nước này là “không thể phá vỡ” và chỉ chính quyền trung ương mới có thẩm quyền kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về các vấn đề quốc gia đại sự.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu xu hướng ly khai thắng thế sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng như tạo thành hiệu ứng tự xưng độc lập, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Vì vậy, số phận vùng Catalunya không chỉ khiến “bàn cờ” chính trị Tây Ban Nha trở nên đầy phức tạp và nguy hiểm mà còn là mối quan ngại của cả châu Âu trong bối cảnh Lục địa già đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.

Vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu

Catalunya vốn là vùng đất giữa Tây Ban Nha và Pháp và vùng này đã thuộc về Tây Ban Nha vào năm 1.500 trước Công nguyên. Với dân số 7,5 triệu người và nền kinh tế năng động bên bờ Địa Trung Hải, Catalunya, vùng đất Đông Bắc Tây Ban Nha này có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm. Ở Tây Ban Nha, Catalunya là một trong những vùng phát triển nhất, đóng góp tới 1/5 GDP. Về mặt hệ thống, Catalunya rất quan trọng với nền kinh tế Tây Ban Nha, trong khi Tây Ban Nha lại rất quan trọng với nền kinh tế châu Âu.

Vùng Catalunya có nền văn hóa, ngôn ngữ riêng và được hưởng nhiều quyền tự quyết trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội nên từ lâu đã nuôi ý định tách ra thành một nhà nước độc lập. Năm 2006, Catalunya từng có bước đi nhằm giành được quyền tự trị nhiều hơn khi đàm phán với chính quyền Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là một “quốc gia”. Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết bác đòi hỏi này, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.

Trong những năm qua, ý định tách ra độc lập càng được thôi thúc mạnh mẽ khi vùng Catalunya phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, mà nguyên nhân một phần là do những quyết sách điều hành nền kinh tế suy thoái của chính quyền Tây Ban Nha. Người dân vùng Catalunya cảm thấy bất công khi nhận ngân sách không tương xứng với tiền thuế đóng góp và vùng này còn phải chia sẻ gánh nợ với các khu vực hoạt động yếu kém của Tây Ban Nha trong khi lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương. Thậm chí, nhiều người Catalunya tin rằng họ có thể xây dựng một nền kinh tế phát triển hơn sau khi độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, tham vọng tách khỏi Tây Ban Nha của người dân Catalunya đã không nhận được sự đồng ý của chính quyền Tây Ban Nha. Cuối năm 2014, vùng Catalunya từng lên kế hoạch tổ chức một cuộc thăm dò ý dân chính thức về nguyện vọng độc lập của người dân vùng này. Do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Chính phủ Tây Ban Nha và đặc biệt là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha yêu cầu phải đình chỉ kế hoạch này, người đứng đầu vùng Catalunya Artur Mas đã buộc phải chuyển cuộc trưng cầu ý dân thành một cuộc thăm dò không mang tính bắt buộc. Kết quả sơ bộ của cuộc thăm dò này cho thấy, hơn 80% trong số 2,2 triệu người tham gia bỏ phiếu đã đồng ý để Catalunya độc lập khỏi Tây Ban Nha. Đây chính là cơ sở để ông Mas tiếp tục theo đuổi tham vọng ly khai.

Tiếp đó, ngày 27-9-2015, toàn bộ các đảng chủ trương đòi độc lập, cánh tả và cánh hữu, lần đầu tiên giành được đa số (47,6%) ở Nghị viện vùng Catalunya. Ngày 09-11, Nghị viện Catalunya thông qua nghị quyết khởi động tiến trình thiết thành lập “Nhà nước Catalunya độc lập” chậm nhất là vào năm 2017. Ngày 10-01-2016, Carlos Puigdemont, một người có chủ trương độc lập, trở thành Thủ hiến Catalunya. Tháng 6-2017, Thủ hiến Catalunya Puigdemont thông báo tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập vào ngày 01-10 tới bất chấp lệnh cấm của chính quyền Tây Ban Nha. Ngày 06-9, với 72 phiếu thuận, 60 phiếu chống và 3 phiếu trắng, cơ quan lập pháp vùng Catalunya đã nhất trí thông qua một dự luật gây tranh cãi, mở đường cho việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng này vào ngày 01-10. Động thái trên bị chính phủ Tây Ban Nha kịch liệt phản đối và Tòa án Hiến pháp ra phán quyết vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu của cơ quan lập pháp vùng Catalunya./.